CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, VỊ QUỐC TỔ CỦA THỜI ĐẠI MỚI
Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 2/9/1969), Anh hùng dân tộc, Lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chính Người đã viết và đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam); nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội Xã hội chủ nghĩa trên thế giới, là giai đoạn đầu của xã hội Cộng sản, hình thái kinh tế xã hội phát triển nhất trong lịch sử loài người; chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam. Nếu các Vua Hùng là người “khai sơn phá thạch” đặt nền móng hình thành đất nước Việt Nam, thì người xây dựng và phát triển nước ta thành một nước độc lập, tự do, dân chủ, do người Việt Nam làm chủ đi lên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Vua Hùng, Quốc tổ đầu tiên của đất nước Việt Nam
Cách nay hơn 4000 năm, Hùng Vương đời thứ nhất là con trai của Lạc Long Quân, đã thiết lập nhà nước phong kiến đầu tiên ở nước ta, đặt quốc hiệu là Văn Lang, cơ sở hình thành đất nước Việt Nam ngày nay. Với công lao to lớn của Vua Hùng đối với dân tộc, nhân dân ta đã lập đền thờ ở nhiều nơi cả trong và ngoài nước. Việc thờ cúng các Ngài đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta: Tín ngưỡng Thờ cúng vua Hùng. Tín ngưỡng này được hình thành từ đặc trưng của người Việt là luôn hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với lòng thành kính, tri ân sâu sắc. Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Vua Hùng chính là nguồn gốc tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó, thờ cúng Hùng Vương không chỉ là một hoạt động tâm linh đơn thuần mà đó còn là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng sâu sắc; đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân qua các thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy, ngày 10/3 âm lịch hàng năm, đã thành thông lệ, các con cháu Vua Hùng và du khách từ khắp năm châu bốn biển lại hành hương về đất Tổ để thắp nén tâm nhang tri ân công đức cao, dày của Đức Quốc Tổ Hùng Vương.
Ngày 6/12/2012, Ủy ban liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất đó là Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó; khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng tôn kính và biết ơn tổ tiên, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa, được đánh giá rất cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống”; thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của một dân tộc với những giá trị khoa học của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy văn hóa thế giới.
- Vị trí, vai trò của Hồ Chí Minh với Việt Nam và nhân loại
Từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã xâm chiếm hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, nền độc lập của nước ta bị đế quốc Pháp tước đoạt; độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã trở thành ước mơ, khát vọng cháy bỏng của mỗi người con Việt. Được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, từ lời giáo huấn của gia đình, trước nỗi đau của dân tộc, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua nhiều năm bôn ba thế giới, Người đã tìm ra con đường lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bước lên đài vinh quang, là con đường cách mạng vô sản. Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Người đã thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đập tan xiềng xích nô lệ và chế độ quân chủ chuyên chế ở nước ta, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; tạo tiền đề quan trọng để nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, góp phần làm sụp đổ thành trì chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết, độc lập tự chủ, sáng tạo; về lòng yêu nước, yêu nhân dân, về tấm gương đạo đức sáng ngời. Người đã để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân loại di sản vô cùng quý báu là Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng mang tầm vóc vĩ nhân của thời đại, vô cùng lớn lao, cao cả nhưng rất chân thực, giản dị và gần gũi. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại với Chủ nghĩa Mác-Lênin và phẩm chất cá nhân của Người; là kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam; tư tưởng đó còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. J.Stenson, nhà sử học Mỹ đã viết: “Một số đông người đã tha hóa chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống, nhân loại lại tìm về tấm gương sáng ngời nhân cách của Hồ Chí Minh, một tấm gương cho thế hệ mai sau”. Tiến sĩ Atmét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã viết: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay sau khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Nhằm thể hiện tôn kính, tri ân công lao, cống hiến xuất sắc cho dân tộc, cho nhân loại và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh; nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (19/5/1990), UNESCO đã ra Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người bằng các hoạt động cụ thể, làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Người là một biểu tượng kiệt xuất của ý chí dân tộc Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước và đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cũng vì lẽ đó, ngày 15/10/2010, Tuần báo TIME (Mỹ) đã bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, là người đã góp phần "làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX"; một trong chính trị gia nổi bật nhất mọi thời đại cùng với Nelson Mandela, M.Gandhi...
Hiếm có một người nào được nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau trên thế giới tôn thờ, ngưỡng mộ như với Hồ Chí Minh, một giáo sĩ Hindu (Ấn Độ) đã khẳng định:“Bác Hồ, đó là một vị thánh. Ở Ấn Độ, có một người như thế là Thánh Gandhi, tức Mahatma Gandhi. Còn ở Việt Nam, có Thánh Hồ. Đất nước các bạn may mắn có một vị thánh như thế. Có lẽ đây là ý Trời, để các bạn có thể đánh thắng mọi giặc ngoại xâm”(2). Báo Bằng chứng Thiên Chúa giáo đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ 3, của các dân tộc nghèo đói và khát khao cuộc sống cho ra con người”(3). Trong nước, hình ảnh Người đã được thờ trang trọng ở nhiều nơi cùng với Vua Hùng như: Tổ đình Quốc Mẫu Âu Cơ (Cà Mau), đền thờ Hùng Vương (Đồng Nai).v..v..Hồ Chí Minh được thờ ở tiên điện như một vị Quốc Tổ của dân tộc. Trong các ngày lễ chính ở đây (ngày 10/3 âm lịch (giỗ Vua Hùng) và 19/5 dương lịch (sinh nhật Hồ Chí Minh)) có đủ thành phần từ chính quyền địa phương đến nhân dân, tín đồ, chức sắc của nhiều tôn giáo tham dự. Trong nhận thức của nhiều vị chức sắc tôn giáo, lúc nào Bác Hồ cũng luôn ở trong tâm của các tín đồ tôn giáo mình. Với linh mục Nguyễn Kim Đoan (giáo xứ Bùi Thượng, Đồng Nai), tấm gương đức độ của Hồ Chí Minh giống Chúa sáng thế, ông thường trích dẫn lời Người để giáo huấn con chiên. Thượng tọa Thích Huệ Đăng (TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã khẳng định, giữa Hồ Chí Minh, Trần Nhân Tông và Phật Thích Ca có một nét chung là tìm đường cứu dân, cứu nước bằng tư tưởng hy sinh bản thân cho con người, vì con người: "Người là Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh. Ngài từ bỏ cuộc sống yên bình để dấn thân vào con đường mịt mù chông gai, gian khổ, từ đó tìm ra con đường cứu dân, cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc. Điều này giống Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cung vàng điện ngọc, đi tu hành tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh"(4). Đặc biệt, cũng như Phật hoàng Nhân Tông, Hồ Chí Minh đã để lại cho đời sau một di sản quý giá về tư tưởng lấy con người làm gốc, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân là yếu tố cơ bản trong hoạch định đường lối cách mạng. Ở Người đã hội tụ đầy đủ tinh hoa của các tôn giáo và các lãnh tụ kiệt xuất của nhân loại; đó là nét ung dung, thanh thản, sống chan hòa với tự nhiên, không màng danh lợi, gạt bỏ cái thái quá...của Đạo giáo; đề cao tu dưỡng đức hạnh cá nhân của Đạo Khổng; đức từ bi của Phật Thích Ca, lòng bác ái của Chúa Trời; luôn hiếu thảo, làm việc thiện của Thánh Mohammed; phương pháp làm việc biện chứng của Mác...v..v..Vì thế, ở Người cũng đã hội tụ đầy đủ các yếu tố: Phương Đông và Phương Tây, Quốc gia và Quốc tế, Lý trí và Tình cảm, Lãnh tụ và Dân thường; Người đã giải quyết mâu thuẫn trong bản thể của mình một cách biện chứng và hoàn hảo. Người đã nối liền các cực hòa quyện, Âm Dương hợp nhất trong một bản thể, đó là một con người theo đúng nghĩa làm Người:"Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước"(5).
- Đề xuất, kiến nghị
Có thể khẳng định, khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “vị Thánh” trong lòng nhân dân Việt Nam và người dân tiến bộ trên thế giới. Khi nhập diệt, Người đã để lại nỗi tiếc thương vô bờ bến với nhân loại. Nhiều người dân đã lập ban thờ trong nhà, đưa di ảnh Người vào trong các đình, chùa, đền…ở trong nước và các nước trên thế giới có người Việt Nam sinh sống để thờ phụng như là một quy luật tâm lý tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nếu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí rất quan trọng trong đời sống của các thế hệ người Việt nhằm tri ân công lao của các vua Hùng đã khai sinh ra nước Văn Lang; thì việc thờ Hồ Chí Minh là nhằm thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với người đã khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh hôm nay, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc; Người xứng đáng trở thành vị Quốc tổ của thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh; xứng đáng được nhân dân ngày nay và muôn đời sau tôn thờ, ngưỡng vọng. Vì lẽ đó, việc tôn thờ Người xứng đáng được vinh danh, công nhận là một tín ngưỡng chính thức của nước ta: Tín ngưỡng Thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để khẳng định giá trị vô giá của chân dung Người trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đến mãi mãi về sau. Người đã ra đi nhưng vẫn như đang hiện hữu trên cõi đời này; đang dõi theo từng bước đi của mỗi người con đất Việt, dẫn lối con người vượt ra khỏi mê lầm, cám dỗ tầm thường của xã hội và tỉnh táo trước những biến động phức tạp của thế giới tâm linh hiện nay. Chắc hẳn mỗi người Việt đã, đang thấu tỏ được lời dạy của Người phải luôn học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, nhân cách để cùng góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ta phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu và bạn bè trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1.Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch,Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.632-637;
- Báo Nhân dân, số ra ngày 23/5/1980
- Kim Yến (tổng hợp), Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con mắt người nước ngoài,
- Báo Nhân Dân số ra ngày 22/1/1997
- Thượng tọa Thích Huệ Đăng,“Cuộc sống hạnh phúc được xây bằng tình thương và trí tuệ”, Nhân Dân hàng tháng Online, Số ra ngày 27/04/2016
Đức Quỳnh