Kiên Giang: Tổ chức buổi họp mặt mừng tết Chôl Chnăm Thmây
Sáng ngày 10/4/2018 tại hội trường Tỉnh ủy, Ban Dân tộc phối hợp cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi họp mặt cán bộ, công chức, viên chức, các vị chức sắc, Ban quản trị chùa, người có uy tín tiêu biểu là dân tộc Khmer nhân dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2018.
Đến dự buổi họp mặt có bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lâm Hoàng Sa, UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Lê Thị Vệ, UV BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; ông Phạm Công Khâm, UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. HT. Danh Đổng, UV Thường trực HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang; HT. Danh Nhuôn, quyền Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh và 150 vị là chư Tăng, sư sãi, archa, Ban quản trị của các chùa Phật giáo Nam tông tiêu biểu trong tỉnh, các vị cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các vị chức sắc, chức việc.
Buổi lễ diễn ra trong không khí ấm áp, thắm tình. Đây là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi và chúc mừng năm mới. Thay mặt Tỉnh ủy, ông Danh Ngọc Hùng, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã nhắc lại ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer và thông báo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách ở vùng dân tộc Khmer năm 2017 và một số nhiệm vụ năm 2018. Trong năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vùng đồng bào dân tộc Khmer, thông qua các chương trình, dự án, các chính sách bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc… nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8.724 hộ xuống còn 6.723 hộ. Chính quyền và các ngành chức năng cũng thực hiện khá tốt các chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc, tạo điều kiện tổ chức và thăm hỏi nhân các ngày lễ truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, chính sách cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Các trường phổ thông Dân tộc nội trú trong tỉnh được tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sửa chữa nâng cấp; chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên.
Đối với chùa chiền và sư sãi. Toàn tỉnh hiện có 75 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với 823 sư sãi; trong đó Hòa thượng 07 vị, thượng tọa 16 vị, đại đức 385 vị và 415 sadi. Năm qua các cấp, các ngành tạo điều kiện cho 52 chùa được xây dựng, sữa chữa, với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng. Tạo điều kiện và hỗ trợ cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp hoạt động đúng theo Điều lệ, các cấp Hội làm tốt việc phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách cho sư sãi, các vị trong Ban quản trị chùa và đồng bào. Quan tâm đào tạo tăng tài trong và ngoài nước (ngoài nước 32 vị, trong nước 126 vị, tổ chức các lớp học Pali, kinh luận giới, học chữ Khmer… Ngoài việc hành đạo và tu học theo truyền thống, trong năm qua chư tăng Khmer trong tỉnh tiếp tục tham gia và vận động đồng bào bổn sóc tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, cất nhà cho đồng bào nghèo, điều trị bệnh, hiến máu nhân đạo… được chính quyền, Mặt trận ở nhiều địa phương biểu dương khen thưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội, an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc Khmer còn một số mặt khó khăn, hạn chế nhưng nhìn chung tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng bào rất phấn khởi trước các chính sách ưu đãi trong thời gian qua mà Đảng và Nhà nước đã đầu tư hỗ trợ cho đồng bào, với những chính sách đó đã tạo điều kiện cho đồng bào phát triển vươn lên về mọi mặt.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những đóng góp của sư sãi, chức sắc, cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội… Bà mong rằng tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dân tộc Khmer dù đương chức hay đã nghỉ hưu, các vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, các vị À cha, Ban Quản trị chùa và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Và kính chúc tất cả các chư tăng và đồng bào Khmer trong tỉnh dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Dịp này, HT. Danh Đổng, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Phó Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh và chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, cán bộ tiêu biểu đồng bào dân tộc đã có những ý kiến, kiến nghị đến các ngành chức năng có thêm những chính sách, chương trình hỗ trợ bà con dân tộc nâng cao đời sống, văn hóa cũng như báo cáo một số thành tựu của chư Tăng, Phật tử các chùa trong tỉnh.
Buổi họp mặt kết thúc trên tinh thần đoàn kết, hoan hỷ của toàn thể đại biểu.
Minh Triết