Cuộc đời là những chuyến đi xa



Đêm đã khuya. Ngoài trời một màu tối đen như mực. Trong không gian tĩnh mịch ấy, thi thoảng lại có tiếng của chú chó nhà hàng xóm sủa lên từng hồi như cảnh tỉnh bước chân lữ hành. Chú nhái con kêu ộp ộp, ẩn mình trong vũng nước còn đọng lại sau những cơn mưa đầu mùa. Không gian này lại làm ta nhớ về một miền quê thanh bình, yên ả nơi quê nhà. Xa hơn ở những căn nhà cuối phố, là tiếng hát của một ca sĩ trẻ được phát qua chiếc loa đặt ở hàng quán nước. Lời bài hát được lặp đi lặp lại: “Từng chặng đường dài mà ta qua, đều để lại kỉ niệm quý giá. Để lại một điều rằng càng đi xa ta càng thêm nhớ nhà. Đi thật xa để trở về. Đi thật xa để trở về. Có một nơi để trở về. Đi, đi để trở về…”. Tác giả viết nên bài hát như một lời nhắn nhủ cho những người đang bước trên hành trình nhân sinh. Cuộc đời ai rồi cũng cần có một bến đỗ bình yên, một nơi để trở về sau những bôn ba xuôi ngược. Khi ấy, ta tự nhận ra rằng cuộc đời mỗi người phải chăng là những chuyến đi xa – đi để rồi trở về?
 
Khi còn bé, ta chưa thể đi xa, chỉ quẩn quanh bên chiếc nôi, cánh võng, nhưng vẫn mong nghe được tiếng ầu ơ của mẹ để được no lòng bên bầu sữa ngọt. Mẹ cha đã dìu bước ta vào đời. Từng bước chân chập chững thuở nào là tiếng cười hạnh phúc của mẹ cha. Rồi đến một ngày, ta chợt nhận ra mình đã lớn dần theo ngày tháng. Ta bắt đầu tìm niềm vui bên trang sách, đấy là những bước chân đầu đời ta xa rời vòng tay yêu thương của mẹ cha đến với trường lớp, thầy cô, bè bạn. Ngày đầu đi học, ta lạ lẫm, ngơ ngác, bởi đâu đâu cũng toàn là những người xa lạ. Ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không muốn buông vòng tay mẹ. Rồi khi thầy cô, bè bạn, mái trường, ghế đá đã trở nên thân quen, ta lại khát khao sớm trưởng thành để có thể cất bước đến những phương trời xa rộng.

Tuổi đôi mươi, chàng trai cô gái nào cũng căng tràn nhựa sống. “Những chú chim non” bắt đầu rời tổ sải cánh bay đến những vùng trời cao xanh, hoa mộng, để tự chấm bút vẽ nên cho mình một bức tranh tương lai tươi sáng. Mà đâu biết rằng cha mẹ hằng ngày nhớ thương, ngóng trông, lo lắng cho những đứa con bé bỏng. Bỗng một ngày kia, khi đang trên đường tìm kiếm công danh hay chìm đắm trong biển khổ ái tình, ta vấp ngã và bị ràng buộc bởi đồng công mối nợ. Đời làm ta ngã. Đau lắm! Khi ấy, ta chỉ có một mong muốn duy nhất là trở về với mái ấm thân yêu, được bàn tay ấm áp của mẹ vuốt ve, nghe lời dạy ôn tồn của cha, sống lại nơi mà ta đã từng xa.

Dù ta phiêu bạt ở phương trời nào, có đâu bằng được bước đi trên đất mẹ. Quê hương nhìn ta sinh ra, ngắm ta lớn lên từng ngày, nâng đỡ từng bước chân đầu đời khi ta chỉ là đứa bé còn đang chập chững. Cha mẹ đôi lúc bận bịu, không thể dõi theo con từng bước; nhưng quê nhà là nơi nâng niu, che chở ta trên suốt chặng đường dài. Theo ngày tháng ta trưởng thành khôn lớn, cũng đã có lúc mở cho mình những lối đi riêng, mải mê chạy theo thứ hạnh phúc vô hình nào đó. Trên suốt hành trình xuôi ngược ấy, nếu có mệt mỏi thì ta hãy quay về, quê nhà vẫn luôn dang rộng đôi tay đón chào ta. Về nhà, ta bỏ lại hết những phiền lo nơi thành thị, sống trọn vẹn với những yêu thương. Về nhà, ta nghỉ chân sau những hoài mộng viển vông mệt nhoài. Và về nhà, đơn giản thôi, là để ta biết mình luôn có một nơi để trở về…

Cuộc sống là hành trình ra đi mà ít khi nhớ quay trở lại, có nhớ chăng thì đêm tối đã tràn đầy mà đường về hãy còn tít mù khơi.

“Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình”.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày một thêm xa chốn quê nhà.


Đó là hình ảnh gã Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa. Trải qua năm tháng, chỉ vì cuộc sinh tồn mà người con ấy đã quên khuấy người cha đang sống ở quê nhà. Đứa con ra đi, suốt bao dặm trường xuôi ngược tìm kiếm lợi danh mà cái cơ hàn vẫn hằng đeo đẳng. Cha thì luôn hướng vọng tìm con vì tình phụ tử thiêng liêng bất tuyệt. Ông vẫn hiển hiện đấy, nhưng mà người con nào có thấy! Làm sao mà thấy được, khi gió bụi phong trần cứ mãi đưa đứa con đi đến những miền xa! Bụi đời đã lấp vết thời gian. Anh đã quen với cuộc sống cơ hàn mà quên mình từng là một thiếu gia giàu có. Khi được hội ngộ tương phùng trong một phút hữu duyên, lòng anh choáng ngợp trước cơ ngơi, dinh thự cùng gia tài của ông đại phú. Tất nhiên, đứa con không thấy được người cha, bởi lòng tự ti mặc cảm, bởi niềm tin đã héo dại với thời gian.

Chúng ta có khác gì với người cùng tử nghèo đói lang thang trong bài kinh xưa ấy. Mình cũng vất vưởng từ ngàn đời trong muôn trùng sinh tử tử sinh. Khi được tương phùng cùng chánh pháp, ta có chịu quay đầu tu tập, thừa tự gia tài của Thế Tôn, hay vẫn mơ màng đắm chìm trong ảo cảnh vì vô minh và tham ái. Đây là lúc chúng ta phải chấm dứt cái mặc cảm nghèo hèn của mình để tiếp nhận gia tài pháp bảo. Đó là tài sản vô giá, còn quý hơn những rổ kim cương lóng lánh, sáng chói của những bậc đế vương. Còn đợi chờ gì mà ta không sống bằng tâm cầu giải thoát, an trú vào hiện tại để nhận diện hạnh phúc thật sự. Khi đã tìm thấy được con đường, hãy thương cho những người còn trong vũng lầy u tối mà dấn thân hành đạo, đó phải chăng là lối sống cao quý bậc nhất trên thế gian.

Cuộc đời Angulimāla[1] (Vô Não) là những chuyến đi xa. Từ một người mang bản chất lương thiện, do sai đường lạc hướng đã trở thành con người cực ác. Nhưng nhờ túc duyên sâu dày, khi gặp đức Phật thức tỉnh, ông đã quay đầu và tu tập rồi trở thành bậc Thánh nhân. Tôn giả Angulimāla đã làm nên cú lội ngược dòng bằng sự quyết tâm cao độ, sự nỗ lực tâm linh đáng kính phục là bài học cho muôn người đời sau quy hướng. Sự thành công của Ngài đã khơi dậy niềm tin cho tất cả chúng ta. Không bao giờ muộn đối với người biết hồi đầu hướng thiện. Một kẻ sát nhân mà còn có thể quay đầu, tu hành chứng quả, huống gì chúng ta, những người tuy có lỗi lầm nhưng vẫn chưa đến mức mất nhân tính. Khách trầm luân biết quay đầu thì bờ giác không xa nữa. Nếu chúng ta nỗ lực, tự tin vượt qua mặc cảm tội lỗi của chính mình, thì không có gì trở ngại để vượt qua những khó khăn trước mắt. Ta sẽ biết cách lội ngược dòng một cách ngoạn mục để về đích sau một chuyến đi xa.

Chuyến đi xa của một đời người sau mấy mươi năm hiện hữu trên thế gian, đó là sự trở về với miền đất lạnh. Vở kịch đời kéo màn khép lại, vai diễn cha, mẹ, anh, chị, con, cháu,... xem như đã hoàn thành. Nhưng hành trình luân hồi thì không dừng lại ở đó. Một đời sống mới lại được bắt đầu. Hành trang mà ta mang theo sau mỗi kiếp lai sinh là gì, đó chỉ là những nghiệp thiện ác và duyên đã tạo.

Trời lại sáng sau những cơn mưa. Bóng tối sẽ không còn khi ánh mặt trời tỏ rạng. Buồn vui gì thì cũng hết một ngày. Bất chợt, giữa dòng đời vội vã, ta cảm thấy quá mỏi mệt trước gánh nặng mưu sinh, sao không thử buông một lát, chỉ một chút thôi, rồi ta trở về bên mái nhà xưa. Những sai lầm, vụng dại hay vấp ngã, rủi may, chỉ đơn thuần là những bài kiểm tra từ cuộc sống. Nghỉ ngơi là một nhu cầu cần thiết trong lúc này. Hãy trở về bên chân mẹ, về để ngửi mùi mồ hôi nơi chiếc áo của cha, để hưởng được gia tài là tình thương cao quý không gì so sánh được.

Còn ai là khách trầm luân trên cuộc lữ, bao giờ mới dừng chân trên hành trình vô định ấy? Sao chúng ta không trở về với lời dạy uyên nguyên của Đấng Từ Tôn, về để thừa hưởng gia tài của Phật, về để được tắm mình trong dòng sữa pháp. Đã bao phen ta làm thân trùng dế, đã nhiều lần ta trôi lăn trong biển mê, cuộc luân hồi dài thăm thẳm mà giáo pháp là chiếc thuyền đưa ta về bờ giác. Còn chờ gì mà không sắm thuyền giới hạnh, còn đợi gì mà không mua mái chèo thiền định, bánh lái trí tuệ đang sẵn sàng cho người lữ hành. Sau những chuyến đi xa, chúng ta sẽ trưởng thành và lớn khôn hơn, đừng mãi ham thú vui bên đời mà quên luôn ngày trở về bạn nhé!

Tâm Lực/ Vườn hoa Phật giáo
 
[1] Angulimāla được ghi lại trong Trung Bộ kinh, số 86 và Trưởng lão Tăng kệ (Thera.80-câu 866 đến 891). Câu chuyện này kể lại rằng, ở nước Kosala do vua Pasenadi trị vì, có tên sát nhân Angulimāla, gặp ai giết nấy, khiến cho dân làng rất lo sợ. Từ khi có tên cướp này xuất hiện, khắp mọi xóm làng, thành ấp, quốc độ đều không còn yên ổn nữa. Mỗi lần giết người, Angulimāla cắt ngón tay trỏ phải làm thành vòng hoa mang vào người. Tên sát nhân ghê rợn này giết cho đến khi nào tràng hoa ấy xâu đủ 1.000 ngón tay để được học đạo với ông thầy.