Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, TT Thích Thọ Lạc: Dành tâm sức cho các việc trọng điểm Phật sự Văn hóa
Trong buổi sáng ngày 24.12.2019, sau lễ khai mạc trọng thể “Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn Chương trình Phật giáo” dành cho Chư tôn đức Tăng Ni thuộc lĩnh vực văn hóa Phật giáo cả nước; Sau lễ khai mạc “Triển lãm pháp phục Phật giáo”, TT Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban Văn hóa TƯ GHPGVN đã dành một khoảng thời gian khiêm nhường, tâm đắc để triển khai sâu rộng “Chương trình trọng điểm Phật sự của Ban Văn hóa Trung ương” – Mặc dù, những công việc Phật sự trọng điểm này đã được triển khai từ nhiều năm qua (Ban VHTW đã thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa VII của GHPGVN), nay đã có những phần việc bước đầu có kết quả; Nhưng điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên có sự hội đủ Chư tôn đức Tăng Ni của các Ban VHPG cả nước, có sự tham gia của đại diện TW GHPGVN, Ban VHTW, đại diện một số Ban, ngành Nhà nước, của Ban Trị sự Phật giáo Tp HCM và cư sĩ, phật tử địa phương tham dự.
TT Trưởng Ban VHTW trình bày các phần việc trọng điểm mà Hội đồng Trị sự GHPGVN đã chấp thuận giao Ban VHTW thực hiện trong những năm qua, nhằm xây dựng một cơ sở nền móng vững chắc trong hoạt động Phật giáo thống nhất, đa dạng, có bản sắc dân tộc, có chiều sâu, nâng cao chất lượng hoạt động Văn hóa Phật giáo không chỉ dành riêng cho Chư tôn đức tăng ni, các tu sĩ, mà còn là việc hướng dẫn cư sĩ phật tử trong tu học, tham gia các hoạt động văn hóa Phật giáo theo chiều hướng phát triển tích cực, chuyên sâu và hiệu quả.
Trong 4 Đề án lớn đã được duyệt, các Chương trình trọng điểm đã triển khai, ví như về Đề án Ngôn ngữ: với mục đích trong sáng, chuẩn mực, thuần Việt, thì việc hoàn thành biên soạn Kinh Chuyển Pháp luân đầy đủ yếu tố trung đạo phục vụ đại chúng là một thành công lớn; Việc tổ chức “Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo” thời điểm này là sự tiếp nối các phần việc trong Đề án Ngôn ngữ đó. Thường trực Ban VHTW sẽ cùng các Ban VHPG cả nước từng bước xây dựng, phát triển để có một tiền đề hoạt động văn hóa phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt.
Đề án lớn thứ hai là việc nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực y phục, pháp phục của Tu sĩ và cư sĩ đảm bảo tính dân tộc truyền thống, trang nghiêm và tiện dụng, đã được HĐTS GHPGVN chuẩn y bước khởi sự ban đầu là một thành công đáng kể. Để tìm được bản sắc của dân tộc, tìm một trang phục mang sắc thái Việt Nam, quý vị thành viên, Chư tôn đức Tăng Ni, các Viện Nghiên cứu về y phục, trang phục, các Công ty, các nhà may đã dành nhiều tâm huyết, công sức lựa mẫu, chọn màu sắc, chọn kiểu dáng v.v… để có được ý kiến thống nhất cho cả chương trình. Trong những tháng cuối năm 2019 , Thường trực Ban VHGHPGVN đã 3 lần tổ chức các cuộc họp bàn với các bên đối tác để tìm cho được những mẫu thiết kế trang phục dành cho nghi lễ Phật giáo trang nghiêm, tôn trọng truyền thống, hài hòa và đẹp. Công việc này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Như con tằm rút ruột nhả tơ, làm đẹp cho cuộc sống thường nhật, Chư tôn đức Tăng Ni và cư sĩ phật tử Ban VHTW đang tập trung tâm huyết, công sức để thực hiện các phần việc lớn đã định, với ước nguyện Đạo pháp phát triển ngày càng sâu rộng, vững bên cùng sự phát triển của đất nước./.
Diệu Thủy