Kỷ niệm ngày xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa- tính nhân bản của Đạo Phật
Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, Phật tử khắp nơi lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Lịch sử đã ghi lại thái tử Tất-đạt-đa sinh ra trong một gia tộc vương quyền, phụ thân của ngài là quốc vương của thành Ca-tỳ-la-vệ, vì vậy đương nhiên ngài là một hoàng tử. Tìm hiểu lịch sử chúng ta cũng biết rằng thành Ca-tỳ-la-vệ hồi đó chỉ là một tiểu quốc và đời sống người dân vẫn còn hoang sơ.
Vào ngày Rằm tháng 4, năm 623 trước công nguyên tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, một nơi hiện nay là vùng biên giới giữa Nepan và Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca Đản sinh có tên là Tất Đạt Đa, làm Thái tử con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Vua Tịnh Phạn trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Thích Ca.
Chúng ta cũng biết một điều là ở cái xứ mà phân biệt giai cấp hàng đầu thế giới như thế thì những người trong giai cấp sát-đế-lỵ, hơn nữa là một thái tử là một người sắp nối ngôi vua cha trong tương lai thì mọi tiện nghi phục vụ cho đời sống của ngài chắc chắn là phải xa hoa sung sướng. Chuyên kể rằng sau khi thái tử hạ sanh được ông tiên A-tư-đà đến tiên đoán rằng sau này nếu làm vua sẽ là một bậc chuyển luân thánh vương cai trị khắp thiên hạ, còn nếu xuất gia tu hành thì sẽ đạt quả vị giác ngộ và làm vị giáo chủ.
Với niềm mong mỏi có được một người con nối nghiệp vương quyền nên vua Tịnh-phạn đã làm tất cả để hướng cuộc sống và tâm tư của thái tử theo hướng hưởng thụ dục lạc thế gian như xây cung vàng điện ngọc, được học hành với những vị thầy tài danh nhất, được hầu hạ bởi những cung nữ xinh đẹp nhất, được ăn những món cao lương mỹ vị nhất và sau này khi trưởng thành được cưới nàng công chúa Da-du-đà-la xinh đẹp nhất. Bên cạnh đó vua tìm cách không cho ngài tiếp xúc với bất kỳ cảnh khổ nào của thế gian đang xảy ra chung quanh, để ngài chỉ thấy chung quanh mình là một cuộc sống xa hoa sung sướng mà không hề có ý niệm nào về cảnh khổ cuộc đời!
Thế nhưng, với thời gian, do suy tư sâu sắc và lòng từ bi, Thái tử không thể nào cam tâm một mình sống mãi trong nhung lụa, giữa một xã hội bất công, một thế giới đau khổ. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của hạnh phúc vật chất thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm ra con đường cứu vớt chúng sinh ra khỏi già, đau, chết và mọi nỗi bất hạnh khác của đời người.
Ngài thấy cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Đặc biệt, qua trải nghiệm thực tế ở bên ngoài, Ngài đã nhận thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh sinh, già, bệnh và chết.
Mặt khác, qua câu nói của vị Sa môn: “Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, cầu thoát khổ, viên thành chính giác để phả độ chúng sinh đều được giải thoát” đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người, con đường dẫn tới cõi Niết bàn bất tử.
Thế nhưng, với tâm thức của một vị Bồ-tát thị hiện, chỉ cần một vài cảnh khổ của trần gian lọt vào mắt ngài, và với tư duy tuệ giác của một vị bồ-tát đang hiện thân để thực hành hạnh nguyện, ngài đã “thấy” được tất cả sự huyển hóa của chốn trần gian và khổ đau của nhân loại và vì thế chí nguyện xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh cứ nung nấu tâm can ngài không lúc nào rời khỏi. Bao nhiêu dục lạc trong chốn cung cấm mà ngài đang có đã không làm cho ngài vơi đi nỗi niềm này.
Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Lúc này, với Thái tử, lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa. Lòng Ngài nặng trĩu tình thương chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Ngài càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, đi tìm con đường cứu khổ cho muôn loài.
Nhằm đêm mồng 8 tháng 2 âm lịch, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một hoàng tử, khoác trên mình bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.
Thế rồi sau hai lần học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, cuối cùng là bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới gốc cây tất-bát-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền ngài đã chứng thành đạo quả tìm ra chân lý cứu chúng sanh. Kể từ đó ngài đem ánh đạo mầu hoằng hóa và cho đến bây giờ trải qua hai mươi sáu thế kỷ ánh đạo vàng đã sáng soi khắp cõi ta-bà, cứu độ muôn vàn chúng sanh thoát khỏi bể khổ trầm luân, đồng thời để cho hôm nay chúng ta được duyên phước nhận mình là đệ tử của ngài và học theo ngài trên hành trình giải thoát biển khổ đến bến bờ an vui, giải thoát.
Sau 49 năm thuyết pháp độ đời, bằng cuộc đời của Ngài và bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong 3 tạng kinh điển (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng), Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng: “Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy”.
Khi vào trong Đạo, Ngài là người có địa vị cao nhất nhưng Ngài luôn rong ruổi trên mọi nẻo đường, gai góc để đưa dắt chúng sinh lên con đường hạnh phúc, an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Ngài thật là vô lượng, ân đức của Ngài thật vô biên.
Đó là lý do tại sao không có một tôn giáo nào, một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là Đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của Đạo Phật chính là ở chỗ đó.
“Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột sạch nội tâm để trở thành bậc Thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ. Mỗi người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hiện lời dạy đó” - Đó là bức thông điệp mà Đức Phật đã trao cho loài người chúng ta.
Mặc dù Đức Phật đã Niết bàn nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ.
Lịch sử Đức Phật Thích Ca là lịch sử một con người, nhờ chính công phu tu tập của bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc Thánh giữa thế gian. “Con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này” - Thi hào Ấn Độ Tagore nhấn mạnh.
Xét về cuộc đời của đức Phật lịch sử, chúng ta thấy ngài xuất hiện giửa cõi trần thế này với một hình ảnh một con người đích thực, cũng phải chịu luật vô thường chi phối, cũng phải trải qua các giai đọan của một đời người là sinh-già-bệnh-chết, cũng đầy đủ thất tình, lục dục của kiếp nhân sinh. Nhưng cái khác biệt lớn nhất giửa ngài và chúng ta là ngài đã vượt thoát ra tất cả, ngài đã đoạn trừ khỏi mọi dục lạc thế gian mà ngài đang hưởng thụ. Cuộc sống với những tiện nghi xa hoa mà ngài đang có là niềm mơ ước của biết bao người, thế nhưng ngài đã dứt khoát buông bỏ để dấn thân làm người du sĩ ngày đêm lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, âm thầm tìm chân lý cứu chúng sanh.
Xét về cuộc đời của đức Phật lịch sử, chúng ta thấy ngài xuất hiện giửa cõi trần thế này với một hình ảnh một con người đích thực, cũng phải chịu luật vô thường chi phối, cũng phải trải qua các giai đọan của một đời người là sinh-già-bệnh-chết, cũng đầy đủ thất tình, lục dục của kiếp nhân sinh. Nhưng cái khác biệt lớn nhất giửa ngài và chúng ta là ngài đã vượt thoát ra tất cả, ngài đã đoạn trừ khỏi mọi dục lạc thế gian mà ngài đang hưởng thụ. Cuộc sống với những tiện nghi xa hoa mà ngài đang có là niềm mơ ước của biết bao người, thế nhưng ngài đã dứt khoát buông bỏ để dấn thân làm người du sĩ ngày đêm lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, âm thầm tìm chân lý cứu chúng sanh.
Đang có một đời sống ngập chìm trong mọi dục lạc cao sang của một vị thái tử vì sao mà ngài lại cam đảm từ bỏ như thế? Phải chăng vì ngài vốn là một một bậc đã hoàn toàn giác ngộ và tất cả những gì xảy ra trong đời ngài chỉ là một sự “thị hiện” để làm gương, chỉ là một pháp phương tiện để giáo hóa chúng sanh?. Nếu thật sự như thế thì giáo pháp của ngài khó mà thuyết phục được hậu thế noi theo để tu tập vì ai cũng sẽ nghĩ rằng:
- Dầu sao thì ngài cũng là một vị Phật rồi, nên những hành vi của ngải để đạt được quả vị giác ngộ là điều đương nhiên và tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời đức Phật chỉ là mang tính phương tiện để giáo dục tín đồ, chứ phàm phu tục tử như chúng ta ai mà làm được như ngài!
Thế cho nên ngài cũng chỉ là một con người, nhưng là một con người có TRÍ TUỆ tuyệt vời và đang mang hạnh nguyện của một vị bồ-tát thị hiện nên dù được sống trong nhung lụa và hằng ngày chỉ thấy chung quanh mình những điều tốt đẹp đang diễn ra, nhưng chỉ cần một đôi lần chứng kiến những cảnh khổ ở đời ngài cũng đã “thấy” được nỗi khổ đau của kiếp sống nhân sinh.
Vì xuất thân là một con người nên ngài cũng phải chiến đấu quyết liệt với bản thân để hy sinh tình thương của cha già, vợ đẹp, con thơ và những tình thân khác, ngài cũng phải kiên cường lắm mới từ bỏ ngai vàng đầy quyền uy và những dục lạc đang thụ hưởng để dứt áo ra đi dấn thân vào rừng hoang, núi sâu đối diện với bao gian lao, chướng ngại để tìm đạo…
Cuộc hành trình tìm chân lý của ngài còn nhiều điều để phật tử hậu lai suy ngẫm và học hỏi, nhưng cái thời khắc bi tráng nhất có lẽ là lúc ngài đứng bên bờ sông Anoma dùng gươm cắt tóc và cởi hoàng bào đưa cho Xa-nặc. Chúng ta không khỏi động lòng khi hình dung giây phút bi hùng ấy, giây phút mà thanh gươm báu cắt đứt mái tóc dài của người, nhóm trần lao kia đã ra khỏi thân ngài như là một lời nguyện kể từ đây con đường ngài đi dù bao nhiêu gian khổ cũng quyết tìm cho ra chân lý, dù bao nhiêu chướng ngại cũng không thối chuyển tâm nguyện. Chí nguyện ấy thật kiên cường biết bao và cuối cùng ngài cũng đã thành tựu đạo quả để cho hôm nay nhân loại được tắm gội trong ánh hào quang tỏa rạng giáo pháp của ngài.
Một bậc đại giác đã viên thành đạo quả, một giáo pháp được lan truyền cứu độ vô số chúng sanh suốt chiều dài hai mươi sáu thế kỷ và mãi mãi về sau. Tất cả đã đươc khởi đầu bằng một cuộc chia ly đậm chất từ bi và hào hùng. Bởi vậy, có thế nói sự kiện thái tử Tất-đạt-đa xuất gia thể hiện đậm tính nhân bản của Đạo Phật vậy./.
Viên Hiếu