Ăn chay theo kiểu người Nhật
Được lưu truyền và phát triển cùng với sự hưng thịnh của Phật giáo ở khu vực Đông Á, ăn chay ngày nay càng phổ biến vì tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và là phương pháp tu thiền ngay tại nhà
Chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc, “Shojin ryori” là tên gọi của món ăn chay trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Về mặt nguồn gốc, như món ăn chay ở nhiều nước khác trong khu vực, thực phẩm chay trong văn hóa Nhật Bản là cách nấu nướng và ăn uống gắn với các tu viện, chùa chiền.
Ở Nhật Bản, chùa là nơi linh thiêng, là nơi luôn mở cửa để công chúng và khách tham quan được tham quan và nếm thử các món ăn chay trong không khí chay tịnh, trong sạch.
Bên cạnh đó, các nhà hàng thương mại cũng phục vụ đồ ăn chay để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Shojin ryori được đưa vào Nhật Bản qua con đường giao lưu văn hóa với Trung Quốc. Dần dà, ảnh hưởng từ văn hóa và phong cách ẩm thực bản địa đã tạo nên những món ăn chay theo đúng tinh thần của xứ sở Phù Tang.
Khác với Trung Quốc, đồ ăn chay Nhật Bản phát triển dựa trên các loại rau, đậu nành, hạt xuất hiện theo mùa và được chế biến theo kỹ năng và phương pháp tinh tế của người Nhật.
Về cơ bản, Shojin ryori cấm ăn thịt và chỉ sử dụng hầu hết là các loại rau quả, ngũ cốc, các loại đậu làm nguyên liệu.
Người Nhật vốn coi trọng lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Và ăn chay theo kiểu Shojin ryori là một trong những biểu hiện cụ thể của lối sống này. Trong đó, tempura là kiểu chế biến rau củ phổ biến nhất và được người Nhật lẫn người dân toàn thế giới yêu thích.
Mùa nào thức ấy, chỉ cần sơ chế rau củ, nhúng qua bột rồi đem chiên giòn là đã có ngay món tempura đẹp mắt, có chất xơ nhưng vẫn ngon miệng, thích hợp với mọi lứa tuổi. Rau củ của người Nhật vốn nổi tiếng toàn thế giới nhờ độ tươi ngon và sạch sẽ.
Qua cách chế biến đặc trưng của shojin ryori, các món rau lại càng ngon và bổ hơn nữa. Vì vậy, đồ ăn chay trở thành một trong những món ăn không thể bỏ qua khi đến Nhật.
Nguồn ichibasushi