Điểm tương đồng giữa phó bảng Nguyễn Sinh Huy và Hồ Chí Minh với Phật giáo


Mặc dù Phó bảng Nguyễn Sinh Huy - Nguyễn Sinh Sắc và Hồ Chí Minh chỉ có khoảng hai mươi mốt năm sống cùng nhau nhưng trong hành trình cách mạng của mỗi người sau này lại có những điểm chung đối với Phật giáo. Bài viết phân tích những điểm tương đồng giữa hai cha con đối với Phật Giáo trên các khía cạnh như: Yêu thương con người, đề cao lao động; phát huy tư tưởng nhập thế của Phật giáo, tích cực hoạt động yêu nước thông qua con đường thuyết giảng đạo; quan tâm, chấn hưng Phật giáo theo tinh thần yêu nước. Phật giáo thật sự đã góp phần hình thành nên nhân cách văn hóa của hai cha con Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và Hồ Chí Minh.

Hệ tư tưởng đầu tiên Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy và Hồ Chí Minh tiếp thu là Nho giáo. Nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng của hai cha con đều có sự gắn bó đối với Phật giáo. Những điểm tương đồng về Phật Giáo giữa hai cha con Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy được thể hiện qua một số điểm tiêu biểu sau:

  1. Yêu thương con người, đề cao lao động

Kinh Tương Ưng bộ ghi lại lời dạy của Đức Phật tại vườn Lộc uyển như sau: “Này các Tỳ - kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc của quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[1]. Lời khuyên của Đức Phật cho chúng ta hiểu rằng, hoài bão tha thiết của Ngài cũng không ngoài mục đích giải quyết những khổ đau cho chúng sinh. Hồ Chí Minh luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với Phật giáo. Người đề cao các giá trị của Phật giáo thông qua nhân cách của Đức Phật cũng như đánh giá cao các triết lý, giáo lý của đạo Phật với thái độ tôn trọng và tiếp thu mặt tích cực, đồng thời, hiện thực hoá các giá trị đó trong đời sống cách mạng với tinh thần biện chứng. Người chỉ rõ: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”[2]. “Phật Thích ca là một người quý tộc. Ngài đã bỏ hết công danh phú quý để đi cứu vớt chúng sinh, tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ”[3].

Chia sẻ tấm lòng yêu thương con người của Đức Phật, chính lòng yêu nước và thương đồng bào là điểm xuất phát cho cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Người đã từng xúc động khi nhìn thấy cảnh thực dân Pháp và Nam triều bắt phu đi làm con đường Phủ Diễn – Cửa Rào – Trấn Ninh ở quê Người. Sau này Người có kể lại rằng: “Dân phu phải đi bộ hằng trăm kilômét mới đến công trường. Đến nơi, họ phải chui rúc trong những túp lều tranh thảm hại. Không có mảy may vệ sinh; không có tổ chức y tế... Bệnh hoạn cực nhọc, hành hạ tàn tệ đã gây nên chết chóc khủng khiếp...”[4]. Điều này cũng dễ hiểu vì sao Người có sự đồng cảm với nhân dân lao động cùng khổ, nhất là tình cảnh những người nô lệ da đen trên thế giới mà Người bắt gặp trên hành trình tìm đường cứu nước. Từ những người công nhân da đen trên tàu ở Đaka (Dakar) thủ đô nước Xênêgan (Sénégal), ở phía Tây Châu Phi phải mất mạng khi nhảy xuống biển để đáp tàu cho chủ, đến những trẻ em bị chết đói ở Dahomey, người nghèo sống ở những ngôi nhà ổ chuột của khu Háclem hay trong lòng thành phố hoa lệ Paris..., những câu chuyện đau lòng ấy càng thôi thúc người thanh niên có tấm lòng nhân văn cao đẹp quyết tâm góp sức mình giúp đỡ cho các dân tộc không được hưởng tự do và công lý.

Phát huy triết lý “Hạnh vô ngã” của Phật giáo, người làm cách mạng sẵn sàng hy sinh để mọi người có được một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn, suốt cả cuộc Hồ Chí Minh chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Đối với Người: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”2. Cho đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn luôn đau đáu đến hạnh phúc của Nhân dân, đến việc trên hết, trước hết là “công việc đối với con người”, trong đó có việc chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bảo vệ quyền của phụ nữ, quan tâm đến nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối với những ai lầm đường lạc lối, Người tỏ lòng nhân ái để khuyến khích họ trở về. Có thể nói, “ngoài sự nhìn nhận là một nhà yêu nước và vị lãnh tụ giải phóng dân tộc với tinh thần bất khuất, Hồ Chí Minh còn là một người nhân văn sâu sắc”3. Năm 1980, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, Rômét Chanđra nhấn mạnh: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”[5]. Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Hồ Chí Minh tiếp thu lòng yêu nước, thương yêu con người trực tiếp và đầu tiên chính là từ người cha của mình - Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Ngay sau khi đỗ Phó bảng trở về quê, Cụ Sắc đã từ chối ngồi kiệu trong lễ vinh quy, đi bộ cùng dân làng về quê ngoại; số tiền xã cắt cho làm cỗ ăn khao, cụ cũng đem chia cho người nghèo làm vốn sinh nhai; nếp sinh hoạt hàng ngày vẫn rất giản dị, vẫn cuốc đất làm vườn với các con và theo thói quen ở địa phương cả nhà đều nhịn ăn sáng. Trước khi vào Huế nhậm chức, Cụ chỉ để lại một ít ruộng cho người con gái, còn nửa cụ bán lấy tiền, giúp cho những người dân trong làng có người thân phải đi phu Cửa Rào.

Cũng vì vốn không ưa những cường hào ác bá tại địa phương, nghe dân chúng than oán và từng thấy các cố đạo dựa vào thế lực của người Pháp bức bách dân lành, cụ ra lệnh đánh tên cường hào Tạ Đức Quang. Sau vụ án này, ngày 19/5/1910, Hội đồng Nhiếp chính triều đình Huế xử phạt cụ 100 trượng và cho “cải bổ kinh chức” về làm quan ở kinh đô nhưng cụ quyết định từ quan. Cụ Sắc bắt đầu hành trình xuôi Nam. Những hoạt động yêu nước hay tấm lòng nhân hậu, thương người của Phó bảng Nguyễn Sinh Huy đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi những vùng đất mà Cụ đã đi qua.

Từ năm 1910, hai cha con Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và Hồ Chí Minh bắt đầu những bước ngoặt mới trong cuộc đời của mình và đều không ngơi nghỉ vì nhân dân. Hồ Chí Minh một mình ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với công việc phụ bếp. Người còn trải qua nhiều công việc khác như quét tuyết ở trường học, làm công việc đốt lò ở trung tâm sưởi ấm của thành phố Luân Đôn; giúp việc nhà, làm bánh ở Mỹ; cả nghề in phóng ảnh, viết báo ở Pháp,… để sống và hoạt động cứu nước. Sau này, với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà, trong tác phẩm Đạo đức lao động, Người khẳng định: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”[6]. Về phía Cụ Sắc, mặc dù lưu trú chủ yếu tại các Chùa[7] từ Linh Sơn (Sài Gòn) đến Hội Khánh (Bình Dương), Thiên Thai (Bà Rịa), Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), Hội Thọ (Cái Bè), Tiên Linh (Bến Tre), Long Hưng (An Giang),… nhưng Cụ vẫn luôn hành nghề bốc thuốc, dạy học,… để sống và giúp người. Lòng yêu nước, thương dân ở hai cha con Cụ Sắc gắn chặt với tình yêu lao động vì nước, vì dân.

  1. Phát huy tư tưởng nhập thế của Phật giáo, tích cực hoạt động yêu nước thông qua con đường thuyết giảng đạo

Phó bảng Nguyễn Sinh Huy – Nguyễn Sinh Sắc là hiện thân của sự kết nối giữa những nhà nho yêu nước, Phật tử nhập thế tích cực với tầng lớp trí thức trẻ Tây học. Vào tháng 4/1922, Cụ Sắc bí mật qua chùa Sùng Phước, Châu Hộ, Phnôm Pênh, Campuchia gặp Hoà thượng Hồng Đại Bửu Phước, nhà Phật học uyên thâm, đệ tử của Hoàng thượng Tổ sư Như Hồng chùa Quốc Ân (Huế) Cụ đã từng quen biết tám năm trước. Tại đây, sau khoảng bốn tháng thọ giáo Phật học, Cụ chính thức quy y, trở thành Phật tử với pháp danh Nhật Sắc[8] và đặc biệt Cụ còn được cấp một giấy giới thiệu để tiện việc tới lui các chùa (Việt Kiều) trên đất Campuchia. Sau đó, Cụ về lại Nam Kỳ, tích cực dựa vào Phật giáo hoạt động yêu nước. Khảo cứu lịch sử cho thấy, Cụ đã có những mối giao hảo rất tốt với các nhà sư yêu nước ở Nam Kỳ. Điển hình là Từ Văn (chùa Hội Khánh - Thủ Dầu Một), Chí Thành (chùa Phi Lai – Châu Đốc), Huệ Đăng (chùa Thiên Thai – Bà Rịa), Khánh Hoà (chùa Tiên Linh, Bến Tre), Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Sài Gòn), Hấu (chùa Linh Sơn, Cao Lãnh), Thoại (chùa Hoà Long, Cao Lãnh), Viên Minh (Hoà Thạnh, Tịnh Biên, An Giang), Đạt Điền (Giồng Thành, Tân Châu, An Giang),… đều là những nhà sư tinh thông triết lý Phật pháp, yêu nước (trong số này có nhiều người tham gia cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản), tích cực trong phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ với nội dung theo đúng tinh thần Cụ Sắc từng tâm sự trong dịp dự lễ trùng tu chùa Kim Tiên (Cai Lậy, Tiền Giang) cùng năm 1922: “Tu chùa là cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Cái nạn lớn nhất là làm mất nước, là đem thân làm nô lệ cho ngoại bang. Chúng sinh hiện nay đang rên xiết đau khổ vì bị ngoại bang bóc lột, khinh miệt, người chân tu phải ra tay cứu cái nạn lớn đó. Giữa lúc nước mất, đồng bào bị đoạ đày mà đóng cửa chùa lo tụng kinh gõ mõ là đi ngược lại tôn chỉ nhà Phật”[9].

Khoảng cuối năm 1923, Cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh để gặp Phan Đình Viện, tức Tú Cúc (người bạn quê Hà Tĩnh, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp truy lùng, trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh từ năm 1922). Từ đây cùng với Hoà thượng Từ Văn, vị trụ trì thứ sáu của Chùa Hội Khánh và những nhà yêu nước khác tại địa phương như ông Khôi, ông Nhẫn, thầy Ký Cội, Giáo thọ Quới, thầy Từ Tâm,… thành lập Hội danh dự yêu nước, lấy chùa làm trụ sở. Hoạt động của Hội là truyền bá, phổ biến và chấn hưng Phật giáo, nhưng bên trong thực chất là tuyên truyền, thúc đẩy phong trào yêu nước thông qua các buổi thuyết pháp giảng đạo, diễn thuyết, mở các lớp dạy chữ nho, dạy kinh dịch, bắt mạch, hốt thuốc,… Cụ tiến hành xây dựng phong trào yêu nước nơi đây như Cụ đã từng làm ở Chợ Gạo, Vĩnh Kim, Sơn Dầu (Tiền Giang), chùa Hòa Khánh, Giồng Thành và nhiều nơi khác ở Campuchia. Tất cả đúng như điều Cụ chia sẻ với Phan Trọng Bình[10], Lê Văn Lợi khi từ Quảng Châu (Trung Quốc) về nước và có gặp Cụ tại Sài Gòn vào khoảng năm 1926 rằng: “Muốn giải phóng dân tộc, các cháu phải theo đạo Phật”[11]. Khi Nguyễn An Ninh từ Pháp về nước hoạt động, Cụ cũng nhiều lần bí mật gặp để bàn về mối liên hệ giữa Phật giáo với dân tộc, đây là vấn đề mà Cụ rất quan tâm[12]. Trong số những thính giả đi nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết hay Phan Châu Trinh ở trụ sở Bắc Kỳ ái hữu, có hàng chục thanh niên đầu cạo bóng. Bị chất vấn “ai xui thầy chùa đi biểu tình”, giáo thọ Thiện Chiếu tại chùa Linh Sơn đã viết trả lời trên báo rằng: Thuyết từ bi cứu khổ của Phật Tổ xui Phật tử chúng tôi tham gia những cuộc vận động yêu nước, thương dân chớ không ai xui cả… Hoạt động này có ảnh hưởng đến phật tử nhà chùa và lớp tăng ni trẻ[13].

Tiếp tục truyền bá tinh thần yêu nước nhằm hỗ trợ qua lại cho phong trào chấn hưng Phật giáo, vào đầu năm 1927, Cụ Sắc cải trang làm vị cao tăng chùa Từ Đàm (Huế) đã vượt chặng đường dài trên cả ngàn cây số để đến chùa Tiên Linh (Mỏ Cày, Bến Tre, năm 1930 đổi thành Tuyên Linh). Tại đây, nhờ sự giúp đỡ của sư Khánh Hoà, trụ trì chùa, Cụ đã cùng Trần Hữu Chương, đảng viên Đảng Tân Việt được cử về xã Minh Đức gây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp học cho thanh niên và những người trong hội kín của Nguyễn An Ninh.

Vào tháng 2/1928, Cụ Sắc về Cao Lãnh, nhân dịp rằm tháng giêng năm Đinh Mão, Cụ cùng với sư Thiện Chiếu tổ chức thuyết pháp tại chùa Hoà Long với chủ đề: “Phật hoá tân thanh niên”, có sự tham dự rất đông thanh niên trí thức tại địa phương. Trong dịp này, nhóm thanh niên yêu nước như Phạm Hữu Lầu, Lưu Kim Phong dự lớp chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) cũng vừa về nước, đến gặp Cụ, Cụ khuyên: “Mấy cậu là niềm hy vọng của tôi, là tương lai của Tổ quốc. Ngày nay nước mất, nhà tan, chúng ta phải đứng lên góp sức đập phá xiềng gông nô lệ, không nên nai lưng lòn cúi, run sợ trước cường quyền”[14].

Thời gian này, Cụ Sắc còn nhờ đến sư Điền ở chùa Giồng Thành (An Giang) hỗ trợ, giúp đỡ nhà yêu nước Nguyễn Quang Diêu. Khoảng sau tháng 5/1929, Cụ qua huyện Prekdek (Campuchia) truyền bá tinh thần yêu nước, nhưng bị Pháp phát hiện, Cụ lưu trú tại đây chờ tình hình lắng xuống. Khoảng giữa tháng 6/1929, Cụ trở về chùa Giồng Thành trú ngụ và thăm Hoà thượng Chánh Hườn (Hòa thượng Điền). Cụ cùng sư Chánh Hườn hốt thuốc trị bệnh cho người dân nơi đây. Cuối tháng 6/1929, Pháp ở Tân Châu bắt được tin tức, đem binh lính đến chùa Giồng Thành vây ráp. Hoà thượng Điền cho người dẫn Cụ lánh mặt và đem xuồng đưa Cụ đi lánh nạn. Pháp bắt được Hoà thượng Điền bị quản thúc. Ông Ba Sành – tín đồ thân tín ở chùa bơi xuống đưa Cụ đến Sa Đéc rồi về Cao Lãnh. Cụ Sắc ở Cao Lãnh tiếp tục hoạt động cách mạng và bệnh qua đời tại chùa Hoà Long, Cao Lãnh, Đồng Tháp vào ngày 27/11/1929[15].

Như vậy, với những nỗ lực của Cụ Sắc cùng những Hoà thượng yêu nước, nhiều Tăng ni Phật tử và thanh niên đã thật sự tích cực tham gia cách mạng, nhiều người sau này trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về phía Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nếu như cuối năm 1926, sau khi Phan Trọng Bình và Lê Văn Lợi học xong khoá huấn luyện tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người cử về Sài Gòn hoạt động, thì trước đó, năm 1925, Người đã cử Hồ Tùng Mậu sang Xiêm (Thái Lan) gây dựng cơ sở cách mạng. Với các tư liệu hiện có tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã xác định được hơn 20 địa điểm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từng ở, làm việc, gặp gỡ kiều bào, khai hội,… thuộc địa bàn chín tỉnh, thành phố của Thái Lan trong năm 1928-1929 và 1930. Những hoạt động cách mạng của Người trong Việt kiều đã có ảnh hưởng tốt về trong nước. Điều đáng lưu ý, hoạt động trước nhất của Người trên đất Thái chính là dành thời gian đi thăm hỏi các nhà sư Việt kiều trụ trì ở các Chùa - những người của phong trào Cần Vương, Duy Tân còn sót lại, như chùa Hội Khánh (chùa Mongkhol Samalkhol) nằm trên đường Pleng Nam (Băng Cốc); chùa ông Năm (chùa Somsanam (Borihara) ở phố Lan Luông (Băng Cốc); chùa ông Ba hay chùa Tư Tế Tự (chùa Vắt Locanụkhrọ) ở phố Rajawong (Băng Cốc). Sau này là chùa Oátphô (ở thị xã Uđon Thani), chùa Bản Chính (Uđon Thani); chùa Xỉchômchưn (Noọngkhai), v.v. Trong số đó, chùa Tư Tế Tự có thể được coi là nơi Người đặt chân đến đầu tiên và hoạt động cách mạng ở Thái Lan những năm 1928-1929. Chùa Tư Tế Tự là nơi mà hơn nửa thế kỷ trước Hòa thượng Bình Lương, còn gọi là Sư Ba, trụ trì. Sư Ba tên thế tục là Phạm Ngọc Đạt, sinh năm 1882 ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước. Ông từng tham gia phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng và khi cuộc khởi nghĩa này thất bại, ông sang Lào rồi sang Xiêm năm 1914. Với lòng yêu nước nồng nàn, Hòa thượng Bình Lương tiếp tục tham gia phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Năm 1928, khi hay tin Nguyễn Ái Quốc sang Thái Lan hoạt động, Hòa thượng Bình Lương tìm cách liên lạc. Ngôi chùa Tư Tế Tự được chọn là nơi hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với những người Việt Nam yêu nước tại Thái Lan. Cũng vào thời điểm này, Hòa thượng Bình Lương[16] được Người giao nhiệm vụ tổ chức tập hợp bà con kiều bào ở Thái Lan và đỡ đầu tờ báo Nhân Ái nhằm kêu gọi đoàn kết trong các tổ chức Việt kiều yêu nước chống Pháp. Chính tại ngôi chùa Tư Tế Tự này, khoảng từ tháng 7/1929, Người có 4 tháng xuống tóc, khoác áo cà sa, ăn chay niệm Phật. Cứ mỗi sớm Người cùng các vị sư chính trong vùng đi khất thực. Điều này cũng tương thích với tác giả Trần Dân Tiên ghi lại trong quyển Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động”[17]. Sư Ba và chùa Tư Tế Tự thật sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan, đồng thời là nơi nuôi giấu, che chở cho hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số nhà lãnh đạo cách mạng khác như: Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt,… hoạt động bí mật trên đất Thái Lan.

Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, ngày 19/5/1941, Hồ Chí Minh quyết định thành lập Hội Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) với các Hội Cứu quốc, như: Phật giáo Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc,… để chống kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam lúc ấy là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người nhấn mạnh: “Việt Nam Độc lập Đồng minh, không phải là một đảng mà là một mặt trận toàn dân, bao gồm các đảng phái (Đảng Dân chủ, phái Xã hội), các phần tử Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản (đã tự động giải tán) và các đoàn thể yêu nước không đảng phái như: Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội Cơ đốc giáo Cứu quốc…”[18]. Như vậy, Hội Phật giáo Cứu quốc là một thành viên quan trọng của Mặt trận Việt Minh và cần tăng cường đoàn kết với các tổ chức tôn giáo khác để sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đến thành công.

Với nhãn quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất cùng thực tiễn cách mạng phong phú, Hồ Chí Minh đã thật sự thấy rõ Phật giáo là một điểm tựa vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Hồ Chí Minh đã thức tỉnh được lòng trắc ẩn, đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Đức Phật cho đồng bào Phật tử và kêu gọi họ đoàn kết cùng nhân dân đấu tranh bảo vệ nền độc lập, hoà bình của đất nước. Người khẳng định: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng, Ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc”[19].

  1. Quan tâm, chấn hưng Phật giáo theo tinh thần yêu nước

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc, trong đó, có tư tưởng Phật giáo, từng bước xuống cấp, suy đồi nghiêm trọng. Với sự ảnh hưởng của phong trào Duy Tân cùng phong trào chấn hưng đạo Phật ở Trung Quốc là tạp chí “Hải triều âm” đã trực tiếp tác động thúc đẩy những người trong giới Phật học và những quan tâm đến tiền đồ đạo Phật ở Việt Nam ý thức chấn hưng, bảo vệ đạo Pháp.

Theo Phó bảng Nguyễn Sinh Huy - Nguyễn Sinh Sắc, mặc dù chùa chiền rất đông tín đồ nhưng Phật giáo bước vào thời điểm suy đồi vì: “Thầy chùa không hiểu đạo Phật, khinh thường giới luật, có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên bà xuống, ngáp vắn, ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thật ra lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham, quơ vét cho sạch sành sanh[20]. Do đó, Cụ Sắc cho rằng cần chấn hưng Phật giáo theo tinh thần hướng dẫn quần chúng Phật tử quay về Chánh pháp, đồng thời, Tăng, Ni, Phật tử phải đi tiên phong dấn thân nhập thế. Chấn hưng Phật giáo không chỉ thuần tuý là một phong trào tôn giáo, mà còn là một phong trào vận động bảo vệ văn hoá dân tộc, một hoạt động yêu nước. Muốn tuyên truyền những điều này, trước nhất cần thành lập các tổ chức.

Với sự am hiểu về triết lý Phật giáo và mối quan hệ giao hảo với Hoà thượng Khánh Hoà, “Cụ Sắc đã gợi ý sáng tỏ cho cụ Khánh Hoà là phải tổ chức, có tổ chức mới có cơ sở để làm việc, để tạo thế mạnh và hoằng đạo, phải tổ chức thành hội Phật giáo. Bấy lâu cụ Khánh Hoà có ý đó, giờ đây được cụ Sắc làm sáng tỏ hẳn lên và Cụ Sắc trở thành một lý thuyết gia của cụ Khánh Hòa”[21]. Vì vậy, “ở Việt Nam phong trào bắt đầu bằng sự vận động của Thiền sư Khánh Hoà ở chùa Tiên Linh (Bến Tre) và các đồng chí của ông. Năm 1923, nhân ngày giỗ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, vào ngày 19 tháng 9 âm lịch (Quý Hợi), ông vận động mời tất cả những vị tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về Tiểu Cần để dự lễ, đồng thời để họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là “Hội Lục hoà Liên hiệp” được thành lập, tất cả những vị tôn túc có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp,… đều đồng ý tham dự (tức tham gia vào Hội Lục hoà Liên hiệp)”[22]. Ngoài ra, theo các tư liệu cho thấy, Cụ Sắc còn có mối liên hệ với “Hội Lục hoà Liên xã” đặt trụ sở trung tâm tại chùa Giác Hải (Chợ Lớn) [23] do Hoà thượng Từ Văn trụ trì Tổ đình Hội Khánh là Hội trưởng[24].

Cả hai Hội này ra đời đều với mục đích hô hào đoàn kết nội bộ làm cơ sở để tiến tới thành lập Ban vận động; tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước định hướng tâm hạnh cho hàng Tăng ni, Phật tử trước yêu cầu cấp bách của toàn dân tộc là giải phóng đất nước thoát khỏi ách lầm than nô lệ. Vào thời gian này, trên tờ Đông Pháp thời báo do Trần Huy Liệu làm chủ bút, xuất hiện hàng loạt các số báo nói về đạo Phật. Bắt đầu từ số báo 59 (ngày 5/10/1923) với hàng loạt bài “Khảo lược về cách tu trong Phật giáo”, người viết ký tên là Viên Hoành. Từ số 70 (ngày 5/11/1923), sau 10 bài của Viên Hoành, lại xuất hiện loạt bài “Phật giáo khảo lược”, ký tên ĐPTB (Đông Pháp thời báo). Từ số 100 trở đi có hàng loạt bài “Ảnh hưởng của Phật giáo khảo lược”, người viết ký tên là T.V. Cũng trong thời điểm này, trong một báo cáo của mật thám Pháp ở Phan Thiết, ngày 10/11/1923, gửi mật thám Trung kỳ, có đoạn viết: “…Nguyễn Sinh Sắc mang theo một cái túi dết to chứa nhiều giấy tờ, có khi viết suốt đêm và không tỏ vẻ gì sợ hãi”. Những bài báo trên kéo dài đến hết năm 1924, đã tạo nên một phong trào tuy không rầm rộ về mặt hình thức nhưng có ảnh hưởng sâu rộng về mặt chính trị và tư tưởng[25].

Phó bảng Nguyễn Sinh Huy – Nguyễn Sinh Sắc còn có những đóng góp nhất định cho phong trào chấn hưng Phật giáo, khi Cụ thường xuyên lui tới các chùa ở Nam Kỳ vận động phong trào yêu nước thông qua việc đàm luận Phật giáo với các chư vị Tăng ni hay tham gia chú thích Kinh[26] và quan tâm nghiên cứu chuyên sâu vào Tam tạng kinh điển. Đặc biệt những vấn đề nhập thế của đạo Phật rất thiết thực được Cụ lồng ghép trong những câu đối liễn tặng Hoà thượng Khánh Hoà, tặng chùa Tiên Linh hay chùa Kim Tiên (Cai Lậy - Tiền Giang), chùa Linh Sơn (Sài Gòn)… Tình cảm, sự quan tâm của Cụ Sắc đối với Phật giáo càng được khẳng định khi Cụ viết thư về Nghệ Tĩnh để khuyên bà con và họ hàng theo đạo Phật. Trong thư Cụ viết: “Vinh, ngày 8/9/1927. Nguyễn Sinh Huy báo tin cho bà con họ hàng biết là ông ta đang ở tại số 225 nhà Tiến Phúc Đồng phố Thiết Bình (ESP.AGNE) khuyên bà con nên theo đạo Phật[27]. Cụ Sắc là điển hình cho những nhà trí thức yêu nước, quan tâm, chấn hưng Phật giáo theo tinh thần yêu nước. Với những định hướng sâu sắc trong phong trào chấn hưng Phật giáo của Nguyễn Sinh Sắc tại Nam Kỳ, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã có những bước phát triển mạnh mẽ giai đoạn 1930-1945[28], trở thành một mốc quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với Phật Giáo ngay từ những năm 1927 khi Người sống và hoạt động tại Thái Lan. Thượng tọa chùa Oắt-phô ở tỉnh Uđon-Thani cho biết: “Hồi ấy, chùa xây điện thờ chính... việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góp công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều...”[29]. Khi trở về nước lãnh đạo cách mạng, Người vẫn luôn sắp xếp thời gian (nhất là những giờ phút quan trọng của cách mạng) thân hành đến các di tích chùa chiền, đình, đền, miếu mạo nổi tiếng như chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... để thắp hương tưởng niệm đến đức Phật, các bậc thần linh, anh hùng chiến sĩ và cùng với các nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công”[30] để đất nước mạnh giàu, nhân dân an lạc.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Đầu tháng 12 (năm 1940)… Ngày tết đến với chúng tôi tại biên giới… Gần làng có miếu thờ thành hoàng, nhân dân ai cũng đến lễ bái. Bác cũng đi cùng bà con đến viếng đền”[31]. Đồng chí Vũ Anh, một cán bộ cách mạng cao cấp thời bấy giờ cũng chia sẻ: “Tháng 1/1941, Bác, anh Kiên và tôi về địa điểm Pác Bó... ngày tết quần chúng trong làng lên chúc tết đủ mặt. Các chị phụ nữ mỗi người mang một cái làn đựng thẻ hương và quà bánh, kéo từng đoàn đến lễ tết. Bác vẽ một ảnh Phật treo trên vách đá cho quần chúng có chỗ lễ...”[32].

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu nhiệm vụ cấp bách; trong đó, Người đề nghị Chính phủ tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết2. Với tinh thần đó, Người đã sớm khẩn cấp ký Sắc lệnh số 65 (23/11/1945) với nội dung: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật… có ích cho lịch sử”[33]. Hiến pháp đầu tiên (thông qua ngày 2/3/1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Người là Trưởng ban soạn thảo, ghi rõ: mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng. Điều 5, Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 thừa nhận các tổ chức tôn giáo có quyền mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo… Tháng 3/1958, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã đồng ý và tạo điều kiện cho Tăng ni, Phật tử miền Bắc thống nhất bốn tổ chức Phật giáo ở miền Bắc lúc bấy giờ thành Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

Khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Trong thư gửi các vị Tăng Ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ đức Phật Thích Ca thành Đạo, ngày 8/1/1957 (nhằm 8/12 âm lịch), Hồ Chí Minh đã viết: “… tôi thân ái gửi đến các vị tăng ni và đồng bào tín đồ lời chào đại hoà hợp… Trong dịp này tôi mong các vị Tăng Ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi. Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”[34]. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của tăng ni, tín đồ Phật giáo trong hai cuộc kháng chiến cứu nước đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử. Để phản đối việc chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp lễ Phật đản năm 1963, ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện: “Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác, Tro trắng phẳng san hố bất bình”. Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Hồ Chí Minh hết sức cảm động và có câu đối kính viếng Hòa thượng: “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt. Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”. Trong thư gửi Đại hội lần thứ ba, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, ngày 28/9/1964, Người đã viết: “Các vị Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trước đây có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà… Chúc toàn thể Tăng, Ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[35].

Tóm lại, theo Hòa thượng Thích Minh Châu[36] thì Hồ Chủ Tịch là một người Mác xít, nhưng đồng thời cũng là con người chân chính của dân tộc Việt Nam. Và vì là con người chân chính của dân tộc Việt Nam cho nên Người không thể không thừa hưởng, tiếp thu, vận dụng tất cả những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhiều yếu tố Phật giáo. Bởi Phật giáo kể từ khi có mặt trên đất nước Việt Nam, trải suốt hơn 2000 năm luôn đồng hành cùng vận mệnh với dân tộc, bất khả phân ly. Nói đến dân tộc, không thể không nói đến văn hóa Phật giáo và ngược lại, văn hóa Phật giáo luôn gắn kết keo sơn cùng dân tộc. Và chính cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một nhà nghiên cứu Phật học thâm sâu, một trí thức yêu nước rất thân cận với chư tôn túc Phật giáo[37]. Quả thật, nếu chẳng có quan hệ gì với tinh thần Phật giáo thì thật sự sẽ khó có sự xuất hiện hai nhân cách văn hoá như Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và Hồ Chí Minh!


[1] Thích Minh Châu (dịch): Kinh Tương Ưng 1, Thiên Có Kệ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr. 235.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 95.

[3] Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 95.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 88.

[5] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao động - Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.90.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.627.

[7] Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã cự ngụ tại 19 ngôi chùa (15 chùa ở Nam bộ và 4 chùa ở Campuchia). Dẫn theo Nguyễn Minh Đức: Đi tìm dấu chân cố nhân, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, số 16 (12/2009), tr. 19.

[8] “Trong hồ sơ về Nguyễn Sinh Huy của mật thám (số A 3780 I – tác giả NTVH, NVĐ chú giải), có bằng chứng chỉ quy y nội dung như sau: “Chúng tôi, Nguyễn… tức Hồng Đại Bửu Phước hoà thượng trụ trì chùa Sùng Phước, Chậu hộ, Phnôm Pênh sanh quán tại nước An Nam, năm Quý Hợi, môn đệ của phái Lâm Tế, học trò của Tổ sư Hoà thượng Như Hồng Quốc An, chùa Quốc An tại Huế gần ngự đài nhà vua, Cấp bản chứng chỉ này cho tín đồ Nhật Sắc (1) (Trên bản chứng chỉ có ghi chú (1) sau chữ Nhật Sắc và cuối trang ghi Nguyễn Sinh Huy tức Nguyễn Xuân Sắc – tác giả NTVH, NVĐ nhấn mạnh), tức Thiện Thành được công nhận là môn đồ của phái Phật giáo Lâm tế chúng tôi. Làm ngày mùng 2 tháng 7 năm Nhâm Tuất (ngày 24-4-1922 giữa buổi trưa)””. Dẫn theo Nguyễn Hữu Hiếu: Nguyễn Sinh Huy chân dung một nhà Nho, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 217 – 218.

[9] Nguyễn Đắc Hiền (Chủ biên): Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, 1994, tr.16

[10] Phan Trọng Bình, phái viên đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Sài Gòn là con của Phan Đình Viện, một sĩ phu yêu nước ở Hà Tĩnh bị Pháp an trí ở Sài Gòn.

[11] Do ông Hà Huy Giáp kể tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp ngày 11-12/1/1990.

[12] Xam thêm bài viết của Hoà thượng Thích Huệ Thông, “Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong phong trào chấn hưng Phật giáo” in trong sách Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Bến Tre: Hoạt động và ảnh hưởng của Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2020, tr. 92.

[13] Nguyễn Hữu Hiếu: Nguyễn Sinh Huy chân dung một nhà Nho, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 216.

[14] Trích theo Hồi ký của Lưu Kim Phong, lưu trữ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.

[15] Xem thêm bài viết của Nguyễn Hữu Hiếu, “Những ngôi chùa ở An Giang trên bước đường hoạt động yêu nước của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”, in trong sách Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Bến Tre: Hoạt động và ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre, Sđd, tr. 152 – 155.

[16] Tháng 3/1964, Hòa thượng Bình Lương bị bệnh nặng. Thể theo nguyện vọng của Hòa thượng được về nước để sống những ngày cuối đời và được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã thông qua Hội Hồng thập tự có sự thỏa thuận của Hội Hồng thập tự Thái Lan, đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt sang Băng Cốc đưa Hòa thượng Bình Lương về Hà Nội. Bệnh viện Việt - Xô cũng cử hai bác sĩ theo chuyến bay này đón hòa thượng về nước. Cũng từ đó Hồ Chí Minh nhiều lần vào Bệnh viện Việt - Xô thăm nhà sư. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ bức thư Hòa thượng Bình Lương gửi Người tỏ lòng ý tiếc khi Người vào thăm, Hòa thượng mê man không nói chuyện với Người được. Ngày 20/4/1966, Hòa thượng Bình Lương viên tịch, hưởng thọ tám mươi tư tuổi. Tang lễ hòa thượng được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa kính viếng Hòa thượng. Vòng hoa của Người ghi dòng chữ: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước - đồng chí Hồ Chí Minh”. 

[17] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật,1975, tr. 71.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.137.

[19] Theo Hòa thượng Thích Minh Châu: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong mối quan hệ với Phật giáo và dân tộc”, trích trong tập Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Phật Giáo, nhiều tác giả, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2011, tr. 77.

[20] Theo tư liệu của cư sĩ Khánh Vân - Duy Tân - số 18.

[21] Tạp chí Phật học Duy Tâm năm 1935.

[22] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, 2012, tr. 630.

[23] Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh: Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 74.

[24] Xem thêm bài viết TS, Huỳnh Ngọc Đáng, “Hội Lục hoà Liên xã trong dòng chày Lịch sử giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam”, https://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoi-luc-hoa-lien-xa-trong-dong-chay-lich-su/3168.html và Phí Thành Phát, “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ”, in trong sách Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Bến Tre: Hoạt động và ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre, Sđd, tr.111.

[25] Nguyễn Hữu Hiếu: Nguyễn Sinh Huy chân dung một nhà Nho, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 214.

[26] Di tích Nguyễn Sinh Huy ỏ Đồng Tháp có trưng bày một cuốn kinh có lời chú giải của Cụ.

[27] Nguyễn Hữu Hiếu: Nguyễn Sinh Huy chân dung một nhà Nho, Sđd, tr. 94.

[28] Năm 1931 “Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học” đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang Sài Gòn). Hội ra tạp chí “Từ Bi Âm” (năm 1932) để truyền bá giáo lý, thỉnh Tam Tạng Kinh từ Trung Hoa về tàng trữ ở Pháp Bảo Đường của chùa Linh Sơn. Năm 1933, “Liên Đoàn Học Xã” được thành lập ở Nam kỳ để đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp. Các chùa luân phiên mở Phật học đường ba tháng, mỗi chùa phải lo nuôi ăn ở cho tăng sinh ba tháng và lo thỉnh Pháp sư giảng dạy. Nhưng Liên Đoàn Học Xã chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì gặp nhiều khó khăn, phải tan rã. Năm 1934, “Hội Lưỡng Xuyên Phật Học” được thành lập. Hội này mở “Phật Học Đường Lưỡng Xuyên” ở Trà Vinh để đào tạo Tăng Ni (năm 1935, trường ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thôm-Bến Tre). Phật Học Đường Lưỡng Xuyên đào tạo được một số tăng sĩ nổi danh sau này…”. Hội xuất bản sách Phật học giáo khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán và ra báo Duy Tâm làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo này lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo tổng hội. Năm 1936, Thiện Chiếu về Rạch Giá, ở lại chùa Tam Bảo cùng với Trí Thiền vận động thành lập Hội Phật học Kiêm Tế. Hội chính thức hoạt động từ ngày 23/3/1937. Chính Hoà thượng Trí Thiền làm Chánh tổng lý của Hội. Tạp chí Tiến hoá (1/1/1938) do Đỗ Triết Kiệu làm chủ nhiệm và Phan Thanh Hà chủ bút. Năm 1943, Hoà thượng Khánh Hoà về Bến Tre, ở chùa Vĩnh Bửu tổ chức Phật học đường đầu tiên dành riêng cho ni giới tại Nam Kỳ.

[29] Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh 1990, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.166

[30] Vũ Kỳ: Càng nhớ Bác Hồ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.330.

[31] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, 1977, tr.41.

[32] Bác Hồ hồi ký, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.209.

[33] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, t.3, tr.74.

[34] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 472-473.

[35] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 383.

[36] Viện trưởng sáng lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh.

[37] Theo Hòa thượng Thích Minh Châu, Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong mối quan hệ với Phật giáo và dân tộc, trích trong tập Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Phật Giáo, Sđd, tr.6.


Nguyễn Thị Việt Hà
Trường Đại học Sài Gòn