Đề xuất công nhận Sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo Hà Nội
Sư bà Phương Dung - sự tích và hành trạng
Công chúa Phương Dung là một nữ tướng thời Hai Bà Trưng, đã cùng với Hai Bà lập nhiều chiến công. Sau khi Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại, các tướng lĩnh của Hai Bà mai danh ẩn tích khắp các vùng miền, công chúa Phương Dung xuất gia tu hành tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, được nhân dân tôn làm sư bà và thờ phụng tại cụm di tích đình, đền, chùa Yên Phú, lăng mộ hiện vẫn còn tại khu Đồng Lăng (cách chùa Yên Phú 300m). Từ thời Lê Trung Hưng đến Triều Nguyễn đã nhiều lần phong tặng các sắc phong để tôn vinh, ghi nhận những công lao to lớn của sư bà đối với dân tộc. Trong đó, sắc phong năm Dương Hoà 5 (1639) thời Lê Trung Hưng có thể xem là bảo vật quốc gia.
GS. Đinh Khắc Thuân nhận định “Cốt lõi là có một nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt. Đó là bà Phương Dung, nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh đuổi quân xâm lược Tô Định, thu phục đất nước. Bà còn có công giúp dân trị thủy, chống lụt”. Việc phát hiện có sắc phong Quốc mẫu Phương Dung - tức Sư bà Phương Dung - ở ngoài khu vực thờ phụng chính lâu nay cho thấy danh tiếng, tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng của sư bà Phương Dung không chỉ bó hẹp trong vùng Yên Phú.
Sư bà Phương Dung là hình tượng một vị ni sư tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, gắn bó lâu đời với tâm thức người dân. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang: “Vượt lên trên tất cả, không phụ thuộc vào chuyện Phật giáo có trước hay có sau công nguyên, sư bà được Phật giáo thừa nhận, được nhân dân thờ tự thì đấy là giá trị cao nhất bởi văn hóa và lịch sử là thuộc về nhân dân. Việc Phật giáo thừa nhận, tôn xưng rồi tôn vinh một người phụ nữ đã có công với khởi nghĩa Hai Bà Trưng khẳng định Phật giáo có vai trò rất lớn trong việc động viên nhân dân tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta có đủ căn cứ, đủ nhân tố quan trọng để đưa ra những giải pháp nhằm tôn vinh sư bà Phương Dung, đồng thời phát huy giá trị của ngôi chùa thờ sư bà Phương Dung”
Những đóng góp, công lao của sư bà Phương Dung đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn 8055 gửi Sở Văn hoá, Thể thao về việc công nhận sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của thủ đô và xây dựng, tôn tạo lăng mộ sư bà. Bà Phạm Bảo Khánh - Phó Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội - cho rằng: “Sự tích, hành trạng của sư bà Phương Dung gắn liền với lịch sử chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì, là chứng tích tiêu biểu cho sự hỗn dung giữa vận dụng tín ngưỡng dân gian Việt Nam với những truyền thống thờ thần cầu mưa, thờ những người có công với đất nước... với tinh thần của Phật giáo và với truyền thống yêu nước của người Việt. Do đó, cần giữ gìn, bảo tồn các di sản liên quan đến cụm di tích đình, đền, chùa, lăng mộ sư bà Phương Dung, đặc biệt là 23 đạo sắc phong; Có phương án tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình liên quan, phục hồi những di tích lịch sử đã mất, công nhận cụm di tích là di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời công nhận sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu, là một trong những vị ni sư đầu tiên của Phật giáo Hà Nội và Việt Nam”.
Những giả định mới về lịch sử Phật giáo Việt Nam
Qua nghiên cứu, học giả - GS Lê Mạnh Thát khẳng định: Triều đại Hùng Vương là có thật và“Triều đại này xây dựng được một đất nước văn hiến có hệ thống chính trị đặt trên cơ sở luật pháp, còn được biết tới ngày nay dưới tên Việt luật có vị trí ngang hàng với Hán luật của Trung Quốc. Để có hệ thống luật pháp như thế, triều đại này chắc chắn phải có hệ thống lịch pháp và chữ viết mà hiện tại ta có thể đọc lại qua bài Việt ca nổi tiếng”. Cũng thời đại này, Phật giáo chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của người Việt chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc sau này.
Đồng quan điểm này, PGS Nguyễn Minh Tường cho rằng, Phật giáo vào Giao Chỉ từ thế kỷ II, I TCN, do các tăng sỹ Ấn Độ truyền vào bằng đường biển. Thông qua nghiên cứu Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, nhóm nghiên cứu Đền miếu Việt cho rằng “Dấu vết của sự việc Phật giáo du nhập vào nước ta dưới thời Hùng Vương là ngôi chùa trên núi Hùng Nghĩa Lĩnh, mang tên chùa Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng theo như Ngọc phả. Ngôi chùa còn tới nay, là chùa Thiên Quang nằm cạnh đền Hạ trên núi Hùng. Như vậy những ghi chép về Phật giáo thời Hùng Vương trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả rất rõ ràng, có đủ các yếu tố Phật - Pháp - Tăng cần có của một tôn giáo hoàn chỉnh. Bằng chứng trên thư tịch và di tích cùng với khảo cổ đều phù hợp. Nếu đúng như vậy, có thể nói chùa Thiên Quang trên núi Hùng là ngôi chùa Phật có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam”.
Do đó, cần tiếp tục sưu tầm, khảo cứu để làm rõ hơn nữa về triều đại Hùng Vương, về thời điểm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, đồng thời khảo cứu các nguồn tài liệu về Hai Bà Trưng, về Sư bà Phương Dung, về các nữ tướng của Hai Bà Trưng cũng như tình hình phát triển của Phật giáo Việt Nam khoảng đầu Công nguyên. Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu thần phả và sắc phong liên hệ đến các vị nữ tướng của Hai Bà Trưng để làm cơ sở dữ liệu cho việc viết lại lịch sử dân tộc trong những năm sắp tới được đầy đủ và chính xác hơn.
Đây là cơ sở để Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thêm được những tư liệu quý để bổ sung vào lịch sử Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm; đánh giá khách quan về sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu công nguyên với công cuộc dựng nước và giữ nước; góp phần quan trọng nghiên cứu sự ra đời của ni giới trong mạng mạch Phật giáo Việt Nam.
Ngày 7/4/2021, UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tôn giáo thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” nhằm khẳng định cơ sở khoa học công nhận sư bà Phương Dung là Danh nhân Phật giáo tiêu biểu Thủ đô. |