Hội thảo Khoa học Sư bà Phương Dung đối với Đạo Pháp và Dân tộc
Sáng ngày 7/4/2021 tại Hội trường Viện Nghiên cứu tôn giáo, số 27 Trần Xuân Soạn - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học “Sư bà Phương Dung đối với Đạo Pháp và Dân tộc”.
Đến tham dự và chứng minh Hội thảo, về phía Giáo hội có sự quang lâm của HT.TS. Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự; TT.TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương; TT.TS. Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thư ký HĐTS; Trưởng ban Văn hóa Trung ương; HT Thích Hải Ấn - Phó Trưởng ban Văn hóa TW GHPGVN; HT Thích Quang Nhuận – Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; TT Thích Minh Hiền - Ủy viên HĐTS, Phó ban trị sự GHPG Hà Nội; TT Thích Đồng Bổn - Viện nghiên cứu Phật học; TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thường trực HĐTS, phó thường trực kiêm tổng thư ký tạp chí văn hóa Phật giáo; TT. Thích Phước Đạt - UVHĐTS Phó viện trưởng HVPG Việt Nam tại TP HCM; TT Thích Tiến Đạt - trụ trì chùa Đại Từ Ân; TT Thích Tâm Hoan - Ủy viên HĐTS - Chánh VPGHPGVN; Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm - UVTT Phó phân ban đặc trách Ni giới TW; Ni trưởng Thích Đàm Thành: UVTTHTĐTS, trưởng phân ban Ni giới TP Hà Nội.
Về phía các cơ quan chức năng và khách mời gồm có Ông Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ chính trị; Ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng bộ thông tin truyền thông; TS. Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng bộ nội vụ; Ông Nguyễn Bá Hai - Vụ Dân tộc tôn giáo – Ban dân vận Trung ương; Ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó trưởng ban Tôn giáo Chính Phủ; TS. Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Mặt trận tôn giáo, Ủy ban MTTQVN; Đại tá Vũ Tiến Lợi - Trưởng phòng An ninh Nội địa Bộ Công an; Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng ban tôn giáo TP Hà Nội; Bà Phạm Bảo Khánh - Phó trưởng ban tôn giáo TP Hà Nội; GS.TS.KH Vũ Minh Giang - Phó CT Hội Khoa học – Sử học Việt Nam; GS Lê Mạnh Thát - Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng HVPG VN tại TP HCM; PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo, thuộc viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; TS Nguyễn Văn Đoàn - GĐ Bảo tàng lịch sử quốc gia; Ông Nguyễn Tiến Cường - Chủ tịch UBND Huyện Thanh Trì; Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó CT UBND Huyện Thanh Trì; Ông Nguyễn Xuân Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh; Ông Tạ Duy Đôn - Chủ tịch UBND xã Liên Ninh cùng chư tôn đức Tăng, Ni, chư vị khách quý, quý vị đại biểu, các đơn vị đồng hành, các phóng viên báo chí và Phật tử gần xa cùng về tham dự sự kiện.
Sau màn văn nghệ chào mừng với lời ca, tiếng hát cùng hoạt cảnh được dàn dựng công phu ca ngợi chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì cùng công hạnh của bà Phương Dung, một công chúa, một nữ tu sĩ đã đóng góp cuộc đời mình cho Đạo pháp, cho Dân tộc,Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tuyên đọc diễn văn khai mạc, toàn văn như sau:
“Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý
Thưa toàn thể Hội thảo!
Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội về việc làm sáng tỏ công trạng nhân vật Sư bà Phương Dung ở Chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thủ đô Hà Nội đối với đạo pháp và dân tộc, UBND huyện Thanh Trì phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát, điền dã, nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học “Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc”.
Hội thảo về Sư bà Phương Dung là cơ hội để chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu về Phật giáo thời kỳ đầu công nguyên. Đây không phải là đề tài phổ thông và dễ thực hiện, bởi lẽ, tư liệu về lịch sử Phật giáo cách nay 2000 năm thật sự hiếm hoi, nhất là trong bối cảnh đất nước ta trải qua hàng ngàn năm liên tục bị tàn phá bởi thiên tai, chiến tranh. Tuy nhiên, đây lại là một đề tài rất hấp dẫn và cuốn hút đối với những ai muốn khám phá về Phật giáo thời kỳ này.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất kỳ vọng Hội thảo khoa học hôm nay, từ góc nhìn khác nhau của các nhà khoa học đánh giá một cách khách quan về Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu công nguyên nói chung, về Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc nói riêng; trên cơ sở đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có thêm được những tư liệu quý giá để tô bồi vào những trang sử vẻ vang, hào hùng của Phật giáo Việt Nam cách đây 2000 năm lịch sử, để cho thế hệ hậu duệ trong hiện tại và tương lai tưởng nhớ, học tập và tiếp bước noi theo những tấm gương sáng của chư vị tiền bối Tổ sư.
Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc đến quý vị lãnh đạo thành phố Hà Nội, dù việc dân việc nước bộn bề, nhưng vẫn không quên nhắc đến sự cống hiến của chư vị tiền bối Tổ sư Phật giáo Việt Nam đối với đạo pháp và dân tộc. Đồng thời, cũng xin gửi lời tri ân sự có mặt ngày hôm nay của quý vị lãnh đạo, quý cấp chính quyền ở trung ương, thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì, chư vị tôn đức Tăng Ni và các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian đặc biệt đến tham dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo.
Xin kính chúc chư tôn đức Tăng Ni, chư vị đại biểu khách quý, quý Giáo sư, các nhà khoa học và quý đạo hữu Phật tử, được vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.
Chúc Hội thảo thành công viên mãn!
Trân trọng cảm ơn !”
Theo chính sử Việt Nam, vào năm 40, không thể chịu được sự cai trị hà khắc và những tội ác của Thái thú Tô Định, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, chiếm trị sở Luy Lâu và 65 thành trì, khiến cho Tô Định phải thoát thân về nước. Khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc xưng vương, đất nước hưởng độc lập, thái bình trong vòng 3 năm (40-43). Sau đó, nhà Đông Hán sai Mã Viện đem binh lính sang xâm lược, Hai Bà Trưng lại đem quân chống lại, trước thế giặc mạnh, lực lượng lại mỏng, Hai Bà Trưng lui về giữ Cấm Khê rồi tử trận tại đây.
Nhìn chung, chính sử ghi chép về khởi nghĩa Hai Bà Trưng không nhiều, do vậy còn có rất nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, chẳng hạn như lai lịch, hành trạng, những đóng góp của các nữ tướng dưới quyền Hai Bà Trưng; Phật giáo dưới thời Hai Bà Trưng, những vị ni sư của Phật giáo thời Hai bà Trưng, v.v.. Có thể nói, đây là những khoảng trống cần được lấp đầy của lịch sử Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Chính sử là vậy, song truyền thuyết về Hai Bà Trưng, nhất là về các nữ tướng của Hai Bà thì lại khá phong phú. Theo một khảo sát của Học giả Nguyễn Vinh Phúc về "Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội" đã cho biết, chỉ riêng ở Hà Nội và Hà Tây đã có 50 làng xã đang phụng thờ 67 vị tướng lĩnh của Hai Bà Trưng,... trong đó có nhiều nữ tướng như Phùng Thị Lĩnh được mệnh danh là nữ tướng trinh sát; tướng Sa Lãng thống lĩnh thủy quân; Bà Chu Tướng với phòng tuyến Miếu Môn,... Ngoài ra, có thể kể đến Công chúa Thánh Thiên ở Bắc Giang, Công chúa Trinh Thục, Bát Nàn ở Phú Thọ, Công chúa Ngọc Quang ở Ninh Bình,... Như thế, nếu có cuộc khảo sát qui mô hơn, sâu rộng hơn, có lẽ nguồn truyền thuyết về Hai Bà Trưng, các vị tướng theo Hai Bà còn phong phú hơn nhiều, hiện diện trong các bản thần phả được nhiều nơi lưu giữa qua nhiều thế kỷ. Theo chúng tôi, truyền thuyết cũng phần nào chứa đựng những yếu tố lịch sử vì ghi chép về những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Mặc dù phần lớn các truyền thuyết được các nghệ nhân dân gian sáng tác theo xu hướng lý tưởng hóa nhằm tôn vinh những người có công với dân với nước.
Sư Bà Phương Dung là một trong nhiều nữ tướng theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Theo Thần phả, Sư Bà Phương Dung vốn là người xuất gia. Nhưng theo lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, Sư Bà đã cùng với hai đệ tử - hai người con nuôi là Trung Vũ và Đài Liệu chiêu mộ quân sĩ theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Cấm Khê, Sư Bà Phương Dung và hai đệ tử trở về chùa Thanh Vân, tức chùa Yên Phú ngày nay tu hành. Sau khi Sư Bà và nhị vị đệ tử Trung Vũ và Đài Liệu hóa, nhân dân thôn Yên Phú tôn thờ làm Thành hoàng làng ở chùa và đình cho đến tận ngày nay. Để ghi nhận công lao của Sư Bà đối với dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam từ Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn đã nhiều lần ban cho Sư Bà các sắc phong với các mỹ tự cao quý, tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp và đóng góp của Sư bà đối với lịch sử dân tộc.
Nhận thấy những đóng góp to lớn của Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc, Đồng chí Vũ Oanh, lão thành cách mạng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị trong thư gửi đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đã đề nghị Thành ủy Hà Nội và các ban ngành chức năng kết hợp với các đơn vị nghiên cứu cung cấp những luận cứ khoa học để công nhận Sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của thủ đô, đồng thời cũng là luận cứ để tiến hành xây dựng, tôn tạo lăng mộ Sư bà Phương Dung nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của quần thể di tích chùa Yên Phú, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn như là một truyền thống quý báu của dân tộc.
Với những lý do như vậy, Uỷ ban Nhân dân Huyện Thanh Trì, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng phối hợp chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học: Sư Bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc nhằm mục đích:
Với những lý do như vậy, Uỷ ban Nhân dân Huyện Thanh Trì, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng phối hợp chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học: Sư Bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc nhằm mục đích:
Sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu Sử học, Hán nôm, Khảo cổ, và các tư liệu liên quan góp phần làm rõ lịch sử Phật giáo thời Hai Bà Trưng, các nhân vật Phật giáo thời Hai Bà Trưng, qua đó góp phần làm rõ hơn nữa về cuộc đời, đóng góp của Sư Bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc, làm cơ sở để tôn vinh, công nhận Sư Bà là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của thủ đô và tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Sư Bà Phương Dung tại Huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Với mục đích như vậy, Hội thảo được chia làm 03 chủ đề như sau:
Thứ nhất: Bối cảnh lịch sử và Phật giáo Việt Nam thời Hai Bà Trưng. Trong chủ đề này, tập trung trình bày về bối cảnh lịch sử, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về các nhân vật nữ tướng của Hai Bà Trưng (Bát Nàn, Lê Chân, Thiều Hoa,…); trình bày Phật giáo thời Hai Bà Trưng (các ngôi chùa, các nhân vật Phật giáo,…), v.v..
Thứ hai: Cuộc đời và đóng góp của Sư Bà Phương Dung. Chủ đề này làm rõ về cuộc đời, những đóng góp của Sư Bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc. Đặc biệt là thông qua các tư liệu lịch sử, trong đó chú trọng tư liệu chính sử, khảo cổ.
Thứ ba: Các đề xuất, kiến nghị về việc công nhận Sư Bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của Hà Nội và Việt Nam; Kiến nghị về việc công nhận xếp hạng di tích đối với cụm di tích thờ Sư Bà Phương Dung ở Thanh Trì hiện nay; Kiến nghị về việc xây dựng, tôn tạo lăng mộ Sư Bà Phương Dung; Kiến nghị về việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá Phật giáo đối với chùa Yên Phú.
Hội thảo khoa học "Sư Bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc" đến nay đã nhận được gần 30 bài tham luận với 03 chủ đề tương ứng nêu trên. Những bài tham luận là kết quả nghiên cứu đầy tâm huyết của Chư tôn đức, của các nhà nghiên cứu, các học giả trong nhiều năm qua. Các bài tham luận đều theo rất sát với chủ đề mà Ban tổ chức hội thảo đã nêu ra và chúng tôi tin tưởng rằng, những bài tham luận và những ý kiến đóng góp của chư tôn thiền đức, của quý vị học giả và quý vị đại biểu có mặt trong hội thảo này, trong không gian này là vô cùng quý báu. Bởi sau cuộc hội thảo này, các cấp các ngành của Trung ương và Huyện Thanh Trì sẽ có những cơ sở để tiến hành các hoạt động nhằm tôn vinh Sư Bà Phương Dung và công tác tu bổ, tôn tạo cụm di tích liên quan đến Sư Bà của các ban ngành chức năng.
Sáu bài tham luận được trình bày tại hội thảo và rất nhiều bài tọa đàm của chư tôn thiền đức, của các nhà nghiên cứu, các học giả khiến không khí trong hội trường vô cùng sôi nổi. Ai cũng muốn bày tỏ những nghiên của mình về đề tài đến mức hội thảo đã bị quá giờ đến 30 phút so với dự kiến. Hội thảo kết thúc trong niềm hân hoan của quý chư tôn thiền đức Tăng, Ni, trên những gương mặt sáng tươi của quý vị quan khách, quý vị Phật tử. Ai nấy cũng đều thể hiện một niềm tri ân sâu sắc đến Sư bà Phương Dung, một vị công chúa, một nữ tu sĩ đã có những đóng góp đáng nghiêng mình kính nể cho Đạo Pháp và Dân tộc.
Và mạng mạch Phật pháp chắc chắn sẽ được trường tồn vì những ngọn nến lung linh tỏa chiếu cho đến muôn đời sau như thế !
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:
(Tin bài: Giác Phương Hoa
Ảnh: Vân Quảng Tâm)