Gặt hái cho được quả Sa-môn trong mùa an cư


(Bài giảng ngày 10-6-2018 tại trường hạ Học viện Phật giáo - TP.HCM)

GN - Trong mùa an cư, tôi gợi một số ý cho Tăng Ni cần hiểu rõ và áp dụng có kết quả tốt đẹp trong mùa tu.

Tăng Ni phải hiểu được ý Phật dạy trong kinh Sa-môn quả, chúng ta mới hiểu được giá trị của việc xuất gia. Kinh này khẳng định rằng người xuất gia hơn tất cả người thế gian, dù là vua chúa hay trưởng giả cũng không bằng.


Chư tôn đức bố-tát trong mùa an cư PL.2562 tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Bảo Toàn

Một trong những ông vua được sử sách ghi chép là minh quân như Nhân Tông hoàng đế đời Tống của Trung Hoa cũng nhận xét như vậy. Ông vua này được nhiều người kính trọng nhất, hiền lành nhất, nhưng vẫn không cảm nhận được sự an lành trong nếp sống đế vương. Qua bài phú do ông sáng tác, ca ngợi rằng người đáng quý nhất trên đời mà mọi người thường nghĩ là vua, thì đối với ông, cũng không bằng làm nhà sư tu hành và mong ước phải chi ông được làm sư thì thật là “thiên phúc, vạn phúc” cho ông.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng làm Sa-môn theo nghĩa của kinh dạy không phải là Sa-môn theo hình thức mà nhiều người đã làm, nhưng không có quả, hay chỉ hái được quả đầu mùa nghĩa là chúng ta được xuất gia, thọ giới, ở trong nhà Phật, nên được người ta cung kính, vì họ thấy nhân cách cao thượng của Đức Phật, thấy giáo pháp siêu tuyệt của Ngài và thấy các bậc Thánh tăng, cao tăng đã tu đắc đạo từ Sơ quả đến Tứ quả. Từ đó, họ có ấn tượng tốt đẹp về Phật và đệ tử Phật, nên họ cung kính, cúng dường. Chúng ta hưởng được quả này do Phật và chư vị tiền nhân để lại, nên cuộc sống tu hành mới dễ dàng. Thực tế là quý thầy cô đang được tu học ở Học viện Phật giáo TP.HCM khá tốt về nhiều phương diện.

Thật vậy, 60 năm trước, tôi tu không có được ngôi trường tiện nghi như vầy. Thời đó, có Phật học đường Nam Việt là quý lắm rồi. Chúng tôi chỉ ở ngôi nhà nhỏ lợp tôn và cuộc sống vật chất rất hẩm hiu, vì thời bấy giờ, quần chúng chưa biết đạo Phật. Nhưng phải nói nhờ lớp đó, các thầy có tu học, rèn luyện và thể nghiệm tinh ba Phật pháp, tuy chưa dám nói làm cho người kính trọng, nhưng đã nuôi lớn mầm sống Phật giáo và khiến người phát tâm.

Ngày nay quý vị hưởng quả của tiền nhân để lại, nhưng nếu không nỗ lực thực hành Chánh pháp của Đức Phật thì đến lúc nào đó, không còn phước duyên để hưởng được nữa. Phật giáo có lúc thạnh, lúc suy là vậy.

Thời Đinh, Lê, Lý, Trần có nhiều cao tăng xuất hiện làm Phật giáo hưng thạnh. Đến cuối thời Lê và thời Nguyễn, Phật giáo suy vi khiến người ta xem thường giới tu sĩ. Tôi xuất gia trong khoảng thời gian này, nhận thấy tình trạng suy thoái của đạo Phật, nên tôi cố gắng học và tu trong giáo pháp Phật.

Việc học và tu, anh em phải có định hướng rõ ràng. Học gì, tu gì; không phải học chung chung, tu chung chung. Tu học chung chung thì không được quả Sa-môn thứ hai.

Tu hành, phải hiểu rằng chúng ta ít nhất cũng gặt hái được quả thứ hai cho ta, là cái quả của chính ta tạo được. Còn quả thứ nhất là của tiền nhân để lại. Được quả thứ hai là sao. Chúng ta có được an lạc, nguồn vui thực sự của ta ngoài cuộc sống này mới là quả Sa-môn, thường được diễn tả là cuộc sống không bị vật chất và tình cảm chi phối. Ý này được Phật dạy cụ thể là thập triền, thập sử.

Trong mùa an cư này, chúng ta tu luyện thế nào để không bị vật chất và tình cảm tác hại. Hãy thử kiểm tra xem trong tháng đầu an cư, chúng ta có còn bực tức hay không, còn khởi tham vọng không, nhìn đời chính xác chưa. Và được thành quả gì, chúng ta có hãnh diện không.

Mới được khoác áo Sa-môn, được kính trọng thì ta tự nghĩ người phải kính trọng mình. Nhưng nếu không được như vậy, ta khó chịu, phiền não nhân đây nổi dậy.

Riêng tôi, khi được kính trọng, hay bị xem thường, tôi quán sát xem tại sao họ kính trọng hoặc xem thường  mình, họ kính trọng chiếc áo tu, hay kính trọng con người thực của mình. Nếu họ chỉ kính trọng chiếc áo tu, chúng ta phải tu luyện như thế nào để họ kính trọng con người thực của mình.

Trên bước đường tu, cần thực tập pháp Phật để vượt qua sự chi phối của lời khen chê. Dù người kính trọng thiệt cũng không hãnh diện, vì hãnh diện là rơi vào ngã mạn. Ý thức như vậy, mai kia nếu có bị chê bai, phiền não nổi dậy, thì ta cũng biết dập tắt phiền não liền. Nhưng không biết thì phiền não trùng trùng nổi dậy, cho đến không mặc áo Sa-môn nữa.

Tôi tu hành hơn 60 năm, nhận thấy những đồng hành đồng sự từng thế hệ rơi vào lỗi lầm này. Anh em cố gắng tu, giữ được quả Sa-môn, đừng để mất. Không bị cuộc đời chi phối, không lệ thuộc vật chất, đó là điều tiên quyết cần thực hiện cho được, vì trên bước đường tu, có khi người cúng dường đầy đủ, tất nhiên cũng có lúc thiếu thốn. Đức Phật cũng vậy, có lúc Ngài được kính trọng tuyệt đối, nhưng cũng có khi bị xem thường.

Phải vượt qua sự lệ thuộc vật chất. Tôi tập pháp này bằng cách khi được cúng dường nhiều, tôi cũng chỉ tiêu dùng giới hạn, để lỡ mai kia không có thì cũng không bị nghiệp đòi hỏi bức bách. Vì vậy, để ngăn chặn nghiệp này, Phật dạy ăn vừa đủ. Nhờ tu tập pháp này, năm 1963, tôi không bị cái khổ của tù tội hành hạ; trong khi một số người khác quen hưởng thụ thì không có đủ tiện nghi vật chất, bị đau khổ.

Anh em nên tập, nếu vật chất có thừa, chúng ta coi là thặng dư của thầy, Tổ cho mình, hoặc của chính ta, thì nên đầu tư cho việc tu học để phát triển trí tuệ. Học không phải để lấy bằng cấp, nhưng hiểu để gặt hái quả tốt. Sa-môn nào đi đúng quá trình này, mang lại kết quả cho mình và làm gương sáng cho đời.

Tuy nhiên, không theo lời Phật dạy, học pháp nào nhưng lại cố chấp, kẹt vào pháp đó thì cũng giống lục sư ngoại đạo học để tranh cãi, phiền não ác sanh và bị đọa.

Đức Phật dạy rằng nếu làm việc xấu ác sẽ gặt hái quả xấu ác. Tu nhân tốt phải gặt hái quả tốt. Điển hình là người Bà-la-môn ác giết con mình rồi chôn xác ở tịnh xá để cố vu oan cho Phật. Do tham lam, ghét ganh mà ông ta làm việc ác như vậy. Lúc ấy, các thầy dao động, nhưng Phật khuyên hãy bình tĩnh, không sợ; càng khó càng gia công tu để chứng minh ngược lại sự vu cáo trắng trợn. Và sau cuộc thăm dò điều tra, quần chúng đã khẳng định rằng người tu được quả Sa-môn thực không thể làm việc ác như vậy, mà thủ phạm chính là người Bà-la-môn và họ xin vua Ba Tư Nặc xử tên này tội giết con và còn vu oan cho Phật. Với tâm từ bi vô lượng, Đức Phật đã xin tha tội cho người này để họ có cơ hội hồi tâm, sửa đổi.

Trên bước đường tu, quan trọng là đạt được quả Sa-môn. Nếu không đạt được quả Sa-môn, còn bực tức, đòi hỏi, cuối cùng, ra khỏi nhà Phật và bỏ thân mạng này, bị đọa.

Điều thứ hai, tôi muốn nhắc các thầy cô, ngày nay chúng ta có hình thức tu khác nhau, Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ. Riêng Bắc tông có người tu Thiền, người tu Tịnh độ, người tu Mật tông… Nhưng nếu chúng ta cố chấp pháp nào của ta sẽ bị đối nghịch với các pháp khác, trở thành chống phá lẫn nhau trong giáo pháp Phật, làm Phật đạo bị suy yếu.

Riêng tôi tìm sự dung hóa, hài hòa của các pháp tu là kinh nghiệm tôi đã trải qua. Không nên cố chấp bất cứ pháp nào của Phật. Tại sao. Vì Phật thuyết pháp, tùy đối tượng mà Phật nói pháp tương ưng. Thực tế cho thấy Phật nói pháp cho vua chúa, hàng trí thức Bà-la-môn phải khác với pháp nói cho dân thường.

Điều quan trọng là chúng ta phải lựa pháp nào thích hợp với bệnh của ta, gọi là Phật tùy bệnh cho thuốc. Ta uống thuốc này có kết quả, nhưng người không có bệnh giống như ta thì phải sử dụng thuốc thích hợp với bệnh của họ. Người tu Mật tông có kết quả, trong khi người khác tu Thiền cũng được kết quả tốt vậy.

Riêng tôi quyết tâm chọn kinh Pháp hoa là năm 1963, tôi được gặp Hòa thượng Quảng Đức trước khi Ngài tự thiêu. Tôi nhận thấy Ngài khác thường hơn các Sa-môn, vì Ngài có những điểm lạ không thể giải thích, sở đắc của Ngài tu chứng tự tỏa sáng.

Năm nay kỷ niệm 55 năm Ngài tự thiêu. Tuần rồi tôi vô Ngân hàng Nhà nước làm lễ rước quả tim của Hòa thượng. Đã trải qua 55 năm rồi, nhưng chúng ta có cảm giác hình ảnh của Hòa thượng hầu như còn sống động.


Năm nay kỷ niệm 55 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân

Thực tế cho thấy có người chưa chết, nhưng không ai để tâm. Có người chết, thì chỉ được nuối tiếc một thời gian, Nhưng có người chết trở thành bất tử. Vì vậy, nói rằng quả tim của Ngài bất diệt là thể hiện sâu sắc bài học lớn của ta và cả nhân loại.

Hòa thượng Quảng Đức là vị Tăng duy nhất có tên trong quyển Danh nhân thế giới. Ngài trở thành bất tử vì Ngài tu được quả Vô sanh.

Khi tôi gần gũi Ngài, Ngài cho biết suốt 49 năm Ngài trì kinh Pháp hoa. Một số người khác nghĩ rằng Ngài trì kinh Pháp hoa lúc nào, chỉ thấy Ngài đi từ Lào, sang Campuchia, về Việt Nam, đến đâu Ngài cất chùa thôi, có tụng kinh đâu.

Nhưng Ngài nói đã trì kinh Pháp hoa 49 năm, nay Ngài phát nguyện tự thiêu. Có thầy hỏi dám tự thiêu thiệt không. Nếu là người thường, ai cũng sợ chết, sợ nóng. Riêng tôi, khi thọ giới, tôi đốt một liều hương mà cảm thấy nhức đầu cả đêm.

Nói đến đốt toàn thân, tôi chưa thấy. Nhưng tôi thấy Hòa thượng Trí Hữu xưa kia, Ngài tụng xong một bộ kinh Pháp hoa thì đốt một liều hương trên đầu. Khi trên đầu không còn chỗ đốt hương, Ngài đốt hương trên hai cánh tay và tụng đến phẩm Dược vương, Ngài đốt một ngón tay. Tôi hỏi Hòa thượng cảm thấy nóng không. Ngài nói rằng nếu nóng thì không đốt.

Người thứ hai là Hòa thượng Trí Tịnh tụng kinh Pháp hoa cũng đốt một ngón tay rụng xuống khiến mình thấy sợ, nhưng Hòa thượng nói thấy giống hoa sen nở.

Hai vị Hòa thượng nói trên có tụng kinh và phát nguyện rồi đốt ngón tay thôi. Nhưng Hòa thượng Quảng Đức đốt toàn thân, không thấy Ngài tụng kinh Pháp hoa, nhưng Ngài nói trì kinh Pháp hoa.

Đọc kinh khác với trì kinh. Phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp hoa nói người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp hoa

Tôi thuộc hàng giảng dạy kinh Pháp hoa, hiểu gì thì nói. Nhưng Hòa thượng Quảng Đức không nói, Ngài trì kinh Pháp hoa và có tu chứng. Mọi người tu hành khác nhau ở điểm có tu nhưng không chứng, hay có tu và có chứng.

Tu không chứng, suốt đời chỉ là thầy tu bình thường. Nhưng người tu có chứng thì từng bước gặt hái Sa-môn quả mà Phật nói.

Tôi suy nghĩ việc Hòa thượng Quảng Đức suốt 49 năm trì kinh Pháp hoa, tức tu theo kinh Pháp hoa. Chúng ta nhận thấy Hòa thượng tu Pháp hoa không giống các Pháp sư khác học rộng nghe nhiều, giảng nói đôi khi đụng chạm nhiều nhưng cuối cùng không được gì. Ý này được ngài Huyền Giác ví rằng đếm tiền giùm người khác mà mình không có gì. Vì vậy, các vị Pháp sư danh tự rớt vô sai lầm này, thuyết giảng nói đủ chuyện làm đụng chạm nhiều người. Tốt hơn chỉ tu thôi, không nói.

Hòa thượng Quảng Đức không nói gì, ai đánh giá sao cũng được. Hòa thượng trì kinh Pháp hoa, các anh em hiểu sao.

Thực tập kinh Pháp hoa chính là thực tập kinh Nguyên thủy trước. Vì vậy, Hòa thượng đang thực tập Tứ niệm xứ quán, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và Bát Chánh đạo.

Các anh em thực tập những pháp này, từng bước sẽ xa rời nghiệp chướng trần lao thì hiện tướng giải thoát, vì pháp Phật giúp người giải thoát, giai đoạn cuối là Bát Chánh đạo. Nếu tu giới, định, tuệ là đến đây, chúng ta đạt tuệ tri.

Người dùng mắt nhìn sự vật là bình thường. Tiến lên một bước, không dùng mắt nhìn sự vật, nhưng nhìn sự vật bằng tưởng tượng và chúng ta có suy nghĩ, nhận thức là ở trong giới hạn của con người, thì kiến thức của loài người tới đây thôi. Điều này giúp tôi nhận ra thầy tu không có bằng cấp, nhưng có tu chứng, khác với thầy tu có bằng cấp, nhưng không chứng vì kẹt văn chương, chữ nghĩa, học thức.

Đạt đến Bát Chánh đạo, chúng ta nhìn bằng tuệ tri, tức chúng ta tu nhờ giữ giới sanh định và có định thấy đúng sự vật theo Phật, theo La-hán, không phải thấy bằng cảm tính. Vì vậy, nhìn người biết họ đến hại mình thì phải xử sự cách nào, nếu họ đến giúp, hay đến học đạo thì mình xử sự ra sao.

Đạt được kết quả này là Tỳ-kheo có Chánh kiến thấy sự vật như thật là thấy rõ nguyên nhân từ quá khứ đến hiện tại, nên biết được tại sao họ tới và từ đâu tới.

Hòa thượng Trí Quang dạy tôi lý này. Khi tôi nói việc đàn áp Phật giáo oan ức quá,   Hòa thượng cười nói rằng làm gì có oan ức. Đời này mình không làm, nhưng đời trước đã làm rồi, nên quả đời này phải bị tù tội, đói khát… Nhờ ngài dạy, tôi quán sát biết được nghiệp quá khứ và quả hiện tại cũng như tương lai.

Sa-môn thực hành Bát Chánh đạo biết được việc trước khi xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra. Vì vậy, đứng ở vị trí của Bát Chánh đạo, với Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh tư duy đi vào cuộc đời, xây dựng được đời sống tốt đẹp là Chánh mạng và việc làm lợi lạc cho mình cùng người là Chánh nghiệp.

Tôi đọc Sa-môn quả, có vị Thánh Tăng mà người thỉnh không tới, không phải thỉnh một lần rồi tới hoài. Phật rầy người làm như vậy ví như nhổ lông chim hoài, làm sao nó sống được.

Vì vậy, quả Sa-môn chứng rồi, mới hành Bồ-tát đạo. Căn cứ vào lý này, ta tụng kinh Pháp hoa, tu Pháp hoa theo Hòa thượng Quảng Đức không phải đọc kinh Pháp hoa nhiều. Nhưng đọc kinh Pháp hoa, thấy một câu, một chữ mà tâm Bồ-đề chúng ta sáng ra, đạo hạnh Bồ-tát tăng trưởng. Trái lại, đọc kinh Pháp hoa nhiều, nhưng tâm không sáng, kể như không có gì.

Đọc kinh Pháp hoa, tôi ghi đậm một câu là trước khi Phật nói kinh Pháp hoa, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa và nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội. Điều này có nghĩa là gì.

Kinh thuộc về lý thuyết, định thuộc về thực hành. Nếu chúng ta bỏ lý thuyết, chỉ thực hành thì dễ rơi vô tà định; nhưng căn cứ vào lý thuyết để thực tập thiền quán. Chỉ một câu này thôi, chúng ta cần suy nghĩ Vô lượng nghĩa là gì và tìm Vô lượng nghĩa ở đâu.

Theo tôi, trong 49 năm Phật nói tam tạng Thánh giáo là Vô lượng nghĩa. Vì vậy, tôi đọc tụng kinh Nikaya trước, vì kinh Nguyên thủy là kinh Pháp hoa. Kinh Pháp hoa không được rời kinh Nguyên thủy, vì rời Nguyên thủy là mất gốc.

Một đời Phật nói pháp cho vua chúa, vương tôn công tử, thương gia, thường dân… Phật đã nói khác nhau. Khác này là Vô lượng nghĩa.

Kinh Vô lượng nghĩa có 3 phẩm: Đức hạnh, trí tuệ và công đức. Theo tôi, kinh Vô lượng nghĩa do một vị Bồ tát căn cứ vào giáo lý của Phật mà nhận ra ý nghĩa đích thực của Vô lượng nghĩa, mới đặt tên kinh như vậy. 

Kinh Pháp hoa chúng ta đọc từ phẩm 1 đến phẩm 28 không thấy chỗ nào là kinh Pháp hoa, chỉ nghe nói tên kinh Pháp hoa thôi. Nhưng tôi để ý nhận thấy đến phẩm Chúc lụy là hết kinh rồi, vì theo bản Pháp hoa chữ Phạn, phẩm Chúc lụy ở phẩm 27, nhưng ngài Cưu Ma La Thập dịch thì để phần Chúc lụy ở phẩm thứ 22.

Tôi tìm kinh Pháp hoa ở phẩm 28, vì Giáo sư Kubota dạy muốn tìm kinh Pháp hoa phải tìm ngược lại là từ phẩm 28. Tôi suy nghĩ tìm hoài không thấy kinh Pháp hoa ở đâu trong 28 phẩm.

Trong phẩm 28, Phổ Hiền Bồ-tát mới đến để nghe Phật Thích Ca nói kinh Pháp hoa, nhưng nếu đến phẩm 28 chấm dứt kinh Pháp hoa, không còn kinh Pháp hoa nữa thì Ngài đến đây nghe Pháp hoa là nghe gì.


Riêng tôi tìm sự dung hóa, hài hòa của các pháp tu
là kinh nghiệm tôi đã trải qua. Không nên cố chấp bất cứ pháp nào của Phật

Sau nhiều năm suy tư trong thiền định, tôi nhận ra sự khác biệt giữa Pháp hoa văn tự và Pháp hoa tu chứng. Pháp hoa văn tự được viết ra rất nhiều, đầy đủ, phải kể cả kinh Nikaya. Nhưng Mật tông thu gọn lại chỉ còn 4 chữ Diệu pháp liên hoa thể hiện thành câu chú Om Ma Ni Pad Me Hum, nghĩa là viên ngọc nằm trong hoa sen, ví thân mình tu hành để trở thành tinh khiết như hoa sen. Muốn được như vậy, phải trở lại kinh Nguyên thủy tu giới, định, tuệ, dứt sạch thập triền thập sử thì thân trở nên tinh khiết, từ đây có trí tuệ hiện hữu trong thân. Như vậy, khởi đầu kinh Pháp hoa được 3 chữ Vô lượng nghĩa và kết thúc với 4 chữ Diệu pháp liên hoa.

Nếu đến phẩm Chúc lụy thứ 22, Phật phú chúc rồi, coi như hết kinh Pháp hoa. Tại sao còn những phẩm kế tiếp. Tôi nhận thấy trong các phẩm sau phẩm 22, chư vị Bồ-tát gợi ý hỏi để Phật giới thiệu hành trạng của các vị Bồ-tát cho chúng ta tu học theo, điển hình là Bồ-tát Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, Diệu Trang Nghiêm và Phổ Hiền.

Cố Hòa thượng Trí Đức nói Tổ Huệ Đăng dạy tụng kinh Pháp hoa chỉ tụng quyển thứ 7 thôi, từ phẩm Dược Vương đến các phẩm Diệu Âm, Phổ Môn, Đà-la-ni và Phổ Hiền. Vì vậy, phái Thiên Thai của Tổ Huệ Đăng cầu an hay cầu siêu cũng tụng quyển thứ 7 kinh Pháp hoa.

Tôi suy nghĩ nhận ra ý Tổ muốn nói ở thời kỳ chúng ta phải hành Bồ-tát đạo và đưa ra 5 mẫu Bồ-tát trong quyển 7 kinh Pháp hoa để chúng ta coi pháp hành của vị Bồ-tát nào mà mình áp dụng được.

Thử nghĩ đến phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát thứ 28 để so sánh thân phận mình với Phổ Hiền xem có được hay không. Phổ Hiền cỡi voi tiêu biểu cho sức mạnh, voi đi ngược dốc và chở nặng mà không ai ngăn cản được. Bồ-tát cũng có sức mạnh phi thường giống như vậy. Muốn được như vậy, Phổ Hiền đến Ta-bà, đem châu báu rải vô.

Tu theo hạnh Phổ Hiền, các anh em muốn làm đạo, phải đem tiền của cho họ ăn. Nếu không có cho mà còn xin ăn là hỏng việc.

Thật vậy, xưa kia, Phật giáo truyền vào Trung Hoa không được, vì quần chúng nghĩ các thầy khỏe mạnh, ôm bình đi khất thực thì không thể cho. Điều này ở thời Phật tại thế, cũng có người nói họ phải cày sâu cuốc bẫm, làm đủ mọi việc mới có cái ăn. Người tu không làm gì thì làm sao có ăn.

Phật bảo rằng Phật cũng làm ruộng, có trâu bò, có hạt giống. Ruộng mà Phật canh tác gọi là tâm điền và dùng hạt giống từ bi, trí tuệ rải lên, rồi tưới tẩm, chăm sóc mảnh ruộng tâm bằng các pháp Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực. Thất Bồ-đề, Bát Chánh đạo, thì gặt hái được quả Hiền Thánh là quả phước dùng hoài không cạn.

Canh tâm điền hay làm ruộng trong tâm mới tạo thành ruộng phước gọi là phước điền. Mảnh ruộng phước được gieo trồng và vun xới, tưới tẩm bằng Thánh pháp nếu so sánh với mảnh ruộng của thế gian thì lớn hơn cả tỷ lần, không thể nào tính được. Vì kết quả của việc làm bên ngoài theo thế gian chỉ có giới hạn và còn phải chịu nhiều tác hại khác không thể tính trước được. Trong khi việc tu hành theo Thánh pháp của Phật đặt trên nền tảng là phước trí trang nghiêm chắc chắn tạo thành phước, vì phước sanh phước và phước này hưởng hoài không hết, còn đem theo được qua kiếp lai sanh.

Thật vậy, Phật hỏi ông nông dân rằng ông làm ruộng đầu tắt mặt tối, nhưng tại sao cuộc sống của ông vẫn khổ hoàn khổ, nợ chồng chất nợ, gia đình nheo nhóc... Đó là chưa kể ông đã làm kiệt sức, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhưng chẳng may bị thiên tai hạn hán hay lũ lụt giáng xuống thì mất trắng, phải nhờ sự cứu giúp của những người có phước để sống lây lất qua ngày, rồi lại đầu tắt mặt tối gầy dựng từ con số không.

Sau khi tiếp thu ý Phật dạy, người nông dân sáng ra và xin cúng dường Phật. Phật trả lời hãy để dịp khác, nhằm nói lên rằng Phật thuyết pháp không phải để kiếm ăn.


Qua câu chuyện trên nhắc nhở rằng vị Tăng tu hành phải có phước điền, phải gieo trồng từ bi và trí tuệ trên tâm điền, phải chăm sóc mảnh ruộng tâm của mình bằng hạt giống Sa-môn mới chuyển hóa thành ruộng phước và gặt hái được quả Sa-môn.

Trở lại việc chúng ta không phải là Phổ Hiền Bồ-tát, không có châu báu, không có tiền, làm sao bố thí.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, ta chỉ cần khởi tâm thương người và cứu đời thì Phổ Hiền và các Bồ-tát đều quan tâm đến việc này, sẽ gia hộ cho ta làm được những việc lợi lạc cho người.

Thật vậy, Sa-môn không có tài sản, tiền bạc, nhưng làm từ thiện, bố thí rất lớn. Điển hình là thực tế Phật giáo TP.HCM mỗi năm có hàng trăm tỷ để làm từ thiện. Tiền này của các thầy từ đâu có. Tiền này có nhờ phước điền Tăng và phước điền Tăng từ tâm điền có trước. Tâm này ngang qua tâm Phổ Hiền Bồ-tát, Ngài mới gia bị khiến chúng ta làm được việc lớn.

Chúng ta khởi tâm tốt thì từ không thành có. Nhưng nếu các thầy có rồi, lại sanh tâm thế tục, nói là tiền này của tôi. Phật tử đóng góp xây chùa, xây trường, lại nói chùa này của tôi, trường này của tôi, là phạm tội chiếm hữu. Vì vậy, một số thầy chỉ làm được một thời gian thôi, vì Bồ-tát không gia bị nữa. Ruộng tâm chúng ta phải siêng năng cày xới mỗi ngày cho tốt hơn mới nhận được sự trợ lực của các Bồ-tát.

Học hạnh Phổ Hiền, chúng ta thấy Phổ Hiền hỏi Phật sau khi Phật diệt độ phải làm thế nào để có kinh này. Phật dạy rằng các thầy phải có 4 pháp. Quyết lòng tu tập theo kinh Pháp hoa là làm sao chúng ta không phạm lỗi lầm, không có tì vết, thân tinh khiết, nói thực tế là Sa-môn không vi phạm pháp luật, không phạm trọng tội cho đến tội nhẹ nhất.

Ngoài ra, Sa-môn đương nhiên không phạm 4 trọng tội, không phạm 13 pháp Tăng tàn, là không tì vết, là hoa sen và không phạm 250 giới.

Tỳ-kheo thực chất tu Pháp hoa thân tâm phải tinh khiết ví như hoa sen, nghĩa là phải trì giới thanh tịnh, có chánh định và có trí tuệ, không phải chỉ tụng kinh Pháp hoa suông.

Điều thứ nhất để có kinh Pháp hoa là phải biết nhìn xa như các Đức Phật, thấy đúng sự thật của tam thế gian, tức thấy ngũ ấm, quốc độ và chúng sanh. Đức Phật thấy không sai lầm, thấy rõ chúng sanh trôi lăn trong sáu đường sinh tử, thấy cả sự thay đổi trong vũ trụ. Chẳng những biết rõ diễn biến của chúng mà Ngài còn thấu suốt nguyên nhân cấu tạo nên ngũ ấm thế gian, chúng sanh thế gian và quốc độ thế gian.

Con người chúng ta là ngũ ấm gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhưng phải quan sát năm yếu tố cấu tạo nên ngũ ấm, cái gì là “Ta”. Sắc có phải là ta hay không, cảm thọ có phải là ta hay không, nghĩ tưởng có phải là ta hay không, những toan tính, hành xử trong tâm có phải là ta hay không và hiểu biết có phải là ta hay không.

Và từ ngũ ấm này hình thành quốc độ thế gian, có quốc độ rồi mới có con người và muôn loài, tức chúng sanh thế gian.

Phải quan sát thấy rõ tam thế gian thì phải trở lại pháp 12 nhân duyên, tức duyên sanh và duyên diệt, như vậy là trở lại kinh Nguyên thủy cũng là kinh Pháp hoa.

Trang bị sự thấy biết đúng đắn, lâu dài và rộng lớn như vậy để nhằm mục đích gieo trồng căn lành vào tâm chúng sanh là điều thứ hai để tu Pháp hoa. Ta làm gì cũng nghĩ gieo vào lòng người ý tốt. Không có điều này, tu gì cũng sai.

Sa-môn sợ nhất là làm mất lòng người, vì làm mất lòng người là mất luôn bản chất Sa-môn. Ý này được Phật dạy rằng Tỳ-kheo vào làng khất thực ví như ong lấy mật hoa, không làm hư sắc, hư hương của hoa.

Thực tế, Tỳ-kheo đi khất thực hay thuyết pháp được người quý trọng thỉnh đến nhà cúng dường, nhưng nếu ngày nào cũng tìm tới họ là đọa rồi. Chẳng những tới hoài, còn rủ người khác cùng tới khiến thí chủ phải sợ cúng dường là đã làm cho họ khởi ác niệm.

Cuộc đời này tuy ngắn ngủi, nhưng ta cũng gieo được ý niệm tốt cho người, để kiếp lai sanh gặp lại, họ còn có thiện cảm với ta. Đức Phật cũng khẳng định trong kinh Bản sanh rằng nhiều kiếp quá khứ, Phật đã từng làm vua chúa, làm trưởng giả… và Ngài đã gieo ý tốt vào lòng người rồi, nên hiện đời, họ gặp lại Phật liền sanh tâm kính trọng và cúng dường.

Kinh Pháp hoa là Phật thừa, tức phải làm theo Phật. Tôi hay suy nghĩ tại sao vua Tần Bà Sa La kính trọng Phật đến mức độ dâng cúng thượng uyển mà vua ưa thích thường dạo chơi. Tại sao vua Ba Tư Nặc kính Phật đến mức độ tôn trọng cả đệ tử của Ngài, nếu người mặc áo tu phạm tội gì cũng được miễn tội, hoặc tại sao trưởng giả Cấp Cô Độc tốt với Phật đến mức độ đem vàng đổi đất để làm tịnh xá cho Phật thuyết kinh. Tất cả những việc hoàn toàn tốt đẹp đến với Phật, vì Phật đã gieo vào lòng họ ý niệm tốt từ kiếp quá khứ và kiếp này Ngài cũng tiếp tục việc làm thánh thiện này. 

Và trong thời đại chúng ta, Hòa thượng Quảng Đức cũng thể hiện hạnh tốt này. Ngài đi đâu cũng gieo vào lòng người ý tốt, đối với người lỡ làm sai, ngài chỉ mỉm cười khiến họ cảm thấy mắc nợ ngài, đó là tu Pháp hoa, là gieo hạt giống lành vào tâm chúng sanh. Không làm như vậy, không phải hành giả Pháp hoa.

Điều thứ ba để có kinh Pháp hoa là bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh. Tất cả hàm linh mà ta gặp, phải bảo vệ chúng. Thời Phật tại thế, có một lần xảy ra nạn đói kém. Mục Kiền Liên thưa với Phật rằng phải xới đất lên quậy với nước để uống. Phật không cho, Ngài nói làm như vậy thì cỏ chết và sinh vật sống trong đất cũng bị chết.

Tỳ-kheo phải suy nghĩ ý này. Chúng ta có bảo vệ sinh vật thì nó mới thương ta. Sát hại nó, sau trở thành oan gia. Điển hình là vợ của vua Lương Võ Đế, bà rất thù Hòa thượng Chí Công, vì ông đã vô tình giết con dế là tiền kiếp của bà này mà tái sanh lại, bà làm hoàng hậu. Vua càng kính trọng Hòa thượng thì bà này càng thù oán Hòa thượng, vì oan gia gặp lại thì chỉ có thù hận, không thể quý trọng được.


Giới tử Tỳ-kheo thi tụng luật tại Đại giới đàn Trí Tịnh - Ảnh: Bảo Toàn

Trong sách có ghi rằng nhiều vị cao tăng tu ở núi rừng, năng lượng từ bi của các ngài khiến các loài thú độc không sát hại các ngài. Điển hình là con hổ đi săn mồi trở về hang, nó nhìn thấy Tổ Huệ Đăng ngồi trong hang và ngài nói với nó rằng ông là chúa sơn lâm, ở chỗ nào trong rừng này cũng được. Xin ông nhường cái hang này cho tôi tu. Nó ngoan ngoãn ra đi.

Điều thứ tư là phải chuyên tinh tu thiền quán, tâm bừng sáng thì có Pháp hoa. Nghĩa là những gì mình thấy được khi thiền quán là chứng được trí tuệ thì đó là Pháp hoa. Không chứng trí tuệ thì chỉ là đọc tụng văn tự Pháp hoa, không phải Pháp hoa thực sự.

Tóm lại, trên bước đường tu, chúng ta kết hợp kinh Nguyên thủy và kinh Pháp hoa. Và tu Pháp hoa thực chất là thực hành kinh Nguyên thủy. Còn cố chấp kinh Nguyên thủy cũng không đúng. Vì mục tiêu Phật dạy chúng ta phải phấn đấu thực tập viên mãn Bát Chánh đạo thì cánh cửa Pháp hoa mới mở ra, mới đạt được trí tuệ đúng đắn mà hiểu biết bình thường không thể vói tới được.