Dựa vào tiêu chí nào để được xưng danh Trưởng lão?
HỎI: Thời gian gần đây, cứ mỗi lần có vị Hòa thượng viên tịch thì các phương tiện truyền thông Phật giáo khi đưa tin thường dùng từ Trưởng lão. Vậy Trưởng lão nghĩa là gì? Và tiêu chí nào để được xưng danh Trưởng lão hay cứ giáo phẩm Hòa thượng là được gọi danh xưng trên?
(NGUYÊN MINH, tanhthuan19...@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Nguyên Minh thân mến!
Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “Được tấn phong Hòa thượng những Thượng tọa từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị T.Ư thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành”.
Hòa thượng, theo Phật giáo Ấn Độ, là bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa-di và Tỷ-kheo tu học, còn gọi là Thân giáo sư hoặc Lực sinh. Hòa thượng là thầy dạy các đệ tử biết trì giới, thực hành nghi lễ, đồng nghĩa với Luật sư hoặc Giới sư hiện nay. Về sau, tại một số nước Ðông và Nam Á, Hòa thượng là vị Tăng trưởng thượng, đạo cao, đức trọng, cũng là vị Thiền sư.
Trưởng lão, tùy ngữ cảnh mà có khi Trưởng lão là bậc tu hành Giới-Định-Tuệ, có khi là bậc Thánh A-la-hán.
Kinh Tăng chi bộ (chương Hai pháp, phẩm IV - Tâm thăng bằng, HT.Thích Minh Châu dịch), có ghi lời Đức Phật dạy: “Vị Trưởng lão, này Bà-la-môn, 80 tuổi hay 90 tuổi, hay 100 tuổi đời, nếu vị ấy thọ hưởng các dục vọng, sống giữa các dục vọng, bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, cố gắng tìm cầu các dục vọng; người như vậy được gọi là kẻ ngu, không phải là bậc Trưởng lão. Dầu cho này Bà-la-môn, một người còn trẻ, một thanh niên trẻ trung với tóc đen nhánh, đầy đủ tuổi trẻ hiền thiện trong thời sơ khởi của tuổi đời, mà người ấy không hưởng thọ các dục vọng, không sống giữa các dục vọng, không bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, không bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, không có cố gắng tìm cầu các dục vọng; người như vậy được gọi là bậc có trí, bậc Trưởng lão”.
Kinh Tăng chi bộ (chương Bốn pháp, phẩm III- Uruvelà, HT.Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy về bốn pháp tác thành Trưởng lão: “Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp tác thành Trưởng lão này. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Là vị nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe, những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, đề cao Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì đọc tụng bằng lời, quán sát với ý, thể nhập với chánh kiến; đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, bốn pháp này tác thành vị Trưởng lão.
Ai với tâm cống cao
Nói nhiều lời phù phiếm
Với tư duy không định
Như thú không ưa pháp
Xa địa vị Trưởng lão
Ác kiến, không kính trọng
Và ai đủ giới hạnh
Nghe nhiều trí biện tài
Sống chế ngự bậc trí
Ðối với tất cả pháp
Vị ấy với trí tuệ
Quán thấy chơn ý nghĩa
Ðạt cứu cánh các pháp
Không hoang vu, biện tài
Ðoạn tận sanh và chết
Viên mãn hành Phạm hạnh
Vị ấy Ta gọi tên
Trưởng lão không lậu hoặc
Do đoạn trừ lậu hoặc
Nói nhiều lời phù phiếm
Với tư duy không định
Như thú không ưa pháp
Xa địa vị Trưởng lão
Ác kiến, không kính trọng
Và ai đủ giới hạnh
Nghe nhiều trí biện tài
Sống chế ngự bậc trí
Ðối với tất cả pháp
Vị ấy với trí tuệ
Quán thấy chơn ý nghĩa
Ðạt cứu cánh các pháp
Không hoang vu, biện tài
Ðoạn tận sanh và chết
Viên mãn hành Phạm hạnh
Vị ấy Ta gọi tên
Trưởng lão không lậu hoặc
Do đoạn trừ lậu hoặc
Ðược gọi là Trưởng lão”.
Nếu căn cứ vào các kinh văn trên thì có thể tạm kết, Trưởng lão và Hòa thượng là hai danh xưng có chỗ tương đồng và dị biệt. Trưởng lão là bậc tu đạo và đắc đạo, không quan tâm đến tuổi tác hay hạ lạp. Hòa thượng là bậc niên cao, lạp trưởng, có đạo hạnh, có công đức tu tập và hoằng hóa. Như vậy, trên tinh thần phương tiện để tứ chúng sinh khởi tín tâm và xét ở góc độ tôn xưng, với trường hợp bạn hỏi, việc truy tán Trưởng lão đối với một vị Hòa thượng tân viên tịch là điều có thể chấp nhận được.
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư vấn