Động Phong Nha và Những dấu tích Phật giáo cổ nhất Đông Nam Á
Động Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) với cả một hệ thống hang động, sông ngầm và muôn vàn những cột thạch nhũ lộng lẫy rủ xuống muôn hình muôn vẻ… từ lâu đã được biết đến như một danh thắng kỳ thú của đất nước, kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Ngay ở thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã ca ngợi động Phong Nha mà người xưa gọi là Động Chân Linh: “Động Chân linh ở nguồn Chân Linh, châu Bố Chính, sau lưng là núi, trước mặt là nước, cửa động hẹp chỉ lọt một cái xuồng, trong động rộng rãi. Người đi xem cầm đuốc men trên bộ mà vào, đi bộ 100 dặm thì có một cái cửa vào trong ấy thấy trời đất, mặt trời, mặt trăng, mây ráng, cỏ hoa, rõ ràng là một thế giới. Có phiến đá to bằng phẳng như bàn cờ, có con cờ. Bốn bề là vách đá như ngọc đẽo thành. Cảnh vật lạ đẹp, trong có nhiều bài thơ đề vịnh” (1). Không chỉ đến thế kỷ XVIII, mà trước đó, vào thế kỷ XVI, trong sách Ô Châu cận lục, Dương Văn An đã có những ghi chép rất tỉ mỉ và lý thú về khu hang động duy nhất ở đất Ô Châu - Động Chân Linh (nay là Động Phong Nha) này: “Động ở huyện Chân Linh, châu Bố Chính. Đằng sau lưng dựa núi biếc, phía Tây đầu gối dòng xanh. Bên dưới nước nhuốm màu biếc, mé trên đá phủ rêu phong. Động có một cửa hẹp chỉ vừa một thuyền đi, vào bên trong động thì dần dần rộng ra. Người vãng cảnh đi thuyền tới đây, trước tiên cần phải thanh tịnh trai giới, khi gặp nước yên sóng lặng, gió quang mây tạnh mới đốt đuốc sáng theo dòng nước mà vào. Liền nghe gió thổi thành muôn điệu sáo, trong động âm vang như vạn tiếng đàn. Đi tiếp khoảng trăm dặm thì có một cái cửa như miệng cá. Nơi đây trời đất sáng sủa có ánh sáng mặt trăng, mặt trời rọi chiếu, cỏ yên mây lặng thanh tịnh không dính chút bụi trần. Chim hót mừng người, hoa cười đón khách, mở ra cả một khoảng đất trời riêng. Đá tảng lớn và phẳng, có bàn cờ đá có quân cờ. Xung quanh vách đá như đẽo gọt, có những điểm nhỏ lấm tấm, nom tựa đồng tiền, hoặc như làn tóc, hoặc như hình người, hoặc như hạt cườm rủ. Nước lặng biếc như mắt sư, núi thẳm xanh như đầu Phật. Chim chơi trên cát, chân còn in dấu, cá giỡ nước chẳng gợn tăm. Dẫu có cảnh trí Đào Nguyên cũng không hơn được nơi này. Văn nhân trong huyện có nhiều người đề thơ, người đời sau xem lại thấy ở những chỗ đề thơ này như có dấu khuyên dấu chấm. Tục truyền, ở trong động có cái trứng vàng bị chìm dưới đáy nước, có một vị thuật sĩ muốn tới lấy lên, khi đến cửa động, gặp dân địa phương bảo sóng gió không thuận, không nên vào. Thuật sĩ vốn tự phụ cậy mình có phép thuật thần diệu, nên cứ bơi chèo đi vào. Được một lúc, bỗng nghe có tiếng trống, tiếng tù và nổi lên ầm ầm, nhìn nhau thất sắc phải vội quay thuyền trở ra. Sự linh dị đại loại như vậy. Có câu thơ cổ rằng:
Đông môn vổ tỏa thược
Tục khách bát tằng lai
Dịch là:
Cửa động không then khóa
Khách tục chẳng thể qua
Chính là nói về chuyện này[1].
Đến thế kỷ XIX, các sứ giả của Quốc sử quán triều Nguyễn còn cho biết thêm: “Nay hỏi người địa phương đều nói, tục truyền núi này anh linh, nhưng cửa ngõ khóa chặt đã lâu, gần đây không có du khách đến thăm nữa”. Theo Quảng Bình tỉnh chí, thì động ở một ngọn núi đá về phía Tây xã Lệ Sơn Thượng, bên dưới là khe suối. Tương truyền xưa có Chân Linh tiên nữ ở trong động, lại có một vị tăng tinh thông pháp thuật, một hôm trai tăng đến chân núi múa kiếm chém bụng núi, chặt chân núi, tiên tử bèn chạy đến phường Phúc Lâm, vị tăng cũng chạy theo, rồi hai người đều hóa thành đá ở trên núi, cho nên có tên là Núi Đạo Sĩ cũng gọi là Núi Trai Tăng Tiên Tử, dân địa phương Phúc Lâm lập đền thờ ở dưới núi. Trên núi có hai hòn đá, đứng xa mà trông, một hòn như hình ngọc nữ hóng gió, một hòn như hình người tiên cưỡi mây? Ở sườn núi này có chỗ đá như bị cắt, tục nói đây là vết kiếm chém của vị tăng, ở chân núi có chỗ lõm vào, tục nói đây là vết vị tăng chặt chân núi. Về phía tây núi, bực đá mở ra một cái hang có đền Chân Linh tiên nữ, khi hạn hán cầu đảo thường được ứng nghiệm”[2].
Thế nhưng, chỉ từ cuối thế kỷ XIX, động Phong Nha mới thực sự được khám phá và được nghiên cứu một cách khoa học. Công đầu trong việc khám phá này thuộc về các linh mục người Pháp, mà trước hết là linh mục Cadiere[3]. Một linh mục người Pháp khác là linh mục L.de.Lajonquaire cũng đã tới Phong Nha và đã để lại những ghi chép khá chi tiết: “Một lỗ thoát nước dài 200 mét kéo từ sông đến một vách đá cao đứng thẳng có những kẽ nứt nghiêng; vách đá dựng đứng và trơ trụi từ mặt đất bằng của bến đến tận đỉnh sơn khối mà ở một số điểm cao đến 80, 100 mét. Một cửa hang rộng đến vài chục mét, trên trần là một kẽ nứt nghiêng, dẫn vào một cái động đầu tiên trông thật là kì thú. Động hình tròn, đường kính rộng đến vài mươi mét. Trần động khum tròn, lại buông xuống từng chùm thạch nhũ. Vách động được khoét và vạt vào; những vòm đá nhỏ thông vào các ngóc ngách, các góc tối.
Một mảng nước bình lặng trong vắt, và xem chừng rất sâu, trải ra khắp động. Trên vách, những hõm sâu mờ mờ ảo ảo không biết đâu là đáy. Ánh sáng phản chiếu trên mặt gương xanh biếc của làn nước, tô những màu sắc rực rỡ lên vòm động, lên những dòng thạch nhũ, lên những khe, những kẽ kì lạ trong đá.
Một ngách dài chừng vài mươi mét nằm dưới một kẽ nứt rất thấp (chỉ độ 2,20 mét trên mặt nước) dẫn đến một cái động thứ hai; ánh sáng xuyên suốt đến tận đáy, chiếu rọi lên một dòng nhũ đá cứng lại, thành hình vòm cung; xa hơn, ánh sáng không còn xuyên vào được nữa và làn nước cứ chìm dần giữa hai vách đá, vào trong bóng tối sâu thẳm.
Dưới ánh lửa đuốc của người chèo đò, ta có thể nhận ra được một phòng dài, rộng chừng vài mươi mét, trần lúc thì khum tròn, lúc thì vòm cung nhọn, cao đều đều từ mười lăm đến mười tám mét. Vách động bằng đá vôi xanh nhạt khi thì phẳng lì và vạt vào, khi thì phủ ngoài bằng những mảng đông cứng lại.Những dòng thạch nhũ đông lại thành từng chùm đồ sộ chứng tỏ một quá trình thẩm thấu lâu dài không mệt mỏi. Con thuyền trôi từ từ, phải bơi hai mươi lăm phút mới đến được một cái bến đất thó dốc đứng, đó là phù sa do nước lũ đem vào, lấp bằng những hốc lõm trong đá để tạo thành mặt đáy nền của động. Đến đây, cái phòng dài thu hẹp lại, trần hạ thấp xuống, mặt đất lỗ chỗ những hố sâu mà phù sa không trôi vào được, và cái hang kéo dài đến 1.200 mét tính từ cửa vào, kết thúc bằng một ngách con hẹp, ngách còn kéo dài đến 300 mét nữa dưới các kẽ nứt của sơn khối.
Cách nơi cặp bến độ 30 mét, có hai trụ đá dẹp, tạo thành bởi những nhũ đá từ trần chảy xuống, từ mặt nền nhô lên họp lại cùng nhau, đỡ lấy cái vòm động, mở đầu cho một dãy hàng cột dường như móc nối vào nhau. Hai bên vách ở lối vào, phủ một lớp bụi diêm tiêu đóng lại khá dày. Trên lớp bụi trát đó, có những vết chữ khắc vội vàng không chau chuốt của những người khách đã đến đây từ thời rất xa xưa. Các khách đó hình như là người Chàm[4].
Động Phong Nha đã có từ rất lâu. Theo các nhà địa chất, cách ngày nay 5 - 7 triệu năm, Động Phong Nha đã được hình thành do những kiến tạo địa chất trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Thế nhưng con người thì lại chỉ mới thực sự khám phá ra khu hang động kì thú này từ cuối thế kỷ XIX. Đến những năm cuối của thế kỷ XX, Động Phong Nha lại được thêm một lần khám phá khoa học nữa.
Sau năm 1990, Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đã nhiều lần đến khảo sát Động Phong Nha. Và, thật lí thú, theo đánh giá của Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh, Động Phong Nha là quần thể hang động có giá trị hàng đầu thế giới với nhiều cái nhất: có sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất. Cũng theo số liệu khảo sát của các nhà hang động học, chiều dài các hang của Phong Nha là 64.385 mét. Trong số các hang động đó, Hang Vòm là hang dài nhất Việt Nam và được Hiệp hội hang động quốc tế xếp vào danh sách các hang động dài ở Châu Á và thế giới. Các hang động ở Phong Nha lại đều có dòng chảy ngầm ra sông Son, có cấu tạo phức tạp, nhiều nhánh; mỗi nhánh lại chia thành nhiều phòng. Tất cả đã khiến cho khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một kiệt tác kì diệu của thiên nhiên. Thế nhưng, trong cả một hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng kì thú và rộng lớn như thế, từ xưa tới giờ, con người chủ yếu mới tới được một động duy nhất là động Phong Nha - động có độ dài không lớn (hơn 600 mét).
Theo các ghi chép của Dương Văn An và các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn, thì ở khu vực Động Phong Nha, đã có những dấu tích thờ tự của người Việt: đền Chân Linh tiên nữ. Thế nhưng, trước khi có những ghi chép trên, người Chăm xưa đã đến Phong Nha và đã biến khu hang động này thành một địa điểm tôn giáo quan trọng của mình.
Trong ghi chép của mình (chúng tôi đã dẫn ở trên), L.Lajonquiere đã ngờ những vết chữ trên vách hang động Phong Nha là của những người Chăm xưa để lại. Sau những người truyền giáo, một trong những người Pháp đã tới Động Phong Nha là ông C.Paris. Ông đã phát hiện ra một số hiện vật trong động: bên phải lối vào có một bệ thờ xây bằng gạch Chàm do người Việt làm lại “trước kia là nơi đặt một pho tượng đá chân vắt chéo, đeo một hình chữ vạn trước ngực, đầu có đội mũ che gáy; ở giữa động, cạnh nơi có các dòng chữ, có phế vật của một bệ thờ với pho tượng đá[5]. Các nhà khoa học Pháp còn cho biết đã phát hiện ở Phong Nha (vào cuối thế kỷ XIX) nhiều dấu tích Phật giáo khác nữa bằng đất nung. Trong một bài viết có nhan đề là “Tôn giáo của người Chàm qua các tác phẩm nghệ thuật” xuất bản năm 1901[6], ông L.Finot cho biết là đã tìm thấy ở Phong Nha 35 hình ảnh Phật giáo Đại thừa bằng đất nung thể hiện thành 5 chủ đề: 1. Đức Phật ngồi trên đài sen; 2. Hình tháp có đỉnh hình các lọng ô; 3.Bồ tát Avalokitesvara; 4. Bồ tát Padmapani; 5. Người ngồi trên đài sen. Điều đặc biệt là, các tác phẩm gốm đất nung Phật giáo này của Phong Nha đều nhỏ (đường kính từ 5cm - 10cm) và đều có hình như những chiếc mề đay (mesdaillons) tròn. Ngoài ra, ông H.Parmentier có bản dập một trong những pho tượng nhỏ của Phong Nha. Theo lời ông mô tả, thì đây là một pho tượng Phật nhỏ bằng đất nung rất cứng, ngồi trên bệ sen. Toàn bộ chiều cao của tượng gần 10 cm. Hình người ngồi xếp bằng, bàn tay trái duỗi ra đặt nằm trong bàn tay phải chỉ xuống đất (làm động tác lấy đất chứng giám - NVD). Búi tó buộc ngược thành túm chỉ trên đỉnh đầu. Chỉ vai phải và bàn tay phải là để trần[7]. Ngoài những hiện vật Phật giáo ra, nhà khoa học người Pháp C.Paris đã thu thập (ghi lại) được ở Phong Nha 97 bia ký Chàm làm thành 162 tờ[8]. Thế nhưng, vì dạng tự bất thường và việc dập thời đó không ghi lại được chính xác, nên, cho đến nay, các bia ký Phong Nha vẫn chưa dịch được. Chỉ một số từ là đọc được nhưng cũng cho thấy rõ tính chất Phật giáo của hang động Phong Nha này.
Chỉ những con số 35 hình Phật giáo bằng đất nung và 97 bia ký có thể cũng mang những nội dung Phật giáo đã là những minh chứng đầy thuyết phục về sự hiện diện của hoạt động Phật giáo tại Động Phong Nha vào thời Champa. Không phải ngẫu nhiên mà, ngay từ năm 1925, trên cơ sở nghiên cứu các hình Phật giáo bằng đất nung được phát hiện ở Thái Lan và một số nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, nhà Đông phương học nổi tiếng G.Coedes đã cho rằng, Phong Nha là trung tâm thờ phụng của Phật giáo Đại thừa đậm sắc thái Mật tông[9].
Rất tiếc là, cho đến nay, chúng ta chỉ còn biết về 35 hình ảnh Phật giáo Đại thừa bằng đất nung của Động Phong Nha qua một vài mô tả ngắn gọn và bốn bức ảnh chụp. Hơn thế nữa, có thể vì không còn hiện vật, nên, các tác phẩm Phật giáo đất nung này của Phong Nha hầu như không được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu về văn hóa và nghệ thuật Champa sau này. Thế nhưng, như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, những mề đay đất nung hình tròn của Phật giáo xuất hiện rất sớm (từ thế kỷ II - III) trong các truyền thống nghệ thuật Phật giáo Amaravati, Mathura, Kushan… của Ấn Độ. Theo chúng tôi, ngoài hình dáng tròn ra, các hình Đức Phật, Bồ tát, phụ nữ của Phong Nha còn được thể hiện theo truyền thống nghệ thuật tiền Phật giáo thể hiện các Yaksha của Ấn Độ: khá sống động, tự nhiên, sung mãn và trần tục với đôi vai rộng và hình thể đơn giản. Còn hình ngôi tháp tròn có đỉnh là những chiếc ô chính là hình ảnh những ngôi tháp Phật giáo Bắc Ấn Độ (thời Kushan) thế kỷ II - III.
Trước đây, khi nghiên cứu, hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật về văn hóa Champa, các nhà nghiên cứu đều xác định di vật có niên đại sớm nhất là tấm bia Võ Cạnh. Bia được người dân phát hiện tại làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đưa về Hà Nội năm 1910, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.
Minh văn trên bia Võ Cạnh được chạm khắc 15 dòng trên mặt thứ nhất và 7 dòng trên mặt thứ hai, nét khắc đã mờ. Mỗi dòng được khắc từ mặt này tới mặt kia, trong đó, 2 câu viết theo thể thơ Vasantatilaka, các câu còn lại là văn xuôi. Bài minh văn được viết bằng chữ Sanskrit và được các nhà nghiên cứu nhận xét là giống với chữ viết trên các bia ký Amaravati (Ấn Độ), khoảng thế kỷ III - IV. Đặc biệt, với nội dung minh văn trên bia như: “lokasyàsya gatàgati” (sự chết hoặc sự phục sinh của thế giới này) hay “prajànàn karuna” (từ bi trắc ẩn đối với chúng sanh) còn cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo từ Ấn Độ vào cư dân Champa, đặc biệt là tầng lớp tăng lữ Champa (Brahman) thời kỳ này.
Dù tác giả bia ký theo tôn giáo nào, thì bia Võ Cạnh vẫn là bằng chứng xưa nhất về sự du nhập tiếng Phạn và tư tưởng tôn giáo (Phật giáo) của Ấn Độ vào Champa và là một trong những tấm bia cổ nhất Đông Nam Á thể hiện sự du nhập, ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo ở Vương quốc Champa cổ đại nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung.
Tuy nhiên, những phát hiện ở Động Phong Nha cho chúng ta một nhận thức mới về vấn đề này. So sánh với bia Võ Cạnh cho thấy, nhóm hiện vật hình Phật ở động Phong Nha cũng có niên đại tương ứng (thế kỷ 3 - 4), thậm chí là sớm hơn (thế kỷ 2 - 3). Như vậy, cùng với bia Võ Cạnh, nhóm tượng ở động Phong Nha đều là những tư liệu vô cùng quý giá minh chứng cho sự du nhập và phát triển Phật giáo vào Champa nói riêng và Việt Nam nói chung từ rất sớm (ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên).
Như vậy, với những hiện vật và dấu tích còn lại hay đã được phát hiện càng làm tăng giá trị cho Động Phong Nha bởi Phong Nha không chỉ là một danh thắng thiên nhiên kì thú được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, mà còn là một trung tâm Phật giáo xưa nhất được biết đến ở Champa và khu vực Đông Nam Á.
Do đó, vấn đề cần lập kế hoạch nghiên cứu, hệ thống hóa tư liệu về những di sản ở động Phong Nha là việc làm cần thiết nhằm sớm có phương án bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quý hiếm mà không phải tỉnh hoặc quốc gia nào cũng có được như ở Quảng Bình.
PGS.TS. Ngô Văn Doanh - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan- Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Tài liệu tham khảo
- Lê Quý Đôn, Toàn tập, Tập 1, Nxb.KHXH, Hà Nội, 1977, tr.95.
- Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Nxb.KHXH, Hà Nội,1977, tr.20-21.
- Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr.28-29.
- L.Cadiere, Geographie historique du Quảng Bình d’apres lé annales imperiales, BEFEO II (1902), tr.55-73.
- Dẫn theo H.Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam, Paris, 1909, tr.541-545, h.226.
- C.Paris: 1. Deux itinéraires dans le Quảng Bình au Nord de Đồng Hới, Tập san Địa lý lịch sử và mô tả, 1887, tr.391-407. 2. Les inscriptions Chams de Phongnha (Quảng Bình); Compete-Rendu Analitique des Seances, Hanoi, 1902, tr.99-100. Dẫn theo H.Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam, Paris, 1909, tr.541-545.
- L.Finot, La Religion des Chams d’apres lé monuments, BEFEO, I (1901), tr.25-26, h.9-12.
- G.Coedes, Tablets votives Boudhiques du Siam, Etudes Asiatique, Paris,1925, tr.145-147.
[1] Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Nxb.KHXH, Hà Nội,1977, tr.20-21
[2] Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr.28-29.
[3] L.Cadiere, Geographie historique du Quảng Bình d’apres lé annales imperiales, BEFEO II (1902), tr.55-73.
[4] Dẫn theo H.Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam, Paris, 1909, tr.541-545, h.226.
[5] C.Paris: 1. Deux itinéraires dans le Quảng Bình au Nord de Đồng Hới, Tập san Địa lý lịch sử và mô tả, 1887, tr.391-407. 2. Les inscriptions Chams de Phongnha (Quảng Bình); Compete-Rendu Analitique des Seances, Hanoi, 1902, tr.99-100. Dẫn theo H.Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam, Paris, 1909, tr.541-545.
[6] L.Finot, La Religion des Chams d’apres lé monuments, BEFEO, I (1901), tr.25-26, h.9-12.
[7] Dẫn theo H.Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam, Paris, 1909, tr.541-545, h.226.
[8] C.Paris: 1. Deux itinéraires dans le Quảng Bình au Nord de Đồng Hới, Tập san Địa lý lịch sử và mô tả, 1887, tr.391-407. 2. Les inscriptions Chams de Phongnha (Quảng Bình); Compete-Rendu Analitique des Seances, Hanoi, 1902, tr.99-100. Dẫn theo H.Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam, Paris, 1909, tr.541-545.
[9] G.Coedes, Tablets votives Boudhiques du Siam, Etudes Asiatique, Paris,1925, tr.145-147.
- Trong Phật giáo có những người cuồng tín không?
- Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Phật Học
- Khi đi lễ chùa, nên cầu và không nên cầu điều gì không phải ai cũng biết. Sau đây là 9 điều nên tránh cầu khi bạn lên chùa.
- Phân biệt lời Phật, lời ma
- Phật dạy: Đừng mắc sai lầm đáng tiếc khi không hiểu hết chuyện đã vội vàng kết luận