Tu học để phát huy đạo lực & trí tuệ
Bài giảng ngày 15-4-2018 tại Học viện Phật giáo VN - TP. HCM
GN - Trường chúng ta đã trải qua hai mùa An cư kiết hạ và tháng 11 năm nay, Tăng Ni khóa XI ra trường, vì chúng ta theo hệ tín chỉ, nên Tăng Ni sinh hội đủ tín chỉ sẽ lãnh bằng tốt nghiệp ra trường.
Tuy nhiên, trong thời gian tu học tại trường, Ban Điều hành và Giáo thọ sư luôn theo dõi sinh hoạt của Tăng Ni sinh để quyết định việc cấp bằng tốt nghiệp.
Tu học để phát huy đạo lực & trí tuệ - Ảnh: Bảo Toàn
Nếu Tăng Ni sinh khóa XI được xếp hạng ưu tú về học lực và đức hạnh thì đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường. Nhưng những người học được, mà hạnh yếu, dù có đủ tín chỉ cũng sẽ không được lãnh bằng tốt nghiệp. Vì trường chúng ta đào tạo những nhà truyền giáo lấy đức hạnh làm đầu, không có hạnh thì không thể thành đức.
Do tu hạnh mới thành đức, nên quý vị cần rèn luyện đức hạnh. Thật vậy, một Tỳ-kheo có đức hạnh mới có sức thuyết phục và cảm hóa người lâu dài, kể cả ngoại đạo. Nếu học, nhưng thiếu đức hạnh sẽ trở thành nhà hùng biện tranh cãi giỏi, nhưng không phải là nhà tu hành.
Vì vậy, tôi mong Tăng Ni sinh khóa XI cũng là khóa đầu tiên tốt nghiệp ở trú xứ này, hãy cố gắng trau dồi đức hạnh để đủ tín chỉ tốt nghiệp ra trường hạng ưu.
Về hạnh tu thì căn cứ trên bốn oai nghi, nói rộng là còn đòi hỏi Tỳ-kheo phải có oai nghi tế hạnh trong việc ăn uống, ngủ nghỉ. Vì vậy, nếu xét thấy các anh em mất oai nghi, thiếu tế hạnh và học lực còn yếu, thì phải rèn luyện thêm một thời gian mới được lãnh bằng tốt nghiệp. Đó là một số điều mà tôi nhắc các Tăng Ni sinh khóa XI cần lưu ý.
Còn những vị thuộc khóa XII của trường thì thời gian tu học còn lâu hơn, nên cố gắng rèn luyện đức hạnh và kiến thức để tốt nghiệp hạng ưu, không hổ danh ngôi trường kiểu mẫu của thành phố và không cô phụ công ơn giáo dưỡng của chư tôn đức lãnh đạo trường cùng quý Giáo thọ sư và đàn na tín thí.
Đức Phật là tấm gương sáng để chúng ta nương theo, là vị Thầy lớn của đời chúng ta, là đối tượng chúng ta tôn thờ và quyết tâm đi theo con đường mà Ngài đã chỉ dạy.
Phật giáo Nam truyền nói rằng Đức Phật vào Niết-bàn, tất cả Tỳ-kheo phải lấy pháp và luật làm thầy. Pháp Tứ niệm xứ là chính, phải an trụ Tứ niệm xứ, vì rời pháp căn bản này, chúng ta lạc vào tà giáo, không còn là Tỳ-kheo. Từ Tứ niệm xứ mở rộng là 37 Trợ đạo phẩm và về sau, chúng ta học kinh Đại thừa triển khai pháp hành Bồ-tát đạo. Nhưng pháp Tứ niệm xứ và 37 Trợ đạo phẩm, chúng ta phải rèn luyện để trở thành Tỳ-kheo đức hạnh vẫn là pháp căn bản.
Ngoài ra, Phật cũng dạy hàng đệ tử tu hành phải nương vào giới luật; vì giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất. Theo Phật giáo Nguyên thủy, giới luật này là giới luật của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức xoa, Sa-di, Sa-di-ni và giới của Phật tử tại gia. Đó là kỷ cương của đoàn thể mà chúng ta phải tôn trọng. Các nước Phật giáo Nam truyền nhờ tôn trọng và giữ kỷ cương này nên tồn tại lâu dài.
Chúng ta cần suy nghĩ và áp dụng giới luật trong cuộc sống, nhưng Phật giáo phát triển tiến lên một bước có tầm nhìn khác. Tại sao gọi là phát triển. Hễ cái gì ngừng lại thì được coi là chết. Nhưng Phật giáo là sự sống, không phải vật chết. Vật chết thì đóng khung, còn sự sống phải luôn phát triển, phát triển về cơ sở vật chất và tri thức của chúng ta. Tức người còn sống tất yếu phải phát triển mà người ta thường nói đó là văn minh tiến bộ của loài người. Phật nói loài người hơn các loài khác là nhờ biết phát triển. Vì vậy, nếu chúng ta không phát triển theo sự phát triển của loài người, Phật giáo sẽ bị lạc hậu và mai một.
Có thể khẳng định Phật giáo chúng ta tồn tại trong suy nghĩ của con người, trong sinh hoạt của con người. Vì vậy, khi nào loài người loại Phật giáo ra khỏi suy nghĩ của họ, tức họ không còn quan tâm đến Phật giáo, chắc chắn Phật giáo tự chết. Thật vậy, kiểm lại thực tế lịch sử sẽ thấy rõ Phật giáo rơi vào tình trạng suy đồi, vì ở thời kỳ đó, Phật giáo đã đứng bên lề xã hội.
Nhận thức ý này, Phật giáo chúng ta luôn sinh hoạt đồng nhịp với xã hội, xã hội đi lên, chúng ta phải đi lên, không được đứng lại. Theo Phật giáo Nguyên thủy, những gì Phật nói ví như nắm lá trong tay, những gì Phật chứng đắc, tức trí giác của Phật ví như lá trong rừng. Lá trong rừng là sức sống. Lớp lá này rụng thì có lá mới có thể tốt hơn; đó chính là ý nghĩa của phát triển.
Phật giáo Nguyên thủy là gốc, là hạt mầm, nhưng về sau trở thành cây cao bóng cả là có phát triển, không phải muôn đời là hạt mầm. Vì vậy, Phật khẳng định rằng những gì Như Lai đã nói là Ngài dùng phương tiện để nói. Pháp Phật là phương tiện thì phải hiểu Phật nói cho ai, nói lúc nào và nói ở đâu; phát triển là như vậy, không phải lúc nào cũng giống nhau.
Nhận thức rõ tác dụng linh hoạt của pháp phương tiện, Phật giáo phát triển nhìn xa hơn, thấy Phật thuyết pháp trong suốt 49 năm, qua hơn 300 hội, không có hai thời pháp nào giống nhau, vì được đặt trên ba tiêu chí là chỗ nào, lúc nào và người nào. Vì vậy, Phật giáo phát triển có cái nhìn khác.
Riêng tôi thường đặt vấn đề nếu có Phật ở đây và ngay bây giờ thì Ngài sẽ nói gì, tức người có trí tuệ sẽ nói gì. Người không trí tuệ thì cố chấp. Có trí tuệ thấy gì xảy ra ở đây thì nói đúng với hoàn cảnh mới có hiệu quả.
Cái nhìn của Phật giáo phát triển nhận thấy trong hơn 300 hội Phật nói pháp, không thời pháp nào giống thời pháp nào. Lý này được kinh Pháp hoa gọi là khai thị. Khai là mở ra, khai cái gì. Khai cái bế tắc. Vì Phật có trí tuệ, Ngài thấy rõ bế tắc của người tu và của xã hội thời đó.
Về điểm này, trước kia tôi đã nói rằng người cố chấp thường nghĩ Phật giáo tốt, ngoại đạo xấu. Nhưng điều này đúng không. Phật giáo tốt, nhưng tốt chỗ nào. Ngoại đạo có điểm tốt cũng có điểm xấu. Phật giáo cũng vậy, có tốt lẫn xấu. Nếu chúng ta biết khắc phục điểm xấu và phát huy mặt tốt thì sẽ tốt. Ngoại đạo, hay người không có niềm tin tôn giáo ở thời đại này nói Phật giáo đào tạo người ăn hại, vô dụng, phi sản xuất. Nếu Phật giáo là như vậy, thì nguy hiểm vô cùng. Ngày nay chúng ta thấy có người khoác áo tu Phật giáo để lừa dối mọi người. Việc này có xảy ra và tất nhiên là không tốt.
Để nhắc nhở chúng ta đừng bị mắc lầm vào hình thức bên ngoài của người tu giả, kinh Kim cang đã nói rõ cái gì có hình tướng khiến người ta có thể lợi dụng thì cái đó là hư vọng. Một bó nhang chỉ đáng giá 10 ngàn đồng, nhưng họ kiếm ăn bằng cách bán mắc hơn nhiều và nói bán cho chùa, bảo người ta mua để cúng chùa, có phước. Rõ ràng buôn bán như vậy là lợi dụng Phật giáo, không tốt.
Đức Phật đã ngăn việc lợi dụng uy tín của Phật và Thánh chúng khi Ngài còn tại thế. Phật bảo năm Tỳ-kheo không được đi khất thực, phải ở yên một chỗ để tu Tứ niệm xứ quán. Họ thực hiện lời Phật dạy thì chỉ sau ba tháng An cư, họ đắc đạo. Và sau khi các thầy này đắc La-hán, Phật bảo mỗi người đi một hướng để giáo hóa. Nhưng vì người ta quên điều này, nên không lo tu cho đắc đạo, mà cứ ôm bát đi khất thực hoài. Đắc đạo mới đi khất thực để vào làng giáo hóa, không phải để xin ăn. Khất thực là cái duyên để đến với người, giúp họ kết duyên với đạo Phật.
Thực tế có những vị chân tu một tuần đi khất thực một lần, nhưng họ đi có định hướng rõ rệt, vì Phật đã dạy điều này. Buổi sáng phải nhập định trước, coi đi đâu và nên gặp ai. Trong thiền định đã thấy như vậy, mới đến đó để độ người đó, nghĩa là có mục tiêu đàng hoàng, gọi là Phật hóa duyên. Thể hiện lý này, Phật giáo hóa người nào cũng thành công, tức thấy người có duyên mới độ. Với người không có duyên, Phật còn không độ được, huống chi chúng ta.
Các thầy ra trường hành đạo phải suy nghĩ ý này. Quán sát chỗ có duyên và người có duyên với mình, thì đến nhứt định thành công. Còn không thấy cái duyên mà cứ nghĩ rằng chỗ nào có người là tới, nhiều khi bỏ mạng, phải cẩn thận.
Vì vậy, nếu căn cứ theo Nguyên thủy rồi nói Tỳ-kheo phải khất thực là cố chấp. Phật cho Tỳ-kheo nào đi khất thực. Tỳ-kheo không có oai nghi thì không cho đi khất thực. Đủ 3.000 oai nghi mới đi khất thực.
Khi còn sanh tiền, Hòa thượng Trí Thủ từng nói Tỳ-kheo có đủ oai nghi thì nhìn thấy họ từ xa, người đã phát tâm. Và họ đến gần, chúng ta thấy rõ tế hạnh của họ, từ bước chân, từ cử chỉ nhỏ đã thể hiện diệu tướng vượt trên người bình thường, tức không còn tham, sân, si.
Thực tế chúng ta thấy người tham thường có cử chỉ tham; người bực tức thì có cử chỉ bực tức, người si mê lộ ra cử chỉ si mê.
Tỳ-kheo đắc đạo, giải thoát, nên thọ giới đã lãnh thọ ba pháp bất hoại: người đánh, họ không đánh trả, người nói xấu, họ không nói xấu lại, người hại họ, họ không hại lại, tức trong lòng Tỳ-kheo đắc đạo đã vắng bặt tham, sân, si.
Tỳ-kheo có oai nghi thì đến gần họ thấy đáng kính trọng và sống chung với họ, cảm thấy an lạc. Vì vậy, Tỳ-kheo ở chỗ nào, chỗ đó được bình yên, vì tâm và cuộc sống của họ đã bình yên, nên việc làm luôn được trí tuệ chỉ đạo và đạo đức của họ biến thành đạo lực giáo hóa chúng sanh. Đó là mẫu Tỳ-kheo đi khất thực làm cho Phật giáo hưng thạnh.
Đức Phật xây dựng mô hình đầu tiên khi độ năm Tỳ-kheo Kiều Trần Như là xây dựng họ có oai nghi và tế hạnh. Thật vậy, 50 công tử dòng Da Xá thấy oai nghi tế hạnh của năm Tỳ-kheo này, liền phát tâm không trở về nhà, nguyện ở lại để tu.
Oai nghi tế hạnh và đạo lực của các Tỳ-kheo này đã ảnh hưởng họ khiến tâm họ trở nên thanh tịnh lần và sáng ra. Vì vậy, khi họ quyết tâm tu ở độ tuổi còn trẻ, nên tu nhanh hơn các Tỳ-kheo lớn tuổi. Ngài Trí Giả ví những người lớn tuổi mới tu như cái áo dơ rách, nghĩa là trong đầu đã đầy ắp dữ liệu của đời thường.
Các anh em ngày nay thường phạm sai lầm là thích lên mạng coi đủ thứ chuyện thường là không tốt. Tôi rất sợ việc này, vì đã đem vô tâm chúng ta toàn những việc bất an. Thiết nghĩ tất cả việc đời đều xấu mà Tỳ-kheo tiêm nhiễm, chắc chắn hình tướng Tỳ-kheo còn, nhưng bản chất thầy tu đã mất hoàn toàn.
Chính vì muốn Tăng Ni sinh không phạm phải sai lầm này khi đang tu học, trường chúng ta hạn chế tối đa việc cho phép tiếp xúc với bên ngoài, để giúp anh em có điều kiện thuận tiện mà rèn luyện đạo đức.
Trở lại việc 50 công tử tiếp nhận được ảnh hưởng tốt đẹp của hạnh Tỳ-kheo, nên chỉ sau một mùa An cư, họ đều đắc Thánh quả. Cha mẹ đến tìm con, nhận thấy trước kia họ ăn chơi, nhưng nay đã thay đổi hoàn toàn theo hướng thánh thiện, nghĩa là họ có oai nghi tế hạnh. Thấy như vậy, các ông bà này ham quá, nên xin Phật ở lại tu. Phật nói quý vị có ý niệm xuất gia là tốt rồi, thì chí xuất gia tháng ngày giữ dạ.
Tôi thấy có người muốn tu, phát tâm mạnh, nhưng một thời gian sau thì họ thụt lùi, trở thành dở.
Đức Phật có trí tuệ, thấy người muốn tu, nhưng điều kiện đắc quả La-hán chưa có thì không cho tu, ví như trái hái sớm, không ăn được, phải chờ chín, tức nhân duyên thuần thục mới xuất gia được.
Vì vậy, Phật bảo các ông bà muốn tu, nên phát nguyện giữ bốn giới là sát, đạo, dâm, vọng (sau này mới có thêm giới thứ 5, không uống rượu). Tỳ-kheo cũng có bốn giới này. Trong Phật giáo, bốn Ba-la-di là giới gốc quan trọng, về sau mới triển khai thành 250 giới của Tỳ-kheo.
Phật bảo quý vị về nhà tập giữ bốn giới này là tu, xuất gia liền chưa được. Vì vô chùa buồn, nhớ nhà, tất cả nghiệp thức trong lòng còn tồn tại, nó sẽ nổi dậy. Thật vậy, khi còn là học tăng, tôi chứng kiến có đạo hữu phát tâm rất mạnh, ba tháng an cư lên chùa Ấn Quang tu với chư Tăng. Muốn tu, nhưng nghiệp nặng, làm sao tu. Ngày đầu ông này tu tinh tấn, nhưng sau yếu dần, ăn chay không được, ngồi đâu ngủ đó là hỏng. Như vậy là nghiệp còn.
Sau này các thầy có độ chúng xuất gia, phải thấy căn tánh, nhân duyên của họ đầy đủ, mới cho xuất gia. Riêng tôi, tu đến nay được 69 năm, độ người xuất gia chưa được ai, chưa có đệ tử nào đi theo con đường tôi chọn, trong khi học trò thì đông. Chọn một người xuất gia rất quan trọng, vì tâm họ và tâm mình có giống nhau hay không, ý chí của họ và ý chí của mình có giống nhau hay không. Tâm chí hạ liệt thì làm sao lãnh pháp vô thượng.
Đào tạo Tỳ-kheo rất khó, các anh em cẩn trọng khi khuyên người đi tu. Qua việc các ông bà dòng Da Xá xin xuất gia như vừa nói trên, Đức Phật chúng ta cũng đã tuyển chọn cẩn thận như vậy.
Cư sĩ nửa tháng về chùa bố-tát cũng tốt và họ sinh hoạt với chùa, sẽ nhận thấy đức hạnh của chư Tăng mà họ kính mến, nên học theo. Bài sám Quy mạng cũng nói ý này: “Thử thế phước cơ mạng vị, các nguyện xương long. Lai sanh trí chủng linh miêu, đồng hy tăng tu. Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo…”. Bây giờ thì muộn rồi, nhưng cứ xuất gia tu, e rằng không khéo sẽ bêu xấu đạo Phật. Kiếp này cố tạo một số công đức để làm hành trang cho đời sau xuất gia.
Người theo Đại thừa có tiến bộ nhìn kỹ giáo lý của Phật qua lăng kính Đại thừa, qua lăng kính tiến bộ và quan sát qua giáo lý Nguyên thủy mới thấy giáo lý không cố định, mà có khác nhau. Có các kinh Đại thừa, nhưng cũng từ Phật giáo Nguyên thủy mà phát triển lên, nó là một. Không phải Phật nói riêng kinh Nguyên thủy, nói riêng kinh Đại thừa. Người theo Nguyên thủy kết tập thành kinh Nguyên thủy. Người theo Đại thừa thì kết tập thành kinh Đại thừa.
Thật vậy, tuy học Phật pháp chung, nhưng mỗi người ứng dụng và truyền bá hoàn toàn khác nhau, nên Phật giáo phát triển là như thế. Và trên tinh thần phát triển, chúng ta sẽ thấy khác. Từ lý này, Đại thừa nhìn về Phật là nhìn về hành vi, cử chỉ của Phật, về sức cảm hóa của Phật là thấy xa hơn; không phải chỉ thấy hình thức bên ngoài mà họ theo Phật.
Tại sao họ theo Phật, không theo người khác, tại sao có trường hợp họ theo Tôn giả Mục Kiền Liên, không theo Phật. Nhận ra sự khác biệt này là cách nhìn theo Đại thừa, nên kết tập kinh và ứng dụng thành kinh Đại thừa.
Kinh Đại thừa là Bồ-tát tạng cũng phát xuất từ Nguyên thủy, nhưng có cái nhìn tương ưng với văn minh thời đại. Thật vậy, thiết nghĩ sinh hoạt xã hội 50 năm sau tất nhiên phải khác 50 năm trước. Các Hòa thượng không biết vi tính, nhưng thời đại của các anh em thì khác rồi.
Nhận thức tầm quan trọng này, các anh em nhìn qua lăng kính Đại thừa để áp dụng pháp Phật vào xã hội cho thích nghi. Vì sinh hoạt của đạo Phật không ngang tầm với xã hội, thậm chí không đi trước một bước, chắc chắn Phật giáo khó tồn tại.
Vì vậy, vào thời kỳ Phật giáo Phát triển, chư vị Tổ sư đã phát triển ra Phật Báo thân. Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Phật vào Niết-bàn, phải y cứ giới luật và Tứ niệm xứ, lấy đó làm thầy.
Nhưng Phật giáo Đại thừa thấy xa hơn, không phải chỉ hạn hẹp như vậy. Thử nghĩ khi các anh em tu Tứ niệm xứ có cần kèm theo giới luật hay không. Giới luật là hàng rào ngăn giặc giúp cho các Tỳ-kheo đi ra ngoài được an ổn. Còn ở yên một chỗ thực tập Thiền Tứ niệm xứ, thì làm gì có phạm sát, đạo, dâm, vọng, nên giới này không có tác dụng gì. Hoặc các thầy mua đất cất chùa phải hợp pháp, tức phải tuân thủ nguyên tắc đất phải có sổ đỏ. Các thầy ở trong thiền định thì có dính líu gì đến mua đất cất chùa đâu, tất nhiên Luật Đất đai và xây chùa chẳng cần đặt ra cho mình. Còn thấy đất trống mà chiếm là bất hợp pháp. Tăng Ni sinh ở yên trong Học viện tu học cũng vậy, những vấn đề nêu trên chẳng liên quan đến quý vị, không cần quan tâm, nhưng tất nhiên các anh em phải tôn trọng quy chế của Học viện.
Trong thiền quán, tất yếu phải cắt bỏ cuồng tâm, vọng tâm. Sát, đạo, dâm, vọng là cuồng tâm cũng phải cắt luôn. Thực tu Tứ niệm xứ, tất cả giới luật bị loại ra ngoài; nhưng rời Tứ niệm xứ mới y giới luật, căn cứ vào giới luật. Thí dụ đi ra hành đạo, muốn cất chùa phải căn cứ Luật Tôn giáo, Luật Đất đai. Chúng ta không cất chùa mà nghiên cứu những luật này làm cuồng tâm sanh thêm, rối thêm.
Theo tinh thần Đại thừa, cái gì có tác dụng thì chúng ta tôn trọng và giữ gìn; những gì không tác dụng thì không nhắc tới.
Có Phật tử xin ở chùa tu Bát quan trai, các thầy cố chấp, cứ hỏi một ngày một đêm, quý Phật tử giữ giới không dâm dục được không. Lặp lại như vậy mà không suy nghĩ, ở chùa làm gì có chỗ để phạm giới đó, đã thu xếp nam nữ ở riêng mà. Điều này không thể xảy ra, nhưng cứ nhét vô đầu họ ý này để làm gì.
Nhưng tại sao lại truyền giới này, vì thọ giới xong, các ông bà về nhà tu, không phải ở chùa, thì phải ráng giữ giới thứ nhất đến giới thứ tám.
Phật tử đến đây tu gọi là một ngày an lạc, cắt gia duyên ràng buộc để Phật tử được thanh tịnh, giải thoát theo chư Tăng. Tu cả đời thì không được, nhưng tu một ngày được, để gieo duyên với đạo, sau này quý vị xuất gia.
Nhìn bằng lăng kính Đại thừa là cái nhìn siêu việt bằng trí tuệ. Điều nào có tác dụng, chúng ta ngăn, không cần thì thôi, không nói. Kinh Duy Ma dạy rõ ý này, môi trường phạm giới không có, chúng ta bày ra làm gì khiến cho tâm mất công suy nghĩ.
Trở lại cách nhìn qua Đại thừa là nhìn Báo thân Phật, là nhìn cách xử sự của Phật mà chúng ta làm theo. Vì vậy, Đại thừa nói Báo thân Phật là suy nghĩ, lời nói, hành động của Phật. Lời nói và việc làm của Phật đã tác động tốt cho xã hội đương thời và ảnh hưởng sâu sắc cho đến ngày nay, vì Phật có cách chỉ đạo tốt bên trong.
Thật vậy, Phật khác người ở chỗ, thân khẩu ý của Như Lai tùy trí tuệ hành. Còn chúng sanh thì lời nói và hành động của họ do nghiệp chỉ đạo.
Thí dụ chúng sanh do tâm bực tức bên trong, nên nói nặng, là nghiệp. Còn có trí tuệ thì thấy nó đánh mắng do nhân duyên gì mới tùy theo đó mà hóa giải. Thể hiện lý này, trên bước đường hành đạo, thầy tu thấy nên đến đâu để truyền bá Chánh pháp được lợi lạc cho nhiều người, hoặc nên độ ai để họ tiến xa trên đường học Phật.
Điển hình như Phật độ Vô Não trở thành La-hán, nhưng Ngài chỉ độ một sát nhân hữu duyên này, không phải độ hết kẻ sát nhân. Các anh em bắt chước kiếm sát nhân độ, coi chừng họ chém chết.
Phật có trí tuệ chỉ đạo thấy rõ tiền thân Vô Não là gì, Ngài thấy ba đời nhân quả và thấy thời cơ giáo hóa chín muồi, nên vị này mới buông dao, tu hành, trở thành thanh tịnh La-hán.
Tôi thường suy nghĩ bây giờ và ở đây, Phật sẽ nói gì, làm gì. Ta dùng trí tuệ của ta mà trả lời cho đúng đắn. Đi giáo hóa, đi hoằng pháp là thể hiện tinh thần như thế. Tôi đã làm Trưởng ban Hoằng pháp 25 năm, có kinh nghiệm này, nên luôn đặt vấn đề ngay bây giờ và ở đây, người có trí tuệ sẽ làm gì, nói gì.
Muốn có trí tuệ phải học theo người có trí tuệ, làm theo người có trí tuệ. Nếu ta không có trí tuệ, bị người xúi làm sai quấy đến mất mạng thì họ phong chức Thánh tử đạo, ta được gì.
Năm 1963, tôi mắc phải sai lầm này, nhưng nhờ may mắn thoát nạn. Lúc đó, Tăng Ni trẻ làm đơn xin tự thiêu, trong đó có cố Hòa thượng Phước Đường và tôi. Khi nổi hứng lên, lại gặp người khích mình để mình muốn làm Bồ-tát, làm Thánh. Tôi gặp vị cao tăng đã nhắc tôi dừng việc tự thiêu, hỏi tôi rằng ông có thấy quá trình tu của ông có bằng Ngài Quảng Đức chưa. Nếu có công đức bằng Ngài thì mới thiêu, còn chưa thì nên tu, không nên tự thiêu.
Bồ-tát Quảng Đức trải qua 49 năm trì kinh Pháp hoa, có sức rèn luyện chịu đựng rất kỳ đặc. Ngài nhịn ăn cả tuần trước khi tự thiêu, nhưng không đói khát, nóng lạnh và an nhiên tĩnh tọa trong ngọn lửa bao phủ toàn thân, không bị lửa nóng bứt ngặt, tức trụ định vững được mới nên thiêu. Tôi nhờ được thiện tri thức khai ngộ mà thoát được nghiệp; nếu gặp ác ma xúi dại thì mạng sống kết thúc từ lâu.