Bài học từ cậu bé tật nguyền
Như tất cả các người mẹ, tôi hằng mơ ước George sẽ trưởng thành như thế nào. Có thể là một kỹ sư. Một người chơi trượt tuyết, chắc chắn như thế rồi. Thằng bé quá thông minh đến nỗi đã được nhận vào học trường dành cho những đứa trẻ thiên tài. Một ngày nọ, sau khi tôi kể một trong “những câu chuyện của các bà mẹ” cho một người bạn, cô ta bảo tôi: “Thật là tốt khi George là một đứa bé hoàn hảo. Thế thì bạn có còn yêu thằng bé cũng như thế nếu như nó không được như vậy?” Sau khi tôi trả lời những gì mình suy nghĩ, tôi quên đi – mãi cho đến một năm sau.
Vào một ngày khi George được 8 tuổi, thằng bé thức dậy với bàn chân chỉa thẳng lên, thằng bé chỉ có thể đi bằng gót chân. Chúng tôi bắt đầu đi gặp các bác sĩ để kiểm tra trong khi thằng bé một chân thì cong lên còn chân kia thì quặn xuống. Sau nhiều lần được chẩn đoán, chúng tôi biết rằng nó bị bệnh Rối Loạn Trương Lực Cơ (Dystonia), một căn bệnh tương tự như bệnh liệt não. Thằng bé nếu sống được, nó sẽ mất khả năng đi lại, nếu không thì cũng mất kiểm soát hầu hết các cơ bắp qua việc bị đau chuột rút không tự chủ được.
Lòng tôi tràn đầy chán ghét: vào Thượng Đế, vì Người hiển nhiên đã có lỗi khi ban cho tôi một đứa con tật nguyền; vào chính tôi vì lý do di truyền nào đó gây nên cho con tôi bị như vậy; vào George vì bị cong quẹo như thế.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi chúng tôi đi ra đường cùng nhau. Mọi người nhìn chằm chằm vào chúng tôi hoặc liếc nhanh rồi quay đi hoặc đưa nhanh ánh mắt nhìn thương hại. Thỉnh thoảng tôi cũng không dám nhìn thằng bé bởi vì nó trông quá xấu xí và biến dạng. Tôi còn la mắng thằng bé bảo đi cho thẳng để tôi đừng thấy nó bị cong quẹo như thế nào. Thằng bé luôn cười và bảo: “Mẹ ơi, con sẽ cố gắng.”
Thằng bé không còn đẹp trai đối với tôi nữa, thay vào đó tôi lại để ý vào đôi chân , cánh tay, lưng và những ngón tay cong quẹo của nó. Tôi không còn yêu thương nó nữa bởi vì tôi sợ tôi có thể sẽ mất thằng bé. Tôi không còn mơ tưởng đến thằng bé lớn lên sẽ như thế nào, tôi lo lắng nó sẽ không còn sống đến lúc trưởng thành. Một ý tưởng thường xảy ra trong đầu là tôi sẽ không thể nhảy với con trai tôi trong ngày đám cưới của thằng bé.
Một ngày nọ tim tôi tan nát khi nhìn George cố lê đôi bàn chân cong quẹo để trên ván trượt tuyết yêu thích của mình. Tôi lấy nó cất đi vào trong tủ, tôi bảo thằng bé: “Để sau này đi con”.
Mỗi đêm khi chúng tôi ngồi đọc truyện trên giường trước khi đi ngủ, George luôn hỏi tôi cùng một câu: “Nếu chúng ta tha thiết cầu nguyện, Mẹ có nghĩ có một ngày khi con thức dậy, con có thể đi được không Mẹ?”
“Không đâu con, nhưng bất luận như thế nào Mẹ nghĩ chúng ta cũng nên cầu nguyện con à.”
“Nhưng Mẹ ơi, mấy đứa trẻ cứ gọi con là ‘đồ tàn tật’ và chúng không chơi với con nữa. Con không có bạn. Con ghét chúng lắm. Con ghét cả chính mình.”
Chúng tôi đã thử mọi loại thuốc, chế độ ăn uống và gặp tất cả các bác sĩ nếu có thể. Tôi đã đến Bộ Nghiên Cứu Bệnh Rối Loạn Trương Lực và tìm thấy Hội Bệnh Rối Loạn Trương Lực ở Anh. Cuộc sống của tôi đã được định hướng để giúp đỡ tìm kiếm cách chữa trị cho căn bệnh này. Tôi muốn con trai tôi được trở lại bình thường.
Sự an ủi của George với căn bệnh của mình từ từ đã dạy cho tôi tha thứ, nhưng sự sợ hãi đã làm cho tôi gần như tê dại. Một ngày nọ, một người bạn đã lôi kéo tôi vào nhóm thiền. Sau khi thực hành mỗi ngày, tôi bắt đầu nhận ra cảm giác thật bình an. Mãi cho tới lúc đó, tôi chỉ có cảm giác như thế khi cuộc sống dễ chịu; hiện tại, tình thương dường như lớn hơn tất cả những gì mà tôi có thể cảm nhận. Tôi nhận ra George là thầy của tôi; tình thương chính là bài học.
Tôi biết rằng George đã và luôn luôn sẽ là George – hơi bị cong quẹo, hơi bị khác thường đối với các trẻ khác – nhưng vẫn là con trai tôi. Tôi không còn cảm thấy xấu hổ với thân hình không được thẳng thớm. Tôi chấp nhận rằng nó sẽ không thể khôn lớn và có cùng triển vọng như những người khác. Nhưng thằng bé sẽ lớn lên kiên nhẫn nhiều hơn, nhiều hoài bão, nhiều can đảm hơn bất cứ người nào mà tôi biết.
Dần dần, thuốc men giúp ổn định bệnh của George và đôi bàn tay và miệng có thể hoạt động bình thường. Đôi chân chưa thể tự đi được và vẫn cần cặp nạng trợ giúp đi lại. Nhưng thằng bé vẫn không bao giờ ngừng trượt tuyết. Thằng bé sử dụng cây trượt tuyết như là cặp nạng của mình, nó tăng tốc trượt xuống những ngọn núi với một nổ lực không ngừng nghỉ và đã được nhận vào Đội Tuyển Trượt Tuyết Olympic Mỹ dành cho trẻ khuyết tật không đi được nhưng chắc chắn là có thể trượt tuyết được.
Khi George mười tám tuổi, thằng bé đã có thể duỗi thẳng một chân. Nó giục bỏ một cây nạn. Tháng kế đó, nó bỏ cây còn lại.. Dáng đi của thằng bé còn khập khiểng nhưng nó tự đi mà không cần giúp đỡ. Con trai sau đó đến thăm tôi. Tôi đứng ở cửa và nhìn người thanh niên cao lớn đẹp trai bước về phía tôi.
“Thưa Mẹ, Mẹ có muốn nhảy không?”
Vào dịp họp mặt trường trung học gần đây, tôi lắng nghe mọi người chúc mừng sự thành công của con cái của mình.
“Con trai tôi là một nhạc sĩ.”
“Con gái tôi là một bác sĩ.”
Cuối cùng, khi đến lượt tôi, tôi là người mẹ hãnh diện nhất:
“Con trai tôi đi được. Và con trai tôi thật hoàn hảo.”
...........
“A Perfect Son”, Sharon Drew Morgan, Chicken Soup for the Woman’s Soul, 1996, Jack Canfield, Mark Victor Hansen, Jennifer Read Hawthorne and Marci Shimoff, Health Communications, Florida, USA.