Ani Drolma - Ni cô kiêm siêu sao nhạc rock


Tu hành nơi cửa phật, các sư nữ vốn có cuộc sống kín đáo và sống khép kín. Nhưng tại Nepal, bên cạnh vai trò của một biểu tượng tôn giáo, ni cô Drolma lại là một ngôi sao nhạc rock vô cùng nổi tiếng.

Và gần nhất, trung tuần tháng 10, nhà sư nữ Ani Choying Drolma (45 tuổi), Đại sứ Thiện chí của UNICEF, đã có phần trình diễn trong một đêm nhạc tại Mumbai, Ấn Độ.

Ni cô không có nghĩa là e ấp và đói nghèo

Đến nay, nữ ca sĩ trong bộ áo cà sa màu vàng này đã chinh phục được trái tim của nhiều người ở Nepal và hải ngoại, với những màn biểu diễn và 12 album xoay quanh những chủ đề về hòa bình

 “Nhiều người nghĩ một ni cô Phật giáo thì không được xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, mà phải e dè nhút nhát và sống tách biệt trong chùa"– Drolma giãi bày. “Tôi hoàn toàn chống lại những thiên kiến bảo thủ như vậy”.

Ít ra, những người hâm mộ Drolma cũng nghĩ vậy. Họ chào đón cô trong những lần biểu diễn bằng những tràng vỗ tay như sấm rền, rồi chìm trong im lặng khi cô nhắm mắt và hát.

Sư cô Ani Drolma luôn nở nụ cười trên môi

“Mỗi lần cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống vì một điều gì đó, tôi chỉ nghe nhạc của Drolma và thấy lòng mình lắng lại. Drolma là nữ thần âm nhạc của tôi” –  một người hâm mộ có tên là Sunil Tuladhar chia sẻ.

Nhưng, để tạo dựng được một sự nghiệp thành công như vậy, Drolma đã gặp không ít khó khăn. Cô đã hứng chịu nhiều chỉ trích ,bởi hướng đi khác với  con đường mà những người bảo thủ tại Nepal cho là cần có với một người tu hành.

So với cuộc sống của hầu hết người dân ở đất nước Nepal, Drolma đang hưởng một cuộc sống xa xỉ của một ngôi sao nhạc rock. Cô có ô tô siêu sang và nhà ở khu cao cấp thuộc thủ đô Kathmandu.

Có lần, tại Chùa Khỉ nổi tiếng (tháp Swayambhu), nhà sư Phật giáo Surya Shakya hỏi, làm sao cô có thể dung hòa được cuộc sống đơn giản của một nhà tu khổ hạnh với danh tiếng và sự sung túc mà cô tích lũy được trong hơn 2 thập kỷ theo đuổi âm nhạc.

Và Drolma thẳng thắn: “Thật bảo thủ và sai lầm khi nghĩ rằng một ni cô phải sống trong nghèo khổ và phải mặc đồ rách. Tôi đã kiếm được nhiều tiền từ các chương trình hòa nhạc và album. Nhờ vậy, tôi có một cuộc sống thoải mái”.

Tuy nổi danh, vẻ ngoài của Drolma vẫn là một nữ tu Phật giáo Nepal điển hình, với mái đầu cạo trọc và nụ cười luôn nở trên môi. Drolma đã trình diễn ở nhiều nước trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ani Drolma trên sân khấu trình diễn

Xuất gia để trốn... nạn tảo hôn

Drolma kể, năm cô 13 tuổi mẹ cho cô vào thiền viện Nagi Gompa để trốn khỏi người cha bạo hành và để trốn khỏi tục tảo hôn ở Nepal thời điểm đó. “Tôi có ấn tượng rằng kết hôn là điều tồi tệ nhất phải làm trong đời” – Drolma bày tỏ.

Tại thiền viện Nagi Gompa, thuộc phía Bắc Kathmandu, Drolma học niệm kinh Phật. Tuy nhiên, cô nổi bật hơn hẳn và giành được sự ngưỡng mộ của các nữ tu khác khi tụng kinh với giọng rất du dương, êm ái.

Năm 1994, nhạc sĩ Mỹ Steve Tibbetts đã tới thăm thiền viện và ấn tượng với giọng ca của cô. Ông đã thu âm giọng ca của Drolma và sau đó trở lại thiền viện khi nhiều công ty thu âm ở Mỹ quan tâm tới bản thu âm đó. Năm 1997, album đầu tay của Drolma, mang tựa đề Cho, được tung ra thị trường.

Tiền bản quyền album và thù lao nhận được từ các màn diễn khi ấy đã khiến Drolma choáng ngợp, trong bối cảnh có tới 1/4 trong số 28 triệu người dân Nepal phải sống trong đói nghèo, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ nông nghiệp và nguồn viện trợ của người nhà từ nước ngoài.

“Tôi nhận ra rằng số tiền ấy có thể hiện thực hóa ước mơ của mình: mở một trường học dành cho các bé gái”– Drolma chia sẻ.

Drolma thành lập ngôi trường Arya Tara trên một sườn núi ở phía Nam Kathmandu. Ngôi trường này giảng kinh Phật, dạy toán, khoa học và kỹ năng sử dụng máy tính cho khoảng 80 bé gái ở độ tuổi 5 -18.

Các học sinh nữ trong trường, cũng mặc áo cà sa màu vàng, cười rất tươi khi nói đến Drolma. “Drolma còn hơn cả mẹ em. Mẹ sinh ra em, nhưng cô Drolma nuôi dưỡng em và cho em học” - Dolma Lhamu, cô học trò 17 tuổi, ca ngợi người bảo trợ mình.

Drolma còn giành được sự ngưỡng mộ và kính trọng như vậy tại bệnh viện thận mà cô điều hành ở Kathmandu, nơi hàng trăm bệnh nhân được chạy thận miễn phí 2 lần/tuần. Theo lời cô, chính ngôi trường và bệnh viện thận là nguồn cảm hứng để ni cô này tiếp tục ca hát và nhận được nhiều lời mời trình diễn từ khắp thế giới.

Trước những chỉ trích về cách sống chu du khắp toàn cầu và nguồn thu nhập cao của mình, Drolma thẳng thắn nói: “Mọi người nên có quan điểm khác đi. Tôi đang cố gắng hết sức để cải thiện được thái độ của mình với cuộc sống, với con người và thế giới, đồng thời tìm cách sống sao cho có ích nhất. Hôm nay tôi có thể nổi tiếng, nhưng ngày mai mọi người sẽ không biết tôi, đó là sự thật".

***

Nhà soạn nhạc nổi tiếng, Nhyoo Bajracharya, người từng hợp tác với Drolma, mô tả âm nhạc của cô là sự hòa trộn giữa các phong cách truyền thống Tây Tạng và Nepal: “Đó là những ca khúc tôn giáo, mang giai điệu slow rock hòa trộn với âm hưởng blues và jazz”. 

_Việt Lâm (tổng hợp) Thể thao & Văn hóa_