Chấp nhận sự phát triển trong tinh thần Phật giáo


Nguy cơ biến dạng các công trình kiến trúc Phật giáo:

Chấp nhận sự phát triển trong tinh thần Phật giáo

"Nhu cầu sử dụng của con người luôn có sự thay đổi nên những công trình tôn giáo, tín ngưỡng cần bổ sung những yếu tố mới là cần thiết..."

Trong bối cảnh Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu không có sự định hướng trong việc trùng tu và xây mới các công trình kiến trúc Phật giáo sẽ dẫn đến tình trạng lai căng, đánh mất bản sắc.

Bảo tồn, trùng tu, phục dựng hay xây mới các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đều không thể vượt qua tinh thần của hệ phái, tính dân tộc và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

 

chap nhan su phat trien trong tinh than phat giao  hinh 1
Những công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây mới cần phải tính toán nhu cầu sử dụng. 

Từ những am nhỏ cho đến khi trở thành ngôi chùa thì dù có cao mấy, rộng mấy, dù linh thiêng với bao truyền thuyết hay chỉ nép mình dưới gốc đa làng thì chùa ở Việt Nam trước đây thường nhỏ nhắn, kích thước, tỷ lệ hài hòa với con người. Nhưng mấy mươi năm trở lại đây, nhiều ngôi chùa được xây mới, mà khi đứng trên đồi cao nhìn xuống chỉ thấy những lớp tòa ngang dãy dọc.

Không ít những ngôi chùa "nguy nga như cung điện" này hiện diện ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Việc mở rộng không gian kiến trúc để đáp ứng công năng khi chùa không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng mà còn để học hỏi, tu tập là điều tất yếu.

Thế nhưng điều đó không có nghĩa là tạo ra sự dị biệt với quy mô quá lớn mà cần sự phát triển trong hài hòa. Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận cho rằng: trong sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng của con người luôn có sự thay đổi nên những công trình tôn giáo, tín ngưỡng cần bổ sung những yếu tố mới là cần thiết.

"Gian chính điện-ngày xưa ít người thì không gian, khẩu độ của nó bé. Còn bây giờ, thậm chí cả thanh niên hay khách du lịch đều có thể tham quan chùa, thậm chí ngày lễ, tết cũng rất đông. Vậy thì chừng ấy không gian không đủ, phải cải tiến không gian ấy chứ không thể bé tý được. Vậy thì kích thức hình học của nó chắc chắn phải thay đổi chứ không thể nguyên với gian chính điện được", kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận nói.

Kiến trúc sư Vũ Đình Thành, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) chia sẻ, không cần phải có bất cứ khuôn mẫu nào cho các công trình tôn giáo, đặc biệt là chùa chiền, nếu không sẽ dẫn tới sự rập khuôn. Chúng ta chấp nhận sự phát triển như một yếu tố tất yếu với tinh thần phục vụ cho Phật giáo.

"Phật giáo thống nhất trong đa dạng"- tư tưởng ấy cũng phải được thể hiện trên kiến trúc những ngôi chùa, với đặc trưng của từng hệ phái: Bắc tông, Nam tông (gồm của dân tộc Kinh và Khơ me) hay Khất sĩ.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đưa ra những gợi mở để nhận diện được đặc trưng truyền thống kiến trúc Phật giáo thông qua khảo sát thực tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu mới trong sự phát triển Phật giáo: "Tùy theo từng vùng miền với 4 hệ phái chính tương đương 4 sắc thái kiến trúc khác nhau có thể tổ chức các cuộc thi. Ví dụ với 4 hệ phái Bắc Tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khơ Me, Khất sĩ thì mình tổ chức các cuộc thi tại địa bàn, địa phương đó, để mình phổ biến cho mọi người biết một ngôi chùa cụ thể, hệ phái nào ứng với kiến trúc nào. Kèm theo đó mình cũng xây dựng những nguyên tắc thiết kế chùa và dùng nó để tuyên truyền, không loại trừ mình có thể xây dựng hệ thống mô-đun, Tự điển để mọi người có thể áp dụng tùy theo điều kiện".

Cả nước có khoảng 20.000 cơ sở thờ tự của Phật giáo, trong đó hơn 17 nghìn công trình thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và gần 3 nghìn là chùa tư gia. Nhìn vào số lượng chùa và quy mô công trình xây dựng mới hiện nay, liệu người đời sau có thể nói Phật giáo vào cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21 là hưng thịnh hay không? Câu trả lời không chỉ là vấn đề nhận thức mà còn là tri thức của cộng đồng với Phật giáo của ngày hôm nay./.