Trung thu càng ngày càng kỳ cục
Trung thu càng ngày càng kỳ cục
Suy nghĩ của tôi là như vậy.
Tôi thì sinh vào thế hệ của 9x, cái thời gọi là “sau này” của nhiều người, và nhiều người cũng cho rằng thời của bọn tôi đã hiện đại hơn rất nhiều so với thời trước.
Tôi thì không biết thời nay và thời trước khác nhau kiểu gì, và dấu hiệu nào đã đưa người ra đến cái suy nghĩ đó. Nhưng có dịp tìm hiểu những thước phim xưa của người dân Việt, qua những câu chuyện kể của người thời trước và đôi lúc ngồi ngẫm lại, thấy cũng đúng đúng.
Người ta nói vậy, trung thu nay khác xưa nhiều, con nít bây giờ sướng hơn con nít hồi đó, trung thu bây giờ không còn vui nữa… tất cả những nhận xét đó, đều mang một tâm ý chung, đó là có chút gì đó tiếc nuối cho một thời đã qua, mà người ta cho là hay, là đẹp, là ý nghĩa, khi ở ngay cái thời đang dần bị mai một.
Những bộ phim điện ảnh bây giờ, thường hay khắc họa lại những nét cổ kính rêu phong của mấy cái thời xưa cũ. Những hình ảnh của thời bao cấp, của những thập niên trước, thậm chí là thế kỷ trước đã được dựng lại trên màn ảnh. Dĩ nhiên là không đúng 100% đối với những người sống vào khoảng thời gian đó, nhưng lại là một mớ hình ảnh lạ lẫm, là lạ trong mắt của thời sau. Và dán lên đầu óc của những người trẻ bây giờ qua những lời kể của người lớn rằng, ngày xưa, có khổ thế nào, cũng vẫn vui hơn bây giờ.
Người ta đưa ra một mớ bằng chứng để cho thấy lời nói của mình là đúng. Ví dụ, trẻ con thời xưa, cứ mỗi chiều chiều, tụ tập nhau ngay cái ụ rơm đầu làng hay trước sân nhà đứa nào đó, bắt đầu bày vẽ đủ trò, bắn bi, bịt mắt bắt dê, trốn tìm hay cô dâu chú rễ… đại loại chơi một chút rồi sinh giận hờn, đứa nọ nghỉ chơi đứa kia, cả đám ngồi chọc cái cười, hát bài vừa khóc vừa cười. Chứ không như trẻ con thời nay, ba mẹ quăng cho cái điện thoại, cái Ipad cho con nít. Coi như đã dụ được nó ngồi im và đủ an toàn để mình kiểm soát.
Trẻ con thời xưa, biết chạm tới lá rau, biết sờ vào cục đất, biết ngậm lấy cọng rơm, biết quơ tay lên tường bắt bóng, biết hít mùi khói bếp rồi ho sặc sụa, biết quẹt cái nhọ nồi trên mặt mà hổng biết dị ai… những cái hình ảnh dân dã đó mà theo nó cả cuộc đời. Chứ không như con nít thời nay, chỉ biết mấy trò chơi trên game, cái kiếm, cái súng thanh gươm rồi chém giết, nuôi trong đầu cái mầm mống của hận thù chết chóc.
Bởi vậy, người ta mới than thở, mới nuối tiếc cái ngày xưa là có lý do cả.
Kể cả cái Trung thu.
Trung thu ngày xưa, người già con nít lớn nhỏ gì đều đón Trung thu tất. Tết trung thu, người ta còn gọi là Tết đoàn viên, Tết trông trăng, Tết hoa đăng… bởi vậy, cứ tới mùa Trung thu, mấy người ở xa thường chạy về nhà, đơn giản chỉ để ngửi mùi của cái “nhà” quen thuộc, hít cho no rồi tiếp tục lăn lộn với cuộc đời.
Tết trung thu, vào cái đêm Rằm, người lớn trải chiếu ngồi trước sân, có miếng trầu, có chum rượu, chén trà, dĩa bánh, thế mà làm nên cả một câu chuyện đêm Rằm. Ngoài sân, con nít ôm lồng đèn chạy từ đầu làng đến cuối ngõ. Đèn ông sao, đèn cá chép, đèn thú, đèn lon, đèn kéo quân, đủ thứ trên đời, rồi pha thêm mấy tiếng tùng tùng của hội hát trống quân. Ở ngoài đình, múa lân, múa sư tử đủ trò…
Trung thu ngày xưa là vậy, nó vui, nó đời, nó dân dã, nó quê, nó quốc dân gì đâu.
Còn thời nay, riết rồi người ta nghĩ Trung thu chỉ dành cho con nít, hổng cần biết Trung thu là gì. Đàn ông thì đi nhậu, đàn bà ở nhà ngồi tám, chỉ trỏ mấy đoàn lân đi qua, thấy đoàn nào sắp tới đầu đường lo khép cửa lại, sợ lân vô nhà ồn ào, tốn tiền.
Chưa hết, con nít thời nay có cái lồng đèn điện tử, lắp pin vô là tò tí te sáng quắc. Phụ huynh cởi xe chạy vòng vòng cho tụi nhỏ coi múa lân, xong cái rồi tối Rằm vô phường vô xã phát bì bánh đem về đóng cửa ăn một mình.
Trung thu gì kỳ cục vậy.
Bởi người ta nói Trung thu ngày càng chán, ở đây không bàn có chán hay không, nhưng cách con người ta biến trung thu ngày càng “công nghiệp” khiến cho những người tóc đã hoa râm cũng thấy bùi ngũi, tiên tiếc cái gì đó thuộc về tuổi thơ, về ngày xưa đang dần bị mất.
Văn hóa trung thu đẹp ngời ngời vậy mà càng ngày cũng chẳng ai để ý tới. Rồi mấy năm nữa thôi, con nít nó cũng chán, mấy điệu múa lân cũ mèm chắc cũng bỏ luôn hổng ai coi, rồi cũng có ngày không ai thèm đón tủng thu. Thế hệ sau nó nghe kiểu rước đèn hay múa lân, hay hát trống quân như là truyện cổ tích.
Thấy buồn.
Trung thu, phải làm một cái gì đó thể hiện được cái tình đoàn viên, không khí gia đình hay truyền thống tốt đẹp của người Việt. Thấy trên mấy cái phim điện ảnh dựng lại bối cảnh xưa hay mấy thước phim quảng cáo, Trung thu ngày xưa đẹp quá chừng.
Bởi vậy, là người sinh sau đẻ muộn, cũng chưa từng nếm cái mùi trung thu xưa như nào. Nhưng với cái mong muốn cho thế hệ sau mường tượng ra hội trăng rằm của ông bà mình ngày xưa ra sao. Cũng là để mấy ông bà già trầu, những người bắt đầu bước qua cái tuổi hay nhớ chuyện cũ, có cơ hội mường tượng lại cái trung thu của những ngày xưa cũ. Tôi mạn phép tổ chức Lễ hội tủng thu ngay tại chùa mình, dựng lại toàn bộ hình ảnh của mấy chục năm về trước.
Mấy nơi tổ chức phát bánh cho các trường học, trại trẻ mồ côi hay con nít… tôi thấy đó chỉ là hình thức, trung thu mà cầm bì bánh về nhà đóng cửa ăn một mình sao gọi là trung thu? Năm nay chùa tôi, treo hết bánh kẹo lên như dàn mướp, đứng xung quanh hát hò múa nhảy với đặc sản cồng chiêng Tây nguyên, xong nhào vô cùng nhau phá cỗ. Vui rứa, mắc chi không làm.
Lễ hội rước đèn, quây quần phá cỗ, đặc biệt là buổi “Ẩm trà thưởng nguyệt” mang đậm ý nghĩa của cái Tết trông trăng. Cùng nhau quây quần, uống chén trà, ăn miếng bánh bên bếp lửa ngắm trăng làm thơ, hàn huyên chuyện cũ. Nghe thôi là thấy hừng hực mùi cũ rích rồi. Ai không tin cứ lên chùa tui thử, dự lễ hội trung thu về là hết muốn lớn luôn, muốn làm con nít miết.
Thiệt.
Dù sao mùa trăng tròn trung tuần tháng tám cũng mém tới. Tôi chúc tất cả quý vị, gia đình sung túc, những đứa con đi xa được trở về, những em nhỏ có một mùa trung thu hoành tráng và đúng nghĩa.
Mộc Trầm