Báo cáo kết quả hội thảo và khảo sát, tọa đàm: “văn hóa Phật giáo việt nam - thống nhất trong đa dạng”
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG
--------------------------
V/v: Báo cáo kết quả Hội thảo và khảo sát, tọa đàm |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------------------
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2016 |
BÁO CÁO QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN VÀ KẾT QUẢ HỘI THẢO, NGHIÊN CỨU, KHẢO SÁT, TỌA ĐÀM:
“Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”
Đề án “Định hướng đặc trưng sắc phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” được Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt (tại Quyết định số 271/2015/QĐ.HĐTS ngày 14/7/2015). Để thực hiện Đề án đảm bảo khoa học và đạt chất lượng, hiệu quả, ngay sau khi phê duyệt Đề án, Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai các bước như: tổ chức cuộc họp các ban, ngành, viện trong Giáo hội để thống nhất giao Ban Văn hóa trung ương thực hiện Đề án; tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về cách thức triển khai Đề án; phối hợp với 4 đối tác ký kết thỏa thuận thực hiện 4 nội dung Đề án; tổ chức triển lãm “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam” nhằm cung cấp những cơ sở lý luận, khoa học thông qua một số tài liệu, hình ảnh về văn hóa Phật giáo Việt Nam để bước đầu triển khai Đề án; tổ chức Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”; tổ chức các cuộc khảo sát, tọa đàm với các Hệ phái tại thành phố Hồ Chí Minh (lần 1, tháng 4/2016), với các Hệ phái (lần 2) và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một số tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ (tháng 8/2016); các cuộc tọa đàm từng chủ đề do các đơn vị đối tác thực hiện Đề án chủ trì tổ chức để nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu khoa học, trưng cầu ý kiến các tăng ni nhằm đảm bảo sự đồng thuận, tính khoa học, tính khả thi khi thực hiện Đề án. Các bước thực hiện đều kết quả tốt đẹp, tiêu biểu là cuộc Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” tổ chức ngày 2, 3/7/2016 tại chùa Yên Phú, Thanh Trì Hà Nội và các cuộc tọa đàm về 4 nội dung của Đề án.
Sau đây là các kết quả cụ thể:
- Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” ngày 2, 3/7/2016.
Sau cuộc khảo sát, tọa đàm được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28 đến 30/4/2016, Ban Văn hóa trung ương đã phối hợp với các đơn vị đối tác: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Viện Ngôn ngữ học, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Viện Nghiên cứu tôn giáo và 4 Hệ phái nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”. Sau 2 tháng khẩn trương xây dựng nội dung, chương trình, mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các Tăng Ni 4 Hệ phái viết bài tham luận, Ban Tổ chức đã nhận được số lượng bài viết khá phong phú và tập trung vào 5 chủ đề:
- Tổng quan về văn hóa Phật giáo Việt Nam
- Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
- Kiến trúc Phật giáo VN
- Pháp phục Phật giáo VN
- Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam
Hội thảo đã diễn ra trong 2 ngày: 2 và 3/7/2016 tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội.
Thành phần tham dự gồm: Ban Chứng minh, Ban chủ tọa, Thư ký hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện tăng ni 4 hệ phái.
Hội thảo đã nhận được 44 bài tham luận về tổng quan Văn hóa Phật giáo Việt Nam và các chủ đề: Di sản, Kiến trúc, Pháp phục, Ngôn ngữ của các chuyên gia và của 4 Hệ phái. Hầu hết các tham luận đều đã nêu khá đầy đủ về ý nghĩa, thực trạng và những vấn đề đang đặt ra, cho thấy việc thực hiện đề án định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam là vô cùng cấp thiết và được tăng ni các hệ phái cũng như Giáo hội và các cơ quan quản lý về Tôn giáo của nhà nước quan tâm, chú trọng. Các tham luận cũng đã tập trung vào những định hướng lớn, tổng thể cũng như đánh giá thực trạng khá chi tiết về cả chiều sâu và chiều rộng của các vấn đề đặt ra.
Trên cơ sở các tham luận, các ý kiến chỉ đạo, ý kiến trao đổi, thảo luận về những nội dung cần thống nhất, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó trưởng ban thường trực Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - kết luận như sau:
- Về Di sản văn hóa Phật giáo
- Phật giáo là một tôn giáo chính của dân tộc Việt Nam, do đó, di sản văn hóa Phật giáo là một thành tố chính của di sản văn hóa dân tộc. Trước thực trạng di sản văn hóa Phật giáo đang nhanh chóng bị hủy hoại, mai một do thiên tai, chiến tranh và những biến cố lịch sử, để kịp thời bảo tồn những di sản còn tồn tại trên đất nước ta rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền và quần chúng Phật tử.
- Cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành những luật lệ, quy định tiến bộ, cụ thể phù hợp với thực tiễn sử dụng trong xã hội.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đẩy mạnh, tăng cường giáo dục các tăng ni ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đang tồn tại ở các địa phương.
- Về Kiến trúc Phật giáo
- Đảm bảo: tính truyền thống, tính dân tộc (hay tính đặc thù), tính ứng dụng và tính thời đại.
- Quan tâm, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị vật thể và phi vật thể của kiến trúc trong việc bảo tồn, xây dựng kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo tồn, xây dựng kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
- Đối với các công trình kiến trúc Phật giáo hiện đại, khi xây dựng, cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn và phải được xác định là một công trình văn hóa mang bản sắc Phật giáo.
- Về Pháp phục Phật giáo
- Thực hiện nghiêm túc Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là: “tôn trọng truyền thống” (kết hợp giữa truyền thống lịch sử và truyền thống các hệ phái).
- Đảm bảo mang ý nghĩa/tinh thần cốt lõi của pháp phục Phật giáo
- Phù hợp với văn hóa Việt Nam: thống nhất trong đa dạng
- Phù hợp với khí hậu từng vùng, miền về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, phụ kiện.
- Phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt trong các nghi lễ, đặc biệt là quốc gia, quốc tế, đối ngoại (tính trang nghiêm, thuận tiện,…) và theo quy định chung của Giáo hội.
- Thuận lợi cho việc nhận dạng, quản lý tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội các tỉnh, thành.
- Văn minh, lịch sử trong ứng xử.
- Trang trọng, thuận tiện, thân thiện, hài hòa
- Về Ngôn ngữ Phật giáo
- Căn cứ vào Hiến pháp 2013 về việc hiến định ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt thì việc Việt hóa và sử dụng tiếng Việt cùng với chữ Quốc ngữ theo hướng chuẩn mực, hiện đại của tiếng Việt là một hướng tất yếu của ngôn ngữ Phật giáo hiện nay.
- Từ thực tế về tình hình ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam hiện nay, cần xây xây dựng cơ sở khoa học cho việc xác lập ngôn ngữ Phật giáo hiện đại nhằm một mặt đảm bảo được việc tuân thủ Hiến pháp của ngôn ngữ Phật giáo, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của ngôn ngữ Phật giáo truyền thống.
- Tôn trọng ngôn ngữ Pali, ngôn ngữ Phật học Hán Việt nhưng cần Việt hóa để thuận lợi trong việc truyền bá Phật giáo
- Về cách thức và các bước tổ chức thực hiện:
- Tổ chức khảo sát cụ thể, tập hợp tư liệu (trên cơ sở các vấn đề được các tham luận, ý kiến trao đổi nêu ra tại hội thảo)
- Xây dựng các báo cáo khảo sát, đưa ra những đánh giá cụ thể làm cơ sở nghiên cứu.
- Nghiên cứu, xây dựng khung phân loại về di sản, kiến trúc, pháp phục và ngôn ngữ với thuyết minh chi tiết.
- Tổ chức xin ý kiến các nhà chuyên môn, nhà khoa học, Giáo hội, cơ quan quản lý nhà nước về Tôn giáo và các hệ phái.
- Tổ chức thi thiết kế mẫu pháp phục (đối với lĩnh vực kiến trúc và pháp phục)
- Đánh giá, thẩm định.
- Trình phê duyệt và phổ biến đến các tăng ni
Hội thảo về 4 chủ đề đã khép lại với rất nhiều vấn đề được đặt ra, làm sáng tỏ cả lý luận, thực tiễn) làm cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, xây dựng định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Kết quả của Hội thảo mở ra những vấn đề mới cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, thống nhất để thực hiện đề án chất lượng hiệu quả hơn.
Cùng với việc kết luận Hội thảo, Ban Tổ chức cũng đã kiến nghị một số nội dung sau:
- Để các định hướng, mục tiêu trên được khả thi trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án vào thực tiễn, đề nghị Hội đồng trị sự Giáo hội PGVN:
+ Chủ động liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn di sản và chỉ đạo các ban, viện liên quan của Giáo hội để cùng nhau nghiên cứu, thống nhất các vấn đề về quản lý, bảo tồn và phát huy di sản một cách hiệu quả nhất.
+ Chỉ đạo các ban, viện trong Giáo hội khẩn trương biên tập, biên dịch để hoàn chỉnh đại tạng kinh Việt Nam.
- Kết quả khảo sát, tọa đàm với các hệ phái, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một số tỉnh Nam, Trung Bộ (từ 19 - 26/8/2016) và tọa đàm chuyên đề do các đối tác chủ trì tổ chức tại Hà Nội (ngày 6/10/2016).
Sau Hội thảo, Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, trưng cầu ý kiến, thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, tăng ni các hệ phái nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của các hệ phái vì sự nghiệp phát triển chung của Phật giáo Việt Nam đồng thời thực hiện Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả góp phần xây dựng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp tục phối hợp với các đối tác thực hiện Đề án, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lập kế hoạch và tổ chức khảo sát, làm việc và tọa đàm với các Hệ phái Phật giáo (lần thứ 2 với 3 Hệ phái: Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Khất sĩ), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một số tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ như: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Sau các ý kiến trao đổi, thảo luận rất sôi nổi với nhiều vấn đề đặt ra, các Hệ phái và Đại diện các Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh trên thống nhất các nội dung sau:
- Các vấn đề chung
- Phật giáo đồng hành cùng lịch sử, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam là bộ phận quan trọng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam.
- Trước thực trạng phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay, việc đặt ra vấn đề nghiên cứu, định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam là vô cùng cấp thiết và là vấn đề trăn trở của Giáo hội, là mong mỏi của các tăng ni, Phật tử.
- Các nội dung cụ thể:
2.1. Về Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam
- Thống nhất xây dựng một bài kinh tụng chung bằng tiếng Việt cho các hệ phái trong các nghi lễ chung quốc gia, quốc tế (lựa chọn, dịch từ các kinh: Chuyển pháp luân, Adiđà, Di giáo… sao cho ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa, phù hợp với nghi lễ chung).
- Thống nhất nghiên cứu, xây dựng các bài kinh tụng bằng tiếng Việt (nhật tụng của các hệ phái) phổ biến cho các tăng ni, Phật tử đảm bảo khoa học và tư tưởng của Đức Phật.
- Thống nhất tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, biên dịch bộ Đại tạng kinh (tiến hành lâu dài).
- Thống nhất sử dụng song ngữ/chú thích cho các biển tên, bia ký, hoành phi câu đối, minh văn lạc khoản… đối với các di sản đã và đang tồn tại (Hán - Việt, Pali/Khmer - Việt…). Nên chuyển dần sử dụng chữ Quốc ngữ (Việt) trong các công trình Phật giáo xây mới (nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến, truyền bá tư tưởng Phật giáo tới Phật tử, công chúng).
- Tôn trọng, duy trì truyền thống các hệ phái (sự đa dạng góp phần tạo nên nét đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam).
2.2. Về Pháp phục Phật giáo Việt Nam
- Thống nhất sử dụng bộ pháp phục chung (bao gồm cả túi/đãi, mũ, các phụ kiện theo giới phẩm, giáo phẩm) cho các hệ phái trong các nghi lễ quốc gia, quốc tế và sử dụng màu vàng.
- Tôn trọng truyền thống pháp phục của các hệ phái song cần xây dựng, quy định pháp phục theo giới phẩm, giáo phẩm trong từng hệ phái để thuận lợi cho việc nhận dạng và quản lý tăng, ni (tăng, ni, Phật tử) cũng như đảm bảo nét đặc trưng của pháp phục Phật giáo Việt Nam.
2.3. Về Kiến trúc và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
- Thống nhất bảo tồn các yếu tố truyền thống (vật thể và phi vật thể) từ cảnh quan không gian, bố cục, kết cấu, trang trí, bài trí tượng pháp, đồ thờ… đối với các công trình kiến trúc Phật giáo đã và đang tồn tại.
- Nghiên cứu, xây dựng bộ nguyên tắc và thiết kế một số mẫu kiến trúc ứng dụng trong một số trường hợp cụ thể để tham khảo quy chuẩn/làm cơ sở cho các công trình kiến trúc Phật giáo khi tiến hành bảo tồn, trùng tu hoặc xây dựng mới đảm bảo tạo nên đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
- Cần quan tâm tới yếu tố phi vật thể/ý nghĩa trong kiến trúc và từng chi tiết kiến trúc Phật giáo Việt Nam nói chung cũng như kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái trùng tu hoặc xây dựng mới công trình kiến trúc Phật giáo.
2.4. Về phương thức thực hiện
- Nghiên cứu quy trình thực hiện; phân chia thành các bước, các giai đoạn thực hiện (trước mắt, lâu dài).
Trước hết, là thống nhất về pháp phục, bài kinh tụng niệm chung cho tăng ni các hệ phái (theo giới phẩm, giáo phẩm) trong các nghi lễ quốc gia, quốc tế; xây dựng, phát hành các bài kinh nhật tụng trong các hệ phái; sử dụng chữ Quốc ngữ trong các công trình Phật giáo xây dựng mới…
- Chuẩn bị các nội dung để Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm việc, thống nhất trong quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo (thực hiện trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới các công trình kiến trúc Phật giáo…).
- Tăng cường phổ biến kiến thức về văn hóa Phật giáo Việt Nam, về di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng như các vấn đề về bảo tồn, phát huy những di sản đó… cho các tăng, ni, Phật tử…
* *
*
Trên đây là báo cáo khái quát quá trình thực hiện Đề án, kết quả của Hội thảo và Tọa đàm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” đã được Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với các đối tác, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan tổ chức trong 2 năm qua. Kết quả đều thành công tốt đẹp, được sự thống nhất cao của các hệ phái, các Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh mà Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm việc, trong đó, Hội thảo được tổ chức thành công cũng đã góp phần vào chuỗi các hoạt động, sự kiện mà Ban Văn hóa trung ương tổ chức hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2016).