Qúy phái ở nhân cách con người
Một người không trở thành người Bà La Môn bằng sự sinh ra mà bằng cách sống có đạo đức, một người hạ tiện không phải là người được sinh ra trong một gia đình hạ tiện mà là cách sống hạ tiện. Tương tự một người danh giá không phải được sinh ra trong một gia đình danh giá nào đó, mà là cách sống đúng của người đó. Câu nói ấy không phải ở một nhà chính trị gia hay một nhà triết học nào, mà chính là lời nói của Đức Phật khi Ngài còn chưa thành đạo.
Một con người quý phái, đi ra ngoài đường người ta đánh giá anh, chị là một người quý phái đầu tiên phải là cách ăn mặc, ngoại hình. Ăn mặc phải đẹp, dùng đồ hàng hiệu, nếu gương mặt đẹp trai, xinh gái (có thể đẹp, xinh một cách tự nhiên hoặc nhân tạo) thì càng tôn lên vẻ quý phái.
Trời mấy hôm nay lạnh. Một bà lão ăn mặc rách rưới ngồi bệt dưới đường ngay giữa lối đi vào cổng chợ, chân không đi dép cầm chiếc nón rách giơ lên ngơ ngác nhìn lên những người đi qua mình. Bà chừng ngoài sáu mươi gì đấy. Buổi chiều chợ đông, những con người ăn mặc đẹp, quý phái(công sở có,buôn bán có), đi xe ga đắt tiền ấy lại lần lượt đi qua bà. Chỉ có vài người ăn mặc giản dị thì dừng trước mặt bà và cho bà vài đồng. Còn những con người quý phái kia có dừng lại trước mặt bà nhưng với vẻ khó chịu: "chợ đã đông tắc đường thì chớ, bà già này lại còn ngồi giữa đường thế kia". Mình cũng vừa mới mua đồ xong, chả có nhiều, dốc hết tiền lẻ cho bà.
Cạnh nhà mình là một gia đình tương đối giàu. Ông vốn là đại tá quân đội đã nghỉ hưu, bà là công chức Nhà nước. Hai ông bà cộng lương lại hàng tháng là hơn mười hai triệu đồng. Các con đều đã thành đạt và giàu có, toàn bộ chi tiêu mua sắm đã có các con lo. Nhưng ông bà cũng ăn tiêu tần tiện chắc nép. Nhưng được cái ông bà lúc nào cũng ăn mặc sạch sẽ, sang trọng, bà thì đeo trên người nào khuyên, nào vòng nào lắc, toàn bằng vàng hết. Ông bà có tuổi, lại có tiền nên bà con hàng xóm luôn xem là người quý phái.
Hôm nọ có ông cụ đi ăn xin, nói giọng miền trung, đến đầu ngõ gặp ông đang đứng tưới nước cho cây cảnh, giọng ông lão thều thào, có lẽ đã thấm mệt vì đi nhiều, cầm chiếc túi cám con cò bên trong có một ít gạo giơ hai tay :"ông ơi,quê tôi lụt dữ lắm,ông làm ơn...".chưa dứt câu thì ông tiếp ngay :"nhà tôi năm nay làm ăn kém lắm, chỉ đủ ăn thôi không có dư ông ạ!". Ông lão buồn bã lặng lẽ đi, khi ông lão đã đi khuất thì ông cằn nhằn với bà vừa từ trong nhà đi ra tưởng có khách: "bây giờ toàn lừa đảo thôi, ăn xin về nó xây nhà tầng đầy kia kìa". Ờ, bây giờ toàn lừa đảo thôi, lão nói giọng miền trung cũng là lừa ông, miền trung lụt cũng là lừa ông. Chúng mày toàn lừa ông hết. Khốn nạn, vốn là gần đây ông mới bị ăn quả lừa.

Hình minh họa
Khi ông bà đang ngon miệng với bữa trưa thì tự nhiên ở đâu lòi ra một thằng trời đánh. Nó chạy hùng hục vào nhà ông,người toàn bùn đất lấm lem : "Ông ơi! con là phụ xe siêu thị METRO, con vừa móc được cái bếp ga trong thùng xe. Con sợ mang về thì họ biết, nên con mang ra nhà nào gần đây bán lấy tiền mua sữa cho con của con, nhà con(vợ) thất nghiệp nửa năm nay không có việc chỉ ở nhà chăm con, cái bếp này hơn năm triệu, có giá đàng hoàng, con chỉ lấy ông hai triệu thôi". Nó đưa tất cả giấy tờ của chiếc bếp ga ra. Nào là tem bảo hành, tem chính hãng, giá của chiếc bếp. Những giấy tờ này đã làm siêu lòng một người ít tiếp xúc công nghệ như ông. Với lòng tham có sẵn ông đồng ý mua với giá 1,5 triệu. Nhưng thằng này cứ nài nỉ xin ông thêm, rằng nhà con khó khăn lắm, con còn nuôi mẹ già. Thôi được, ông cho mày 2 triệu. Mua được với giá hời nên ông hí hửng lắm.
Hai hôm sau nhà ông hết ga. Gọi thằng cháu họ nhà ông bán ga chở đến nhân tiện bảo nó lắp luôn cho cái bếp mới dùng cho sướng. Thằng cháu ông đến, nó lắp xong cho ông thì nó bảo dùng cái bếp giả này không an toàn. Ông ngớ người ra hỏi sao lại giả, ông mua của bọn lái xe METRO giá trong phiếu hơn năm triêu cơ mà. Thằng cháu này nghe thấy thế liền hiểu ra vấn đề. Nó từ từ giải thích cho ông hiểu. Từ hôm đó ông luôn cảnh giác đề phòng bọn gạ gẫm,xin xỏ. Người lạ nào đến gạ gẫm xin xỏ ông từ chối hết. Với lại ông là người quý phái, không giao du với bọn giẻ rách.
Tôi có những người bạn, chuyên đi giúp đỡ những người nghèo, những người bất hạnh. Họ cho đi và không bao giờ mong nhận lại, họ âm thầm và lặng lẽ, có lẽ đối với họ được giúp dỡ những mảnh đời bất hạnh là niềm vui. Với họ sống như thế họ mới thấy họ tồn tại có ý nghĩa, họ như cảm thấy mình sinh ra đời này là có ích, không phí hoài khi may mắn được làm người. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Đây mới là những người quý phái trong lòng .....
TH ( trích nguồn)