Hân hoan chào đón Lễ chiêm bái tượng phật ngọc hòa bình thế giới tại chùa Dâu
Tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới là pho tượng Phật có kích thước lớn với chiều cao 2,7m và nặng 4 tấn, đặt trên ngai bằng đá cẩm thạch màu trắng cao khoảng 1,4m. Tượng được điêu khắc từ chất liệu ngọc bích - loại ngọc chất lượng được thỉnh từ Canada và được điêu khắc tại Thái Lan theo nguyên mẫu của bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong bảo tháp Đại giác ngộ (Bodh Gaya) tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ (nơi Đức Phật Thành Đạo).
Khối ngọc thạch để chế tác bức tượng nặng 18 tấn mang tên “niềm kiêu hãnh của Bắc Cực”, được phát hiện tại miền bắc Canada. Đây là khối ngọc được đánh giá là “sự phát hiện của Thiên niên kỷ”. Việc tạo tác bức tượng Phật Ngọc được dẫn dắt từ những mối nhân duyên huyền diệu. Trước đó, ngài Zoba Rinpoche từ xứ Tây Tạng đã từng quán tưởng và tiên đoán ông Ian Green, một phật tử người Úc sẽ có duyên với khối ngọc quý này và tạc thành bức tượng Phật để “thắp sáng toàn thế giới”.
Giá trị và vẻ đẹp của tượng Phật Ngọc được xem là một kỳ quan thế giới. Bức tượng được lấy làm biểu tượng cho hòa bình thế giới với mục đích pho tượng được triển lãm trên khắp thế giới để dành cho tất cả mọi người (không phân biệt tôn giáo). Mỗi người khi chiêm bái bức tượng Phật Ngọc thường dành một khoảnh khắc để nghĩ về hòa bình - hòa bình cho thế giới, cho các mối quan hệ, cho gia đình và bạn bè. Những cảm hứng tích cực này sẽ mang lại sự bình an, niềm vui và động lực trong cuộc sống của mọi người. Pho tượng đã được triển lãm vòng quanh thế giới từ năm 2009 đến nay, trải qua hơn 22 quốc gia và 100 thành phố, đáp ứng nhu cầu chiêm bái Phật ngọc của hàng triệu tăng ni, tín đồ Phật tử trên thế giới.
Việc được chiêm bái bức tượng trực tiếp là một nhân duyên tuyệt vời, mang đến sự may mắn, an lành đối với mỗi phật tử. Thể theo nguyện vọng được chiêm bái tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới của đông đảo tăng ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh và chào mừng Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 - 7/11/2016), được sự nhất trí của Tỉnh ủy Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo tỉnh Bắc Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh, Ban Tổ chức chương trình tổ chức lễ cung nghinh và an vị tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới tại chùa Dâu từ ngày 23/08/2016 đến ngày 06/09/2016 (tức ngày 21 tháng 07 năm Bính Thân đến ngày 06 tháng 08 năm Bính Thân) trước khi pho tượng được trở về địa điểm an vị cuối cùng ở Australia (Úc).
Chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu, tọa lạc tại trung tâm của khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu và phong phú bậc nhất của quê hương Kinh Bắc. Nơi đây là thủ phủ của quận Giao Chỉ (Giao Châu), trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta, bao gồm thành cổ Luy Lâu, đền thờ và lăng mộ Sỹ Nhiếp, hệ thống chùa tháp, đền đài, cung điện, lầu gác, bến bãi, gốm cổ, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu... là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thế kỷ trước và sau Công nguyên.
Đây là ngôi Chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, chủ yếu bằng đường thủy theo dòng sông Dâu. Vào buổi đầu Công Nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu-đà-la đã tới đây truyền bá đạo Phật. Cuối thế kỷ VI, nhà sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa này và lập nên một phái thiền và Chùa Dâu trở thành trung tâm của phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nơi trụ trì của nhiều cao tăng nước ta, Ấn Độ và Trung Quốc đến để nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật, đào tạo tăng ni…
Hiện nay, tại chùa Dâu vẫn lưu dấu những di sản văn hóa - lịch sử, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh” năm 1752. Những kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “Chùa Dâu là Tổ đình của Phật giáo Việt Nam”. Lễ hội Dâu cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp cũng là một lễ hội Phật giáo lớn của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Chùa Dâu đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 28/4/1962, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013 và là điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng thu hút đông đảo Phật tử, công chúng trong và ngoài nước.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, chùa Dâu là một trong số ít chùa Việt Nam vinh dự được cung nghinh và an vị tượng Phật Ngọc. Đây cũng là niềm vinh dự cho các Chư tăng, Phật tử, nhân dân Bắc Ninh nói riêng và Phật tử, nhân dân cả nước nói chung có cơ duyên được chiêm bái và lễ Phật Ngọc để mọi người cùng nhau cầu nguyện Phật Ngọc đem lại hòa bình cho thế giới, sự bình an cho các mối quan hệ, bình yên cho gia đình, bạn bè và sự thanh thản trong tâm hồn mỗi chúng ta.
PV
Theo phapluatxahoi.vn