Suy ngẫm về chữ tham
GN - Đạo đức Phật giáo và đạo đức mạng xã hội ở mọi thời đều lên án lòng tham, mọi nền luật pháp đều chiến đấu với lòng tham để bảo vệ công lý. Tham lam không bao giờ và bất cứ đâu được coi là ưu điểm. Đấy là điểm tương đồng trong khác biệt giữa các hệ giá trị sống.
Giáo lý Phật giáo luôn nhấn mạnh cảnh giác và chế ngự lòng tham. Tham không chỉ là tham ăn, ngủ, tiền bạc, sắc dục... mà còn tham danh, tham lời ngon ngọt tâng bốc, tham sống, tham tồn tại, hiện hữu...
Tôi có bán buôn lặt vặt, hàng ngày va đụng chợ búa, để ý rồi nhận ra: bán giá nào cũng có người chê đắt. Người mua luôn khát khao cái giá hạ mãi không ngừng bất chấp giá đã chạm đáy. Sự đôi co mặc cả có khi vài đồng lẻ, quyết liệt đến khó tin. Tham lợi!
Có người ban đầu ôm giấc mơ công danh giản dị, một chức quan be bé đủ cơm ăn áo mặc, có chút danh phận với đời. Nhưng rồi họ mải miết chạy theo danh vọng bao nhiêu cũng không thỏa, tranh giành để ngồi chiếc ghế cao hơn, dù chỉ một phân. Tham danh!
Dịch vụ chăm sóc nhân dáng (thẩm mỹ) ăn nên làm ra mãi vì khách hàng không hài lòng với những gì đã và đang có, nâng cấp miết, bất chấp rủi ro và chi phí đắt đỏ. Tham sắc!
Tôi cũng để ý và có lần thú vị nhận ra ý nghĩa đặc biệt của chữ “thi”: thi ở học đường, đấu trường thể thao hay sân khấu... Thi tú tài, cử nhân, tiến sĩ đã đành, nó xác lập trình độ, ghi nhận tiến bộ và kết quả học tập nghiên cứu. Song, có khi người ta tinh quái tổ chức những cuộc thi được khích lệ bằng tiền (giải thưởng), bằng danh dự (giấy khen), bằng tán thưởng (tiếng vỗ tay). Cả nước một ngày có bao nhiêu cuộc thi như thế không ai thống kê hết, người ta tranh nhau, ngẩng cao đầu như lên bục danh dự nhận giải Nobel! Tâm lý sính chữ thi, giải thưởng. Chuyện một lớp học 100% có giải thưởng không hiếm ở xứ mình, cũng khai thác lòng tham danh vị. Chữ tham ở đây có tiêu cực?
Trên sân cỏ, lòng tham chức vô địch danh giá cuốn các cầu thủ xung trận không khác trên chiến trường. Không ai trách họ “tham” thành tích, sự lơ là chểnh mảng trên sân bị lên án, la ó và thậm chí lãnh chịu hậu quả. Người ta vỗ tay tán thưởng lòng tham ấy, tham danh dự, một giá trị ở đời thường. Nhưng khi chơi xấu, phá chân, tiểu xảo, ăn gian… cũng vì lòng tham sẽ bị lên án, đả kích và nhận hậu quả. Cũng sự tham, khác nhau nhiều.
Về một phương diện khác, chính lòng tham thôi thúc mãnh liệt nhân loại chinh phục tự nhiên, khám phá và kiến tạo. Các cuộc thám hiểm, phát kiến địa lý để hoàn thiện dần bản đồ thế giới đã nói lên điều đó. Chinh phục không gian, cách mạng khoa học kỹ thuật… có gốc từ lòng tham cũng đã góp phần to lớn hình thành đời sống văn minh ngày nay. Vậy, có một cách hiểu nào đấy khác nhau về chữ tham?
Tham nghiên cứu học hỏi lao động để phát triển, thăng tiến, không bị cho là xấu, tiêu cực hay ác. Đấy là mong cầu chính đáng và nên có. Ngay các nhà tu hành cũng có thể dùng chữ “tham” (tạm gọi Dục như ý túc) để nỗ lực tinh tấn giác ngộ, đạt đến mục đích tu hành, cứu nhân độ thế. Ai cho đấy là lòng tham xấu ác? Lòng “tham” ấy là hoài bão, là đại nguyện.
Lòng tham, chữ tham, khôn cùng...