Phân Ban Kiến trúc, Di sản Phật giáo triển khai Phật sự trong nhiệm kỳ mới
Chứng minh, tham dự buổi làm việc có HT.Thích Quang Nhuận, Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh Ban Văn hóa Trung ương; HT.Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; HT.Thích Hải Ấn, UVTT HĐTS GHPGVN, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương, Cố vấn Phân ban Di sản văn hoá Phật giáo; TT.Thích Kiên Tuệ, Phó Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh TT.Huế, Phó Trưởng Phân ban Di sản Văn hóa Phật giáo; Chư Tôn đức trong Ban Thường trực Ban Văn hoá Trung ương; Chư Tôn đức Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh TT.Huế, chư Tôn đức và quý đạo hữu Phật tử Phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo và Phân ban Di sản Văn hóa Phật giáo cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức đồng tham dự.
Hòa thượng Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Thích Thọ Lạc đã đã phát biểu mở đầu, nhấn mạnh về các đề án, chương trình hoạt động Phật sự của Ban Văn hóa Trung ương cũng như các Phân ban trực thuộc trong nhiệm kỳ mới 2022-2027.
Hiện nay, nhân sự của Phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo gồm 05 thành viên Ban Cố vấn và 43 thành viên Ban Điều hành do HT.Thích Thọ Lạc đảm nhiệm Trưởng Phân ban; Phân ban Di sản Văn hóa Phật giáo do HT.Danh Đổng đảm nhiệm Trưởng Phân ban.
Tại buổi làm việc, Phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo đã trình phương hướng hoạt động của Phân ban. Trong nhiệm kỳ tới, Phân ban sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động, sự kiện, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao phó. Điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp, quản lí lưu trữ thông tin, tư liệu trong lĩnh vực Kiến trúc Phật giáo. Thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học: nghiên cứu kiến trúc Phật giáo Việt Nam; kiến trúc Phật giáo các hệ phái; xây dựng bộ quy chuẩn của các công trình Phật giáo các vùng miền, các hệ phái; nghiên cứu các ứng dụng kĩ thuật mới trong công tác bảo tồn, phát triển kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo;…. đồng thời tổ chức các hoạt động chuyên môn - hợp tác phát triển như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về kiến trúc Phật giáo; tổ chức thực hiện công tác tư vấn và dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng kỹ thuật trong các công trình kiến trúc Phật giáo.
Tiếp đến, Cư sĩ Lê Thọ Quốc đã đọc Nội quy và Bộ quy chuẩn Kiến trúc Phật giáo. Nội quy gồm 06 chương, 22 điều đã được thông qua Ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương. Nội dung Bộ Quy chuẩn Kiến trúc Phật giáo Việt Nam với mục tiêu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc Phật giáo Việt Nam; xây dựng bộ tiêu chí nhận diện, xây dựng các định hướng - quy phạm; xây dựng đề cương thiết kế mẫu điển hình; thống nhật bộ quy chuẩn… đề xuất các giải pháp lưu trữ, trưng bày các dữ liệu về kiến trúc truyền thống Việt Nam; đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
ĐĐ.Thích Trung Định đã thông qua nội quy và kế hoạch hoạt động của Phân ban Di sản Văn hóa Phật giáo trong nhiệm kỳ tới. Trong thời gian tới, Phân ban Di sản Văn hóa Phật giáo sẽ tiếp tục triển khai tổ chức các sự kiện liên quan đến Di sản Phật giáo như hội thảo, triển lãm, bảo tồn di sản Phật giáo; tham gia phối hợp với các phân ban về hoạt động liên quan đến di sản Phật giáo: điều tra, thiết kế và thẩm định kiến trúc các loại hình di tích, di sản văn hóa Phật giáo; xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo trong phạm vi Giáo hội; ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Phật giáo;….. xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hóa Phật giáo nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo trong nước và quốc tế.
Ban đạo từ tại buổi làm việc, HT.Thích Quang Nhuận đã tán thán tri ân đến chư tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của 2 phân ban đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho Ban Văn hóa Trung ương trong các công tác Phật sự. Hòa thượng nhấn mạnh, di sản văn hóa Phật giáo là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng; do đó, việc nghiên cứu xây dựng, định hướng, đánh giá, thực hiện khoa học, bài bản là việc làm rất quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
An viên đưa tin về sự kiện
Một số hình ảnh khác của buổi họp
Phân Ban Công Nghệ và Thông tin
Ban VHTƯ GHPGVN