Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ tát
Ngày 16/3 Âm Lịch là ngày Vía Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hạnh nguyện của ngài.
Tượng Đức Phật Chuẩn Đề thời Mạc, TK XVI |
Phật Mẫu Chuẩn Đề tên Phạn là Cundì, tên Hán văn là Thất Câu Chi Phật Mẫu hay Thất Câu Đê Phật Mẫu, Chuẩn Đề Bồ tát. Ngài là một trong lục Quan Âm của Phật giáo, trong Tạng Giới Mạn Đà La ghi Chuẩn Đề là một trong 3 vị Phật Mẫu thuộc Biến Tri Viện.
Thân Bồ tát Phật Mẫu Chuẩn Đề có màu vàng trắng hay màu vàng lợt, ngồi kiết già trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mão báu có ngọc lưu li rũ treo, có 8 hay 16 hoặc 18 tay đều đeo vòng xuyến khảm xà cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam muội gia. Phật Mẫu Chuẩn Đề có 3 mắt, chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ tát này là trì tụng Phật Mẫu Chuẩn Đề thần chú:
Hiện thân của Chuẩn Đề Bồ tát có nhiều hình hài, nhưng chân thân của Ngài như sau: Bửu tượng của Ngài có nhiều vẻ quang minh tốt đẹp, đều chiếu diệu cả mình, còn thân tướng thì sắc vàng mà có lằn điển quang trắng.
Ngài ngồi kiết già, trên thì đắp y, còn dưới thì mặc xiêm đều trọn một sắc trắng mà có bông, lại có đeo chuỗi anh lạc và trên ngực có hiện ra một chữ “Vạn”.Còn hai cườm tay có đeo hai chiếc vòng bằng ốc trắng, hai bên cánh tay có xuyến thất châu trông rất xinh lịch, lại hai trái tai có được ngọc bửu đương và trong các ngón tay đều có đeo vòng nhỏ.
Trên đầu Ngài thì đội mão Hoa quang, trên mão ấy có hóa hiện ra 5 vị Như Lai.
Nơi mặt Ngài có 3 con mắt, trong mỗi con mắt ấy lại rất sắc sảo, dường như chăm chú ngó vào chúng sanh mà có ý sanh lòng từ mẫn.
Toàn thân của Ngài có mười tám cánh tay, mỗi bên chín cánh.
Hai bàn tay ở trên hết thì kiết ấn Chuẩn đề, như tướng đương lúc thuyết pháp.
Tay trái thứ hai cầm lá phướn như ý, còn tay mặt cầm cái thí vô úy.
Tay trái thứ ba cầm một bông sen đỏ, còn tay mặt cầm cây gươm.
Tay trái thứ tư cầm một bình nước cam lồ, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi Ni ma bửu châu.
Tay trái thứ năm cầm một sợi dây Kim cang, còn tay mặt cầm một trái la ca quả.
Tay trái thứ sáu cầm một xa luân, còn tay mặt cầm một cái búa.
Tay trái thứ bảy cầm pháp loa, còn tay mặt cầm cái thiết câu.
Tay trái thứ tám cầm một bình như ý, còn tay mặt cầm một cái chày kim cang.
Tay trái thứ chín cầm một cuốn kinh Bát nhã Ba la mật, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi dài.
Ngài ngồi trên tòa sen, dưới có hai vị Long Vương ủng hộ. Đó là bửu tượng của Ngài đại lược như vậy, nếu ai có lòng trì niệm, muốn chiêm vọng và quán tưởng, thì vọng niệm chẳng sanh mà chơn tâm hiển hiện.
Nếu công phu thuần thục lâu rồi, chẳng có chút gì gián đoạn, thì sẽ đặng phước quả rất rộng lớn, có ngày đạt tới nơi cực quả bồ đề.
Trong Kim Cương Giới thì Chuẩn Đề được nhận biết dưới danh hiệu Kim Cương Hộ Bồ tát (Ràksïa Bodhisatva) là một trong 4 vị Bồ tát thân cận của Đức Phật Thích Ca ở phương Bắc.
Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề ngồi trên tòa sen đồng khảm tam khí, thời Nguyễn
|
“Nam mô tát đa nẫm tam miệu tam bồ đà câu chi nẫm đát điệt tha. Án, chiết lệ, chủ lệ, Chuẩn Đề ta bà ha”.
Đức phật chỉ rõ: Nếu có Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di nào thọ trì đọc tụng thần chú này mãn 80 vạn biến thì những tội ngũ vô gián đã tạo từ vô lượng kiếp đến nay hết thảy đều được tiêu diệt. Sanh ra chỗ nào cũng gặp chư Phật và Bồ tát, đời sống tùy ý đầy đủ, đời đời thường được xuất gia, trì đủ luật nghi tịnh giới của Bồ tát, thường sanh nhơn thiên, không đọa ác thú, thường được chư thiên thủ hộ. Nếu có những người tại gia nam nữ thường trì tụng, thì nhà kẻ ấy không có khổ não tai ương, bịnh khổ. Ra làm việc gì đều được hanh thông, nói ra lời gì đều được tín thọ.
Chúng ta sinh trong thời mạt pháp, pháp nhược, ma cường, Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề là một trong các vị Bồ tát phát nguyện hộ trì người tu tập gặp nhiều chướng duyên trở ngại. Vì thế, mỗi hành giả trên bước đường tu học cần đặt chánh tín trọn vẹn và tâm thành đảnh lễ, một lòng trì niệm thần chú Phật Mẫu Chuẩn Đề cầu Bồ tát gia hộ, ngõ hầu vượt thoát mọi chướng duyên, ma nghiệp là điều không thể thiếu của người con Phật chúng ta.
Theo Giác Ngộ