PHỎNG VẤN HÒA THƯỢNG THÍCH THANH NHIỄU
Ngày 19-2 vừa qua tức ngày 12 tháng giêng năm Bính Thân, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An và chùa Đại Tuệ đã tổ chức lễ hội khai bút đầu xuân với mong muốn thúc đẩy tinh thần hiếu học, yêu chữ Việt của các tăng ni phật tử và mọi người dân Nghệ An. Đây cũng là một phần chủ trương trong xây dựng bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam với bốn hợp phần di sản, kiến trúc, ngôn ngữ và pháp phục của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt nam, trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt nam tỉnh Nghệ An, Viện chủ chùa Đại Tuệ - trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về nỗ lực tôn vinh ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam:
Thưa Hòa thượng, vì sao chùa Đại Tuệ lựa chọn khai bút đầu xuân và dự định tạo hoạt động này trở thành một bản sắc của chùa?
Chùa Đại Tuệ cũng đã có từ thời Mai Hắc Đế nhưng một thời gian rất là dài nên là ngôi chùa đã bị xuống cấp trầm trọng bây giờ mới xây dựng lại và khôi phục lại ngôi chùa hoành tráng như ngày hôm nay. Trước đây ta xây dựng các ngôi chùa thì tất cả các hoành phi, câu đối đều bằng chữ Hán. Bây giờ ta cũng phải có một cái gì để trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là làm những hoành phi, câu đối hầu hết bằng tiếng Việt, không làm bằng chữ Hán nữa, để cho mọi người đến chùa đọc và chúng ta hiểu được.
Như Hòa thượng vừa nói thì giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng đến tạo một bản sắc riêng cho phật giáo Việt Nam, trong đó có việc sử dụng chữ Quốc ngữ để làm hoành phi, câu đối và các bức đại tự trong chùa phải không ạ?
Đúng như vậy, hiện tại giờ chúng ta thấy một số ngôi chùa như Tân Thanh trên Lạng Sơn thế rồi những ngôi chùa trên bản Giốc trên Cao Bằng, chùa tà Lùng trên Cao Bằng, chùa ở quần đảo Trường Sa chúng tôi đều làm bằng những chữ quốc ngữ, để chúng ta khẳng định ngôi chùa là cột mốc biên giới chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt nam.
Như Hòa thượng vừa nói việc sử dụng tiếng việt cũng là một cách để khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên có những ý kiến băn khoăn là liệu tiếng việt của chúng ta có chuyển tải được hết ý nghĩa trong giáo lý Phật giáo hay không?
Chúng ta đều biết là trước đây kinh sách bằng chữ Hán, người biết chữ Hán cũng ít mai một hết cho nên phổ biến hoằng pháp rất là hạn chế cho nên bây giờ chúng ta thấy từ khi giải phóng miền Nam, đất nước được thống nhất thì bây giờ kinh sách phát triển rất là nhiều báo chí rồi băng trên mạng cho nên chúng ta học hỏi giáo lý là rất nhiều. Chứ ngày xưa bằng chữ Hán không có người dạy thì chúng ta không hiểu được. Nhưng bây giờ chúng ta có thể xem trên báo chí rồi tạp chí, băng đĩa băng hình rồi thì các vị giảng nữa nên là việc hiểu giáo lý của đạo Phật rất là rộng rãi
Vậy việc làm này có nhận được những phản hồi tích cực từ các tăng ni phật tử không thưa Hòa thượng?
Cái này chắc chắn là sẽ được nhiều người ủng hộ. Tôi nghĩ đây là những ngôi chùa mới chúng ta xây dựng lên thì mới làm bằng chữ Việt còn những ngôi chùa cũn đã có chữ Hán rồi thì để nguyên cái đó chúng ta bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và chúng ta ghi nhận những các đã có có trước và những cái mới thời đại Hồ Chí Minh thì mới làm bằng chữ Việt
Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng.