Ðeo tượng Phật có bị tổn phước?
(THU HIỀN, hienmituot.80@gmail.com)
Ảnh minh họa
ĐÁP:
Bạn Thu Hiền thân mến!
Nhất trí với quan niệm “Phật và Bồ-tát chỉ để lễ bái và tôn kính chứ không nên trang trí hay trang sức”. Có điều ở đây chúng ta cần bình tâm để hiểu rõ, phân định rạch ròi giữa trang trí và trưng bày (chỉ trưng, không thờ mà cũng không trang trí), giữa đeo đồ trang sức và mang các linh vật hộ mệnh trên người.
Có không ít người, ngoài thờ Phật (trang trọng ở bàn-phòng thờ) họ còn thích trưng bày tượng Phật, treo tranh Bồ-tát ở một số vị trí mà họ xem là đắc ý và đắc địa. Lúc này, tôn tượng có thể toàn phần nhưng cũng có thể bán phần hoặc đặc tả cách điệu nghệ thuật (bàn tay, bàn chân, đôi mắt) mà thôi. Thoạt nhìn, ta có cảm tưởng như tranh tượng ấy chỉ thuần trang trí nhưng với chủ nhân thì lại hoàn toàn khác. Đó là trưng bày để được chiêm ngưỡng, hàng ngày ra vào lúc nào cũng được “gặp” Phật và Bồ-tát. Như vậy thì chủ nhân vẫn đang hàng ngày “lễ bái và tôn kính” Phật cùng Bồ-tát theo cách của riêng mình. Làm được điều này chỉ thêm phước mà thôi, không hề có việc nhận quả báo xấu.
Đeo tượng Phật, Bồ-tát trên người cũng vậy. Không phải ai đeo mặt dây chuyền cũng đều có duy nhất ý nghĩa là trang sức, làm đẹp. Có người đeo một kỷ vật của người thân (không quan tâm đến xấu, đẹp), có người đeo một linh vật (cốt để được phù hộ). Rất nhiều người đeo tượng Phật, Bồ-tát để được hộ mệnh, che chở mà không hề có ý nghĩa trang sức. Đeo tượng với tâm tôn kính, cảm nhận oai lực của Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình mọi lúc, mọi nơi. Đức Phật luôn ở bên mình, gia hộ và nhắc mình sống thiện và làm lành thì là sao mà chịu quả báo xấu được.
Cho nên, phải xem sự dụng tâm của mình như thế nào mới biết về sau có phước quả tốt xấu ra sao. Nếu những ai sau khi quán sát tâm mình, thấy rõ mình không hề sử dụng tôn tượng Phật và Bồ-tát với mục đích trang trí và trang sức thì không có gì phải băn khoăn cả.