Yếu tố minh triết trong văn phong nói và viết của Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận


YẾU TỐ MINH TRIẾT TRONG VĂN PHONG NÓI VÀ VIẾT
CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN
                                 
  1. Dẫn nhập
Hôm nay, Hội thảo khoa học về Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân lễ tưởng niệm lần thứ 20 ngày viên tịch của Ngài được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, vùng đất từng là kinh đô của Việt Nam ở thế kỷ X, và hiện nay, với tiềm năng và nhiều danh lam thắng cảnh đa dạng nên thơ, địa phương này được ví như một Việt Nam thu nhỏ, bảy xã vùng ven biển và biển đảo Kim Sơn với những giá trị đa dạng sinh học nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tổ đình Kim Liên (chùa Đồng Đắc) lại mang ý nghĩa thiêng liêng do gắn liền với tên tuổi của những danh tăng, điển hình là Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Hơn thế nữa, danh lam Đồng Đắc lại ngự trên một mảnh đất lịch sử mang hồn thiêng sông núi bởi người lấn biển lập huyện Kim Sơn cách đây 2 thế kỷ chính là Nguyễn Công Trứ, một vị quan văn võ song toàn thời cận đại mang nếp sống thanh bần nhưng phóng khoáng, hiên ngang đầy uy dũng với câu thơ đầy hào khí: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Huyện Kim Sơn còn là nơi mà yếu tố minh triết của Phật giáo tự nhiên đi vào đời sống người dân nơi đây. 
Những lý do rất đặc trưng nêu trên đã tác động và thôi thúc chúng tôi mạnh dạn tỏ bày một đôi điều tâm huyết của những người con Phật đang sống trên dải đất Miền Nam với tâm thành kính hướng về chốn tổ Đồng Đắc thiêng liêng, và đặc biệt là trong tinh thần khoa học hôm nay: Hội thảo về Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Mỗi trang sử về cuộc đời Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận luôn tỏa ngời minh quang trí tuệ, thơm ngát hương sen giới đức và sự viên mãn Bồ tát hạnh. Ngài đã đem đến cho cuộc đời những giá trị tinh thần cao cả, làm an lạc cho chúng sinh, làm rạng ngời đạo Phật. Ngài là tấm gương của đức độ tu hành, giới luật tinh nghiêm, là thuyền Bát Nhã đưa Phật giáo Việt Nam bước qua lịch sử và làm nên lịch sử. Tuy đã viên tịch 20 năm, nhưng lịch sử vẫn còn đây công hạnh của Ngài, một vị chân tu thạc đức làm sáng ngời truyền thống Phật giáo Việt Nam.
  1. Một vài yếu tố minh triết của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận
2.1. Sự thông tuệ từ trong yếu tố truyền thống gia đình
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho phong, nếp nhà thanh bạch, lấy sự giáo dục đạo đức nhân nghĩa trung hiếu làm nền tảng. Thuở ấu thơ, Ngài thường theo cha lên chùa Đồng Đắc nghe kinh, một nề nếp tốt làm tăng trưởng căn tính thiện đức sẵn có trong tâm thức, đúng như nhận định của Trần quốc Vượng, điều này đã trở thành “truyền thống gia đình mà cũng là truyền thống văn hoá Việt Nam”. Sau bao năm tháng đầu học chuyên tu với chư vị tiền bối tổ sư, Ngài trở thành một bậc tùng lâm thạch trụ, uyên thâm Phật và Nho với đạo phong minh triết, thanh cao, giản dị nên nhiếp phục được mọi tầng lớp quần chúng nhân dân và Phật tử. Chính từ yếu tố xuất thân của Ngài đã sáng lên yếu tố minh triết bởi tính chất văn hóa và dân tộc. Đúng như quan điểm của Hà Văn Thùy: “Minh triết là tinh chất bền vững của tâm hồn và trí tuệ dân tộc kết lắng trong chiều sâu nhất của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và có sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc”.
2.2. Nét đặc sắc trong đạo nghiệp
Điểm sáng ngời trong đạo nghiệp của Ngài là thời gian tu học ở Tổ đình Bằng - Sở. Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, từ khi Ngài còn rất trẻ, nhưng chí tu học đã kiên cố, nhận thức về chính đạo đã sắc bén và thâm sâu. Nhận thấy thực trạng mê tín dị đoan có tính truyền thống là một trở ngại rất lớn cho Phật tử Việt Nam, nên bằng tất cả khả năng, Ngài quyết định khởi xướng việc bài trừ mê tín. Tất nhiên, Ngài đã phải đối phó với tư tưởng dị đồng của chính những người bạn đồng môn, nhất là của một số Phật tử có dính dáng ít nhiều với các đền, các phủ.
Hơn nữa, trong những năm đất nước đang có chiến tranh, ở Miền Bắc có cuộc vận động “Thực hiện nếp sống mới”, nhận thấy cuộc vận động này là thiết thực và đúng với tinh thần giáo lý nhà Phật,nên Ngài đã cùng với Ban Thường trực Trung ương Hội Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở Miền Bắc) soạn thảo một chương trình "Cải tiến lễ nghi tôn giáo”, phổ biến, quán triệt đến các cấp của hội, xuống tới cơ sở các chùa để thực hiện. Đồng thời, Ngài cùng với các vị trong Ban Thường trực Trung ương và Ban Nghi lễ của hội soạn thảo ra các thời khóa tụng niệm bằng tiếng Việt, thay vì bằng chữ Hán vẫn dùng trước đây. Những sớ sách như: Sớ Cầu an, Sớ Cầu siêu, Điệp Quy y… được Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam soạn bằng Quốc ngữ và phát hành rộng rãi.
Nhìn lại những giai đoạn ấy, việc hướng dẫn Phật tử sống và tu đúng chính pháp có thể gọi là “cuộc cách mạng”. Bởi vì vấn đề mê tín dị đoan đã ăn quá sâu vào đời sống của đa số tầng lớp nhân dân. Nhưng kể từ đó, quần chúng Phật tử đã bắt đầu biết phân biệt giữa chính tín và mê tín. Ngài là người đã thắp lên ngọn đuốc sáng ngời giữa tăm tối, vô minh. Hiện nay, theo chương trình hoạt động của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm “phát huy tư tưởng tinh tuý và trong sáng trong nền giáo lý đạo Phật, chỉnh đốn các sinh hoạt tín ngưỡng trong tòng lâm tự viện, nghi lễ trang nghiêm, bài trừ các tập quán mê tín dị đoan”. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Đại lão Hòa thượng đã dấn thân hoằng pháp vào phương diện này. Có thể chính yếu tố minh triết này làm cho chùa Đồng Đắc đã tồn tại và phát triển vững chãi. Hơn thế nữa, “tính Phật trong veo dường tuyết nguyệt” ấy đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của Phật tử nơi đây.
2.3. Chú trọng đến sự nghiệp giáo dục Phật giáo
Trong các hoạt động Phật sự, bên cạnh trách nhiệm gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc trong chính pháp, việc đầu tiên Ngài đặc biệt quan tâm là vấn đề giáo dục Tăng ni và Phật tử. Đến trụ trì chùa nào, Ngài cũng mở ngay lớp dạy Phật pháp và giới luật. Tâm nguyện của Ngài là phổ cập giáo dục Phật học qua trường lớp, đạo tràng Phật tử, hội Phật giáo,… thậm chí qua từng câu chuyện lúc có dịp gặp gỡ các cơ quan chính phủ, các đoàn khách quốc tế hay Tăng ni và Phật tử. Những bài học Ngài đã để lại cho đời thật đơn giản, dễ hiểu mà sâu sắc có thể ứng dụng ngay trong đời sống để được an lạc.
 Ni trưởng Huệ Giác, Quan Âm tu viện ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai kể lại, một lần hội đủ duyên cùng 8 vị ni đi ra Bắc viếng thăm Ngài năm 1982 tại chùa Hòe Nhai. Đoàn được diện kiến Ngài một lần nhưng đã nhận xét “Ngài rất đức độ và chân phương lắm”.
Sau khi đảnh lễ, Hòa thượng Pháp chủ cho phép chư ni ngồi xung quanh và sách tấn việc tinh chuyên tu tập, hành trì giới luật. Lúc đó, Ngài chỉ vào tượng vua đời Hậu Lê hàng ngày, hàng giờ phủ phục, và trên lưng là tượng Phật Thích Ca mà kể câu chuyện vua Lê Hy Tông kỳ thị Phật giáo, ban sắc lệnh đuổi hết sư sãi lên rừng. Hòa thượng Tông Diễn (Tổ Cua), một danh tăng lỗi lạc của Kinh thành Thăng Long thời đó, đã giáo hóa vua Lê Hy Tông bằng cách kính dâng vua viên ngọc và ví đạo Phật như viên ngọc quý giá ấy. Triều chính thời nào mà biết ứng dụng đạo Phật thì non sống, xã tắc hưng thịnh, vững bền. Sau khi tỉnh ngộ, nhà vua hết sức ăn năn, tự nguyện làm một bức tượng vua phủ phục dưới Phật để thể hiện sự sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng. Đây là bức tượng độc đáo duy nhất nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nhân đó, Ngài dạy pháp sám hối cần được Tăng ni và Phật tử thực hiện thường xuyên để tăng trưởng đạo đức thiện lành của người con Phật.
Những Phật tử về chùa Quảng Bá công quả làm cỏ có phúc duyên được nghe Ngài dạy: “Đã phát tâm nhổ cỏ, làm đâu phải cho sạch đấy, lấy nẹm đào sâu, nhổ hết gốc rễ, khi làm xong phải niệm Phật, hồi hướng cho các giun dế bị chết. Sống phải biết yêu thương nhau theo tinh thần tam luân không tịch… Phải tin sâu sắc luật nhân quả, vui lòng trả báo, không kêu ca phàn nàn. Gặp các tai nạn bất thường xảy ra phải chăm niệm Phật hoặc Bồ tát Quán Thế Âm, rồi chí thành sám hối, lĩnh nhận các báo chướng. Tự mình đêm ngày phải hồi quang phản chiếu, soi tỏ các nghiệp ác, xấu xa làm khổ người, báo hại đến bản thân và mọi loài khác. Đối trước Tam Bảo từ nay nguyện tiêu diệt các mầm giống, tức là chủng tử tập khí, cho tới ngày cỏ sạch hết, không mọc lên được mới thôi…”.
2.4. Minh triết trong văn phong nói và viết
Cách nói và viết của Hòa thượng Đức Nhuận là đại diện cho minh triết Phương Đông “tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời như những câu nói của Pitagore, Khổng Tử, Lão Tử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni… Phương pháp của tư duy minh triết “là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận, phân tích, thường sống cái minh triết hơn là nghĩ đến viết ra sách vở”.  “Không phải ngoài cõi nhân sinh mà ngay trong đời sống, trong lối cư xử, trong cử chỉ, lời nói và việc làm” như Hoàng Ngọc Hiến nhận định: “Tinh thần chủ đạo của minh triết là “xây dựng” bằng “sự cảm hóa lòng người”.
Một điều đặc biệt là ở các vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Tâm Tịch, và hiện nay là Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đều có những cách sống minh triết tuyệt vời. Minh triết của các Ngài là mật hạnh và khiêm cung, khi tiếp xúc thì ít lời,thậm chí không lời, nhưng trí tuệ Bát Nhã sống động: “Đạo không phải là lời nói, lời nói chẳng phải Đạo”. Chính các vị cao tăng thạc đức Việt Nam đã thể hiện viên dung nhất.
Như vậy, minh triết của một vị chân tu như Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận chính là một nếp sống cao đẹp được kết tinh từ sự tu tập Tam vô lậu học, luôn ứng xử với tâm từ bi, trí tuệ.
Văn phong nói và viết của Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ thể hiện trí tuệ sắc bén, sự tinh tế trong từng câu, từng chữ, rất súc tích, sáng tỏ, gần gũi và giản dị. Hầu hết huấn từ của Ngài để lại cho hậu thế đều có số lượng dưới 500 từ, chỉ có bài di chúc để lại cho đời là 669 từ. Ngay cả lời đề nghị của Ngài trước khi được suy tôn ngôi vị Pháp chủ cũng chỉ 404 từ mà thôi. Không có những lời chúc tụng, không có những lời ca ngợi suông, hay những lời xã giao tối thiểu nhất. Thay vào đó là nguyện vọng chung của Tăng ni và Phật tử đề đạt trực tiếp lên Chính phủ, trân trọng đề nghị Đại hội chấp thuận 3 điểm: Một là, được phép thiết lập trường Đại học Phật giáo trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi tỉnh được phép thành lập một Phật học viện. Hai là, tu sĩ Phật giáo được phép chính thức cư trú tại các tự viện để hành đạo và kế thế. Ba là, tín đồ Phật giáo từ thành thị đến nông thôn được tự do đi chùa lễ Phật và nghe giảng Phật pháp.
“Mấy nguyện vọng tối thiểu và chính đáng trên, nếu được đại hội chấp thuận, Chính phủ cho phép, thì tôi mới dám nhận chức vụ mà Đại hội đã có nhã ý đề cử, bằng không thì tôi xin phép được từ chối chức vụ này. Vì tôi nghĩ rằng: nếu không đáp ứng được nguyện vọng của Tăng ni và Phật tử thì tôi e rằng không làm tròn trách nhiệm của mình đối với Phật giáo. Vậy mong Đại hội thể tất cho…Chúc Đại hội thành công tốt đẹp”.
Lời lẽ không một chút hoa mỹ như chính cuộc đời chân tu mật hạnh của Ngài. Đơn giản, rõ ràng, súc tích mà cũng rất thuyết phục và thật sự đã thuyết phục được Trung ương Chính phủ cho đến toàn thể đại hội ở mức độ cao nhất.
Trong hoàn cảnh hiện nay, nhắc lại ba đề nghị của Đức Đệ nhất Pháp chủ trên thiết tưởng chẳng có gì đặc sắc, bởi đó là việc tất nhiên của chính sách tự do tôn giáo của nước ta. Nhưng hồi tưởng lại những đặc điểm của tình hình chính trị, xã hội thời bấy giờ, ba đề nghị của Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ đề đạt ngắn gọn và đơn sơ ấy nhưng là cả một đường lối tu tập và sinh hoạt tín ngưỡng cho toàn thể Tăng ni và Phật tử Việt Nam.
Đơn cử như nguyện vọng thành lập ba trường Đại học Phật giáo trên cả ba miền mới thấy Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ cực kỳ trí tuệ. Bởi muốn thành lập một trường đại học, trước hết các địa phương phải có các lớp sơ cấp Phật học, các trường Trung cấp Phật học và Cao đẳng Phật học… Sau khi tốt nghiệp những trường này, Tăng ni sinh mới có thể tiếp tục được thi tuyển vào Đại học Phật giáo. Do vậy, một dòng thỉnh nguyện chỉ có mấy mươi từ mà bao gồm cả một hệ thống phổ cập giáo dục Phật giáo trong cả nước. Hai yêu cầu kế tiếp, Ngài rất quan tâm đến đội ngũ kế thừa. Bởi vì, phải có Tăng ni và Phật tử tu học thì Thiền môn mới hưng thịnh, Phật pháp mới trường tồn. Quả thật không còn lời yêu cầu nào chính đáng hơn thế nữa!
Sức thuyết phục của Đức Đệ nhất Pháp chủ còn thể hiện ở yếu tố sẵn sàng từ chối nhiệm vụ nếu đại hội không hứa thực hiện ba yêu cầu đã nêu. Không có sự hứa hẹn hoặc xem xét sau mà “ba vấn đề này xin được ghi vào Nghị quyết Đại hội”. Cho đến hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn theo kim chỉ nam ấy, vẫn nhất tâm hoà hợp xây dựng ngôi nhà Giáo hội phát triển như tâm nguyện Ngài hằng mong ước.
  1. Kết luận
Đại lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam sự hiện thân của minh triết trong cuộc đời, sự nghiệp và cả văn phong nói và viết: đơn giản, rõ ràng, sâu sắc, ngắn gọn, đầy đủ tinh túy của Phật pháp. “Lời ít, ý nhiều” nhưng lập trường quan điểm luôn sáng tỏ.
  Trí tuệ và lòng từ bi như Ngài không phải ai cũng có. Sự minh triết trong đời sống của Đức Đệ nhất Pháp chủ không phải một sớm một chiều có thể làm theo được, mà việc gì cũng phải là một quá trình khổ luyện. Qua tham luận này, bài học rút ra cho thế hệ tăng ni trẻ ở Việt Nam hiện nay là:
- Minh triết trong đời sống là sự thực tập “tri hành hợp nhất”.
- Sứ mạng hoằng pháp trong thời hiện đại cần phải có pháp khí trí tuệ để giáo dục chuyển hóa. Không mượn hai chữ “nhập thế” để phóng túng, buông lung hay chữ “tùy duyên” để tùng theo thế sự bằng các hình thức mê tín dị đoan, làm trở ngại bước tiến tâm linh của Tăng ni và Phật tử chân chính.
- Không để chủ nghĩa hình thức phát triển, “hoành tráng” nhưng không phong phú nội dung, nhất là trong các đại hội, hội nghị, hội thảo của Phật giáo.
- Học tập theo tấm gương minh triết của Đức Đệ nhất Pháp chủ, thế hệ Tăng ni trẻ cần tập nói, tập viết ngắn gọn, súc tích mà có kết quả, không phát biểu cầu kỳ, lan man mà không có mục đích.
- Tăng ni sinh trong các trường Phật học cần có chương trình rèn luyện văn phong nói và viết chuẩn mực. Điều này rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập, khi chủ nghĩa hình thức, sự dông dài, “lời nhiều, ý cạn” đã trở nên phổ cập trong đời sống tăng - tục hiện nay.

Tỳ kheo ni Thích Hương Nhũ
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Kỷ yếu Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993), www.hoangphaphanoi.com
  2. Nguyễn Đại Đồng (2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012),Nxb. Tôn giáo.
  3. Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.