Tạo nét riêng cho Phật giáo Việt Nam
Có mặt tại Việt Nam với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, văn hóa, xã hội của người Việt Nam, đồng hành cùng với thăng trầm lịch sử của dân tộc. Những năm qua, bên cạnh phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam cũng đã tăng cường hoạt động đối ngoại, hội nhập với Phật giáo thế giới. Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gần đây đã tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong cộng đồng Phật giáo thế giới trong giai đoạn mới, qua đó khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay trang phục, kiến trúc và ngôn ngữ của Phật giáo Việt Nam có những điểm dễ nhầm lẫn với một số văn hóa Phật giáo các nước khác. Vì vậy, Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra 4 đề án về trang phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nhằm tạo bản sắc riêng, tạo sự khác biệt với các Phật giáo ở các quốc gia khác trên thế giới. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc tìm ra nét văn hóa riêng này cần phải cân nhắc giữa vấn đề gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống hàng nghìn năm ông cha tạo dựng nhưng cũng cần đáp ứng được nhu cầu phát triển của Phật giáo hiện đại: Chúng ta phải đặt nó vào trong gìn giữ bản sắc như thế nào, và cái tính thời đại, tính tiếp biến văn hóa để cái tính văn hóa phải đa dạng, chứ nó không thể nào cứng ngắc như khuân mẫu của ngày xưa, vậy thì chúng ta phải đặt phương pháp luận nghiên cứu, chúng ta phải đặt nó giữa bản sắc và tiếp biến văn hóa, có như vậy chúng ta mới đảm bảo đúng tinh thần của chúng ta là cái dòng chảy văn hóa Phật giáo nó có tính liên tục có tính thời đại thì chúng ta mới đưa được vào thực tiễn cuộc sống.
Đồng tình với 4 đề án lớn của Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, việc tìm ra đặc trưng trang phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam không chỉ là của riêng văn hóa Phật giáo mà đó còn là bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua các hoạt động của Phật giáo. Vì vậy, việc triển khai 4 đề án này sẽ được các Bộ, ngành có liên quan ủng hộ: Chắc chắn không chỉ Ban Tôn giáo Chính phủ, các viện nghiên cứu mà tôi nghĩ ngành văn hóa sẽ hết sức ủng hộ việc này. Nếu được nói tiếng nói thông qua lãnh đạo ban tôn giáo chính phủ, thông qua Bộ VH và các ngành liên quan, chắc chắn đây là những điểm đáng khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả
Với kinh nghiệm nghiên cứu Phật giáo nhiều năm, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích, hiện nay Phật giáo Việt Nam có 3 hệ phái được công nhận là Bắc Tông, Nam Tông và Khất sĩ, mỗi hệ phái lại khác nhau về y phục, hình thức và màu sắc, vì vậy để có sự đặc trưng riêng, hình ảnh đại diện cho Phật giáo Việt Nam là việc làm không hề dễ dàng. Để tìm tiếng nói chung về y phục đã khó, Việt hóa các tàng thư, kinh, dịch còn khó hơn nhiều: Nghe thì dễ nhưng mà Việt hóa toàn bộ Đại Tạng Kinh hoàn toàn không dễ dàng chút nào hết. Nếu như chúng ta biết rằng, trong ngôn ngữ Tiếng Việt của chúng ta từ 70 – 80% những khái niệm, những từ thuộc về trừu tượng,những khái niệm siêu hình là thuộc về gốc Hán. Đó là những khó khăn, những thách thức mà chúng ta phải đương đầu”.
Quý I/2015, Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm và hình thành cơ sở lý luận về trang phục Phật giáo Việt Nam. Đến hết năm 2015, các hạng mục của 4 đề án sẽ được sự hỗ trợ của các các Vụ, các Viện của các Bộ, ngành có liên quan, và sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành từ các Viện Hán nôm, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Hội kiến trúc sư Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam… triển khai thực hiện./.
Thu Thùy - Duy Quyền