Trái ớt cúng dường
Cúng dường - Ảnh minh họa
Trong hình thức vị sư Phật giáo Tây phương theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) với cái đầu cạo nhẵn, mình khoác tấm y màu vàng đất sét, đi chân trần, không giày dép gì cả, tay ôm một cái hộp tròn cỡ quả bí đỏ nhỏ có nắp đậy, họ im lặng đi hàng dọc, cách khoảng đều nhau, thanh thản từng bước chân trong chánh niệm. Khi đến một ngã rẽ, quý sư chia làm hai nhóm, một nhóm đi vào khu cư dân, còn nhóm kia thì ra các dãy phố, quý sư thường đứng lại ở các góc đường, hoặc trước cửa, cổng nhà các cư dân. Dân chúng nơi đây nhìn thấy quý sư, họ rất ngạc nhiên với nhiều thắc mắc: “Họ là những người nào vậy nhỉ?” - “Họ đi đâu vậy? - và để làm gì?”
Một vài người với phản ứng rất hợp lý là không tự tìm câu trả lời mà gọi điện thoại báo với cảnh sát, để đề phòng và cũng để nhờ cảnh sát đến tìm hiểu, hỏi xem “nhóm người kỳ lạ này là ai? Và họ muốn gì?”. Một số người khác thì muốn tự mình tìm hiểu, họ mở cửa ra chào theo bản tính thân thiện và lịch sự của người Úc: “ Xin chào quý vị, chúng tôi có thể giúp gì cho quý vị đây?”.
Những phản ứng như thế là cơ hội để quý sư gieo chút duyên lành với người dân bản xứ, quý sư đã giải thích với cảnh sát và người dân địa phương:
- Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo, tu viện của chúng tôi mới được thành lập ở khu rừng gần đây, tên của tu viện là “Santi Forest Monastery”. Hôm nay chúng tôi đi khất thực, để mong được quý vị bố thí cho chúng tôi một ít thức ăn, bởi truyền thống tu tập của chúng tôi là đi khất thực để độ nhật và ngõ hầu được tiếp xúc, gieo duyên với quần chúng...
Các vị với tư thái trang nghiêm, gương mặt điềm tĩnh, thái độ an nhiên và với một chất liệu từ bi lan tỏa được biểu hiện trong ánh mắt, trong từng lời nói nhu hòa; từng thắc mắc của cư dân, những câu hỏi của cảnh sát đã được quý sư giải thích, và cũng từ đấy, hình ảnh của những nhà sư Phật giáo người Úc đi khất thực vào mỗi sáng Chủ nhật ở Bundanoon (*) dần dà trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, họ chỉ cảm thấy không còn lo lắng nữa vì đã biết quý sư là ai, ôm bình bát đứng trước nhà, trước shop của họ để làm gì, nhưng biết là biết vậy thôi, chứ ý niệm “cúng dường” vẫn còn là một điều gì quá xa lạ, quá bỡ ngỡ trong tập quán sinh hoạt của họ. Đó là chuyện tự nhiên như vậy thôi, về phần quý sư thì vẫn cứ an nhiên tự tại, với lộ trình đi khất thực vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần.
Những tháng ngày mới đến đây để thành lập một thiền lâm tu viện theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, với một nét văn hóa Phật giáo hoàn toàn xa lạ với cư dân địa phương, việc đi khất thực mỗi ngày là điều không thể thực hiện được; nhưng mỗi tuần một buổi sáng Chủ nhật đi khất thực của quý sư đã trở nên một nét sinh hoạt gần gũi thân quen. Hình ảnh những nhà sư, tay ôm bình bát, chậm rãi bước đều, và những nụ cười hiền hòa tỏa sáng, những lời giải thích ân cần…, dần dần, cư dân địa phương và những vùng phụ cận đã bắt đầu hiểu được phần nào Phật giáo là gì, Đức Phật là ai!… Ngôi tu viện trong khu rừng yên vắng, bên cạnh những ngày thiền tập của quý sư nay đã có những buổi thuyết giảng về giáo pháp Phật-đà và giảng dạy phương pháp thực hành thiền tập cho mọi tầng lớp dân chúng quanh đây.
*
Quý sư vừa đi khất thực trở về, nhóm cư sĩ chúng tôi phụ trách buổi ngọ trai hôm nay được giao cho những chiếc bình bát, đem vào sớt bát để sửa soạn cho việc cúng dường buổi trưa. Mở những chiếc bát của quý sư vừa đi khất thực về, chúng tôi thật sự quá đỗi nghẹn ngào, có bát thì được một cái bánh Pie, có bát nhận được một trái táo (apple), một chùm nho tươi, một nhánh cần tây,… Hầu hết mọi bát đều nhận được chút ít vật phẩm cúng dường của cư dân và… dĩ nhiên không thể nào đủ dùng, vì thế nhóm Phật tử chúng tôi vẫn luân phiên đảm nhận việc nấu bếp, cúng dường buổi trưa cho quý sư.
Đang loay hoay với những chiếc bình bát vừa được trút ra để ghi nhận những phẩm vật cúng dường của buổi khất thực hôm nay, bỗng sư trụ trì tu viện bước xuống bếp. Sư nở một nụ cười rất đỗi hân hoan:
- Oh, we get a lot today! (Ồ, hôm nay chúng ta được nhiều nhỉ!).
Thưa vâng, chúng tôi hiểu, sư nói “hôm nay khất thực được nhiều” là so với những ngày đầu mới đi khất thực ở đây, có hôm cả đoàn khất thực trở về chùa với những chiếc bình bát trống không, có bữa chỉ mỗi bình bát của sư trụ trì có được một trái chuối; vậy mà đi khất thực về, lúc nào quý sư cũng đều rất vui, không phải nhận được thức ăn cúng dường nhiều hay ít, mà niềm vui của quý sư là có cơ hội để giáo hóa quần chúng, hầu mong Phật pháp sẽ lần hồi được thấm đượm vào lòng, vào nếp sống của người dân quanh đây, và đi khất thực cũng là một trong những pháp tu mà quý sư phải chuyên tâm hành tập.
Sư hướng tia nhìn vào số phẩm vật rồi hỏi chúng tôi:
- Các anh có tìm thấy trong bát của tôi, hôm nay có một trái ớt chín đỏ chứ nhỉ?
- Thưa sư, dạ có.
Sư mỉm cười hài lòng và ân cần dặn chúng tôi:
- Các anh vui lòng cắt nhỏ quả ớt ấy vào chén xì dầu trong phần cúng dường hôm nay nhé! Nhớ đừng quên nghe! Quan trọng lắm đấy, vào lúc cầu nguyện cho buổi ngọ trai, tôi sẽ kể cho toàn thể đại chúng nghe về buổi khất thực hôm nay.
Trong lúc làm nghi thức dâng cúng thức ăn cho quý sư, chúng tôi ghi nhận, sư trụ trì đều nhắc chư sư đừng quên chan một tí xì dầu ớt vào bình bát của mình. Sư còn nói rõ: “Nếu quý sư không ăn được ớt thì cũng nên chan một tí vào, không sao đâu, nhớ là mọi người phải chan tí xì dầu ớt vào bát mình nhé”.
*
Trước khi thọ trai, bao giờ cũng có đôi lời của sư trụ trì, tiếp theo là bài kinh hồi hướng công đức của thí chủ và sau đó là phần thọ trai.
Sư lên tiếng chậm rãi nói:
- Hôm nay đi khất thực, tôi đã gặp được một bà lão đang ở trong mảnh vườn nhỏ nơi sân trước của nhà bà. Bà lão trông rất già yếu nhưng vẫn tự mình đi đứng được. Khi gặp tôi, bà lão ân cần hỏi han với những câu hỏi thông thường mà những người khác trước đây vẫn hỏi, như là: “Ông là ai, làm gì? Tôi có thể giúp gì cho ông?…”.
Sau khi nghe tôi giới thiệu và giải thích về mình là một vị sư Phật giáo, đang đi khất thực để xin được bố thí thức ăn và mong được có cơ hội để tiếp xúc với quần chúng… Bà lão với một gương mặt rất thuần hậu, hướng tia nhìn về tôi đầy nét nhân từ và cất giọng run run nói: “Thật tiếc quá, nghe sư giải thích, tôi rất muốn cúng dường một thứ gì đó có thể ăn được, nhưng hiện tại, tôi phải chờ đến trưa thì người ta mới đem giao thức ăn cho tôi, nên chẳng biết phải làm sao đây?!”.
Nghe vậy, tôi trả lời bà lão: “Không sao cả, cám ơn bà đã có tấm lòng và ý tốt, như vậy là tôi đã nhận được sự cúng dường của bà rồi, xin bà đừng bận tâm, chúng tôi sẽ có dịp trở lại đây trong những lần tới”.
Tôi chưa kịp ngỏ lời chào từ biệt thì bà vội lên tiếng: “Hay sư có thể cho phép tôi cúng dường một ít tiền và sư dùng nó để mua thức ăn dùng cho trưa nay được chứ?”.
Tôi bèn giải thích thêm với bà : “Giới khất sĩ chúng tôi đi khất thực, chỉ xin được nhận thức ăn mà thôi. Trong giới luật, Đức Phật không cho phép tu sĩ chúng tôi được cầm giữ tiền”.
Nghe đến đây, bà lão vụt kêu lên: “Oh, my God! What can I do for you now? (Trời ơi, vậy tôi có thể giúp gì được cho sư bây giờ?).
Tôi lên tiếng trấn an bà lão: “Không sao cả, bà có thể cúng dường cho tôi bất cứ thứ gì có được trong vườn hiện giờ của bà là tốt rồi”.
Nghe thế, mắt bà lão chợt vụt sáng lên: “Thật sao? Sư chờ tôi một tí nhé!”.
Bà lão bước dăm bảy bước về phía góc vườn và quay lại với một nụ cười chân chất cùng với một trái ớt chín đỏ trên tay: “Thưa sư, đây là thứ duy nhất tôi có thể có được ngay bây giờ để cúng dường sư, mong sư hoan hỷ nhận cho”.
Kể đến đây, sư nhắm mắt lại và lặng im trong thoáng chốc, như để mang trọn tấm lòng thành cúng dường của bà lão chia sẻ cùng với tất cả mọi người đang nghe câu chuyện về “trái ớt cúng dường” của buổi khất thực sáng hôm nay.
Bằng một giọng trầm tĩnh sâu xa, sư kể tiếp : Tôi vô cùng hoan hỷ, đón nhận tấm lòng cúng dường của bà lão với trái ớt chín đỏ và nói lời cảm ơn, cùng mời bà im lặng để tôi đọc tụng chúc lành cho bà và gia đình một bài kinh ngắn bằng tiếng Pali. Nghe bài kinh xong, dầu bà không hiểu gì, nhưng tôi ghi nhận được sự rung động trong tâm thức của bà qua ngấn lệ tuôn tràn trên đôi gò má nhăn nheo. Tôi nói với bà:
- Trái ớt này vô cùng quý báu với tôi. Buổi ngọ trai trưa nay, đích thân tôi sẽ thay mặt bà mời toàn thể chư Tăng cùng thọ nhận sự cúng dường và đọc kinh hồi hướng công đức cho bà. Trái ớt chín đỏ của bà đặt vào bình bát cúng dường là một phẩm vật được dâng cúng với cả tấm lòng, nên sự cúng dường ấy thật vô cùng to lớn với ý nghĩa của nó.
Quay về phía chư Tăng, sư tiếp: “Thưa quý vị, câu chuyện vừa kể để giải thích tại sao tôi ngỏ lời mời tất cả chư vị nên chan tí xì dầu ớt vào bát của mình là để thọ nhận sự cúng dường lớn lao của bà lão sáng nay. Kính mong chư Tăng cùng đọc kinh cầu nguyện và hồi hướng công đức cúng dường đến toàn thể các thí chủ”.
Lời kinh tiếng Pali trầm hùng vang lên trong điện Phật của một ngôi tu viện Phật giáo trong một khu rừng núi xa xôi yên vắng với các vị sư người Tây phương da trắng mắt xanh, như hòa quyện cùng với cảnh vật chung quanh; tiếng tụng kinh lan tỏa, rừng cây rung nhẹ tiếng xào xạc của những cành lá đong đưa, tất cả đã ngân lên một tấu khúc thương yêu của tấm lòng từ bi tỏa ngát cùng hương rừng gió núi, nhẹ lan trong tâm thức nguyện cầu.
____________________________________________________
* Bundanoon là tên của một thị trấn thuộc khu vực cao nguyên miền Tây nam, tiểu bang NSW - Australia, cách thành phố Sydney 150km.