Phát huy tinh thần và biểu tượng phật giáo qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống Việt Nam
Việc phát huy tinh thần, biểu tượng, giá trị Phật giáo trong các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, để thông qua đó lan toả tinh thần, biểu tượng Phật giáo trong đời sống xã hội là một việc làm hết sức có ý nghĩa và có tính chất cấp thiết.
Thấy được điều đó, sáng nay,(13/8/2020), Ông Lưu Duy Dần Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã có buổi làm việc với Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về “Định hướng tinh thần Phật giáo trong sản phẩm làng nghề Việt Nam”, tại Chùa Yên Phú, Thanh Trì, Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - Ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh: Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều làng nghề truyền thống, cả nước có 5407 làng nghề, trong số đó có 1748 làng nghề truyền thống đang hoạt động. Các làng nghề truyền thống hàng ngày sản xuất ra khối lượng rất lớn các sản phẩm trực tiếp tiêu dùng ở nơi công cộng cũng như tại các gia đình. Đặc biệt, những ngôi làng làm nghề thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm có thể được bán đi khắp cả nước và ra cả nước ngoài. Nhiều làng nghề làm ra các sản phẩm gốm, sứ, tranh, tượng, điêu khắc, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là những làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo.... Đó là một trong những phương thức có thể phát huy mạnh mẽ tinh thần và các giá trị Phật giáo qua lăng kính văn hóa Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Việc nghiên cứu và thảo luận về khả năng phát huy tinh thần và biểu tượng Phật giáo tại các làng nghề truyền thống là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, vừa giúp ích cho sự nhân rộng và lan tỏa các giá trị Phật giáo tốt đẹp trong đời sống xã hội, vừa có thể thúc đẩy hoạt động nhằm gia tăng giá trị cho các làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Đây chính là việc thổi hồn văn hoá truyền thống vào sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay, mang đến một diện mạo mới cho các sản phẩm của các làng nghề. Đồng thời, đây cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay.
Tại cuộc họp, Ông Lưu Duy Dần đề xuất sau cuộc Hội thảo khoa học “Phát huy tinh thần và biểu tượng phật giáo qua sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam” dự kiến vào đầu tháng 10 tới đây, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp phát động “Cuộc thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với văn hóa tâm linh thuần Việt”.
Cuộc thi góp phần phát huy hệ giá trị văn hóa, tinh thần, biểu tượng Phật giáo trong đời sống xã hội trong bối cảnh văn hoá truyền thống đang ngày càng bị mai một trước sự tấn công của những giá trị thực dụng, tầm thường thậm chí nhiều sản phẩm tâm linh phản cảm cũng như của văn hoá ngoại lai. Qua đó, góp phần xây dựng cơ sở khoa học và kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo qua sản phẩm làng nghề, góp phần định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới.
Tin và ảnh: Nguyễn Vân