TP.HCM: Kỷ niệm 70 năm thành lập chùa Candaransi
* Báo cáo Phật sự 5 phân ban Phật giáo Nam tông Khmer
Sáng qua, 21-10 tại chùa Candaransi (Q.3, TP.HCM) trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 thành lập chùa Candaransi và Tổng kết công tác Phật sự 5 Phân ban Phật giáo Nam tông Khmer. Tham dự buổi lễ có HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tánh, Phó chủ tịch HĐTS… cùng chư tôn đức trong HĐTS, BTS Phật giáo TP.HCM, chư tôn đức Tăng Phật giáo Nam tông. Đại diện lãnh đạo chính quyền TƯ và TP, Lãnh sự quán Lào tại TP.HCM, các nhân sĩ trí thức và đông đảo Phật tử tham dự buổi lễ.
Chư tôn đức chứng minh buổi lễ
Chư tôn đức và quý quan khách tham dự
Tại buổi lễ, HT.Danh Lung, trụ trì chùa Candaransi đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của chùa; đồng thời báo cáo kết quả hoạt động Phật sự của 5 Phân ban Phật giáo Nam tông Khmer trong nhiệm kỳ 2012-2017 vừa qua.
Theo đó, chùa Candaraṅsi là một trong hai ngôi tự viện của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer ở TP.HCM, được thành lập vào năm 1947. Chùa Candaraṅsi được đánh giá là ngôi tự viện đầu tiên ở nửa đầu thứ kỷ 20 của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer trên vùng đất Sài Gòn. Trong suốt thời gian đó, chùa không những là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ đang làm ăn, sinh sống tại Sài Gòn mà còn là nơi chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nước nhà.
HT.Danh Lung báo cáo công tác Phật sự Phật giáo Nam tông Khmer
Trước năm 1947, ở Sài Gòn tuy có chùa Phật giáo Nam tông Khmer nhưng không hoạt động thường xuyên và dài lâu, nên khi các nhà sư Khmer vì Phật sự mà từ nơi khác đến phải tìm chỗ trọ để qua đêm, rất bất tiện cho các vị Cao tăng, cũng như đồng bào Khmer đang sinh sống tại vùng đất Sài Gòn này. Trước tình cảnh đó, vấn đề đặt ra là cần có ngôi chùa để làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng Khmer vùng Sài Gòn, nơi tu hành cho các sư sãi Khmer, và cũng là nơi nghỉ ngơi phù hợp với giới luật cho các vị tu hành Khmer mỗi khi có Phật sự tại Sài Gòn. Do đó, ĐĐ.Lâm Em (sau này là HT.Lâm Em), ngài là Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Phật học ở Phnom Pênh, quê tại Sóc Trăng, đã cất công tìm nơi xây chùa tại vùng đất Sài Gòn này. Cuối cùng, ngài đã chọn được bãi đất bồi có diện tích 6.000m2 gần cầu Trương Minh Giảng, bên dòng kênh Nhiêu Lộc và đường Eyriand des Vergnes (nay là đường Trần Quốc Thảo) để dựng chùa.
Công việc xây dựng chùa ban đầu khó khăn, phải thương thuyết với người dân địa phương để mở xe chở vật liệu san lấp mặt bằng, cải tạo nền móng… Đến cuối năm 1946, mặt bằng của ngôi chùa được tạm ổn. Cũng trong thời gian này, ngài Narandā thỉnh Xá lợi Phật và cây Bồ Đề từ Ấn Độ cúng dường và trồng tại chùa. Từ năm 1947 đến năm 1950, công việc tạo tác ngôi chùa được tiến hành với nhiều hạng mục công trình lần lượt được hoàn thành như các Sala, chánh điện, khuôn viên chùa… Đến năm 1953, Lễ kết giới Sima được thực hiện và ngôi chùa Candaraṅsī chính thức đi vào hoạt động tại vùng đất Sài Gòn kể từ đó.
Đến nay, ngôi chùa đã trải qua 70 năm với hai đời trụ trì và hiện có 1 vị Hòa thượng, 22 vị Đại đức và 3 vị Sa-di thường trụ tu học. Hiện nay, Chùa được TƯGH và Hệ phái chọn làm Văn phòng của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Chùa là nơi chư Tăng hoằng pháp, tổ chức các nghi lễ theo truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer cho đông đảo đồng bào Khmer cũng như đồng bào Việt, Hoa… sinh viên quốc tế đang học tập và làm việc tại TP.HCM
Tại buổi lễ, chư tôn đức báo cáo kết quả hoạt động của 5 Phân ban thuộc Phật giáo Nam tông. Theo đó, giữa nhiệm kỳ VII, theo đề nghị của chư tôn đức Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Thường trực HĐTS đã ký Quyết định bổ nhiệm thành phần nhân sự 5 Phân ban đặt tại chùa chùa Candaraṅsī gồm Phân ban Tăng sự, Phân ban Giáo dục, Phân ban Hoằng pháp, Phân ban Văn hóa và Phân ban Thông tin - Truyền thông.
Chư tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer tại chùa Candaraṅsī tham dự nhiều hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế tại Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, 5 Phân ban đã được GHPGVN giao trách nhiệm và đã tổ chức thành công 2 hội thảo khoa học của hệ phái: “Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc” nhân Kỷ niệm 40 năm ngày Bốn vị Hòa thượng Liệt sĩ hi sinh tại Kiên Giang vào năm 2014 và “Phật giáo Nam tông Khmer: tính Kế thừa, Thành tựu và Phát triển” nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 2016 tại Kiên Giang. Mỗi hội thảo có 2.000 đại biểu trong nước đến tham dự.
Phân ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức “Lớp Nghiệp vụ Báo chí - Truyền hình Phật giáo” tại chùa Candaraṅsī vào trung tuần tháng 6-2015. Đồng thời, Phân ban kết hợp với Phân ban Văn hóa đã tự thiết kế vận hành các website, fanpage để phổ biến giáo lý, sinh hoạt Phật giáo Nam tông Khmer, văn hóa người Khmer Nam Bộ đến mọi tầng lớp độc giả trong và ngoài nước. Đặc biệt sau hai năm dưới sự trợ duyên của HT.Danh Lung, Phân ban Văn hóa và Phân ban Thông tin - Truyền thông thực hiện chương trình số hóa Tam Tạng Kinh điển Pali - Khmer (110 quyển), đang trong giai đoạn hoàn thiện và hiệu đính, sản xuất video clip chương trình tự học tiếng Khmer.
Trao học bổng cho chư Tăng và sinh viên
Để nâng cao hiệu quả Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer, được sự cho phép của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, Phân ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Chất lượng Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer: Thực trạng & Giải pháp” tại chùa Candaraṅsī vào trung tuần tháng 7-2016. Với vai trò của mình, trong hai năm liên tục, Phân ban Giáo dục kết hợp với 4 Phân ban viếng thăm và cúng dường cho các trường, học viện thuộc hệ thống Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… và đến thăm lãnh đạo Cục An ninh Tây Nam bộ tại TP.Cần Thơ.
Nhân buổi lễ, BTC đã trao tặng 39 xuất học bổng khuyến học cho chư Tăng và Phật tử đồng bào Khmer và các sinh viên Lào, Campuchia đang theo học các trường Đại học, cao đẳng tại TP.HCM.
HT.Thích Thiện Nhơn ban đạo từ