KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO VIỆT NAM - CẦN TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ
Sự xuất hiện của những ngôi chùa đồ sộ, những ngôi chùa có xu hướng giống với phong cách chùa ở nước ngoài, đặt để những loại hình kiến trúc không phù hợp với chùa chiền trong khuôn viên của chùa.v.v. đó là những vấn đề khiến cho những người yêu đạo Phật phải băn khoăn. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân mà Ban Văn hóa trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra trong Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Trong đó, định hướng kiến trúc sẽ là vấn đề được quan tâm và gây ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam, chùa luôn gắn với cây đa, bến nước, sân đình, với ba gian hai chái hoặc trên đỉnh non thiêng. Giá trị của chùa không phải ở chỗ xây to, xây rộng mà quan trọng chùa là điểm tựa tâm linh của cộng đồng dân cư, hay nói một cách khác: “Chùa là bùa làng”. Thế nhưng, theo thời gian, quy mô của cộng đồng phát triển hơn, số lượng Phật tử và người yêu mến đạo Phật cũng tăng lên. Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó trưởng ban thường trực Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Yên Phú, Hà Nội - đây là lý do quy mô kiến trúc của các chùa ngày càng phải mở rộng hơn: Việc chùa to chùa nhỏ không phải là vấn đề, mà cái chính là thái độ của những người quản lý và hướng dẫn thôi. Chùa to cũng không xa cách với cộng đồng. Trước kia người ta đến với chùa qua con đường tín ngưỡng là chính, còn bây giờ người ta đến với đạo Phật muốn để học tập, cộng tu. Như chùa chúng tôi ở đây có lúc đón đến 500 người đến học Phật nên chùa nhỏ sẽ không đáp ứng được
Quả thật là nhu cầu của người dân đến chùa gia tăng tạo sức ép khiến các chùa phải mở rộng quy mô. Tuy nhiên, với cách thức phát triển hiện nay, nhiều ngôi chùa Việt mang tính quy mô, đồ sộ về chiều rộng hơn là chiều sâu, sự hoành tráng thì có thừa nhưng sự sâu sắc về mặt tôn giáo lại ít. Hay nói một cách khác là thiếu đi hồn cốt của một ngôi chùa thực sự. Thế nên mới xảy ra tình trạng có nhà sư ở Hưng Yên bê cả nhà sàn và những bình gồm trang trí hình người phụ nữ khỏa thân vào trong khuôn viên của một ngôi chùa được xếp hạng di tích. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam - băn khoăn: Những ngôi chùa làng bây giờ đã thành ngôi chùa của thành phố rồi. Không gian của nó đáp ứng được nhiều hơn, rộng hơn và số lượng lớn hơn. Nhưng dần dần nó bị vật chất hóa chứ không nâng cao yếu tố tinh thần. Chính vì thế những công trình được xây mới trong 20 năm trở lại đây có quy mô lớn nhưng thiên về hoạt động mang tính phô trương, những sự kiện lớn, tính hướng ngoại hơn là làm cho con người trở về sự tĩnh tâm - điều mà hàng ngàn năm nay các ngôi chùa Việt đáp ứng được.
Đây là một thực tế mà các thành viên Ban Văn hóa và cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tính đến để đảm bảo mỗi công trình tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam được xây dựng nên không chỉ có quy mô đồ sộ mà còn lưu giữ được dấu ấn truyền thống của Phật giáo Việt Nam cũng như của từng hệ phái. Đại đức Thích Giác Hoàng, phó Tổng thư ký, kiêm chánh văn phòng học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho phái Khất sỹ cho rằng: Quan điểm của giáo hội ổn định – kế thừa và phát triển là rất đúng. Không thể nào phủ nhận đóng góp của các bậc tiền bối. Nên lưu trữ và trân trọng. Nhưng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng mới chưa từng xây dựng chùa thì tại sao chúng ta không mạnh dạn có những cấu trúc chùa phù hợp với đương đại, ví dụ dùng xi măng thay gỗ, dành không gian cho tu tập, cho hoằng pháp..v..v.
Trong cuộc hội thảo mới đây của Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) với chủ đề Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam, nhiều chuyên gia bày tỏ trăn trở trước tính đô thị hoá, hoành tráng hoá và nhiều sai phạm trong quản lý, xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khoảng 20 năm trở lại đây. Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để việc quản lý các công trình kiến trúc tôn giáo cần chặt chẽ hơn, hướng tới mô hình kiến trúc Phật giáo thân thiện, gần gũi, thanh tịnh, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thu Thùy - Duy Quyền