Duy ngã độc tôn


GN - Sự kiện Đản sinh của Đức Phật được nhiều kinh điển ghi lại như một huyền thoại. Các kinh Đại bản duyên (thuộc Trường A-hàm), kinh Đại bản (thuộc Trường bộ) đều ghi tương tự: “Khi Bồ-tát vừa mới hạ sinh, Ngài bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở ra một đóa hoa sen, đến bước thứ bảy thì dừng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài tuyên bố: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Chỉ phần sau câu tuyên bố của Bồ-tát trong hai kinh trên là có khác. Kinh Đại bản duyên ghi: “Bồ-tát khi sinh do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Ngài từ hông phải ra, vừa đến đất, không cần người đỡ, liền đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: Trên trời dưới đất, duy chỉ có Ta là tôn quý. Ta sẽ cứu độ chúng sinh khỏi sinh, già, bệnh, chết” (HT.Thích Tuệ Sỹ dịch).


Một tranh vẽ Đức Phật đản sinh

Còn kinh Đại bản ghi: “Bồ-tát khi sinh ra, Ngài đứng vững trên hai chân, mặt hướng phía Bắc bước đi bảy bước, một lọng trắng che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương thốt ra lời như sau: Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sinh ở đời này nữa” (HT.Thích Minh Châu dịch).

Nếu căn cứ theo mạch văn câu nói của Phật trong kinh Đại bản thì từ “ta” (ngã) là chỉ Đức Phật. Đức Phật tuyên bố Ngài là bậc tối thượng, tối tôn, cao quý nhất trên đời. Đời sống này là đời sống cuối cùng của Ngài, sau đời sống này Ngài không còn tái sinh trở lại thế gian nữa. Đó tuyệt nhiên không phải là lời nói ngã mạn, tự cao tự đại, mà là lời nói khẳng định sự thật. “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” có nghĩa là trên trời dưới thế chỉ có Ta là bậc tôn quý đáng kính. Chữ “độc tôn” chỉ vị trí tôn kính duy nhất, chỉ một mà không có người thứ hai, điều này Đức Phật cũng đã khẳng định trong nhiều kinh chứ không chỉ trong lời tuyên bố này, xin sẽ nói sau.

Có nhiều người hiểu “Duy ngã độc tôn” là chỉ có chân ngã là tôn quý hay chỉ có đại ngã là tôn quý. Một số người khác thì bảo “Duy ngã độc tôn” là chỉ có ngã chấp là bao trùm cả thế gian từ cõi trời cho đến các cõi khác. Theo tôi thì không nên suy diễn quá nhiều, chỉ cần hiểu sát nghĩa câu nói của Đức Phật thôi, và tôi nghĩ hiểu như thế chẳng phải sai vì có căn cứ trong kinh điển Nguyên thủy.

Đức Phật là một chúng sinh giác ngộ và chứng nhập chân lý, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề mà chưa một chúng sinh nào trong hiền kiếp hiện tại có khả năng làm được điều đó. Ngài là bậc thầy của trời người, là bậc có trí tuệ và đức hạnh đầy đủ, bậc không có người vượt qua, bậc đáng tôn trọng nhất trên thế gian, bậc đáng được cúng dường, là bậc tự tại trong ba cõi thì quả thật chỉ có Ngài ở vị trí độc tôn chứ không còn ai nữa.

Trong kinh Tăng chi b I, Đức Phật đã từng xác định: “Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ-kheo, không có được trong một thế giới có hai vị A-la-hán Chánh đẳng giác (Phật), không trước không sau, xuất hiện một lần. Sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỳ-kheo, trong một thế giới chỉ có một vị A-la-hán Chánh đẳng giác xuất hiện, sự kiện này có xảy ra” (HT.Thích Minh Châu dịch). Như thế có thể nói vị trí của Đức Phật trong hiền kiếp hiện tại ở thế giới Ta-bà này là độc nhất vô nhị.

Cũng trong kinh Tăng chi bộ I, Đức Phật giải thích rõ tại sao Ngài là người vô song, là người độc nhất vô nhị, đây là sự thật chân lý về Phật bảo: “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có người ngang hàng, đặt ngang hàng, là bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng giác, người này khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có người ngang hàng, không có ai đặt ngang hàng, ngang bằng tối thắng, bậc tối thắng giữa các loài hai chân”.

Kinh Trung bộ III, Đức Phật nói rõ nguyên nhân vì sao Ngài là bậc vô song, độc nhất vô nhị: “Không thể có một Tỳ-kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh đẳng giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khơi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo. Và này, các đệ tử là những vị sống hành đạo và tùy hành, sẽ thành tựu đạo quả”. Vì những điều đó mà Đức Phật là một bậc tối tôn vô thượng.

Đây là một sự thật mà chúng sinh phải thừa nhận, sự khẳng định “Duy ngã độc tôn” của Ngài không phải là lời tự đề cao, tự tôn xưng. Ngài đã tận diệt tất cả phiền não lậu hoặc thì làm gì có lòng kiêu mạn ở đây.

Diệu Thể

Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.

Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.

Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất lai, là sự chứng ngộ quả Bất lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang... là sự chứng ngộ quả A-la-hán.

(Kinh Tăng chi bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai,
VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.46)