Trồng Cây Sa La Tại Đền Hùng
Ngày 3- 3 Âm lịch (tức ngày 9- 4- 2016). Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Thọ Lạc dẫn dắt các Phật từ là Doanh nhân Việt Nam khắp các tỉnh thành (Hà Nội, Nghệ An, Sài Gòn, Việt kiều Paris…) Hành trình về Cội nguồn Tâm linh năm 2016 tại Đền Hùng, Lễ Tổ Tiên Việt và Các vua Hùng dựng nước, cầu Quốc Thái Dân An.
Ban tổ chức hành trình gồm: Khu di tích Đền Hùng, Ban Văn hóa Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm giáo dục Truyền thống lịch sử, với sự tham dự của gần 100 người.
Đêm 8- 4- 2016. Hà Nội, Vĩnh Phú và nhiều nơi có mưa giông, mưa đá. Đền Hùng mưa lớn, đổ cây. Nhưng buổi sớm mai (9- 4- 2016) chúng tôi Lễ Đền Hùng, trời quang, mây tạnh, gió nắng thênh thang.
Sau lễ dâng hương và cầu nguyện Quốc Thái Dân An tại chùa Tổ, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cùng các Phật tử Doanh nhân trồng cây công đức tại khu vườn thiêng, dưới chân Đền Hùng.
Lần đầu tiên cây Sa La được trồng tại Đền Hùng. Cây Sa La được một gia đình Phật tử Doanh Nhân thỉnh từ rừng núi Nghệ An về Đền Hùng, do Thượng tọa Thích Thọ Lạc cùng chúng tôi trồng.
Bên gốc cây Sa La Thánh tích của Phật, lần đầu tiên được trồng tại Đền Hùng linh thiêng Cội nguồn Tâm linh Dân tộc Việt. Thầy Thích Thọ Lạc nói với chúng tôi về Cây Sa La.
“Trong kinh Phật, có hai loại cây linh thiêng là cây Bồ Đề và cây Sa La. Dưới gốc cây Bồ Đề, Thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật sau 49 ngày đêm Thiền định. Dưới cây Sa La ở vườn Lâm Tì Ni, Đức Phật đản sinh và Ngài cũng nhập diệt dưới cây Sa La tại Câu Thi La (Kusinara).
Cây Sa La sống trong khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ). Ngày nay cây SA La có ở Ấn Độ, miền Nam dãy núi Hy Mã Lạp, về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây Sa La còn gọi là cây Đầu Lân, Hàm Rồng. Giới chơi cây cảnh gọi là Ngọc Kỳ Lân.
Ở miền Nam Việt nam, cây Sa La được trồng ở các chùa: Xá lợi, Vĩnh Nghiêm. Khu du lịch Bình Qưới, Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh có một cây Sa La, gốc to, mấy người ôm. Ở Campuchia cây Sa La được trồng trong hoàng cung.
Tán cây Sa La rậm rạp. Hoa Sa La rất đẹp. Hoa Sa La thường được nhắc tới trong Kinh Phật. Giới nghiên cứu Phật giáo gọi Sa La là hoa Vô Ưu. Những cánh hoa rất dày. Khi kết trái, quả Sa La chín, mang hạt, tự phát tán, mọc thành cây mới. Cây Sa La tượng trưng cho qui luật sinh diệt của Đạo Phật.
Cây Sa La là nơi Đức Phật sinh ra. Theo tục lệ, khi chuẩn bị đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, Hoàng Hậu Maya cùng với đoàn tùy tùng về nhà cha mẹ để sinh. Dọc đường, bà dừng chân nghỉ dưới gốc một cây Sa La ở khu rừng Lumbini, ngoại thành Kapilavatthu, thuộc nước Nepal ngày nay. Cơn đau sinh ập đến. Bà tìm nơi bấu víu. Cây Sa La nghiêng nhánh xuống cho bà vịn. Hoàng Hậu vừa vin cây, thì cậu bé Siddharta ra đời, và sau này tu luyện trở thành Đức Phật.
Khi biết mình sắp viên tịch, Đức Phật hành trình đến đền Càpàla, xứ Vesàli làm lễ, rồi di chuyển thêm một lộ trình khá dài đến tiếp Kusinàra. Mặc dù bị bệnh khá nặng nhưng Phật vẫn kiên quyết đi bộ, vượt sông đến rừng Sa La, xứ Kusinàra. Đoạn đường này chỉ có chừng 9km nhưng Phật phải đi mất khoảng 3 tuần, dừng nghỉ đến 25 lần vì bệnh và mệt.
Kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Phật dạy: “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết Bàn, này Ananda, đó là Thánh tích, người Thiện tín cần chiêm ngưỡng và tôn kính”.
Ngày 3- 3 Âm lịch 2016. Mở đầu Mùa Lễ Hội Đền Hùng 2016. Cây Sa La Thánh Tích của Đức Phật đã được trồng tại Khu vườn cây thiêng, dưới chân Đền Hùng, do Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Ban Văn hóa Giáo Hội Phật giáo Việt Nam trồng và tôn kính gia trì, tụng niệm.
Bạn đến Lễ Hội Đền Hùng vào bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhớ nâng niu từng ngọn cỏ, gốc cây và chiêm ngưỡng cây Sa La, để khắc ghi mảnh đất chôn nhau cắt rốn Việt Nam của mình. Để nhớ tới quy luật sinh tồn tái tạo. Để bảo tồn, phát triển nền Văn hóa Việt, đậm tình Nhân bản và Vô lượng Nhân Tâm Phật, xây đắp Dân tộc Việt Nam trường tồn.
Mai Thục