Cơm chay xứ Huế


Cơm chay xứ Huế là món ăn truyền thống từ bình dân đến quý tộc Huế đều ưa thích. Ai đó đã từng nói, ở Huế núi không cao, sông không sâu nhưng lòng người thì tĩnh lặng bởi họ biết cách tu, biết ăn chay cho tâm hồn thanh tịnh.

“Tình thương trải rộng đất trời
Sống bằng chay tịnh hóa đời thanh cao”
Ăn chay trong quan niệm của Phật giáo là để nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng căn lành và phát triển tình thương rộng lớn đối với mọi người và mọi loài. Trong mọi giá trị giữa cuộc đời, thì sự sống là cái có giá trị nhất và cần được trân trọng nhất. Vì thế, cơm chay xứ Huế là một món ăn biểu hiện lòng tôn quý và trân trọng sự sống. Khoa học cũng chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh và sống lâu, không bệnh tật.
Đến du lịch Huế, du khách có thể thưởng thức cơm chay ngon bởi lẽ đây là thủ phủ của Phật giáo, nơi có nhiều chùa chiền và các tăng ni, lượng lớn tín đồ theo đạo Phật ăn chay trường hoặc chay kỳ (một tháng mấy ngày) tùy theo mức độ thọ giới của họ. Nhiều chùa xưa ở Huế là do quý tộc lập ra như Từ Hiếu, Hồng Ân… nên việc nấu món ăn chay ngon xuất phát từ chùa, dần dần truyền ra ngoài dân dã.
Các gia đình Phật tử ở Huế thường mời bạn bè ăn một bữa cơm chay để thể hiện lòng quý mến và trân trọng. Làm một bữa tiệc chay rất khó, thế nên những người nội trợ Huế coi đó là cơ hội để họ trình diễn tài khéo léo của mình. Cái tài của các o, các mệ ở đây là chỉ bằng thảo mộc của thiên nhiên, như phù chúc, đậu phụ, đậu xanh, bánh tráng, nấm… mà vẫn làm nên “giò lụa”, “chả quế”, “thịt gà”, “nem”… Nếu ai không sành, mới chỉ nhìn qua dễ nhầm tưởng là một bữa tiệc mặn có đầy đủ các món ăn ngon của Huế. Cái lạ, cái hay và cái ngon ở đây không chỉ dừng lại ở tài nấu nướng mà còn là sự sáng tạo, tài phô diễn về hình thức có thể “đánh lừa” người ăn bằng việc “mặn hóa” các món chay.
Đối với các gia đình Phật tử ăn chay kỳ, những bữa ăn chay thường đơn giản, chỉ xào nấu đậu phụ và các loại rau, có khi chỉ là đĩa rau muống luộc với tương, chao. Những ngày kỵ (giỗ) người ta mới bày vẽ ra nhiều món ngon và đẹp, như nem chả, thịt kho tàu, thịt gà bóp… bằng đồ chay.
Riêng món chả, đã có thể làm bằng nhiều thứ khác nhau, ngon nhất là làm bằng phù chúc. Phù chúc lúc nào cũng sẵn ở chợ Đông Ba, mua về ngâm cho mềm rồi thêm các gia vị như củ kiệu, xì dầu, tiêu muối, đường, sau đó lấy lá chuối bó lại, đem hấp trên nước sôi cho chín. Khi dọn cắt thành từng miếng giống y như chả thật. Các o, các mệ cũng hay làm chả bằng chuối mật gần chín, đem nấu lên rồi lột vỏ, xắt lát, bỏ vào cối giã nhuyễn; nêm củ kiệu giã nhỏ, xì dầu, tiêu muối, đường, thính (bánh tráng mỏng nướng vàng tán nhỏ làm thính) và bí đao xắt hạt lựu luộc chín, vẩy cho khô nước, trộn vào với chuối cho đều. Tất cả được bó vào lá chuối hơ mềm cuốn tròn lại, buột lạt chặt, đem hấp độ 15 phút. Người ta còn làm loại chả quế bằng đậu khuôn hấp, bên trên phết một lớp phẩm màu nâu sẫm, rồi cắt miếng hình thoi dọn lên, rất giống miếng chả quế mặn.
Có nhiều món ăn chay ngon, nhìn tưởng như món mặn mà bạn khó có thể nhận ra món đó được làm bằng thứ gì, ví như món sườn heo ram chay. Thật ra đó chỉ là khoai lang gọt vỏ, cắt từng thỏi bằng ngón tay, bỏ vào quánh dầu đang sôi, rán vàng. Đậu xanh ngâm nước lạnh vài giờ rồi đãi sạch vỏ, để ráo nước, đem giã nhỏ rồi nêm xì dầu, đường, tiêu và muối trộn đều. Tiếp đó, lấy đậu giã trải ra thớt, sắp vài miếng khoai rán lên trên, cách đều nhau từng quãng như cái sườn heo. Để một lớp đậu nữa lên trên, lấy tay ấn cho chặt để đậu và khoai dính liền nhau. Đổ dầu vào chảo nóng, bỏ “sườn” vào rán vàng. Sau đó thì bỏ ra đĩa, điểm thêm vài miếng xà lách, cà chua cho đẹp.
Hay món ram (chả giò) chay được làm bằng đậu xanh chà sạch, giã nhỏ và nêm nếm xì dầu, tiêu, muối, đường, thêm bún tàu luộc mềm cắt ngắn, nấm mèo ngâm mềm, rửa sạch, thái nhỏ rồi trộn với đậu cho đều. Bánh tráng mỏng cắt miếng vuông, nhúng nước vẩy cho ráo, nhúng miếng nào làm miếng ấy. Thay vì gói bằng thịt, trứng gà và các thứ khác thì ở đây bỏ đậu đã trộn với các gia vị nói trên gói lại, cho vào chảo dầu đang sôi, rán vàng. Một bữa tiệc ăn mặn có bao nhiêu món thì với tiệc chay cũng có bấy nhiêu món, bày biện đẹp đẽ, màu sắc hài hòa, nghệ thuật không kém cách trình bày món mặn.
Người ta vô cùng kinh ngạc về hình thức “mặn hóa” món ăn chay của người nội trợ Huế. Bằng bất cứ loại thực phẩm chay nào, họ cũng chế được món ăn giống hệt món mặn. Món chay được mặn hóa là để cho những người không thích ăn chay, không theo đạo Phật hoặc không quen ăn chay… vẫn có thể ăn ngon lành, không e dè.
Huế có phủ Tùng Thiện Vương là nơi làm bánh chay nổi tiếng và phủ Tuy Lý Vương là chỗ nấu cơm chay ngon khó ai sánh kịp. Khách đến Huế, nếu thích được thưởng thức một bữa cơm chay thì có thể đến chùa, chùa nào cũng được nhưng tốt hơn cả là chùa Từ Đàm, vì ở đây là chùa sư nữ nên có nhiều ni cô nấu cơm chay ngon, lại ở ngay trong thành phố – trên đường Điện Biên Phủ.
Du khách đến du lịch Huế, ngoài kinh thành, các lăng tẩm, hãy thử đến các ngôi chùa, để tâm hồn được tĩnh tại, thư thái, hướng nhân tâm đi vào cõi thiện. Trong bộn bề của đời thường có biết bao điều ta phải lo toan, trăn trở, có được một chút thư giãn thật quý giá biết bao.
Địa chỉ gợi ý
– Quán Liên Hoa: số 3 đường Lê Quý Đôn
– Quán Bồ Đề trên đường Bà Triệu
– Quán Thanh Liễu ở đường Nguyễn Công Trứ
– Quán Tịnh Tâm trên đường Phạm Ngũ Lão

Vân Anh