SỨC SÁNG TẠO – SỰ LAN TỎA CỦA CHUỖI SỰ KIỆN KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (TRIỂN LÃM – PHẬT NGỌC – HỘI THẢO)
Thời gian vừa qua, Ban văn hóa Trung ương cùng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã phối hợp cùng các Viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPG Việt Nam. Chuỗi sự kiện được tổ chức tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ ngày 22-6-2016 đến ngày 12-7-2016 với nhiều hoạt động đặc sắc thu hút sự chú ý của các chư đức tăng – ni cùng hàng nghìn phật tử cả nước.
Sự kiện Triển lãm ảnh Những thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong 35 năm đã đánh dấu sự phát triển, hoằng dương đạo pháp của Phật giáo Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Triển lãm ảnh chia thành 5 đề tài cụ thể:
- Tư liệu ảnh 7 kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc.
- Tư liệu ảnh 2 kỳ Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam.
- Tư liệu ảnh các hoạt động của Phật giáo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
- Tư liệu ảnh những ngôi chùa mới và chùa biên giới, hải đảo.
- Tư liệu ảnh những hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong 35 năm.
Với 350 bức ảnh tư liệu được bố trí công phu, khoa học, các phật tử khi tới tham dự triển lãm ảnh đã được thỏa lòng ước nguyện hiểu rõ hơn về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong suốt 35 năm qua. Phóng viên ảnh Phạm Hồng Vân, một người đã có nhiều năm lăn lộn trong lĩnh vực nhiếp ảnh đề tài Phật giáo chia sẻ: “Để có được triển lãm ảnh về lĩnh vực Phật giáo lớn như vậy, trước hết là nhờ sự tạo điều kiện giúp đỡ của Ban tổ chức và TT Thích Thọ Lạc, Ủy viên thường trực HĐTS GHPG Việt Nam, trụ trì chùa Yên Phú, sau đó là sự đóng góp của anh chị em nhiếp ảnh, phóng viên ảnh trên mọi miền tổ quốc. Cá nhân tôi cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong sự kiện Triển lãm ảnh Những thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong 35 năm. Trong quá trình chọn lọc, trưng bày, chúng tôi đã luôn chú ý tìm những bức ảnh tiêu biểu nhất trong kho tư liệu ảnh, bố trí ở vị trí dễ tham quan để tạo điều kiện cho các phật tử có điều kiện hiểu biết hơn về quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam qua ảnh. Tuy nhiên, vẫn còn vài sơ xuất nhỏ hoặc thiếu một số hình ảnh hoạt động Phật giáo tại một số địa phương, cũng mong quý phật tử lượng thứ”. Một phật tử tại Hà Nội cho biết: “Thực ra, không phải ai cũng có thời gian để tìm đọc các tài liệu đầy đủ theo 5 đề tài của Triển lãm ảnh. Việc tham quan Triển lãm ảnh đã giúp chúng tôi hiểu về cả quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam trong suốt 35 năm một cách nhanh nhất, có hệ thống nhất. Xin cảm ơn ban tổ chức và các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trong số những bức ảnh trưng bày, tôi có ấn tượng với chùm ảnh Những ngôi Chùa mới và Chùa biên giới hải đảo bởi những Chùa cổ và nổi tiếng thì ai cũng biết nhưng chúng ta rất cần biết thêm những ngôi Chùa mới và đặc biệt là Chùa ở biên giới, hải đảo”. Triển lãm ảnh đã thu hút sự chú ý, thưởng ngoạn của hàng nghìn phật tử trong suốt thời gian diễn ra chuỗi sự kiện Triển lãm – Phật Ngọc – Hội thảo.
Ngày 22-6-2016, Ban văn hóa Trung ương cùng các bậc chư tăng cùng đông đảo phật tử đã trang nghiêm cung đón bức tượng Phật Ngọc Hòa bình thế giới về Chùa Yên Phú và an vị tượng vào ngày 25-6-2016. Tượng được chế tác từ khối ngọc thạch nặng 18 tấn mang tên “niềm kiêu hãnh của Bắc Cực” được phát hiện tại miền bắc Canada. Đây là khối ngọc được đánh giá là “sự phát hiện của Thiên niên kỷ”. Việc tạo tác bức tượng Phật Ngọc được dẫn dắt từ những mối nhân duyên huyền diệu. Trước đó, ngài Zoba Rinpoche từ xứ Tây Tạng đã từng quán tưởng và tiên đoán ông Ian Green, một phật tử người Úc sẽ có duyên với khối ngọc quý này và tạc thành bức tượng Phật để “thắp sáng toàn thế giới”. Năm 2009, tượng Phật Ngọc Hòa bình Thế giới đã được hoàn thành và mang về tôn trí tại Bảo tháp Từ Bi, vùng Bendigo, nước Úc. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, phó Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam, trụ trì chùa Yên Phú cho biết: “Tượng Phật Ngọc Hòa Bình thế giới được hoàn tất vào tháng 12-2008. Đây là một trong những pho tượng Phật Ngọc trang nghiêm nhất và có kích thước lớn nhất thế giới. Pho tượng Phật Ngọc Hòa bình thế giới cao 2,54m, chiều ngang 1,77m, nặng hơn 4 tấn, được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao kích thước 1,4m. Trung tâm Phật giáo Atisha (Australia) cùng với sự hợp tác của các đạo tràng nhiều nước đã khởi xướng các chương trình cung nghinh Phật Ngọc triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới với niềm tin “tượng Phật Ngọc Hòa bình Thế giới sẽ mang đến sự an lành cho nhân loại”. Việc được chiêm bái bức tượng trực tiếp là một nhân duyên tuyệt vời, mang đến sự may mắn, an lành đối với mỗi phật tử. Chính vì vậy từ ngày 25-6-2016 đến ngày 12-7-2016, mỗi ngày có khoảng 2.000 – 3.000 phật tử đến chiêm bái tượng Phật Ngọc Hòa bình Thế giới tại Chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Việc bảo vệ sự an toàn cho bức tượng nhưng vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho phật tử được chiêm bái ngưỡng vọng thể hiện lòng thành kính trước Phật Ngọc Hòa Bình thế giới đánh dấu sự nỗ lực, công tác tổ chức rất chu đáo, khoa học của Ban tổ chức chuỗi sự kiện cùng các phật tử, đạo tràng trong các tiểu ban ở từng vị trí nhiệm vụ cụ thể khác nhau.
Ngày 2-7-2016, Ban Văn hóa trung ương phối hợp cùng Ban Nghi lễ trung ương tổ chức Lễ khai mạc Chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPG Việt Nam tại Chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội với sự hiện diện của các đại đức, chư tăng, chư ni, cùng đông đảo phật tử thủ đô. Lễ khai mạc Hội thảo khoa học với đề tài “Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng” cũng được diễn ra cùng ngày. Hội thảo khoa học đã nhận được 44 bài tham luận về tổng quan Văn hóa Phật giáo Việt Nam theo 4 chủ đề:
- Ngôn ngữ
- Pháp phục
- Kiến trúc
- Di sản
Các chuyên gia, đại biểu của các hệ phái Phật giáo Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Khất sĩ đã đưa ra các ý kiến trao đổi thảo luận rất nhiệt tình và tâm huyết. Hầu hết các tham luận đều tập trung vào những định hướng lớn, tổng thể cũng như đánh giá thực trạng khá chi tiết các vấn đề đặt ra. Các hệ phái đều cho rằng việc thực hiện đề án định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam là rất cấp thiết. Hội thảo kết thúc với sự thống nhất cao Đề án định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam sẽ được tiến hành một cách khoa học, bám sát thực tiễn (nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng, tổ chức tọa đàm, hội thảo, xây dựng mô hình mẫu…). Đề án định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam cần sự tham gia, đóng góp của các Tăng Ni thuộc các hệ phái, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này. Đây sẽ là sản phẩm nghiên cứu chung, là ước nguyện của các hệ phái và sẽ được triển khai trong thực tiễn, góp phần phát triển Văn hóa Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Kết quả của hội thảo mở ra những vấn đề mới cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, thống nhất để thực hiện đề án chất lượng, hiệu quả hơn.
Ngoài 3 sự kiện chính Triển lãm – Phật Ngọc – Hội thảo, trong suốt thời gian diễn ra chuỗi sự kiện, mỗi ngày tại Chùa Yên Phú còn tổ chức các buổi lễ cầu an, Quy y tam bảo, thuyết pháp, các đêm văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPG Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ từ mọi miền đất nước đã về đóng góp tâm sức giúp cho chuỗi sự kiện được thành công viên mãn. Đặc biệt, trong đêm bế mạc chuỗi sự kiện, các nghệ sĩ của Nhà hát cải lương Việt Nam đã biểu diễn vở cải lương “Vua Phật” mang đến sự hoan hỷ cho toàn thể Ban tổ chức và đông đảo phật tử tham dự.
Đêm 12-7-2016, Lễ bế mạc chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPG Việt Nam (Triển lãm – Phật Ngọc – Hội thảo) đã diễn ra trong sự hoan hỷ viên mãn của các chư đức tăng – chư đức ni cùng đông đảo phật tử tại Chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Sau đây là một số hình ảnh của chuỗi sự kiện KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (TRIỂN LÃM – PHẬT NGỌC – HỘI THẢO):
Họp triển khai Lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPG Việt Nam tại văn phòng thường trú.
Chư vị Tôn túc Ban Văn hóa và Ban Nghi lễ kiểm tra phòng Triển lãm ảnh trước ngày khai mạc.
HT Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS TƯ GHPG Việt Nam phát biểu trong Lễ khai mạc chuỗi sự kiện chào mừng Lễ kỷ niệm 35 ngày thành lập GHPG Việt Nam (Triển lãm – Phật Ngọc – Hội thảo).
HT Thích Thanh Nhã – Phó Ban Nghi lễ TƯ GHPG Việt Nam phát biểu trong Lễ khai mạc.
Lễ cắt băng khai mạc Lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPG Việt Nam.
HT Thích Trung Hậu – Trưởng Ban Văn hóa GHPG Việt Nam nhận hoa chúc mừng từ Ban Tôn giáo Chính phủ.
Hội thảo Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan phát biểu trong Hội thảo Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Hội thảo Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
HT Thích Hải Ấn – Phó Ban TT Ban Văn hóa TW GHPG Việt Nam đọc tham luận tại cuộc Hội thảo Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Lễ trao Bằng tuyên dương công đức cho các phật tử trong cuộc Hội thảo Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS GHPG Việt Nam, Phó Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam, trụ trì chùa Yên Phú phát biểu trong Lễ Bế mạc chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPG Việt Nam.
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPG Việt Nam, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPT Việt Nam trao Bằng tuyên dương công đức cho các quý chư tôn đức lãnh đạo Ban Văn hóa và Tạp chí Văn hóa Phật giáo.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS GHPG Việt Nam, Phó Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam trao quà lưu niệm cho ông Ian Green, chủ sở hữu bức tượng Phật Ngọc Hòa bình Thế giới trong Lễ bế mạc chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm thành lập Phật giáo Việt Nam.
Chư tôn đức GHPG Việt Nam và các đại biểu tham dự Lễ bế mạc chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm thành lập Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS GHPG Việt Nam, Phó Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam cùng tập thể diễn viên, ca sĩ trong đêm nhạc Phật giáo chào mừng Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Phật giáo Việt Nam.
Các nghệ sĩ của Nhà hát cải lương Việt Nam công diễn vở “Vua Phật” trong Lễ bế mạc chuỗi sự kiện Kỷ niệm 35 năm thành lập Phật giáo Việt Nam.
Đêm nhạc Phật giáo chào mừng Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Phật giáo Việt Nam.
Các nghệ sĩ trong Đêm nhạc Phật giáo chào mừng Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Phật giáo Việt Nam.
Bài: Vy Anh - Ảnh: Hồng Vân