Lễ ra mắt tác phẩm Văn hóa và Âm nhạc Phật giáo
Báo cáo công tác phật sự quý I 2024
Trong quý I/2024, Ban Văn hóa Trung Ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện được nhiều hoạt động như: Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 của Ban tại chùa Pháp Hoa, TP.HCM; Được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 5 hiện vật Phật giáo trong tổng số 29 bảo vật quốc gia đợt 12. Các hiện vật Phật giáo gồm: Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn (còn gọi là chùa Hun), Hải Dương; Bộ mộc bản của chùa Trăm Gian, tỉnh Hải Dương; Mộc bản chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh; Bộ sưu tập cột kinh Phật thời nhà Đinh, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình; Bia Đại Bi Diên Minh tự bi (bia đá chùa Đại Bi), tỉnh Hưng Yên. Tổng số đến thời điểm hiện tại, Phật giáo có 72 bảo vật Quốc gia.Ban Văn hóa trung ương phối hợp với Ban Trị sự tỉnh Nghệ An tổ chức công diễn ra mắt những ca khúc và nhạc phẩm Phật giáo Việt Nam tại Chùa Đại Tuệ, trong dịp lễ hội Khai bút đầu xuân năm Giáp Thìn vào ngày 14/02 (mồng 5 Tết). Tại Lễ hội các ca khúc, nhạc phẩm Phật giáo do các nghệ sĩ, ca sĩ ba miền trình bày đã đưa giáo lý Phật đà đến gần quần chúng hơn, thẩm thấu lời Phật dạy vào đời sống nhân sinh.
Các lễ hội lớn trong cả nước như lễ hội chùa Hương, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, các lễ hội Yên Tử, Ngọa Vân, mùa xuân Côn Sơn, Phật Tích, Tây Thiên, Tam Chúc, Bái Đính,… được tổ chức trang trọng, an toàn, thành kính và tiết kiệm; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các cấp Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử bản tự.
Quán triệt, triển khai sâu rộng trong Tăng Ni, Phật tử và bà con nhân dân có hiệu quả Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội 2024. Thông bạch số 10/TB-HĐTS-VP1 ngày 08/01/2024, về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an vui, an toàn, an lạc.
Tổ chức Đoàn hành hương về miền đất Phật Ấn Độ, Nepal. Chiêm nghiệm những nẻo đường ngày xưa Đức Phật Thích Ca và chư Thánh đại đệ tử đã từng lưu dấu trong 45 năm du hóa, trải rộng qua tứ động tâm cùng với một số di tích khác, trở nên rõ ràng và thấm thía hơn đối với chư Tôn đức, quý Phật tử tham gia đoàn. Khảo sát đề xuất đặt trụ kinh chuyển pháp luân tại Phật tích với Ban trụ trì Tháp Đại Giác và Tổng Thư ký Ban Quản trị Phật tích Buddha Gaya; đại diện Hiệp hội Maha Bodhi thảo luận về dự án xây dựng trụ kinh Chuyển Pháp luân và biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại vườn Lộc Uyển. Khảo sát, kêu gọi đầu tư xây dựng điểm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học 2 xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 5/2024, giúp đỡ các cháu học sinh ở vùng sâu, vùng xa còn đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Phương hướng hoạt động 9 tháng tới năm 2024
Trong 9 tháng cuối năm 2024, Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tiếp tục thực hiện sâu rộng Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX: “…nhằm xây dựng nền văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đưa kết quả 4 đề án văn hoá Phật giáo vào thực tiễn xây dựng hệ giá trị Văn hoá Phật giáo Việt Nam…”.
Phối hợp với các Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự các tỉnh thành, các hệ phái Phật giáo và các tổ chức xã hội ký kết, lan toả kết quả nghiên cứu của các đề án Ngôn ngữ, Pháp phục, Trụ kinh Chuyển Pháp Luân, Biểu tượng kiến trúc chung đã được Hội đồng Trị sự đã phê chuẩn và triển khai xây dựng bộ quy chuẩn về Kiến trúc và Di sản trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng tại các tỉnh/thành, 4 Học viện Phật giáo và tự viện của các hệ phái. Biên tập sách giới thiệu về đề án ngôn ngữ và pháp phục đã được Hội đồng Trị sự phê chuẩn bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt, làm tặng phẩm trong Đại lễ Vesak năm 2025, nhằm giới thiệu nét đặc trưng về nghi lễ và pháp phục thống nhất của Phật giáo Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Phối hợp với các tổ chức xã hội, các nhạc sĩ tổ chức cuộc thi Sáng tác ca khúc Phật giáo về Vesak để lựa chọn bài hát chung trong Đại lễ Vesak 2025 sắp tới, đồng thời làm giàu kho tàng âm nhạc của Phật giáo Việt Nam. Phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức sáng tác và biểu diễn các ca khúc, nhạc phẩm, các thước phim truyền tải những giá trị văn hoá tinh thần, đạo đức và lối sống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, góp phần đem đạo vào đời, làm sáng đạo trong đời. Đệ trình Hội đồng Trị sự thẩm định, phê chuẩn và lan tỏa hai bộ nhận diện về Phật đản và Vu lan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tổ chức triển khai thực hiện đề án Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam, khu vực Tây Nam bộ ở Quán Âm Phật Đài tại tỉnh Bạc Liêu đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cho phép. Tiếp tục xây dựng và đề nghị Hội đồng Trị sự phê duyệt đề án và quy hoạch Trung tâm Văn hoá Phật giáo Phật giáo Việt Nam các khu vực nhằm bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá Phật giáo Việt Nam. Biên tập và sáng tác cuốn sách “Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Phật giáo thời Trần ở Việt Nam hiện nay”. Phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực Miền trung - Tây nguyên (VTV8) số hoá 3D - 100 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu giá trị đặc trưng về kiến trúc và di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Lễ ra mắt tác phẩm Văn hóa và Âm nhạc Phật giáo
Kinh Chuyển Pháp Luân, lời dậy đầu tiên của Đức Phật sau khi thành đạo 7 tuần tại Vườn Nai, thành Ba Na Lại - Varanasi - Ấn Độ cho 5 anh em tôn giả Kiều Trần Như. Bài kinh nội dung tuy ngắn gọn súc tích, nhưng ý nghĩa tràn đầy triết lý giáo dục, tư tưởng xuyên suốt hệ thống giáo điển của Phật giáo. Với triết lý “Trung Đạo” hướng con người biết cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần để thân khoẻ tâm an, biết hài hoà giữa con người với con người để thế giới thực sự hoà bình, biết hài hoà giữa con người với thế giới thiên nhiên để bảo tồn sự sống của con người và trái đất. Với triết lý “Tứ Đế” nhằm hướng con người bớt khổ thêm vui, nhân cách hoàn thiện. Đặc biệt là sau khi Đức Phật thuyết giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân này xong, thì ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) được hình thành từ đó.
Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức lựa chọn bài Kinh Chuyển Pháp Luân này làm bài kinh tụng chung cho toàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các diễn đàn quốc lễ và quốc tế lễ từ năm 2018 và giao cho Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu trách nhiệm lan toả tinh thần này đến quảng đại Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu biết và ứng dụng. Ban Văn hoá trung ương đã tổ chức lan toả bằng nhiều hình thức khác nhau, như: in bài Kinh Chuyển Pháp Luân trong Khoá Tung Thống Nhất phổ biến cho các Tăng Ni, Phật tử trì tụng hàng ngày, thiết lập Biểu tượng Bánh xe Chuyển Pháp Luân và Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân dựng tại các ngôi chùa của Phật giáo Việt Nam và phổ nhạc bài Kinh Chuyển Pháp Luân.
Năm 2023, Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, một vị nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong nền âm nhạc trẻ Việt Nam trong đoạn hiện nay, hiện là Phó trưởng Phân ban Âm nhạc Phật giáo Việt Nam thuộc Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đem nội dung bài Kinh Chuyển Pháp Luân này, trong cuốn Khoá Tụng Thống Nhất do Giáo hội Phật giáo Việt Nam biên soạn, phổ nhạc thành 6 ca khúc, gồm: Dâng hương, Con đường Như lai, Giác đạo, Tứ diệu đế, Niệm Phật và Hồi hướng, với mong muốn góp phần lan toả tinh thần, tư tưởng, đạo đức và lối sống tốt đẹp của Đức Phật đến với quần chúng thông qua âm nhạc Phật giáo Việt Nam, đã tổ chức công diễn thành công tại Lễ hội Văn hoá khai bút đầu năm, vào ngày 5 tháng giêng năm Giáp Thìn – 2024, ở Chùa Đại Tuệ, xã Nam Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Lễ ký kết hợp tác văn hóa giữa Ban Văn hóa Trung Ương và Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà nội
Cũng tại buổi lễ, chư tôn đức tăng ni đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác văn hóa giữa Ban Văn hóa Trung Ương và Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà nội, theo đó thì hai bên sẽ hợp tác để triển khai các hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa Phật giáo Việt nam trọng tâm gồm : phối hợp thực hiện các đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu về Văn hóa Phật giáo; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện khoa học trong nước và quốc tế về Văn hóa Phật giáo; tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản, công bố các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm liên quan đến văn hóa Phật giáo; tổ chức các đề án, chương trình khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và số hóa tư liệu văn hóa Phật giáo Việt Nam; trao đổi, thực hiện các hoạt động báo cáo, tư vấn chính sách về lĩnh vực văn hóa Phật giáo nói riêng và Phật giáo nói chung; Phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, dự kiến trong giai đoạn 3 năm đầu 2024-2026.
Trí Quảng
Phân ban CNTT - Ban VHTƯ GHPGVN