BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Đoàn đại biểu rời Thành phố Vārāṇasī đi đến Bồ Đề Đạo Tràng bằng chuyên cơ, đến sân bay Gaya, chính quyền và ban tổ chức đã có một cuộc đón tiếp trọng thể. Trên đường về đến chỗ nghỉ, có cổng chào, biểu ngữ, cờ và người dân, học trò đứng dọc theo tuyến đường vẫy tay vui mừng chào đón.
Bồ Đề Đạo Tràng, còn được gọi là Bodh Gaya hay Bodhgaya một thị trấn ở quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Đây là địa điểm nổi tiếng nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ dưới cây bồ đề.
Đối với Phật giáo, Bodh Gaya là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni, còn 3 nơi khác đó là Kushinagar (Nhập Niết Bàn), Lumbini (Lâm Tì Ni) và Sarnath (Vườn lộc Uyển).
Hiện nay, tại vùng Bodh Gaya, cùng với rất nhiều chùa của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng có 4 chùa tại đây. Đó là Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một thầy người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của thầy người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên.
Tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ông Vinod Zutshi, Giám Đốc Điều Hành Tổ Chức Du Lịch Thế Giới chia sẻ thêm quan điểm: Ấn Độ với sự phong phú về di tích lịch sử văn hóa tôn giáo hấp dẫn thế giới đến du lịch, tham quan, đầu tư. Đây là cuộc Hội Nghị lần thứ 5, tôi vui mừng nhận thấy số lượng đại biểu mỗi lần tổ chức tham dự một tăng lên. Sự hiện diện quý vị tại đây hứa hẹn sẽ thúc đẩy:
1/ Gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo.
2/ Hướng đến tâm linh, ổn định đời sống và tâm lý an vui.
3/ Du lịch tâm linh đóng vai trò kết nối hiểu biết yêu thương, đến gần nhau hơn, vượt qua khoảng cách và xây dựng hòa bình thế giới.
Thưa quí vị, Ấn độ quan tâm nhiều đến sự tu tập, làm sao vượt qua đời sống vật chất, để hé mở cánh cửa tâm linh, dùng Thiện định để mở con mắt tâm linh từ đó không bị vật chất, tình cảm chi phối, là bắt đầu đi vào đường tuệ giác, mà đức Phật Thích Ca đã thành tựu tại đây.
Ông Vinod Zutshi đề cao vai trò của Thiền Định, Từ Bi, Trí Tuệ của Phật Giáo cho đời sống hạnh phúc và phát triển nhân loại. Ông kể lại câu chuyện Đức Phật cảm hóa Vô Não và tính ôn hòa bất bạo động của Phật Giáo đã đem lại sự an lành cho mọi người.
Ông Karu Jayasuriya, phát ngôn viên của Nghị Viện Tích Lan đánh giá cao về Hội Nghị lần thứ 5 này, và khẳng định triết học Phật Giáo đã định hình cho sự phát triển quốc gia Tích Lan. Ngay từ thời Vua A Dục, Phật Giáo rất phát triển và Vua đã cho con trai và con gái của Ông đến Tích Lan truyền bá Phật Giáo. Chúng tôi luôn trịnh trọng nhớ ơn về điều này.
Thời gian, 6 ngày quý vị ở tại Ấn Độ trong dịp này có nhiều niềm vui, hạnh phúc cùng chia sẻ với nhau trong sự hòa hợp. Đức Phật là nhân vật kiệt xuất từ Ấn Độ và chúng ta sẽ đi theo các dấu tích của Ngài tại Bodhgaya, Sanarth, Nalanda, Ragir và Varanasi. Bởi vì, Đạo Phật là một tôn giáo lớn trên thế giới. Trí tuệ của quý vị Tăng Ni, học giả, cử tọa tại đây sẽ thúc đẩy Phật Giáo và du lịch tâm linh lên tầm cao mới. Như nhà khoa học gia người Đức đã nói: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực kể trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". (Albert Einstein).
Cuối cùng đại diện của Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ đã gửi lời cảm tạ đến quý vị quan khách và tất cả 275 đại biểu đến từ 38 quốc gia khác nhau trên thế giới khiến cho Hội Nghị được trang trọng, có nhiều chia sẻ tích cực, nhiều dự án hợp tác trong tương lai và Hội Nghị thành công viên mãn.
Hội nghị Chủ đề: Ấn Độ-Miền đất Phật đã khép lại, nhưng đã để lại trong lòng mọi người một niềm hân hoan, chia sẻ cùng nhau những ý tưởng tâm linh, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị của các đại biểu đại diện cho 39 quốc gia, cùng nhau góp phần cho hòa bình thế giới, ổn định khu vực, phát triển nhiều mặt xã hội… đó là hạnh phúc mà nhân loại đang hướng đến thông qua ánh sáng trí tuệ của đạo Phật đang tỏa sáng như mặt trăng giữa các vì sao trên nền trời triết lý mà Đức Phật đã gởi thông điệp đến nhân loại hơn 2560 năm qua!
Namo Buddha Sakya Muni
Thích Lệ Thọ