CHUYỆN ĐÊM NGÀY 18/01/2016
Tháng 11/2015, vở cải lương Vua Phật được công diễn. Đây là vở cải lương đầu tiên đề cập đề tài tôn giáo, thông qua hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã lập nên Thiền phái Trúc lâm Yên Tử - thiền phái của riêng Việt Nam. Điều đáng chú ý hơn nữa là tác giả kịch bản văn học của vở diễn này là một nhà quản lý, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Bởi vậy, vở cải lương Vua Phật không chỉ đơn thuần là một vở diễn thông thường, mà còn chuyển tải những tình cảm, suy tư, trăn trở của tác giả - một người gắn bó với đạo Phật gần 20 năm - về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam:
TS Bùi Hữu Dược: Tôi vốn là người làm quản lý Nhà nước về Phật giáo. Điều làm cho chúng tôi trăn trở là trong đời sống xã hội một bộ phận giới trẻ hiên nay không hiểu lắm về lịch sử Việt Nam. Một bộ phận lớn của xã hội dường như cũng hướng tới lịch sử của các nước thông qua các kênh truyền hình. Trước thực trạng đó, tôi nghĩ mình có thể làm một cái gì đó để cho giới trẻ hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, về danh nhân Việt Nam, và đặc biệt, thông qua lịch sử và danh nhân đó, họ hiểu thêm về truyền thống tôn giáo, truyền thống đạo đức, văn hóa của người Việt thì hết sức có giá trị. Chính vì thế mà tôi có viết một truyện ngắn cho thanh thiếu nhi về Vua Phật, kể về cuộc đời của vua đời Trần Nhân Tông và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Câu chuyện đã được một số nhà giáo, nhà nghiên cứu đọc và họ thấy có những nét mới, những lý giải về lịch sử, về tôn giáo mới mẻ và phong phú và họ có đề nghị chuyển thể thành vở cải lương, để thông qua đó vừa giúp cho cải lương phát huy vai trò của mình, nhưng cũng thể hiện truyền thống văn hóa của người Việt thông qua một loại hình nghệ thuật.
PV: Vậy thì khi viết kịch bản văn học vở cải lương Vua Phật ông có những thuận lợi gì?
TS Bùi Hữu Dược: Tôi có may mắn là trong quá trình làm việc được gặp nhiều nhà sử học, đặc biệt là các nhà sử học nghiên cứu về Phật giáo như giáo sư Lê Mạnh Thát và một số nhà sử học khác. Trong quá trình họ nghiên cứu và liên kết thì có những vấn đề không được ghi trong sử sách, khi liên kết các sự kiện lại với nhau thì họ có những nhận định được đánh giá là hợp lý, ví dụ trong câu chuyện của tôi có nói tới 4-5 vấn đề mà trong lịch sử thực tại thì chưa nêu nhưng đã được các bậc đại sư, các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá là những vấn đề nhìn nhận khá lý thú. Ví dụ như việc lý giải tại sao Trần Nhân Tông xuất gia và cái lý do xuất gia của Trần Nhân Tông khác với Đức Phật xưa là ở chỗ nào? Đức Phật xưa là Thái tử xuất gia tìm đạo, vì lúc đó chưa có đạo Phật. Nhưng Trần Nhân Tông xuất gia lúc đó đã có đạo Phật rồi, Ngài không phải đi tìm đạo mà Ngài muốn tìm một giá trị đạo Phật mới, phù hợp với căn cơ người Việt, và thông qua việc tu hành của Ngài để đề cao đạo Phật, thực hiện phương châm dựng Đạo để tạo Đời.
PV: Vở cải lương Vua Phật đã được công diễn và ra mắt khán giả. Vậy khi vở cải lương được công diễn, khán giả đã có những phản hồi như thế nào với ông? Gheo ông thì liệu họ có cảm nhận được mong muốn của ông về giáo dục lịch sử thông qua vở cải lương không?
TS Bùi Hữu Dược: Thật ra vở cải lương đó chưa được công diễn nhiều, nhưng sau các đêm diễn nhiều người cũng đã có ý kiến với chúng tôi, người thì góp ý về mặt nghệ thuật, người thì góp ý về mặt nội dung, tuyệt đại đa số đều đánh giá cao về giá trị của vở diễn trong việc giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, văn hóa, đặc biệt là đề cao vai trò lịch sử của những bậc quân vương trong lịch sử Việt Nam. Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải đến nhân dân nói chung và lớp trẻ nói riêng, đó chính là cái vai trò của con người trong làm chủ cuộc sống của mình. Trần Nhân Tông trở thành bậc minh quân, sau này trở thành Phật hoàng, chính từ ý thức biết làm chủ mình từ lúc rất trẻ. Cái làm chủ ấy được thể hiện rất rõ qua câu chuyện khi Phật hoàng Trần Nhân Tông lúc còn làm vua dạy con mình là Trần Anh Tông lúc đó là Thái tử: “Con hãy biết giết hổ tưởng khó mà dễ hơn chia thịt hổ, bởi khi biết con hổ dữ, muốn giết nó thì ai cũng phải hướng mũi tên, chĩa ngọn giáo về phía hổ, đồng lòng mà giết cho nên hổ dữ phải chết. Nhưng khi hổ chết rồi, chia thịt hổ thì ai cũng muốn miếng nong, ai cũng giành phần hơn, cho nên dẫn tới dèm pha, đố kị, thậm chí đánh chém lẫn nhau. Giết hổ vì thấy cái xấu, cái ác, ai cũng muốn loại bỏ cho nên đồng lòng. Còn khi chia thịt hổ là cái lợi ích riêng cho mỗi người, thiết thực cho mỗi người cho nên ai cũng muốn giành phần hơn. Để muốn mọi người đồng lòng cùng giết hổ và vui vẻ cùng nhau chia thịt hổ thì không gì khác hơn dạy cho họ biết sống trong lục hòa của Phật giáo. Nếu ai cũng biết sống trong lục hòa thì họ sẽ không tranh phần hơn, không đoạt miếng ngon. Ai cũng nghĩ tới việc mình cùng góp sức, góp tay để giải quyết các vấn đề của xã hội thì xã hội sẽ không còn tình trạng khó khăn”.
PV: Thưa ông, ông nghĩ như thế nào khi hiện nay một số nhà sư không giữ được nghiêm lời răn của Phật hoàng Trần Nhân Tông xưa kia, có những lối sống, ứng xử không đúng với giáo lý đạo Phật?
TS Bùi Hữu Dược: Trong điều kiện của xã hội hiện nay, với cơ chế thị trường, làn sóng của mở cửa tràn đến từng gia đình, thì một số nhà sư cũng không tránh khỏi tác động của cơ chế thị trường. Bởi vì xét cho đến cùng, các nhà tu hành, trong đó có các nhà sư, vừa là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống xã hội và vừa thực hiện đời sống xã hội, do đó họ cũng bị tác động bởi đời sống xã hội, có làm ảnh hưởng tới giới luật, tới đạo lý ở chỗ này hoặc chỗ khác tôi nghĩ cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng người Việt Nam mình vốn có lòng khoan dung, tính nhân hậu nên việc một vài vị sư có làm những việc chưa đúng ở một số ngôi chùa khi nhân dân nhận diện được thì bằng lòng chân tình, sự thẳng thắn, góp ý lại sẽ có sự điều tiết để tốt hơn. Bởi chúng ta biết rất rõ, trải qua nhiều nghìn năm lịch sử, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng người Việt mình luôn giữ được cái bản chất, truyền thống của người Việt. Các bậc cao tăng vẫn rất trăn trở với đời sống tu hành, rất quan tâm tới đời sống xã hội vẫn khẳng định rằng: xã hội tuy hiện có như thế, nhưng sớm hay muộn, người dân Việt, truyền thống nước Việt sẽ nhận ra và điều tiết để chuyển cái chưa tốt thành cái tốt.
PV: Vâng, tuy nhiên là câu chuyện bây giờ sẽ không phải là giết hổ hay chia thịt hổ nữa?
TS Bùi Hữu Dược: Bây giờ thì rõ ràng câu chuyện không đơn giản là giết hổ hay chia thịt hổ nữa. Nhưng nó vẫn nằm trong triết lý chia thịt hổ, cái triết lý chia thịt hổ ấy rộng hơn một chút, đó là nếu mọi người đều sống trong lục hòa, họ sẽ vui vẻ, đồng lòng và cùng chấp nhận việc được chia theo năng lực, theo khả năng của mình. Có nhiều người nói là bất ổn, có nhiều ng ười nói là thiếu công bằng, việc đó không phải bây giờ mới có, tuy nhiên trong tâm khảm của ng ười Việt luôn mong muốn sự công bằng, sự bình yên. Với mong muốn đó, từng người trong xã hội, đi trước là tuổi già, người lớn tuổi, người có uy tín, đi sau là những người trẻ hơn nhưng cũng có ý thức, sau nữa là lớp trẻ sẽ đi theo mong muốn đó.
Trân trọng cảm ơn ông!