NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC CỦA PHẬT TỬ THỦ ĐÔ KHI ĐƯỢC CHIÊM BÁI TƯỢNG PHẬT NGỌC HOÀ BÌNH.
Niềm hoan hỷ hiếm có trong đời. Tối ngày 21/05 (tức ngày 28/06 Dương lịch) tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội,chúng tôi được dự lễ an vị tượng Phật Ngọc Hoà bình Thế giới và lễ Hồi hướng 10 chiến sỹ phi hành đoàn CASA-212, phi công máy bay Su30-MK2 đã hi sinh.
Buổi lễ, trang nghiêm, thanh tịnh do Thượng toạ Thích Thọ Lạc, phó Ban thường trực Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN, trụ trì chùa Yên Phú chủ trì.
Phật tử khắp nơi và người dân Hà Nội dâng những bông hoa sen Hồng, sen Trắng cùng tiếng tụng kinh Pháp Hoa vang lên.
Trong tiếng tụng Chú Đại Bi linh diệu, Phật Ngọc hiển hiện, bừng sáng vùng đất, vùng trời, hồn người Thăng Long- Hà Nội.
Vô lượng hào quang Phật Ngọc tỏa sáng tâm hồn chúng tôi. Thức tỉnh mỗi người hướng về Tâm thanh tịnh, Từ Bi Hỷ Xả của Đức Phật.
Lời dạy của Ngài vang lên:
Thế gian này là vô thường, vô ngã khiến cho con người bất toại nguyện, mà sinh ra đau khổ. Bởi vì tất cả chỉ là do huyễn tưởng tham, sân, si. Nếu mỗi người tự biết tu sửa mình, giảm tham, giận, si mê, thì kiếp người hữu hạn có hạnh phúc, an lạc. Nếu mỗi người từ quan, đến dân an lạc, thì xã hội có Hòa Bình, ấm no.
Bởi vậy, nhân loại tôn vinh Phật giáo là tôn giáo của Hòa Bình. Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 54, đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp. Kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, là Đại lễ Vesak LHQ, và là ngày lễ Văn hóa tôn giáo thế giới vì Hòa Bình.
Một năm sau ngày LHQ lấy Vesak là lễ hội Văn hóa tôn giáo thế giới vì Hòa Bình. Năm 2000, một khối Ngọc Thạch nặng 18 tấn, tên là “niềm kiêu hãnh của Bắc Cực” được phát hiện ở miền Bắc Canada. Chất lượng ngọc quý và kích thước lớn của khối ngọc, được mô tả là “Sự khám phá của Thiên niên kỷ”.
Ngài Zopa Rinpoche từ xứ Tây Tạng đã quán tưởng, tiên đoán cho ông Ian Green, một Phật tử người Úc, có duyên với khối ngọc quý này, tạc thành tượng Phật để “Thắp sáng toàn Thế giới”.
Năm 2009. Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới hoàn thành ở Thái Lan, mang về tôn trí tại Bảo tháp Từ Bi, vùng Bendigo nước Úc. Phật Ngọc cao 2,7 m, nặng trên 4 tấn, đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao. Tượng Phật Ngọc, là một kỳ quan của thế giới.
Năm 2009. Việt Nam được vinh dự lần đầu tiên đón Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới, cho Phật tử và nhân dân chiêm bái tại Chùa Quán Thế Âm (Non Nước, Đà Nẵng), Chùa Đại Tòng Lâm (Bà Rịa, Vũng Tàu), Chùa Phổ Quang, Chùa Hoằng Pháp (TP. Hồ Chí Minh) và Chùa Vạn An (Đồng Tháp), và Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) với hàng triệu lượt người chiêm bái đỉnh lễ Phật Ngọc.
Năm 2010. Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới hành trình đến Mỹ. Đến các nước châu Âu (2011), các nước châu Á (2012).
Hành trình của tượng Phật Ngọc trên khắp thế giới, dành cho tất cả mọi người. Không phân biệt tôn giáo, để mỗi người dành giây phút đóng góp cho Hòa Bình, trong bối cảnh nhân loại có nhiều bất ổn, bạo lực hoành hành.
Hòa Bình cho thế giới. Hòa Bình trong mối quan hệ các Quốc gia. Hòa Bình cho gia đình và bạn bè. Hòa Bình tại nơi làm việc. Hòa Bình trong tâm trí từng người.
Tượng Phật Ngọc đến Việt Nam lần thứ hai
Từ ngày 27/3 đến 5/4/2016 (tức ngày 19- 28/2 âm lịch) Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới đến Việt Nam lần thứ hai, được tôn trí tại chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) để đồng bào, Phật tử chiêm bái, nhận được nguồn năng lượng thức tỉnh của Phật Ngọc, tu sửa Tâm thanh tịnh, bình an.
Chùa Hoằng Phúc cổ xưa nhất miền Trung, gắn với cuộc đời hoằng pháp của Đức Vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cách đây 715 năm. Năm 1301. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thuyết pháp, truyền giảng giáo lý Phật Pháp, dạy dân tu Thập Thiện (mười điều Thiện) tại chùa Hoằng Phúc Cổ Tự.
Năm 2016. Tượng Phật Ngọc hành trình qua các chùa xuyên suốt mảnh đất hình chữ S.
Ngày 23/4. Tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới được rước đến chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Hàng nghìn người đổ về chùa Bái Đính chiêm bái, nghe giảng pháp, tụng kinh cầu quốc thái dân an, lễ hội hoa đăng, dâng hoa cúng Phật.
Tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới được cung nghinh tại Thái Nguyên, Hà Nội, sau đó ngược vào TP HCM, sang Hàn Quốc trước khi về lại Australia bằng đường biển.
Tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới về an vị vĩnh viễn nơi Đại Bảo Tháp tại Australia, sau khi kết thúc hành trình qua 20 quốc gia và 90 thành phố trên toàn thế giới. Bảo Tháp luôn mở cửa để Phật tử và du khách năm châu đến chiêm bái.
Người Hà Nội hân hoan chiêm bái tượng Phật Ngọc
Từ ngày 18/5 đến ngày 09/6 Âm lịch (tức 22/6 đến 12/7/2016 Dương lịch) tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội tổ chức Lễ cung nghinh chiêm bái tượng Phật Ngọc. Đây là điểm dừng chân cuối cùng của tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới tại Việt Nam.
16h chiều ngày 18/5 (tức ngày 22/6-2016) Hành trình "Phật Ngọc Hoà Bình Thế Giới" về Hà Nội.
Nhân dân và Phật tử làng Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội đã tổ chức Lễ hội lớn đúng nghi lễ Tâm linh cổ truyền Thăng Long, đón tượng Phật ngọc Hòa Bình Thế giới tại chùa Yên Phú.
Lễ rước gồm 21 đội: Rồng, Sư tử, múa Lân, cờ Phật, cờ Thần, Quốc kỳ, Kèn học sinh, xe hoa, Bát bửu, Trống hội làng, Tế nam, Tế nữ, Kiệu Long đình, Rước Thánh, Múa Bồng, Kiệu song hành, Kiệu người, Múa hoa. Có kiệu võng sư Bà Phương Dung linh thiêng, gần 2000 năm trước trụ trì chùa Yên Phú. Sư Bà là tướng của Hai Bà Trưng, được tôn vinh là Thánh Mẫu, Thần hoàng làng…
Thế kỷ XXI, hiếm có ngôi làng nào còn giữ được lễ nghi Văn hóa Lễ hội làng Đình, Đền, Chùa chuẩn mực như dân làng Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội.
Hòa cùng nghi lễ nghênh đón và chiêm bái tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới, trong đêm khai mạc, các vị khách quý cùng đông đảo quý tăng, ni, Phật tử, thực hiện nghi lễ truyền đăng, thắp sáng, truyền đi ngọn lửa tình yêu thương và lòng nhân ái.
Liên tục, 21 ngày cung nghinh tượng Phật Ngọc, chùa Yên Phú tổ chức những đêm ca nhạc do Phật tử đến từ các CLB Thanh thiếu niên Thủ Đô Hà Nội, CLB Nghệ thuật Phật tử Thủ Đô, CLB Nghệ thuật Vạn Hoa, CLB Thiện Tâm, CLB Thanh niên Phật tử Trần Thái Tông, Thiền viện Sùng Phúc, Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh… do Đạo diễn Phât tử, nhạc sĩ Phạm Nam Chung, Thiện nguyện phụ trách.
Những đêm diễn đem tới cho khán giả những tác phẩm Nghệ thuật Phật giáo đặc sắc, ca ngợi giáo pháp của Đức Phật, đem lại an lành, Hạnh phúc cho chúng sinh và nhân loại.
Tượng Phật Ngọc bừng sáng người Hà Nội- Việt Nam
Phật tử chiêm bái tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới được tạc theo khuôn mẫu đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong Bảo Tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và nghe các bậc thầy giảng Phật pháp, tâm hồn bừng sáng về Đạo Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Nghệ thuật Phật giáo.
Mỗi người trang nghiêm, thanh tịnh, chầm chậm chiêm bái mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc tượng thể hiện sức diệu dụng và thần sắc của Đức Phật (phần lộ ra bên ngoài) đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
Tượng Đức Phật bằng Ngọc ngồi Thiền trên tòa sen trong tư thế padmasana (Liên hoa tọa) thần thái Từ Bi. Hai bàn tay tượng được tạo hình với tay phải (thòng xuống chấm đất). Các ngón tay sít sao úp vào phía trong gần đầu gối bên phải. Bàn tay trái (ngửa ra với các ngón hơi cong lên) đặt giữa hai đùi. Thủ ấn này gọi là Xúc địa ấn (sa. bhūmisparśa-mudrā) nghĩa đen là "thủ ấn chạm mặt đất".
Truyền thuyết kể, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo, Thiên ma kéo đến quấy nhiễu. Phật đã dùng Xúc địa ấn để ấn lên mặt đất, khiến vị Địa Thần dưới lòng đất vọt lên. Ác ma và quỷ, sợ hãi tan biến.
Xúc địa ấn còn có nghĩa là ấn hàng ma phục quỷ. Ấn này biểu thị công năng khuất phục, làm cho các thế lực độc ác ma quái phải quy hàng.
Hàng ma phục quỷ còn mang ý nghĩa Phật dạy về Bốn trường hợp ác trong con người: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si.
Riêng về tham dục, có hai loại. Loại tham dục phục vụ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) khiến cho tâm trí mê mờ, dẫn đến những vọng tưởng điên đảo, sân hận, sợ hãi và ngu si… loại tham dục này như ma, quỷ, cám dỗ ta, cần phải loại bỏ.
Loại tham dục thứ hai phục vụ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp… cho sự học hành, phát triển nhân cách, tinh thông trí tuệ, nâng cao dân trí, sự phồn thịnh xã hội, sự bình an, sự hạnh phúc..thì cần thực hành và phát huy.
Cảm nhận hào quang Nghệ thuật Phật giáo vi diệu
Chiêm bái tượng Phật Ngọc, mỗi người cảm nhận hào quang Nghệ thuật Phật giáo vi diệu. Cùng với tượng là hai vòng hào quang đường kính khoảng 1m được thiết kế mỹ thuật. Một vòng màu xanh bằng ngọc thạch nephrite, vòng còn lại cũng là nephrite mạ màu vàng bên ngoài, và tùy nơi mà thay đổi hào quang cho Phật Ngọc.
Một tạo hình mĩ thuật quan trọng khác cũng được tạo rời gọi là phần thể hiện tướng nhục kế. Tướng này lộ ra phần thịt (nhục) nổi cao lên như búi tóc (kế), được kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa mô tả "cao và rộng như vòm trời". Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì:
"Nhục kế trên đỉnh đầu của Phật đẹp như hoa, trên đỉnh ấy có một bình báu chứa các loại ánh sáng màu xanh trắng đỏ vàng mềm mại, nhu nhuyến và có diệu dụng thấm đến trái tim của mọi sinh linh, kể cả cỏ cây và đất đá vô tình".
Thủ đô Hà Nội- Việt Nam những ngày đón rước, chiêm bái pho tượng Phật Ngọc Hòa Bình Thế giới, tưng bừng tỏa sáng vô lượng Nhân Tâm Phật đến từng người, từng nhà, từng cơ quan, công sở, nhà máy, thôn làng, công trường, bãi chợ, bến xe, vỉa hè, ngõ phố, quán hàng, doanh nghiệp…
Duyên lành khó gặp trong đời. Dù bạn là ai, quan chức giàu, dân nghèo, doanh nhân, học sinh, sinh viên, trẻ lang thang, người buồn đau, bệnh ốm… hãy dành một chút thời gian đến chùa Yên Phú, chiêm bái tượng Phật Ngọc, nhận hào quang, bừng sáng tâm hồn.
Chùa Yên Phú tổ chức chu đáo mọi lễ nghi Tâm linh, đúng Phật Pháp, giúp bạn và gia đình bạn bè, chiêm bái tượng Phật Ngọc trong tâm thế bình an, thanh thản.
Người Hà Nội- Việt Nam