Bí quyết xây dựng gia đình Phật tử hạnh phúc



Phần đông quần chúng lâu nay có quan niệm sai lầm khi nói đến Phật giáo là nào cúng chùa, cất chùa, trai nguyện, công quả… nào là các sư thầy thuyết pháp với mớ giáo lý suông khô khan, thiếu thực tế. Hơn thế còn cho việc truyền bá Phật giáo là trách nhiệm của Tăng, Ni và đối với họ thì “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Suy nghĩ đó vô hình chung làm cho giáo lý vốn dĩ rất gần gũi, chân thực với đời thường của nhà Phật bỗng trở nên xa rời thực tế và khô khan đối với quảng đại quần chúng.

Vì thế, là người Phật tử chân chính, chúng ta phải lấy gia đình mình làm cứ điểm lợi ích thiết thực của Phật giáo để trả lời mọi nghi ngờ của quần chúng; đồng thời chung tay truyền bá, làm cho đạo Phật ngày càng phát triển, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Như vậy, vai trò của gia đình Phật tử là rất quan trọng. Để quần chúng thấy cái hay, cái đẹp của Phật giáo và tin tưởng làm theo, Phật tử tại gia trước hết phải lấy giáo lý đã được cá nhân mình trải nghiệm, tu tập và quan trọng nhất, hiệu quả nhất là phải lấy cuộc sống an lạc, đầm ấm của gia đình mình làm phản ảnh trung thành của Phật giáo.

Điều này được biểu hiện cụ thể là nề nếp, lối sống của cả gia đình; là cách ứng xử trong giao tiếp của các thành viên trong gia đình với người ngoài, giữa con cái với cha mẹ, giữa cha mẹ với con cái, giữa cháu chắt với ông bà, giữa anh chị em với nhau… xoay quanh trục “đạo đức” gia đình truyền thống. Đó chính là phương pháp hữu hiệu nhất để các Phật tử tu tập và truyền bá Phật giáo đến đông đảo quần chúng. Để làm được điều đó, gia đình Phật tử cần thực hiện 2 điều sau:

Thứ nhất, là Quy y – Thọ giới

Việc làm cần thiết đầu tiên trong quá trình tu tập là Quy y và Thọ giới. Quy y là đặt cho mình một lý tưởng, vạch một lối đi; Phật chính là mục tiêu cao cả để ta nhắm. Pháp là đường lối tiến đến mục tiêu ấy, Tăng là người hướng dẫn ta đi đúng đường lối tiến lên mục tiêu đã nhắm. Cho nên Quy y là định hướng đúng đắn của người Phật tử. Năm giới cấm là:

1 Không sát sinh,

2 Không trộm cắp,

3 Không tà dâm,

4 Không nói dối,

5 Không uống rượu.

Các thành viên trong gia đình giữ trọn năm giới là đã xây dựng thành công một gia đình Phật tử chân chính, hướng thiện.

Ngày nay, chúng ta thấy không ít thảm kịch bi đát, chồng giết vợ vì ghen tuông hoặc vì vợ chồng xảy ra cãi vã lúc người chồng đã bị “ma men” điều khiển; hoặc người chồng có “máu đỏ đen”, dối gạt vợ bán hết tài sản để đổ vào một canh bạc dẫn đến cảnh tượng vợ chồng “tương tàn” thê lương; lại cũng không ít bi kịch anh em trong gia đình thuê mướn giang hồ thanh toán nhau cũng chỉ vì tranh giành tài sản của cha mẹ… Giả sử một xã hội được cấu thành hoàn toàn là các gia đình Phật tử với truyền thống đạo đức tốt đẹp, luôn có ý thức bảo vệ sinh mạng nhau, sẵn sàng tôn trọng tài sản của nhau, biết giữ gìn cang thường đạo lý, sống chân thành tự trọng và lúc nào cũng sáng suốt khôn ngoan thì xã hội sẽ thanh tịnh, bình an biết bao!

Thứ hai, thực hành 5 hạnh của nhà Phật

Trong cuộc sống thường ngày, cho dù là vợ với chồng, bố mẹ với con cái, anh chị em ruột thịt với nhau cũng khó tránh khỏi xích mích, đụng chạm. Tuy nguyên do của các mâu thuẫn này có thể bắt nguồn từ những thứ rất nhỏ nhặt nhưng kết quả là nó phủ lên gia đình bầu không khí u ám, nặng nề, thậm chí là xô xát lẫn nhau.

Để tránh được điều này, gia đình Phật tử ngoài Quy y – Thọ giới, cần phải học và thực hành năm hạnh căn bản của nhà Phật vào đời sống thực tế, cụ thể là: Từ Bi, Nhẫn Nhục, Hỷ Xả, Tinh Tấn, Trí Tuệ để hóa giải mọi mâu thuẫn gia đình, lấy lại bầu không khí vui tươi, ấm áp và làm gương sáng cho các gia đình quần chúng học tập.

1. Từ bi:

Từ bi là tự tâm ta phát lòng thương chân thật; tình thương này được thể hiện trong hành động, lời nói chia vui sớt khổ cho nhau như cha ông ta đã dạy: “anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”.

Đối với Phật tử tại gia, đối tượng thực hiện lòng thương này là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, sau cùng là thân thuộc hàng xóm láng giềng và bạn bè.

Trong gia đình, mỗi Phật tử cần đem lại cảm giác an vui, phấn khởi cho các thành viên còn lại.
Nếu cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cái có điều gì không vui thì bản thân trước hết phải cảm thông, sau đó tìm cách chia sẻ cho nỗi buồn đó vơi đi.

Khi làm được điều ấy thì nỗi buồn được sẻ nửa mà niềm vui thì nhân đôi; nếu không tinh ý quan sát và để tâm đến nhau thì các thành viên sẽ dần có khoảng cách, xa lạ và không hiểu nhau, mà không hiểu nhau thì sao có thương.

Tình thương chân thành là sợi dây gắn kết mọi người trong gia đình thành một khối, thiếu nó gia đình có thể rời rạc đến tan rã. Tình yêu thương suy rộng ra là tình cảm chia sẻ vui buồn với thân thuộc, hàng xóm, bạn bè.

Người Phật tử nên coi hoạn nạn, đau buồn của người thân thuộc như đau buồn của chính mình để cùng cố gắng tìm cách giải quyết. Chỉ có chiếc gàu tình thương chân thật mới tát vơi được dòng sông đau khổ.

2. Nhẫn nhục

Bất cứ gia đình nào dù là thành phần trí thức cho đến gia đình thuần nông, lao động tay chân thì sự mâu thuẫn, va chạm giữa các thành viên không thể không có. Điều quan trọng là các thành viên có nhường nhịn lẫn nhau để xây dựng bầu không khí vui tươi hay không. Theo tâm lý thông thường, nhường nhịn người ngoài dễ hơn nhường nhịn người trong nhà. Bởi vì người ngoài coi nhau như là khách, nhịn một chút cho qua, ít khi gặp lại nhau, người trong nhà ra vào là gặp nhau nên có gì bực tức khó nhịn được.

Như vậy, nhẫn nhục ngay trong gia đình thì khó hơn với người ngoài. Do vậy, các Phật tử cần phải tu tập để thực hành hạnh nhẫn nhục cho khéo léo và đúng đắn. Cuộc sống gia đình có êm ấm, hòa thuận hay không là ở đức tính nhẫn nhục này.

Nhất là đối với cha mẹ, dù có lúc cha mẹ la mắng ta có phần quá đáng, người Phật tử làm con vẫn phải nhẫn nhịn cam chịu; đợi khi cha mẹ nguôi cơn giận, ta mới thưa lại đầu đuôi câu chuyện để cha mẹ hiểu.

Với anh em, ta cũng nhẫn nhịn nhau những khi có chuyện không vừa ý, tránh nóng giận mà mất khôn như người xưa đã dạy: “khôn khoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Trong cuộc sống vợ chồng lại càng cần phải nhường nhịn nhau, khi chồng giận vợ nhường, khi vợ tức chồng nhịn, đợi qua cơn giận sẽ nhã nhặn khuyên bảo nhau như lời dạy rất đời thường mà thâm thúy, sâu sắc trong ca dao xưa: “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.

3. Hỷ xả

Nếu nhẫn nhịn mà ôm ấp buồn phiền trong lòng thì chẳng giải quyết được gì. Nếu chúng ta không hỷ xả mà để nỗi bức xúc, ấm ức cứ tích tụ dần lên sẽ dẫn đến “bùng nổ” và lúc đó hậu quả khó lường.

Cho nên trong cuộc sống gia đình, đã nhường nhịn nhau rồi, cần phải vui vẻ tha thứ cho nhau và không bao giờ nhắc đến lỗi lầm ấy nữa.

Trong cuộc sống gia đình, tinh thần hỷ xả có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có niềm hạnh phúc nào bằng cảm giác ta lỡ phạm sai lầm mà được người thân bao dung, tha thứ. Vì vậy, dưới một mái nhà, cha mẹ luôn phải có thái độ bao dung, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con để mọi người luôn vui vẻ; anh em rộng lượng dung thứ cho nhau để thêm đoàn kết; vợ chồng vui vẻ tha thứ cho nhau để giữ trọn tình cảm thủy chung. Bầu không khí hòa nhã vui vẻ sẽ có nơi những gia đình mà các thành viên đều biết nhẫn nhục, hỷ xả cho nhau.

4. Tinh tấn

Tinh tấn là luôn chuyên tâm nhất trí, cố gắng không ngừng để tiến tới một mục đích toàn thiện, tốt đẹp, sáng sủa, an vui.

Ví dụ:

Chàng trai si tình, chuyên tâm trì chí làm những việc kinh thiên động địa để được lòng người yêu, như thế không phải là tinh tấn;

Người ham mê cờ bạc, ngồi liền mấy ngày đêm cũng không được gọi là tinh tấn.

Tinh tấn ở đây là sự gắng sức, nỗ lực thực hiện thành công công việc với mục đích tốt đẹp. Người ta nói: “kẻ thù lớn nhất chính là bản thân mình”. Vì vậy, để chuyển hóa được bản thân, ta cần nỗ lực, gắng sức tinh tấn.

Người Phật tử tại gia trước hết phải chuyên cần chuyển hóa tâm niệm, hành động, ngôn ngữ xấu của mình trở thành tốt đẹp. Bản thân chúng ta phải cố gắng để thấy mình hôm nay đã tốt hơn hôm qua. Thói quen xấu có thể ăn sâu trong tâm thức nên không thể sửa đổi được ngay, phải là sự chuyên cần bền bỉ, tinh tấn mới có thể thắng được nó. Giá trị tu tập là ở chỗ cố gắng cải hóa bản thân mình.

Thứ đến, Phật tử chuyên cần làm việc hằng ngày theo khả năng mình để đem lại cơm no áo ấm cho gia đình. Thẳng thắn mà nói “có thực mới vực được đạo”. Hơn nữa, Phật tử tại gia còn cần làm lụng siêng năng, có dư giả để giúp đỡ những người tàn tật, nghèo khổ.

Sau cùng, Phật tử chuyên cần chuyển hóa và điều hòa bầu không khí trong gia đình; làm thế nào để cả nhà đều chung một lý tưởng, đều cư xử thuận hòa, êm ả. Được như thế, người Phật tử đã làm tròn được bổn phận của mình.

5. Trí Tuệ

Trí tuệ không chỉ giúp con người có được cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy mà còn giúp con người thoát khỏi lạc lầm đau khổ. Dù người cố gắng làm mọi việc lành, nếu thiếu trí tuệ để phán đoán chưa hẳn việc làm ấy đã là lành. Nếu thiếu trí tuệ, chúng ta không thể thành một Phật tử chân chánh được. Muốn có trí tuệ, trước tiên phải có chánh kiến và chánh tín. Trong một số gia đình hiện nay, các bà mẹ thường nhẹ dạ, cả tin theo bói toán, sâm quẻ, tướng số… Đó là tà kiến, mê tín, sẽ gây nên hậu quả khôn lường.

Đôi khi tướng số cũng có thể đoán trúng, nhưng đó chỉ là do nhân quả nghiệp báo của chúng ta mà thôi. Trong sách tướng có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh; tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt”: nghĩa là người có tâm tốt mà không có tướng tốt; tướng tốt sẽ tùy tâm tốt phát hiện, người tướng tốt mà tâm không tốt, tướng tốt sẽ theo tâm tiêu diệt.

Để được khai thông trí tuệ, người Phật tử phải học tập Kinh điển Phật giáo; làm trí tuệ trở thành ngọn đuốc luôn có mặt trong chúng ta, như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát.


Diệu Trang