Con tôi, tài sản của tôi?
Con nguời thường hay lầm chấp cho rằng “Đây là con tôi và đây là tài sản của tôi, những kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế. Nhưng chẳng biết rằng chính ta còn không có, huống hồ là con của ta hay tài sản của ta”.
Con nguời thường hay lầm chấp cho rằng “Đây là con tôi và đây là tài sản của tôi, những kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế. Nhưng chẳng biết rằng chính ta còn không có, huống hồ là con của ta hay tài sản của ta”.
Người như vậy được đức Phật còn gọi là người ngu. Cho nên từ kim khẩu của đức Phật mới nói lên bài kệ như sau:
"Con tôi tài sản tôi
Người ngu sinh ưu não
Tự ta ta không có
Con đâu tài sản đâu" (kinh Pháp Cú )
Bài kệ trong câu kinh Pháp cú này, đức Phật dạy rằng: Con người do vô minh sống trong điên đảo nên khổ đau, phiền muộn, từ đó bị lầm chấp, bị tác động bởi người thân: cha mẹ, con cái, cháu chắt, tài sản, sự nghiệp, danh vọng, sắc dục, ăn ngon, ngủ nghỉ… Nên con người bị chi phối, bị nô lệ bởi nghiệp. Nghiệp được xuất phát ở đây chỉ cho con người chạy theo ngũ dục, đam mê theo những khát ái, khát vọng, vọng tưởng, điên đảo. Say mê đắm nhiễm theo nên khổ, nên phải bị trầm luân sáu nẻo.
Vậy cái khổ này, cái nghiệp này, cái vô minh này, cái lầm chấp này do mỗi người tự tạo ra cho chính mình, chứ không do một ai tạo ra cả? Vì không hiểu con người chạy theo dục ái, chạy theo những nhu cầu yêu thích đáp ứng cho cuộc sống mà không biết nên dừng lại để hướng thượng đến những điều chân lý. Vì không hướng thượng đến những điều thiện, điều lành, điều chân lý và cứ mãi chạy theo những hành vi tà vạy, những hành vi ác, những hành vi bất thiện, mà không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế trong các dục.
Đó là nguyên nhân cội nguồn của mọi khổ đau, phiền lụy. Vì không hiểu được khổ và nguyên nhân của khổ. Hằng ngày thường xuyên bị màn vô mình của ngũ triền cái ngăn che, phủ kín nên không thể nhận biết rằng "Tôi đây còn không có huống chi là con tôi và tài sản của tôi ... rồi chấp thủ dính mắc rằng: Đây là con tôi và đây là tài sản của tôi".
Từ đó, khi đã lầm chấp con tôi và tài sản của tôi rồi thì phải bảo vệ, gìn giữ. Vì cứ nghĩ chính con tôi đó và tài sản của tôi đó là tồn tại, là trường cửu, là bất biến, mà không nhận thấy rằng những gì là con tôi và những gì là tài sản của tôi thì rất là vô thường, tạm bợ,và rất nguy hiểm.
Người nào mà hành động lầm chấp rằng: đây là con của tôi và đây là tài sản của tôi, thì còn chấp thủ trên cái thân tứ đại do duyên hợp này, trên cái thân do nghiệp lực nhân quả này, trên cái thân danh sắc do ngũ uẩn duyên hợp này. Từ đó, sẽ chấp thủ thân này là ta, là của ta và là tự ngã của ta, rồi chấp thủ mọi pháp xung quanh cái gì cũng là ta, là của ta và là tự ngã của ta. Đức Phật nói những người như vậy là người vô minh, người vô minh đức Phật còn gọi một danh từ nữa là người ngu. Như vậy rằng người ngu, người phàm phu tự chấp thủ các pháp xung quanh, chấp thủ nào là con của tôi, nào là tài sản của tôi nên luôn luôn sinh tâm ưu não, phiền não, sinh tâm lo lắng và sợ hải. Luôn luôn khổ đau, ưu não khi phải đối diện mất mát con của tôi và tài sản của tôi…
"Con tôi tài sản tôi
Người ngu sinh ưu não”
Như vậy thì mọi người tự trói buộc, tự hành hạ mình, tự mình làm khổ mình. Từ đó con người khổ mãi khổ mãi…, mà không biết cái khổ này từ đâu? Cái khổ này do con người lầm chấp những cái vô thường lầm tưởng là thường, những cái giả tạm lầm tưởng là có thật.
Nếu không may người thân của tôi và tài sản của tôi bị mất mát, bị hư hao, bị tổn thất thì không có gì khổ bằng...? Than ôi...! Cái khổ này mang theo đến khi chết vì lầm chấp rằng con tôi và tài sản của tôi đã không còn hiện hữu nữa. Nên khi còn sống đã chịu quả khổ, cho đến lúc chết đi cũng phải thọ lãnh quả khổ, đây là con đường luân hồi sinh tử. Cho nên đức Phật dạy: "chính mình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp.
Đúng vậy, con người được sinh ra bởi lớp vô minh của cái màn ngăn che tối tăm của năm triền cái, đó là tham, sân, si, mạn, nghi. Chính năm triền cái này là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp". Cho nên, chủ nhân này, thừa tự này, thai tạng này, và quyến thuộc này nó thường xuyên bám sát theo ta như hình với bóng, như xe lăn vật kéo, để lôi cuốn, vùi dập và cuốn trôi con người trong luân hồi sanh tử phải chịu khổ muôn ngàn.
Những hành vi nghiệp này được thể hiện trên thân hành, khẩu hành và ý hành của mỗi người. Nếu trên thân hành nghiệp, khẩu hành nghiệp, và ý hành nghiệp của mỗi người sống trong vô minh, sống trong bất thiện, sống trong ác pháp , chỉ cho con người không thực hiện đúng năm điều căn bản của đức Phật, như con người vẫn thường sát sinh, tham lam trộm cắp, tà dâm ngoại tình, nói dối và nghiện ngập các chất nghiện ngập, thì con người phải chịu bất hạnh, đau khổ:
"Nghiệp làm không chánh thiện,
Làm rồi sanh ăn năn,
Mặt nhuốm lệ, khóc than,
Lãnh chịu quả dị thục."
Ngược lại, nếu trên thân hành nghiệp, khẩu hành nghiệp, và ý hành nghiệp của mỗi người sống trong điều lành, điều thiện, sống trong thiện pháp, chỉ cho con người thực hiện đúng năm điều căn bản của đức Phật, như con người từ bỏ sát sinh ăn thịt chúng sanh, từ bỏ tham lam trộm cắp, từ bỏ tà dâm ngoại tình, từ bỏ nói dối và từ bỏ nghiện ngập các chất nghiện ngập, thì con người sẽ được luôn luôn hạnh phúc, vui vẻ, an lạc trong cuộc sống hiện tại:
"Và nghiệp làm chánh thiện,
Làm rồi không ăn năn,
Hoan hỷ, ý đẹp lòng,
Hưởng thọ quả dị thục."
Đức Phật đã xác định phương pháp tu hành để không còn khổ đau nữa và đã dạy con đường giải thoát khỏi sự đau khổ phiền não đó. Do chính Ngài tu tập giải thoát và đã dạy cho nhân loại. Người nào dù già trẻ, lớn bé, đẹp xấu, giàu nghèo, sang hèn... thực hành theo thiện pháp, đều được an vui, hạnh phúc, đều được giải thoát giác ngộ khỏi luân hồi sinh tử.
Phương pháp mà Đức Phật đã dạy là hiểu rằng không có cái gì là ta, là của ta và là tài sản, bà con hay là bản ngã của ta. Mà nên hiểu các pháp hay thân mình là do duyên hợp. Nếu đầy đủ các duyên thì các pháp, và thân này sẽ tự sinh, tự hợp và nếu không đầy đủ các duyên thì các pháp nó không hợp được, không sinh được.
Như vậy rằng con người nó có là do các pháp duyên hợp, các pháp duyên sinh, trong pháp duyên khởi đức Phật nói: cái này có thì cái kia có và cái này không có thì cái kia cũng không có. Hiểu được như thế thì những người đó đức Phật gọi là người Trí. Người trí thường sống nhận biết các pháp như thật bản chất cội nguồn khổ đau của nó. Người trí không thấy cái gì là con của tôi, cái gì là tài sản của tôi và cái gì là bản ngã của tôi, nên người trí không còn lo lắng, không còn sợ hải, không còn ưu não, không còn phiền muộn, không còn khổ đau, cho dù các pháp bất thiện, các pháp ác, các điều bất đắc có hiện diện xung quanh các Ngài thì tâm các Ngài luôn luôn Bất động, thanh thản và an lạc.
Khi thấy được, hiểu được điều này thì mọi người đừng nên lầm chấp thân của tôi, con cái của tôi và tài sản của tôi nữa, thì sẽ không còn khổ đau nữa, và không còn phải bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi nữa. Bằng ngược lại sự khổ đau này cứ mãi mãi. Vì vậy chúng ta nên sống trong điều lành điều thiện, sống theo những gì đức Phật đã chỉ dạy, thường nên hiểu rằng con ta, tài sản ta và thân ta chỉ là do các duyên hợp thành chứ không có thật, đừng cố chấp lầm tưởng thì sẽ dứt khổ ngay liền.
Đức Phật dạy tất cả các pháp sinh ra do nhân quả, do vô minh, do chấp thủ. Cho nên mới tạo ra các pháp hiện hữu trên thế giới này. Cũng vậy, thân này, con người này do nghiệp sinh ra, do vô minh, do chấp thủ sinh ra. Người trí biết vậy thì sống bình thản, an lạc, và giải thoát. Không còn lầm chấp đây là con tôi, đây là cha mẹ tôi, đây là người thân của tôi hoặc đây là tài sản của tôi. Đó là một sự giải thoát không có gì hạnh phúc bằng.
Trầm Lặng