11 câu nói vô duyên mà bạn nên tránh


 

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”. Mọi thứ chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn cũng ngưng dùng những câu nói “siêu kinh khủng” này.

1. Dạo này béo thế

Quan tâm đến người khác là điều tốt. Nhưng dù bạn và đối phương có thân thiết đến mấy thì cũng nên ngưng sử dụng câu nói này ngay lập tức. Nó không chỉ khiến đối phương cảm thấy tồi tệ mà còn biến chính bạn thành một người thiếu tinh tế và bất lịch sự.

2. Tôi không làm được đâu

Khi được giao một việc khó hay việc bạn chưa từng làm, đừng vội phản ứng rằng “Tôi không làm được đâu”. Nó không chỉ là lời tự thú “Tôi không biết làm” mà còn cho thấy bạn là người không có trí tiến thủ. Tại sao chúng ta lại tự giới hạn năng lực của bản thân như vậy?

Thay vào đó, hãy nói “Tôi sẽ cố gắng” với sự hào hứng và quyết tâm. Đừng sợ hãi và giấu dốt. Hãy mạnh dạn nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh nếu bạn cần nó để hoàn thành công việc.

3. Thế nào cũng được

Một câu nói siêu ngắn nhưng đủ sức dập tắt mọi sự hào hứng, ngay cả khi nó được nói ra một cách bình thường nhất. Nó không chỉ cho thấy sự thờ ơ của bạn mà còn tố cáo rằng bạn không có ý tưởng gì cả. Dù ý kiến của bạn có giống ai đó vừa phát biểu, bạn vẫn có thể đóng góp và bổ sung thêm. Nếu bạn có ý kiến đối lập, hãy chia sẻ nó một cách lịch sự để mọi người cùng thảo luận.

4. Không phải lỗi tại tôi

Ngay cả khi vấn đề thực sự không phải lỗi của mình thì chúng ta cũng không nên nói câu này. Nó giống như một lời tuyên bố “tôi không thể sai” và chỉ khiến cho không khí căng thẳng hơn. Đừng bỏ mặc, cũng đừng đổ lỗi. Thay vào đó, hãy cùng mọi người phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp cho vấn đề.

5. Đó không phải việc của tôi

Đừng khiến người khác nghĩ rằng bạn có vẻ là người vô trách nhiệm dù cho đó thực sự không phải việc của bạn. Không một ai có thể tự tin khẳng định: Tôi không bao giờ cần sự giúp đỡ của bất cứ ai. Do đó, nếu có thể hãy giúp đỡ người khác một cách vui vẻ. Nếu không thể giúp đỡ hoặc không nên hỗ trợ những trường hợp nào đó, hãy nói một cách khéo léo và lịch sự.

6. Tôi hỏi “ngu” một tí nhé

Không có gì đáng xấu hổ khi đặt câu hỏi nên bạn đừng tự gắn cho mình cái mắc “hỏi ngu” ngay cả khi chưa bắt đầu. Cũng như việc chia sẻ đề xuất hoặc ý tưởng. Đừng khiến bản thân trở nên kém cỏi, ngu ngốc bằng cách bằng đầu với “Điều này có thể ngớ ngẩn nhưng…”

7. Tôi không có ý gì đâu nhưng mà….

Câu nói kinh điển mà rất nhiều người hay thêm vào khi đưa ra lời nhận xét hay một ý kiến nào đó. Nếu thật sự không có ý gì thì bạn chỉ cần nói vế sau là đủ. Đừng khiến đối phương có cảm giác tiêu cực ngay cả khi họ chưa biết vấn đề bạn định nói là gì.

8. Tôi đã bảo mà

Trên thực tế, câu nói này đã làm rất nhiều người phát điên lên. Nó giống như việc “đổ thêm dầu vào lửa”. Do đó, đừng bao giờ sử dụng câu này thêm một lần nào nữa. Hãy hiểu rằng ai trong chúng ta cũng muốn làm tốt, chẳng ai muốn mắc lỗi hay làm sai điều gì đó cả. Hãy nhớ lại khi còn bé, bạn từng không cẩn thận làm vỡ cái gì đó. Bạn có thấy âm thanh “Mẹ đã bảo mà” vang lên không?

9. Như tôi đã nói rồi đấy…

Lặp lại những gì mình đã nói có thể khiến bạn cảm thấy bực mình, nhưng chúng ta thực sự không thể mong chờ người khác nhớ mọi điều chúng ta đã nói với họ. Hơn nữa, khi mọi người không nhớ những gì bạn đã nói, thậm chí là nói nhiều lần, bạn sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Do vây, hãy thử truyền tải điều đó theo những cách khác nhau để mọi người hiểu sự quan trọng của vấn đề bạn đang nói.

10. Tùy bạn

Khi bạn hỏi ý kiến ai đó và nhận được câu trả lời: “Tùy bạn”. Cảm giác lúc đó sẽ rất hụt hẫng và thậm chí không biết phải nói tiếp điều gì. Bạn cảm thấy đối phương không quan tâm đến vấn đề của bạn hoặc họ không muốn bị làm phiền. Có lẽ, bạn sẽ không tìm kiếm lời khuyên của họ thêm một lần nào nữa.

Hãy nghiêm túc lắng nghe và chia sẻ ý kiến. Nếu chúng ta cảm thấy đối phương có thể đưa ra được quyết định sáng suốt nhất, hãy chia sẻ điều đó với họ để họ cảm thấy tự tin hơn về bản thân.

11. Tôi thông minh lắm đấy

Tự nhận mình thông minh và khoe khoang nó chắc chắn không giúp bạn ghi điểm với bất kì ai. Nếu một người thực sự thông minh, hành động của họ sẽ thể hiện điều đó rõ nét nhất. Dùng lời nói cố thuyết phục người khác để họ phải công nhận bạn thông minh chỉ cho thấy bạn luôn sợ hãi và không tự tin về bản thân mình. Trong trường hợp này, hành động sẽ là vũ khí lợi hại hơn lời nói.

(vn.pngd)