HT.Thích Trí Quảng trả lời phỏng vấn trước thềm Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ IX
Là nơi thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1980), nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của GHPGVN trước và sau khi thành lập (1981), TP.HCM được xem là trung tâm văn hóa, giáo dục Phật giáo lớn của cả nước.
- Nhìn lại những chặng đường từ ngày thành lập BTS Phật giáo TP (6-1982) đến nay, một cách tổng quan, Giáo hội TP đã có bước phát triển vượt bực.
Thứ nhứt, khi được Giáo hội và Tăng Ni giao trách nhiệm lãnh đạo Phật giáo TP, tôi đã nghĩ ngay tới cơ quan ngôn luận quan trọng không chỉ đối với Phật giáo TP.HCM mà của Phật giáo cả nước, đó là Báo Giác Ngộ.
Từ một bán nguyệt san theo cơ chế bao cấp, phát hành với số lượng khiêm tốn, Báo Giác Ngộ đã tăng kỳ thành tuần báo và sau đó có thêm phụ trương nghiên cứu Phật học - ấn phẩm nguyệt san. Trong giai đoạn giáo dục Phật giáo còn nhiều khó khăn, Báo Giác Ngộ đã kết hợp với Ban Hoằng pháp T.Ư tổ chức 2 khóa Phật học hàm thụ và 2 khóa Đào tạo từ xa, giúp cho hàng ngàn người có điều kiện tìm hiểu về Phật giáo một cách căn bản. Chương trình này sau đó được chuyển giao về cho Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thực hiện theo đúng chức năng.
HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Giác Toàn
trong những ngày đầu tiếp nhận Báo Giác Ngộ - Ảnh tư liệu Báo Giác Ngộ
Từ năm 2008, bắt kịp xu thế của thời đại, Báo Giác Ngộ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) cấp giấy phép hoạt động điện tử với phiên bản Giác Ngộ online. Và hiện nay, Báo Giác Ngộ cũng đang tổ chức xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nhân sự cho một bước phát triển mới trong xu hướng truyền thông đa phương tiện…
Bạn đọc báo Giác Ngộ có sự chuyển đổi từ các ấn phẩm báo giấy sang báo điện tử, nhìn chung về số lượng ngày càng tăng, qua đó chứng tỏ đây là kênh thông tin được Tăng Ni, Phật tử và những người quan tâm Phật giáo trong và ngoài nước tin cậy, theo dõi.
Thứ nhì, là những thành tựu về việc kiến thiết cơ sở vật chất. Còn nhớ ban đầu sau khi BTS Phật giáo TP được thành lập, cứ mỗi lần có các sự kiện quan trọng, các kỳ lễ, đại lễ của Giáo hội đều phải giao chỉ tiêu đến các quận huyện, tự viện mới có được nguồn tài chánh trang trải. Kể từ khi chính quyền giao cơ sở chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) cho Giáo hội TP trực tiếp quản lý, cùng với các nguồn như Tổ In ấn và phát hành kinh sách thuộc Ban Kinh tế - Tài chánh…, BTS Phật giáo TP đã bước đầu chủ động được nguồn tài chánh cho các hoạt động của mình một cách ổn định hơn, giảm việc áp đặt chỉ tiêu mà chủ trương phát tâm tùy hỷ theo khả năng.
Tôn tượng Đức Bổn sư bằng đồng tại chánh điện do Tăng Ni, Phật tử miền Bắc cung tiến
Trong nhiệm kỳ VIII, chính quyền TP với việc đánh giá cao sự gắn bó và những đóng góp về an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống người dân, đã quyết định giao thêm hơn 7.200m2 cho Giáo hội TP mở rộng Việt Nam Quốc Tự (Q.10) làm trung tâm văn hóa, tâm linh và hành chánh mới của Phật giáo TP.HCM.
BTS Phật giáo TP đã thành lập Ban Kiến thiết Việt Nam Quốc Tự do tôi đứng đầu, nhận thức đây không chỉ là một ngôi chùa đơn thuần, mà là một trung tâm Phật giáo với vị trí giữa lòng TP, nên đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia có kinh nghiệm để có một kiến trúc phù hợp, đặc biệt có tầng hầm và bảo tháp 13 tầng, 63m - gắn với ý nghĩa của cuộc đấu tranh bất bạo động chống chính sách kỳ thị tôn giáo năm 1963 tại miền Nam, xuất phát từ Huế, nhưng cao điểm là ở Sài Gòn.
HT.Thích Trí Quảng cùng các ông Trần Đại Quang, Lê Hoàng Quân giám sát trước thời khắc rót đồng
tôn tạo tượng Phật Bổn Sư trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự
Cũng về cơ sở vật chất, gần đây, chính quyền lại giao thêm cơ sở chùa Phật Cô Đơn (Bát Bửu Phật Đài) cho Giáo hội TP quản lý. BTS Phật giáo cũng đã tổng quy hoạch và tái kiến thiết toàn diện nơi đây thành một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng bên cạnh giáo dục đào tạo của Phật giáo TP.
Hiện Phật giáo TP đang tập trung cho các công trình kiến thiết lớn như vậy, nhưng mọi việc được vận hành ổn định, với tiềm năng đó, trong tương lai, Giáo hội TP sẽ có chính sách giúp các cấp quận, huyện trực thuộc làm sao mỗi quận, huyện phải có một trụ sở làm việc của Giáo hội. Đặc biệt hơn nữa, phải đảm bảo được sinh hoạt phí cho gần1.000 Tăng Ni sinh các tỉnh thành và TP hiện đang nội trú tu học tại Học viện Phật giáo VN - cơ sở xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh, đào tạo nguồn nhân lực cho Giáo hội, xứng đáng là trung tâm văn hóa, tôn giáo và giáo dục lớn của cả nước, đủ sức để tương quan với các trung tâm giáo dục Phật giáo của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bạch Hòa thượng, TP.HCM là một trung tâm không chỉ đối với các lĩnh, luôn thu hút đông đảo Tăng Ni về học, tu, hành đạo. Hiện tượng đó được Giáo hội TP quan tâm như thế nào và có cách gì để quản lý?
- TP.HCM là trung tâm của cả nước, luôn có sự thu hút đối với mọi người dân, trong đó có cả Tăng Ni. Hiện tại ở TP có trường Trung cấp Phật học, có lớp cao đẳng chuyên ngành Phật học, các khóa đào tạo giảng sư, và đặc biệt là Học viện Phật giáo VN - cơ sở đầu tiên của Phật giáo được đào tạo chương trình thạc sĩ Phật học, cùng với nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngoại điển khác, do đó thu hút Tăng Ni trẻ đến học và tu cũng là đương nhiên.
Nhưng hiện tượng Tăng Ni đến TP đông, theo các mục tiêu khác nhau và luôn có sự dao động, do đó cũng có những bất cập, khó khăn trong quản lý đối với Giáo hội.
Trước tình trạng như vậy, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục. Theo đó, với vai trò là Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, sau khi được chính quyền giao 22,3ha đất ở xã Lê Minh Xuân, tôi đã quyết tâm xây dựng cơ sở này và đã khánh thành đưa vào sử dụng. Hiện nơi đây tập trung hơn 1.000 Tăng Ni trẻ đang theo học khóa XI, XII chương trình cử nhân Phật học được nội trú, miễn hoàn toàn về cả học phí và sinh hoạt phí, yên tâm học và tu. Đó là cách góp phần ổn định việc quản lý Tăng Ni trẻ căn bản bước đầu, loại bỏ tình trạng tự phát lưu trú, tìm nguồn tài chánh trang trải ảnh hưởng đến sự tu học, oai nghi của người xuất gia. Việc tu và học tập trung theo mô hình Phật học viện như thế này rất có ý nghĩa đối với việc đào tạo Tăng Ni, đã được thử nghiệm và thể hiện tính ưu điểm qua lịch sử, từ thời sau chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX.
Song song đó, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP đã chỉ đạo Ban Tăng sự liên tục tổ chức các khóa bồi dưỡng trú trì cho các vị Tăng Ni đang làm trú trì, hoặc các Tăng Ni sẽ kế thừa công việc này tại các tự viện. Nội dung học giảng dạy, bồi dưỡng chủ yếu là những căn bản về giới luật Phật chế, truyền thống quy củ thiền môn cùng các kiến thức về pháp luật liên quan tới tôn giáo hiện hành và Hiến chương, nội quy liên quan tới Tăng sự, mời các vị tôn túc chia sẻ kinh nghiệm hành đạo với Tăng Ni. Việc làm này giúp cho Tăng Ni trú trì hoặc sẽ đảm nhiệm vai trò trú trì thấy được trách nhiệm của mình, tránh được những tùy tiện do không nhận thức vấn đề, góp phần ổn định cho Giáo hội một cách căn bản từ con người.
Đó là những điểm nổi bật, bên cạnh những thành tựu khác do sự đồng tâm hiệp lực của Tăng Ni, Phật tử với sự hỗ trợ của chính quyền TP.
Đại hồng chung trọng lượng 3 tấn được thực hiện bởi các nghệ nhân tại cố đô Huế
Với nhiệm kỳ VIII, Phật giáo TP đã có những thành tựu Phật sự lớn; nhìn lại 5 năm qua, bạch Hòa thượng, mặt mạnh nhất của Giáo hội TP là gì?
- Chính trong ưu điểm đã bộc lộ khuyết điểm. TP.HCM thu hút người các tỉnh thành di cư đến sinh sống, và như chúng ta biết trong thời gian qua có hiện tượng một số người vận dụng các mối quan hệ cá nhân tự lập am cốc, hoặc Tăng Ni trẻ ở tư gia, sinh hoạt tín ngưỡng chưa hợp pháp, xa rời giới luật và quy củ thiền môn, và thực tế đã xảy ra một số trường hợp đau lòng. Trước đây, tình trạng này hầu như bị thả nổi. Từ nhiệm kỳ VII cho đến nay, Giáo hội quan tâm sâu sắc hơn, nhất là trong nhiệm kỳ VIII, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP đã chỉ đạo và giao Ban Tăng sự điều tra thống kê toàn diện Tăng Ni, tự viện trên toàn TP, rà soát thực tế và có hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở tự phát đi vào sinh hoạt nề nếp, tham dự các khóa bồi dưỡng về giới luật và nghi lễ, các khóa bồi dưỡng trú trì để nắm bắt các chủ trương của Giáo hội cũng như luật pháp Nhà nước, trong mục tiêu sắp xếp, chấn chỉnh từng bước.
Tôi thấy rằng căn bản cho mọi sự phát triển là giáo dục và đào tạo. Chính do đó, Phật giáo TP quyết tâm xây dựng và giữ cho chương trình nội trú tại Học viện Phật giáo VN - cơ sở xã Lê Minh Xuân theo mô hình Phật học viện, vừa học vừa tu, tạo điều kiện cho các Tăng Ni trẻ có cơ hội tiếp xúc, sống chung tu học theo giới luật và tinh thần lục hòa, từ đó tạo nên đạo tình, sự hiểu biết và cảm thông, là những nhân duyên thuận lợi cho việc hành đạo sau khi tốt nghiệp, tham gia các Phật sự của Giáo hội ở các địa phương.
Giáo hội TP sẽ duy trì và liên tục tổ chức các khóa bồi dưỡng trú trì, bồi dưỡng giới luật và nghi lễ để từng bước khắc phục những khuyết điểm trên, tránh tối đa những điều đau lòng, đáng tiếc liên quan tới đời sống Tăng Ni tại TP của chúng ta.
Trẻ hóa nhân sự là chủ trương từ lâu của Hòa thượng. Với Giáo hội cấp quận, huyện trực thuộc vừa qua đã cơ cấu nhiều nhân sự trẻ tuổi hơn. Với chủ trương trẻ hóa đó, là người có kinh nghiệm lãnh đạo qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Hòa thượng có kỳ vọng gì cho hoạt động của Phật giáo TP nhiệm kỳ tới?
- Chúng ta đã có 23/24 quận, huyện tại TP tổ chức đại hội và đã có nhân sự lãnh đạo mới, tăng cường Tăng Ni trẻ có năng lực và đạo hạnh thay cho một số vị tôn túc cao niên. Riêng còn quận 7, vì không muốn áp đặt nhân sự, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP quyết định lưu nhiệm thêm một năm, sau đó sẽ theo ý kiến chung của Tăng Ni trên địa bàn, sẽ tiến hành suy cử nhân sự lãnh đạo phù hợp, được đa số Tăng Ni đồng tình.
Xây dựng nguồn nhân lực trẻ kế thừa là một trong những nỗ lực và chủ trương của Ban Thường trực BTS Phật giáo TP. Trong nhiệm kỳ IX, sẽ thể hiện được điều đó rõ nhất, dự kiến 2/3 nhân sự thuộc Ban Thường trực được cơ cấu các vị trẻ thay cho các vị giáo phẩm cao niên. Các vị giáo phẩm lớn sẽ giữ những chức vụ cần những phẩm chất như sự uy tín đối với Tăng Ni, chỉ là tiêu biểu, nhằm tạo nên sự ổn định chung. Ngay cả với trường hợp của tôi cũng sẽ chuyển giao nếu có người được Tăng Ni tín nhiệm đề nghị thay thế.
Chúng tôi kỳ vọng với sự chuyển giao cho thế hệ kế thừa này, các hoạt động của Phật giáo TP sẽ được khởi sắc hơn trên nền tảng thành tựu, các khuyết điểm như đã nói sẽ được khắc phục một cách căn bản, mang tính lâu dài.
Kính cảm ơn Hòa thượng.