Chuyện lạ ở chùa Hiệp Minh


 
Chúng tôi rất bất ngờ khi tình cờ phát hiện pho tượng gỗ quý hiếm được đặt rất trang trọng tại khuôn viên chùa Hiệp Minh (tọa lạc tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).

Ông Phan Thông Huân (64 tuổi), Trưởng ban hộ tự chùa kể về sự có mặt của pho tượng: “Đây là quà tặng làm bằng gỗ gụ của một người bạn thân thiết có xuất xứ từ huyện đảo Phú Quốc. Sau đó tôi thuê thợ điêu khắc từ Nam Định vào gia công bộ rễ trong thời gian 90 ngày với giá 52 triệu đồng. Nhiều chuyên gia đánh giá cây này có trên 500 năm tuổi rồi (?)”.

Sau khi tác phẩm hoàn thành, ông Huân đã thuê tàu chở từ đảo Phú Quốc về TP.Cần Thơ vào tháng 10/2016. Gay go nhất là công đoạn thuê xe cẩu pho tượng có tải trọng gần 5 tấn vào đến sân chùa đã làm sụt lún hoàn toàn đoạn đường từ chợ An Nghiệp (còn gọi là chợ Mít Nài vào điểm đặt có độ dài khoảng 80m). Cạnh đó ông Huân còn được tặng thêm một pho tượng Phật Di Lặc bằng loại gỗ Trắc Bá Diệp trên 500 năm tuổi (?) được bố trí trên quần thể “tứ linh” với ý nghĩa mang lại sự hạnh phúc, may mắn cho tất cả mọi người.
 
Ông Huỳnh Văn, một chuyên gia về điêu khắc gỗ ở Cần Thơ nhận xét: “Đây là một tác phẩm rất kỳ công, mang đầy đủ dáng dấp “tứ linh”: Long, Lân, Qui, Phụng. Chất lượng gỗ rất quý hiếm; tay nghề của thợ điêu khắc rất “cao cường”. Đây quả là một tác phẩm nghệ thuật rất độc đáo, công phu. Theo đánh giá của tôi, pho tượng này có giá trị hàng tỷ đồng”.
 
Ông Văn còn kể thêm: Tứ linh hay còn gọi là Long – Lân – Quy – Phụng là bốn linh vật có sức mạnh phi thường tượng trưng cho trời đất, bắt nguồn từ tứ linh thần: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Chúng được người xưa tạo ra từ bốn phương trời, đại diện cho 4 nguyên tố chính của trời đất: nước, lửa, đất và gió. Theo dân gian thì mỗi vị thần căn giữ 7 trong 28 chòm sao trong thiên văn. Khi điêu khắc đòi hỏi độ tinh xảo cao, chính xác, mất nhiều thời gian.
 
Chùa Hiệp Minh được xây dựng từ năm Tân Hợi 1911 với nhiều cây chuyên tâm linh huyền thoại, đặc biệt là giai thoại các vị tiên thánh thường giáng trần vào những đêm trăng sáng để làm thơ, đánh cờ, chơi đàn, từ đó ngôi chùa này có tên là chùa Đàn Tiên (?). Hiện nay phía sau chùa còn nguyên bản những chiếc ghế và bộ bàn để tiên, thánh về ngự lãm (?). 

Không chỉ vậy, ngôi chùa này khá đặc biệt là tu tập theo hướng tu tại gia nên dù là chùa Hiệp Minh chưa có trụ trì chùa, thay vào đó là ban hộ tự coi sóc. Chùa còn đang gìn giữ một cây phướn cao trên 30m với nhiều câu chuyện rất ly kỳ.

Tam Anh