Kiềm chế sự lãng phí
“Hoang phí là nguyên nhân khiến chúng ta mất đi phước báu về tài sản và để đi đến phá sản”
Có lẽ đây bài học đầu tiên tôi được học khi mỗi lần tôi tham dự khóa tu, là học cách “kiềm chế sự lãng phí”. Các bạn có muốn mình ra về có “lãi” không? Tôi chỉ đùa thôi, nghe có vẻ như kinh doanh trong khóa tu vậy… “Lãi” ở đây là sự tu học có chánh niệm và bằng cái tâm thực sự… Hãy cùng trải nghiệm với tôi, rồi các bạn sẽ có “cả vốn lẫn lãi” mang về nhà.
Tại sao tôi lại nói đó là bài học đầu tiên? Theo cái nhìn của tôi thì mọi người sống ở ngoài đời rất lãng phí, cực kì lãng phí, số đó phải kể tới sự “lãng phí thực phẩm”... Vì thế mà mỗi khi tham ra khóa tu, các thiền sinh luôn được nhắc nhở “ăn vừa đủ lấy vừa tay” hay là “ăn bao nhiêu lấy từng đấy”… Để nhắc nhở rằng không nên lấy thức ăn, đồ uống quá nhiều trong khi lượng tiêu thụ của chúng ta chỉ có giới hạn, tránh sự lãng phí, thừa thãi thức ăn. Có một lần trong khóa tu tôi nhớ là bạn bên cạnh ăn xong trước tôi, thầy đi xuống và thấy bát của bạn vẫn còn mấy hạt cơm, thầy cầm cái bát đó lên và ăn hết những hạt cơm còn lại, thầy nói: “Trải qua rất nhiều quá trình mới có được một hạt cơm này, từ khâu reo hạt, trở thành cây mạ, lớn dần là lúa, rồi cả sự chăm bón của những bác nông dân… Chúng ta nên quý trọng những tặng phẩm này, phải cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc”… Là một người phật tử thì rất cần một “thái độ” quý trọng, không nên nói là “đồ của chùa” và sở hữu tùy tiễn một cách lãng phí.
Lúc đức Phật còn tại thế, có một vị đệ tử được người ta cúng dường quần áo, mặc mấy bận rách rưới, bẩn, ăn cơm, bát cơm chưa vét hết đã đứng dậy mà đi, không hề biết giữ gìn tiếc rẻ vật dụng.
“Một hôm, đức Phật bảo người này hãy cởi bỏ áo cà-sa, mặc đồ như người thế tục mà vào thành khất thực. Khi ông vào thành, những người lúc trước vẫn thường cúng dường ông thì hôm nay thấy ông, ai cũng nhất định không chịu cúng dường.
Vừa thấy ông trở về, đức Phật hỏi:
– Hôm nay ông được cúng dường những gì?
– Bạch Thế Tôn, hôm nay con không nhận được gì hết. Thỉnh Thế Tôn cho con mặc áo cà sa trở lại.
– Ta cũng định trả lại cho ông tấm áo cà sa mà ông gởi cho ta giữ, nhưng lại quên mất để nó ở chỗ nào. Thôi thì ở đây có mớ bông gòn, ông có thể lấy mà tự may áo cà sa mặc cũng được.
Đức Phật giao cho vị đệ tử này một bó bông gòn. Ông cầm lấy tự nghĩ, làm sao mà may áo với những thứ này? Ông hỏi với một giọng châm biếm:
– Bạch Thế Tôn, con không phải là nhà ảo thuật, làm sao có thể may áo cà sa với mớ bông gòn này?
Phật dạy:
– Áo cà sa là do bông gòn làm thành, không cần phải là nhà ảo thuật mới có thể làm được; có một vài công việc cố định phải làm, và ai cũng có thể làm. Nhưng để biến bông gòn thành vải phải mất rất nhiều công lao gian khổ, phải hái bông gòn, kéo thành sợi, dệt thành vải, sau đó cắt may mới thành được một tấm cà sa. Áo cà sa mà ông đang cần đó, phải làm như thế mới có được.
Người này kinh ngạc hỏi:
– Trời ơi, phiền phức đến thế sao?
– Phải rồi, muốn làm thành một tấm cà sa phải trải qua bấy nhiêu đó gian khổ. Vì thế ông phải biết gìn giữ đồ vật, và không phải chỉ có quần áo mà thôi đâu. Ta thấy ông ăn cơm cũng phí phạm như thế. Ông phải biết, một hạt thóc là do người nông phu phải cực nhọc làm lụng mà có. Muốn có hạt thóc ấy để nấu thành cơm, thì phải gieo mạ, nhặt cỏ, bỏ phân, tưới tẩm v.v... Chúng ta được sống qua ngày một cách an ổn như thế này là do sự giúp đỡ của rất nhiều người. Chúng ta không nên quên lãng ân huệ ấy, mà phải dùng cái tâm tri ân để giữ gìn đồ đạc mà họ cúng dường cho chúng ta, và lấy sự tu hành chuyên cần để báo đáp ơn thí chủ”.
Ngày nay sự lãng phí đang xuống cấp trầm trọng vì thế mà kéo xuống theo một loạt các vấn đề về môi trường, kinh tề, sức khỏe… Tôi xin được chia sẻ sự thực tế của tôi: Khi tôi vẫn là sinh viên tôi có đi làm thêm tại một khách sạn 5 sao có tên tuổi, mà tôi nghĩ đa số các khách sạn thường làm như vậy. Các thức ăn thừa là trút mang bỏ không thương tiếc. Thậm chí họ không cho nhân viên của họ dùng, nhiều lần có những vị khách lấy rất nhiều đồ ăn nhưng rồi họ không ăn và rồi nhân viên rọn bàn vẫn phải trút bỏ thành rác vì rác với mấy đồ ăn đó đều bị trộn lẫn với nhau. Thật lãng phí phải không?
Mỗi lần như vậy tôi lại rất bị ám ảnh bởi những người tị nạn họ thiếu ăn, thiếu đồ uống, tôi xin lỗi vì câu nói không ái ngữ nhưng đó là sự thật, họ khát quá không có nước để uống, để qua ngày họ đã phải uống ngay chính nước đi vệ sinh của họ. Tôi biết rằng ngày nay không chỉ riêng Việt Nam mà các nước khác cũng đều rơi vào tình trạng nghèo đói lên tới mức “báo động trầm trọng”. Hình ảnh tác phẩm “Kền kền chờ đợi” của Carter phần nào nói lên cái đói và sự chết chóc đó… Xem xong hình ảnh này tôi hay các bạn có lẽ chúng ta phải “nghĩ trước khi ăn, khi uống”…
Theo UNICEF: Mỗi ngày có khoảng 22.000 trẻ em chết do nghèo đói, không có thức ăn, đồ uống để tiêu thụ. Những trẻ em đó "chết cách lặng lẽ, âm thầm trên trái đất, xa đến nỗi tiếng nói lương tâm của thế giới cũng không thể nào nghe biết chúng đã chết trong ngày hôm qua, chúng đang hấp hối ngày hôm nay, và chúng sẽ chết vào ngày mai… Cho ta những suy nghĩ về sự hưởng thụ của cải và sự dửng dưng của mọi người.
Có lẽ chúng ta nên học những cái hay của bạn, trong quá trình làm viêc tôi quan sát người Nhật họ rất lịch sự và những đồ ăn họ lấy thường ăn rất sạch sẽ, gọn gàng từ lấy thức ăn, đồ uống, cách nói chuyện… Tôi coi họ là tấm gương và nên học theo những ưu điểm hay của họ.
Sự lãng phí này chỉ là một khía cạnh nhỏ trong các sự lãng phí, người ta nói rằng: “Bạn là ai không quan trọng. Hành động của bạn sẽ định nghĩa con người bạn”. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại chỉ vài phút thôi về “thái độ lãng phí” của mình, để rồi mình sẽ biết quý trọng mọi thứ hơn. Tôi và bạn đều có thể làm được, đúng không?
Diệu Minh