Kết nối thế giới bằng con đường Phật giáo
Bộ Du lịch Ấn Độ vừa tổ chức Hội thảo Phật giáo quốc tế 2016 với chủ đề: “Ấn Độ - xứ sở của Phật”. Đây là hội thảo lần thứ 5, tiếp sau các năm 2004, 2010, 2012, 2014. Hiện nay Phật giáo chiếm 7% dân số thế giới, với vị trí số 4 trong các tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới. Du lịch văn hóa tâm linh gắn với các Thánh tích mang lại ích lợi cho kinh tế - xã hội Ấn Độ, tăng cường giao lưu văn hóa và tôn giáo. Bởi vậy đây là nội dung được Chính phủ Ấn Độ đặc biệt quan tâm.
Hội thảo Phật giáo quốc tế 2016 có sự tham gia của 285 đại biểu đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, phái đoàn đại biểu Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Phó ban Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ dẫn đầu cùng với 15 Tăng Ni và phóng viên báo chí.
Với lợi thế là có 3 trong 4 Thánh tích ghi dấu nơi Đức Phật thành đạo và Đức Phật chuyển pháp luân và Đức Phật nhập Niết bàn (vườn Lâm - tì - ni nơi Đức Phật sinh ra hiện nằm trên lãnh thổ Nepal), Ấn Độ có đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể phát triển các chương trình du lịch tâm linh gắn với đạo Phật. Tiến sĩ Mahesh Sharma, Bộ trưởng Bộ Du lịch Ấn Độ cho biết: chủ trương của chính phủ Ấn Độ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Phật tử hành hương, du lịch tâm linh Phật giáo và khai thác những cơ hội hợp tác giữa chính phủ Ấn Độ với các quốc gia và tổ chức khác để phát triển du lịch tâm linh Phật giáo, chia sẻ kinh nghiệm hành hương tham quan và bảo tồn di tích văn hóa lịch sử các Thánh tích tại Ấn Độ. Là người gắn kết với Phật giáo Việt Nam, có nhiều bạn bè đồng đạo ở Việt Nam, ông Shantum Seth, chủ tịch Công ty Buddha Path, doanh nghiệp duy nhất ở Ấn Độ chuyên về Phật giáo, thành viên Ban tổ chức, khẳng định: Chúng tôi tìm kiếm Phật giáo và Phật tử, người đồng đạo ở Việt Nam và nhiều người Việt sống theo Phật pháp. Phật giáo đến Việt Nam từ trước khi đến Trung Quốc và Phật giáo chính là mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ, chúng ta có tình hữu nghị tốt đẹp và Phật pháp chính là sự kết nối.
Năm 2015, Ấn Độ tiếp đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt doanh thu 21 triệu đô la và chính phủ Ấn Độ đang kỳ vọng năm 2016 tiếp tục lập kỷ lục mới về lượt du khách quốc tế tham quan Ấn Độ. Các kỹ thuật tiên tiến cũng được áp dụng để hỗ trợ cho du lịch, tăng sự thuận tiện cho du khách đăng ký thị thực điện tử (eVisa) và nhiều biện pháp khác. Ông Vinod Zutshi, Giám đốc điều hành Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc (WTO) cho biết: mỗi năm các thánh tích tôn giáo đón tới hơn 300 triệu người, và đây chính là nguồn thu lớn cho các quốc gia biết khai thác. Mặt khác, thông qua du lịch tâm linh, các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo sẽ được quan tâm, bảo tồn hơn; ý thức con người được nâng cao hơn, yêu thương, đoàn kết hơn, góp phần vào ổn định và phát triển xã hội, vượt qua khoảng cách và xây dựng hòa bình thế giới. Nhưng việc phát triển du lịch tâm linh cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách như phải đảm bảo việc tu bổ di tích không trở thành phá hủy di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo; làm sao để không phá vỡ phong tục tập quán của người dân bản địa và làm sao để du lịch mang lại lợi ích thực sự cho người dân bản địa. Đây cũng là một thách thức với du lịch tâm linh Việt Nam. Do đó, theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Phó ban Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, quan trọng là cần có sự đồng lòng của Nhà nước với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để khai thác hiệu quả của du lịch tâm linh, như cách mà Ấn Độ đang làm: Có lẽ là nhiều nhà lãnh đạo của ngành du lịch Việt Nam và Phật giáo Việt Nam đã thấy. Trong thời gian qua Việt Nam đã có những xúc tiến rất quan trọng như tổ chức cho Phật tử đi thăm viếng các nơi trong và ngoài nước, ở trong nước nhiều cơ sở thờ tự xây dựng và phát triển rất tốt nên người dân và Phật tử rất hoan hỉ, cho thấy là ngành du lịch rất quan tâm. Qua hội thảo này thì ở trong nước chúng ta cũng phải học tập để du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong Phật giáo tuy có phát triển nhưng chưa làm việc rất rõ nét vì nó thuộc về văn hóa Phật giáo. Lãnh vực du lịch du lịch như thế này thì văn hóa Phật giáo của chúng ta chưa có kinh nghiệm. mong rằng sẽ có nhiều hợp tác để phát triển
Theo Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh, Phó Thư ký kiêm chánh văn phòng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, việc tổ chức những hội nghị Phật giáo quốc tế để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam như cách mà Ấn Độ đang làm sẽ không gặp khó khăn, vì Việt Nam đã có kinh nghiệm qua 2 lần tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2008 và 2014: GHPG VN có thể tập hợp bạn bè khắp năm châu. Trước đây khi tổ chức đại lễ Phật đản đã quy tụ được khoảng 70 quốc gia và hiện nay đang tổ chức được nhiều tour du lịch tâm linh trong nước. nếu được chính phủ đồng ý để tổ chức các hội thảo quốc tế thì sẽ rất là tốt.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố năm 2017 là năm cho du lịch thế giới, bởi vậy các quốc gia nên tận dụng cơ hội duy nhất và tốt nhất này để phát triển du lịch, xây dựng hiểu biết và hòa bình cho thế giới./.
Thu Thùy - Vanhoaphatgiaovietnam.net