Nghệ An : Hội thảo khoa học "Bác Hồ với Phật giáo" được tổ chức tại Chùa Diệc
Hôm nay ngày 07/05/2022, tại chùa Diệc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Hội thảo khoa học: Bác Hồ với Phật giáo. Hội thảo này đã được Ban Văn hóa trung ương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức vô cùng ý nghĩa. Ý nghĩa ở đây là đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 132 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2022) kính yêu; ý nghĩa là chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ 3, nhiệm kỳ (2022-2027) và ý nghĩa hơn nữa, hội thảo được tổ chức tại quê hương của Người.
Tại đây Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban VHTƯ GHPGVN đã phát biểu diễn văn khai mạc Hội thảo khoa học : Bác Hồ với Phật giáo.
Sau đây Ban Biên tập xin trích toàn văn diễn văn của Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban VHTƯ GHPGVN :
Kính bạch chư tôn giáo phẩm chứng minh, hiện tiền chư tôn thiền đức Tăng Ni,
Kính thưa quý vị Giáo sư, Tiến sĩ và quý vị học giả
Thưa toàn thể quý vị đại biểu tham dự hội thảo!
Thưa quý vị!
Như chúng ta đã biết, lúc sinh thời, Bác Hồ đã thấy rõ nỗi thống khổ của đồng bào bị áp bức, bóc lột và Người cũng thấy rõ vị trí, vai trò của tôn giáo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là với Phật giáo Việt Nam – một tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành với quốc gia dân tộc Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Vì thế, cả cuộc đời Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành..."[1].
Trong công tác tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Bởi tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là bản chất của một xã hội tự do, dân chủ và công bằng. Và chúng ta thấy điều này khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản tuyên ngôn độc lập, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc được Người đặc biệt chú trọng và chúng ta thấy trong đó bao hàm cả quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Nghiên cứu về nhận thức, quan điểm, tư tưởng, ứng xử Bác Hồ với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là một chủ đề lớn. Và đương nhiên,, những vấn đề này đã được các nhà khoa học, các học giả trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau trong các mấy thập niên gần đây. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam về công tác tôn giáo có sự kế thừa, phát triển từ tư tưởng và quan điểm của Người về tôn giáo. Điều này có nghĩa là, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã tiếp thu những tinh hoa của Phật giáo Việt Nam và áp dụng trong đời sống thực tiễn. Có thể nêu ra đây một ví dụ, vào ngày 05 tháng 01 năm 1946, Bác Hồ về dự lễ Cầu siêu các chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc tại chùa Bà Đá, Người căn dặn: "Việc phật không xa rời thế gian, phải tham gia vào công việc của Cách mạng, cứu đói, cứu dốt"; Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30 tháng 8 năm 1947, Hồ Chí Minh đã viết: “Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang” và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư thăm hỏi, động viên Tăng ni, Phật tử theo tấm gương Đức Phật vì lợi lạc quần sinh. Người viết "Tăng ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh"[2].
Trong nhiều ghi chép của các vị cao tăng Phật giáo Việt Nam trước đây như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Minh Châu,... hay các vị cư sĩ như Tâm Minh Lê Đình Thám, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm,... đã cho thấy tình cảm tốt đẹp của chư tôn đức, Phật tử với Bác Hồ và tình cảm nồng hậu của Bác với chư tôn đức, Phật tử Phật giáo Việt Nam. Chúng ta hãy lắng nghe lời kể của Hòa thượng Thích Đôn Hậu – nguyên Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể về lần đầu tiên được gặp Cụ Hồ. Hòa thượng viết: "Chúng tôi đến Phủ chủ tịch để chào Người. Chưa bao giờ được gặp Người nên tôi không tưởng tưởng được khung cảnh đón tiếp của Người dành cho chúng tôi. Lòng tôi hồi hộp trông chờ, lúc chúng tôi bước xuống xe thấy một ông lão tóc bạc phơ, mặc bộ bà ba lụa đang đứng đợi trước nhà khác của Bác. Một vị trong đoàn chúng tôi đoán được, xúc động nói như kêu lên: Bác kia rồi!"[3]. Hòa thượng Thích Thiện Hào – nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể lại: "Đoàn chúng tôi còn vinh dự được về thăm quê hương Hồ Chủ tịch. Giữa những ngày xuân tươi, quê Bác như một bức tranh tuyệt đẹp. "Miền Nam ở trong trái tim tôi", câu nói của Bác vang lên từ Thủ đô Hà Nội khi đón những người con miền Nam lần đầu ra thăm miền Bắc. Hôm nay lại thấy in lên tấm bảng đỏ chào mừng Đoàn chúng tôi ở đây, cũng như vọng lên từ đất làng Sen. Miền Nam trong trái tim Bác cũng còn ở trong trái tim của Nam – Liên, của Nghệ An. Đứng trên mảnh đất thiêng liêng, yêu quý này,... chúng tôi nhớ lại lời nói của Người từ 23 năm về trước: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên"[4],... Hình ảnh Bác Hồ trong trái tim Tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam là như vậy. Và quả thật, Tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam đã tìm thấy ở Người lý tưởng về vô ngã, vị tha, về bi, trí, dũng, về con đường tươi sáng của dân tộc Việt Nam.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý!
Nghiên cứu về tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ với Phật giáo Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhiều hội thảo, tọa đàm về Bác Hồ với Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức bởi nhiều đơn vị; Trong hội thảo lần này, Ban văn hóa trung ương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức tại tỉnh Nghệ An không chỉ tiếp tục làm rõ hơn nữa ảnh hưởng của Phật giáo đến nhân sinh quan và thế giới quan của Bác Hồ, mà còn là nhận thức, quan điểm, ứng xử của Người với tôn giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Theo chúng tôi, những vấn đề này là rất cần thiết trong bối cảnh đương đại, và có ý nghĩa sâu sắc về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi lẽ, khi những vấn đề này được làm rõ hơn, chúng ta sẽ thấy được nhiều hơn những tinh hoa của Phật giáo đã được Bác Hồ tiếp thu! Và những tinh hoa Phật giáo Việt Nam thể hiện ra sao qua những quan điểm, ứng xử của Người với Phật giáo một cách hệ thống; đồng thời còn gợi ra những định hướng cho việc hoàn thiện hơn nữa chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tương lai.
Để có được hội thảo hôm nay, Ban Văn hóa trung ương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sự giúp đỡ tích cực của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân và các nhà khoa học,... Nhân dịp này, chúng tôi ghi nhận những đóng góp to lớn của quý vị trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức hội thảo.
Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, chúng tôi trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu, quý vị khách quý, quý vị giáo sư, tiến sĩ, quý vị học giả và chư tôn đức, tăng ni, Phật tử đang hiện diện tại hội thảo ngày hôm nay.
KÍnh chúc chư tôn đức, quý vị đại biểu, quý vị giáo sư tiến sĩ, các nhà nghiên cứu một ngày an lạc và ý nghĩa.
Chúc hội thảo thành công viên mãn
Xin trân trọng cảm ơn!
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr100
[2] Thư gửi hội nghị Phật giáo thống nhất Việt nam ngày 28 tháng 09 năm 1964
[3] Hòa thượng Thích Đôn Hậu, "Ba lần được gặp Cụ Hồ". Trong: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa trung ương (2011), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr63
[4] Hòa thượng Thích Thiện Hào, "Hình ảnh Hồ Chủ tịch đã khắc sâu vào tiềm thức của toàn thể giới Phật giáo miền Nam". In trong: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa trung ương (2011), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr63