Giá trị Kiến trúc Phật giáo Việt Nam
GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã hòa mình với tín ngưỡng và văn hóa bản địa đến nay đã hơn 20 thế kỷ, hình thành nên nền Phật giáo dân tộc, có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài. Phật giáo gắn bó trong đời sống xã hội dân tộc ngay từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam. Hệ thống chùa, tháp, tượng Phật là một phần quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của người Việt. Điều này phần nào nói lên vị thế và tầm quan trọng của Phật giáo từ trong lịch sử cho đến thời đại ngày nay.
Phong cách kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo từng thời kỳ có những đặc trưng, biến đổi nhất định. Trong đó, có nhiều công trình trở thành tác phẩm nghệ thuật giá trị đặc sắc, di tích lịch sử quan trọng và là biểu tượng của văn hóa vùng miền. Do đó, tìm hiểu về kiến trúc chùa Việt Nam trong tiến trình phát triển Phật giáo sẽ góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị cần gìn giữ và áp dụng những giá trị đó trong các công trình Phật giáo ở tương lai.
- Nguồn gốc kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam
Nói đến kiến trúc Phật Giáo thời nguyên thủy phải kể đến các tháp (Stupa), chánh điện (Chaitya) và tịnh xá (Vihara) mà phong cách mỗi nơi một khác. Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo. Tuy nhiên, một số chùa Việt Nam ngoài thờ Phật còn thờ thần (điển hình là thờ các vị thiền sư: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông, và Lý Thần Tông), thờ tam giáo (Phật, Lão, Khổng), thờ Trúc Lâm Tam Tổ… Để chỉ chùa thờ Phật, trong Tiếng Việt còn có từ “chiền” (chử nôm:廛hoặc 纏). Một số người cho rằng từ “chiền” có thể có gốc từ cetiya của tiếng Pali hay caitya của tiếng Phạn, cả hai dùng để chỉ điện thờ Phật.
Kiến trúc ngôi chùa Việt Nam rất đa dạng, chịu ba ảnh hưởng khác nhau: Kiến trúc Việt, kiến trúc Trung Hoa, và kiến trúc Ấn Độ. Chùa Việt xuất phát từ danh từ “saitya”, chữ Hán âm là “chi đề” hay “chế đề”, dịch nghĩa là “phúc tự”, là nơi thờ Phật, tụng kinh, thuyết pháp; nhưng cũng thường kết hợp với “Vihâra”, là nơi cư trú của chư tăng, đã trở thành một quần thể kiến trúc phức hợp. Ở mỗi thời, ngôi chùa có những vị trí trung tâm khác nhau, cũng như kiến trúc khác nhau. Mười thế kỷ đầu Công nguyên, ngọn tháp được xem là trung tâm của chùa, và các công trình khác được liên kết với nhau, tạo nên một hình thái kiến trúc bao quanh ngôi tháp.
Đến đời Lý, Trần, Phật điện được mở rộng hơn, thờ những ngôi Tam bảo là chính, những ngọn tháp không còn được đặt vị trí trung tâm, xây trước hoặc hai bên chùa. Hình thái kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn này chủ yếu là tam cấp, với độ cao khác nhau. Đến đời Lê trong quá trình phục hưng văn hoá Phật giáo, các hình thức kiến trúc trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Những hình thái kiến trúc dạng chữ “tam”, chữ “công” (nội công, ngoại quốc), chữ “đinh” kiến tạo tuỳ khả năng và vị thế từng nơi.
Các kiểu chùa truyền thống thường được đặt theo chữ Hán có dạng gần với bình diện kiến trúc chùa. Đó là kiểu chữ “đinh”, kiểu chữ “công”, kiểu chữ “tam” và kiểu chữ “nội công ngoại quốc”. Trong chùa, ngoài chính điện còn có những công trình khác như nhà tổ, nhà tăng, gác chuông, tháp, tam quan … Quần thể kiến trúc chùa ngoài việc bao gồm những dãy nhà, còn có những kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao như các tháp thờ Phật, gác chuông, lầu khánh, văn bia, nhà bia... đã tồn tại ở Việt Nam dưới nhiều hình thức: Chùa hang, chùa tháp. Những ngôi chùa Việt, tuỳ từng thời kỳ và từng vùng, có những biến đổi riêng biệt, góp phần tạo nên tính đa dạng của kiến trúc chùa Việt.
Chùa là một công trình gắn bó hài hòa với cảnh quan sông nước, núi đồi bao quanh, bố cục cân xứng và mở, thu giữ được khí thiêng của trời đất: đất cao, tươi nhuận, có dòng chảy hoặc hồ ao trước mặt. Mặt chùa quay hướng Nam, đó là hướng bát nhã (trí tuệ), phát triển thiện tâm. Mở đầu cho ngôi chùa là tam quan. Bố cục mặt bằng của các ngôi chùa thường lấy sự cân xứng đăng đối làm chủ đạo. Các chùa thời Lý thường lấy sự đăng đối quy tụ về một điểm ở giữa. Chùa Một Cột là một điển hình. Các chùa được xây dựng từ thời Trần về sau thường được bố cục đăng đối theo một trục dài từ cổng tam quan vào đến nhà tổ phía sau cùng, được thiết kế hài hòa với môi trường thiên nhiên, bảo đảm nguyên tắc Phật giáo nhưng vẫn giữ phong cách văn hóa truyền thống của người Việt. Trước khi vào chùa lễ Phật, mọi người thường phải qua cổng tam quan, cõi tục và cõi trần như đã được phân chia, để đi đến con đường Nhất chánh đạo, dẫn vào thế giới Phật.
Sắc thái kiến trúc đặc biệt ngôi chùa Việt Nam là trong bốn mùa đều mang một vẻ đẹp kín đáo thầm lặng, lắng đọng sâu trong tâm hồn người hướng về điều thiện.Vẻ đẹp của ngôi chùa Việt, trước hết là ở chỗ hài hoà với cảnh quan môi trường chung quanh, mang sử tính của mỗi thời đại, phù hợp với nề nếp sinh hoạt đạo Phật trong dân gian và trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
- Tư tưởng kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo
Sau Phật nhập Niết bàn 500 năm, người ta bắt đầu xây dựng những ngôi tháp và tạc tượng Phật để tôn thờ Ngài để noi theo cuộc sống an lạc giải thoát của bậc đại Đạo sư hoàn toàn thánh thiện. Khởi đầu từ nền văn hóa Ấn Độ, rất nhiều chùa tháp tôn thờ Phật đã được xây dựng với lối kiến trúc rất công phu và có tính nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc. Khi Phật giáo được truyền sang Trung Quốc, đã kết hợp với nền văn hóa nước này, tạo nên những ngôi chùa gỗ thật đồ sộ, mà ngày nay còn lại, nổi tiếng nhất là các chùa ở Tứ đại danh sơn.Và trên con đường Phật giáo truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI, VII, chúng ta lại thấy thêm những ngôi chùa đồ sộ ở Hàn Quốc, hay ở Nara (Nhật Bản) mà nổi tiếng nhất là tòa tháp gỗ thờ kinh Pháp Hoa ở chùa Pháp Long và chùa Đông Đại, hiện nay vẫn còn tồn tại.
Tại Việt Nam, khi nói về sự khác biệt giữa chùa miền Bắc và chùa miền Nam thì trước hết phải nói đến cấu trúc chùa. Tuy cùng là công trình kiến trúc Phật giáo, có thể cùng cả hệ phái Bắc Tông nhưng chùa miền Nam và chùa miền Bắc lại có không ít những điểm khác biệt từ cấu trúc, kiến trúc đến cách bài trí tượng thờ.
Cấu trúc chùa Bắc Bộ tương đối đa dạng, được chia thành bốn kiểu cấu trúc chính: chùa chữ “đinh”, chùa chữ “công”, chùa chữ “tam” và chùa kiểu “nội công ngoại quốc”.Tuy nhiên cũng có chùa có kiến trúc đặc biệt, hiếm có như chùa Một Cột[1] (một bông hoa sen) hoặc những ngôi chùa mới xây dựng được xem như một quần thể chùa (chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc).
Chúng ta nhận thấy hầu hết những biểu tượng kiến trúc của Phật giáo vẫn còn lưu giữ. Không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ xa xưa ở Miền Bắc, như chùa cổ Trăm Gian, chùa Một Cột, hay tháp Phổ Minh và nhiều kiến trúc khác nữa là những công trình còn giữ lại nhiều di tích của thế kỷ 17.
Nét đặc sắc của văn hóa Phật giáo Việt Nam là khi Phật giáo vào miền Trung, đã kết hợp với văn hóa cổ Champa, khi Phật giáo xuống miền Nam, lại kết hợp với văn hóa Chân Lạp, từ đó tạo thành những kiến trúc Phật giáo rất phong phú, đa dạng.
Khi Đạo Phật lan truyền rộng khắp châu Á, tháp Phật phát triển thành muôn dòng chảy văn hóa kỳ vĩ. Từ sơ khởi là nơi chứa xá lợi Phật tổ đã trở thành biểu tượng Phật pháp, tượng trưng cho Phật tính. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép về việc triều đình nhà Lý xây dựng những tòa bảo tháp quy mô đồ sộ, điển hình là các ngôi tháp thời Lý lừng danh nhất, cũng là một trong “Thiện Nam tứ đại khí”, đó là tháp Báo Thiên[2] (tên chử là Đại Thắng Tư Thiên, hay Sùng Khánh Tư Thiên),tháp Tiên Du[3] (tức ở chùa Phật Tích - Bắc Ninh ngày nay), và 3 ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn[4] (tức chùa Dạm ở Bắc Ninh ngày nay), tháp Chương Sơn[5] (Núi Ngô Xá, còn gọi là núi Chương Sơn, thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), tháp Long Đọi[6] (Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày nay)…
Mỗi ngôi chùa đóng vai trò như là một trung tâm hoạt động của Phật giáo, với 2 chức năng chính yếu: chiêm bái Phật và tu học Phật pháp. Thuở sơ khởi, chùa chiền đều bao gồm tối thiểu 2 công trình kiến trúc quan trọng với chức năng riêng: tháp để tưởng niệm Đức Phật và nhà tịnh xá để các Tăng ni thuyết pháp, tu học. Như vậy, tháp mới chính là biểu tượng của Phật pháp, là nơi bài trí những pho tượng Phật, những hình ảnh gợi nhớ tới Đức Phật. Những công trình kiến trúc khác không phải để bài trí tượng Phật mà là nơi bảo tồn sách kinh Phật, lớp học đạo pháp và nhà ở của người tu hành.
Vào thời Trần, có bước đột phá tuyệt vời, sáng tạo ra loại hình kiến trúc “đặc sản” của riêng người Việt Nam, đó là tòa thượng điện. Thượng điện hình thành bởi sự sáp nhập của 2 kiến trúc Phật giáo: Tháp Phật và tịnh xá. Bởi vậy, tòa thượng điện gánh gồng luôn cả 2 chức năng: vừa là nơi để chiêm bái Phật, vừa để tu tập đạo pháp. Hơn thế, sự hòa quyện giữa Phật giáo và tục lệ thờ cúng tổ tiên, đã làm nên nét độc đáo của tòa thượng điện Việt Nam.
Khi trình độ văn hóa ngày càng phát triển, không chỉ dừng lại ở tòa tháp mang tính mô hình, con người biết tạc tượng Phật biểu thị cho lòng ngưỡng vọng. Hòa chung dòng chảy văn hóa Phật giáo, trong tháp Phật không thể thiếu tượng Phật, trong tòa thượng điện luôn bài trí hệ thống tượng Phật đa dạng phong phú, thêm vào những bát nhang nghi ngút khói trầm. Nhân dân, Phật tử thờ cúng Phật giống như thờ cúng tổ tiên. Bởi vì nó tương đồng với nghệ thuật điêu khắc trên tháp Phật của những nền văn hóa Phật giáo khác cùng thời. Dấu tích thời Trần sót lại chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Phổ Minh...nằm trên bộ vì kèo, không chỉ ở kết cấu chồng rường mà chính là ở lá đề nơi giá chiêng. Tháp Chàm cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, các vòm cuốn trên cửa các tháp Chàm đều có hình lá đề. Những chiếc lá đề này không còn thấy hiện hữu trong kiến trúc ở các thời đại sau này. Vào thời Trần, có sự cách tân sáng tạo thành hình đôi rồng chầu mặt trời. Như vậy tháp thờ Phật đã tiến hóa thành tòa thượng điện trên cơ sở 2 thuộc tính song hành: kế thừa và sáng tạo.
- Kiến trúc chùa Việt
Ngày nay, công trình thiết kế chùa 2 tầng thuộc vào kiến trúc tâm linh đặc biệt tại Việt Nam. Những ngôi chùa này vừa là nơi để truyền bá những đạo lí, tư tưởng Phật Giáo vừa là nơi thăm quan, du lịch cho khách thập phương. Kiến trúc mái 2 tầng hay còn gọi là 8 mái, phần mái sẽ được gắn đầu đao, để bảo vệ góc tâm linh cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ. Gạch hoa chanh, kết hợp với hệ ngói âm dương hòa quyện tạo nên nét đẹp cổ truyền của Việt Nam…
Ứng với mỗi vùng miền Bắc - Trung- Nam đều có những nét riêng biệt trong thiết kế kiến trúc. Điểm nhấn ở đây chính là mái chùa. Mái chùa theo kiến trúc Việt Nam khác hoàn toàn so với các nước bạn bè khác như Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan,.. Mái chùa Việt thường sẽ có độ cong nhẹ, theo phương pháp “Tàu Đao Tá Mái”, nghĩa là ở phần góc mái sẽ có độ cong uốn ngược (gọi là Đao Quật). Từ đó, góp phần làm tăng sự uy nghi của không gian chùa. Các lối lên xuống, sân, đường đi, được lát bằng các vật liệu truyền thống đặc trưng như đá xanh, gạch, đất nung Bát Tràng, gạch hoa gốm tạo nên một tổng thể di tích trang nghiêm, thuần chất Việt.
Phía trước mặt chùa được thiết kế với hai hành lang đi tỏa ra hai bên chắc chắn, uy nghi và một chiếc cổng gỗ được đặt chính giữa, tạo ra thế tụ thành một điểm trở về với cõi tâm linh. Tam bảo được thiết kế và xây với nét kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, bền vững, và được nối chung với dãy hành lang bao quanh chùa, tam bảo như một điểm nhấn về không gian và kết hợp với cụm chùa chính, làm nên một tổng thể cân đối cho toàn thể công trình chùa.
* Kiến trúc điện Phật (Thượng điện)
Kiến trúc chùa tại Việt Nam có sự hình thành và phát triển khá phong phú, đa dạng. kiến trúc chùa ở các địa phương phong cách không đồng nhất và có sự thay đổi phụ thuộc theo yếu tố địa lý và khí hậu. Nhưng kiến trúc phổ biến nhất chiếm đa số là bố cục kiến trúc theo hình chữ “đinh”, chữ “nhị” và chữ “công”. Theo đó, chùa chữ “đinh”, bên ngoài rộng 5 gian hoặc 7 gian. Chữ “nhị” phức tạp hơn thường để nói về một công trình gồm nhiều công trình đơn lẻ, có hành lang bao quanh hoặc tường vây quây kín. Chữ “công”, hay còn gọi là kiến trúc “nội công ngoại quốc” là dạng bố cục bên trong hình chữ I, bao bọc bên ngoài là kiến trúc hình vuông.
Ngày nay chúng ta thường thấy nhất là kiến trúc các chùa khu vực Bắc Bộ là theo kiểu chữ “đinh” Phần lớn các công trình kiến trúc thuộc dạng đầu hối bít đốc với phần mái và kiểu tầu đao lá mái với các đầu đao cong vút, (kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, bẩy góc), do đó không xoè rộng như mái các nước làm theo phương pháp “chồng đấu tiếp dui”. Hình thức cũng khác hơn do mái Việt Nam dốc thẳng từ đường bờ nóc xuống dưới cùng để tỳ lên chân tầu lá mái ở bên dưới… Kết cấu ngôi chùa Việt đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu là khung gỗ mái ngói đặt trên nền bằng đất, đá đắp cao hơn so với xung quanh. Kiến trúc các công trình thường được tổ hợp từ các gian vì kèo với số gian lẻ, độ sâu lòng nhà xác định dựa trên số hàng cột trong một gian vì kèo. Hệ khung gỗ dễ tháo lắp, vận chuyển, vững chãi nhờ các mối liên kết bằng mộng. Sự lắp ghép bộ vì thể hiện ở khoảng cách giữa các cột (câu đầu, xà nách) và hài hoà với độ dốc của mái (kẻ, bẩy). Trên các dạng thức này, người thợ có thể sáng tạo ra các kiểu bộ vì chồng rường đấu, giá chiêng, kẻ ngồi, kẻ truyền, kẻ hiên... theo công thức xác định khoảng chảy của độ dốc công trình: “câu tam, cổ tứ, huyền ngũ” tức là một tam giác vuông chiều đứng 3 phần, chiều nằm 4 phần, đường huyền ba phần, và phù hợp với điều kiện khí hậu miền Bắc của nước ta.
* Bố cục khu trung tâm điện thờ
Tuy cùng là công trình kiến trúc Phật giáo, có thể cùng cả hệ phái Bắc Tông nhưng chùa miền Nam và chùa miền Bắc lại có không ít những điểm khác biệt từ cấu trúc, kiến trúc đến cách bài trí tượng thờ. Chùa Miền Nam bày trí tượng Phật đơn giản hơn, chính điện các chùa ở miền Nam thường chỉ có một tượng Phật lớn hơn cả ở giữa chính điện, thường thì là tượng Phật tổ Thích Ca Mâu Ni.
Ngoài ra có thể có tượng Di Đà Tam tôn và tượng Cửu Long với kích cỡ nhỏ hơn ở hàng phía trước.
Hành lang chùa ở miền Nam thường không có tượng trong khi nhiều hành lang ở miền Bắc có thể đặt các vị La hán,…
Chùa Miền Bắc thường có nhiều tượng hơn ở miền Nam với cách bài trí mang nhiều đặc trưng của truyền thống Phật giáo Bắc Bộ.
Điện thờ Phật của chùa, thông thường bao gồm 3 ngôi nhà nằm kế tiếp nhau: Tiền đường; Thiêu hương; Thượng điện.
Tiền đường là căn nhà ngoài, nơi tín đồ thiện nam tín nữ tụ tập, dâng hương hành lễ cầu Phật. Hai bên có thờ các tượng Đức ông, Đức Thánh Hiền; hộp pháp… Phật giáo luôn có sự kết hợp hài hòa, hòa điệu giữa cương và nhu (Hai bức tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác, giữa tĩnh và động (Tượng Kim Cương động, tượng Tuyết Sơn thế tọa thiền tĩnh là mô tả ngài Thích Ca giai đoạn tu khổ hạnh ở núi Tuyết với vẻ khắc khổ đang ngồi thiền định, tĩnh lặng và trầm mặc), giữa chi tiết và tổng thể, giữa thoát tục và thế tục. Tượng tạc tư thế ngồi nên có bố cục hình tròn. Dạng bố cục theo hình tròn luôn kết nối với sự chuyển động, tuần hoàn, tính quy luật và sự chuyển động của dòng tâm tưởng. Quy tắc thống nhất giữa tĩnh và động trở thành quy tắc sáng tạo phổ biến đối với tác phẩm nghệ thuật Phật giáo.
Thiêu hương: là nơi đốt hương, gõ mõ, tụng kinh. (còn gọi là chiếu, hoặc toà giữa để sự trụ trì ngồi tụng kinh)
Thương điện: gồm nhiều tượng Phật đặt trên các bệ xây từ thấp đến cao, tượng trưng cho sự tu hành và đắc đạo của các Đức Phật gọi là “Tam bảo”. Hệ thống tượng Phật trong chùa theo diễn biến lịch sử có nhiều thay đổi như: Vào thời Lý mới chỉ thấy có một pho tượng Phật A Di Đà. Đến thời Trần phát triển thêm tượng Tam thế với 3 pho gồm: Quá khứ, Hiện tại và Vị Lai. Từ thời Lê tới nay điện thờ Phật ngày càng có nội dung phức tạp hơn, có những địa phương thờ cả Ngọc Hoàng, Đế Thích Thập điện Diêm vương; Thổ công, Thổ địa trong chùa.
Ngoài khu trung tâm, kiến trúc chùa còn có một dãy hành lang bao quanh 3 mặt và một sân rộng, phía trước chùa là Tam quan hay đơn giản hơn là 4 cột trụ. Tùy theo diện tích của chùa, các công trình kiến trúc trong chùa nhiều hay ít điều tùy thuộc vào quy mô và phong tục tập quán từng địa phương. Đặc biệt ở các làng quê, khi chọn vị trí để xây chùa, người xưa thường ưu ái chọn những địa điểm gắn với cảnh quan thiên nhiên như hồ nước, sông, núi... chứa đựng đầy đủ các tính chất và yếu tố tạo nên một chốn tâm linh cho mọi người bốn phương quy tụ trở về nơi đây thành kính dâng hương.
* Nghệ thuật điêu khắc và trang trí trong chùa
Do biểu hiện của cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam gắn liền với lý thuyết tổng thể - một nguyên lý sáng tạo điển hình phổ biến trong văn hóa văn nghệ, nên chúng ta có thể nắm bắt được toàn bộ bản chất sâu sắc nhất của cái đẹp, đặc biệt là với cái đẹp của nghệ thuật Phật giáo[7].Tính tổng thể là tính quy định chung cho các yêu cầu về sự toàn vẹn, tính chỉnh thể, cái tổng hòa, sự hòa hợp, cái hoàn mỹ của mọi cái đẹp trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc Phật giáo nói riêng, là do chỗ: “Tổng hợp là một trong những đặc tính của lối tư duy nông nghiệp, chính vì thế tổng hợp là đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo Việt Nam[8]”. Điều này lý giải đặc trưng dung hòa, dung hợp cao trong tư duy người Việt, điển hình là sự dung hòa giữa tín ngưỡng bản địa và sự du nhập tôn giáo ngoại lai.
Đặc trưng nổi bật của biểu tượng giá trị nhân sinh quan của dân tộc trong cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt biểu hiện đặc sắc thông qua khắc họa tính biện chứng của cặp giá trị của Thân và Tâm. Dùng cái tĩnh của tâm để đối diện với cái động của cuộc sống vô thường. Tuy nhiên, nghệ thuật Phật giáo lại biểu hiện cái động trong thế tĩnh, có những nguyên tắc đặc thù phổ quát riêng, song khi kết hợp với tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo đã tuân thủ những quy tắc mà nó lấy làm nội dung cho sự biểu hiện. Đặc trưng nổi bật của nghệ thuật Phật giáo là xây dựng một hệ thống quần thể các biểu tượng chú trọng tạo hình hướng tâm.
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, sự thưởng ngoạn cái đẹp nghệ thuật lệ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật thường bị xếp vào thứ hạng thấp của sự thưởng ngoạn. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc vốn sử dụng nhiều chất liệu vật chất và liên quan đến kỹ thuật, song trong những lĩnh vực này, lý tưởng nghệ thuật đòi hỏi một sự hướng tới của giá trị vật chất phiêu lên các giá trị tinh thần, hoặc tinh thần biểu hiện một cách hài hòa, đầy mỹ cảm trong các chất liệu vật chất cụ thể.
Điêu khắc và kiến trúc trang trí trong chùa cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Các công trình kiến trúc cổ không chỉ riêng kiến trúc tín ngưỡng, mà còn là một bộ môn tạo hình không thể thiếu trong trang trí nội ngoại thất, từ mái, bệ cửa, bậc cấp, lan can cho đến cột kèo, xà bảy, hổ phù, cửa võng, cửa sổ…đều có trang trí chạm trổ tùy loại hình quy mô và thứ bậc kiến trúc như: hình rồng, hoa sen, các chữ tượng hình…, để làm nội dung điêu khắc thường phản ánh tính chất phong kiến, tôn giáo, xã hội, đưa công trình lên một tầm giá trị nghệ thuật mới.
Ðối với các công trình chùa hiện nay, điêu khắc trên cấu kiện là tương đối phổ biến, những hình ảnh rồng phượng, hoa lá...Trên bờ nóc thường trang trí con kìm ở hai đầu, giữa là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt hoặc lưỡng long tranh châu. Trên hai đầu hồi ở dạng công trình đầu hồi bít đốc có thể không trang trí gì chỉ để gạch trần hoặc trát vữa quét vôi, đôi lúc trang trí dạng hổ phù, Long hàm thọ hoặc hoa văn.
Chân tảng, bậc cấp hay thành bậc chạm trổ khéo léo cũng mang lại những thụ cảm mỹ thuật đủ kiểu được thể hiện đã làm cho tiếng nói mỹ thuật của ngôi chùa đôi khi đặc trưng cho cả một thời kỳ. Tuy nhiên, ở ngôi chùa do tính chất tôn giáo trang nghiêm nên không có những mảng chạm khắc về cảnh sinh hoạt dân gian.
Các lớp tượng cũng được phân bố theo các lớp kiến trúc tạo nên các con đường ngang dọc trong không gian chùa. Tượng thờ được bài trí qua các thời kỳ song song với việc phát triển kiến trúc và là một trong những nguyên nhân mà bố cục ngôi chùa thay đổi. Khác biệt trong bài trí tượng thờ không chỉ ở quy mô của Phật điện mà còn do ảnh hưởng của tông phái, do trình độ của người trụ trì, và do nhân dân Phật tử cúng tiến...
- Giá trị cấu trúc và mỹ thuật
Ðặc điểm chùa miền Bắc là thống nhất, không gian kiến trúc nói chung thường thiên về chiều ngang hơn chiều dọc với kiến trúc thường thấy nhất là chữ “đinh”, chữ “công”, “nội công ngoại quốc”. Chùa Bắc Bộ phần lớn chỉ sử dụng cho mục đích thờ cúng của chư tăng và tín đồ, rất ít chùa có giảng đường, trong khi miền Nam thì rất nhiều chùa có giảng đường để làm việc, học tập và tiếp khách của chư tăng trong cùng khuôn viên chùa. Tính truyền thống được bảo lưu lâu dài trong kiến trúc chùa Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ do con người coi trọng và có ý thức gìn giữ những thành tựu trong quá khứ. Còn Nam Bộ, kiến trúc chùa vô cùng đa dạng do tính cởi mở của người dân nên kết cấu hiện đại thậm chí mỹ thuật của Ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Quốc, Phương Tây... xuất hiện trên hình thức khá nhiều ngôi chùa.
Về kiến trúc, chùa chiền Bắc Bộ vẫn mang tính chất cổ kính, thâm nghiêm. Ðiêu khắc trên kết cấu được chú trọng ở miền Bắc, hệ thống tượng thờ đa dạng và phong phú. Hầu hết các chùa đều có gian thờ mẫu, ban thờ các nhân vật của Nho giáo và Ðạo giáo.
Kết cấu ngôi chùa Bắc Bộ chủ yếu là khung gỗ mái ngói đặt trên nền bằng đất, đá đắp cao hơn so với xung quanh. Kiến trúc các công trình thường được tổ hợp từ các gian vì kèo với số gian lẻ, độ sâu lòng nhà xác định dựa trên số hàng cột trong một gian vì kèo. Hệ khung gỗ dễ tháo lắp, vận chuyển, vững chãi nhờ các mối liên kết bằng mộng. Ðối với kết cấu gỗ, trang trí chủ yếu tập trung vào các đầu xà, ván mê, cốn, nơi mà tác dụng chịu lực chỉ là phụ, còn ở các vì kèo thì thường được chạm nông để bảo đảm được tính vững bền của kết cấu.
Kết luận
Đạo Phật vào nước ta và định hình rất sớm ở vùng châu thổ sông Hồng, cùng với sự du nhập của Phật giáo là sự ra đời của các ngôi chùa. Đồng bằng Bắc Bộ có nhiều chùa, mỗi ngôi chùa đều chứa đựng những vết tích thăng trầm của thời gian và lịch sử của sự giao thoa văn hoá. Ngôi chùa là trung tâm tôn giáo, cùng là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng xã, và cũng là trung tâm lễ hội của địa phương trong xã hội hiện đại. Cho nên dân gian có câu “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Suốt quá trình hình thành và phát triển, chùa tháp không chỉ là nơi để người dân tới lễ Phật, nghe giảng kinh mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân, diễn ra hoạt động tâm linh, cầu chúc dân an, vật thịnh, gửi niềm tin, khát vọng cuộc sống; cũng là trường học giáo dục đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền bá tinh thần vị tha, bác ái, từ bi hỉ xả, thoát tục giữa đời thường.
Mỗi ngôi chùa là kho tàng lịch sử văn hóa lưu giữ nhiều nguồn tài liệu, di vật, cổ vật có giá trị, mang tiếng nói của lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật và thực hành tín ngưỡng văn hóa dân gian. Cảnh chùa, dáng tháp, ao sen, tiếng mõ, tiếng chuông luôn nằm trong tâm thức của người Việt, góp phần tạo nên sự phong phú và đặc sắc của ngôi chùa Việt Nam.
TT. Thích Thiện Hạnh - Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
TT. Thích Thiện Hạnh - Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Tài liệu tham khảo
- Đặng minh Châu (Thích Bảo Nghiêm) (2010), Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Triết học.
- Nguyễn bá Lăng (2015), Kiến trúc phật giáo Việt Nam. Tập 1-3, nxb. Vạn Hạnh
- Thích mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử lược.
- Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam.
- Trần Bá Lãm, La Thành cổ tích vịnh (Triều Lê).
- Kiêm Đạt, Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo.
- Huỳnh ngọc Trảng (Nguyễn Tuấn dịch), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo.
- Đại Việt sử ký toàn thư (1971), tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Uông Chính Chương (2002), Mỹ học kiến trúc, Nxb Xây dựng, tr. 26, 46.
- Nguyễn Hùng Hậu (chủ biên) (2005), Đại cương triết học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa.
- Đặng Quý Khoa (1992), Giáo trình bố cục, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tr. 19- 26.
- Chùa Việt Nam (1993), Viện khoa học Xã hội Việt Nam.
- Vào chùa thăm Phật (1991), Nxb. Công an nhân dân.
- Thích Tâm Thiện, (1995), Tư tưởng Mỹ học Phật giáo, Thành hội Phật giáo TP. HCM xb.
- Võ Văn Tường, (1995), Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, Nxb. Thông tin, Hà Nội.
- Kiến trúc cổ Việt Nam: Kiến trúc chùa (bài 1), https://toquoc.vn/kien-truc-co-viet-nam-kien-truc-chua-bai-1-99212428.htm
[1]Chùa Một Cột ở phố cùng tên thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là bộ phận Tháp (Phật đài, Liên hoa đài) độc đáo của ngôi chùa cổ, tên là Diên Hựu. Vì vậy, chùa còn có tên là chùa Diên Hựu (Phật đài, Liên hoa đài), được xây dựng vào thời Lý.
[2]Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1998, tr. 272 viết: “Đinh Dậu, Long Thụy Thái Bình, năm thứ 4, mùa Xuân tháng Giêng xây bảo tháp…” Sách Đại Nam nhất thống chí, nxb. Khoa học xã hội, 1995, tập 3, quyển 13, tỉnh Hà Nội, mục Chùa, tr. 206 viết: “Chùa Báo Thiên ở thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, Xưa gọi là phường Báo Thiên do Lý Thánh Tông dựng, lại xây bào tháp Đại Thắng Tư Thiên, cao mấy chục trượng, gồm 3 tầng… Đến đời Nhà Hồ, đỉnh tháp đổ, An phủ sứ Đông Đô vì không báo tai nên bị biếm. cuối đời Tây Sơn cho dỡ lấy gạch ngói để làm việc xây dựng…”. Và Tháp Báo Thiên đã được hai danh sĩ Phạm đình Hổ, Nguyễn Án viết như sau trong sách Tang Thương Ngẫu Lục: Cây “Tháp Đại Thắng Tư Thiên” tại chùa Báo Thiên dựng từ đời Lý Thánh Tông. Tháp này xây 12 tầng, cao mấy chục trượng… Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều (Lê Lợi) tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành-sơn-hầu Vương Thông phá hủy cây tháp (lấy vật liệu) chế ra sung đồng để giữ thành (1414). Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên … Năm Giáp dần (1791) lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá”.
[3]Theo bia Bia Vạn phúc đại thiền tự bi dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1686), hiện để ở sân chùa, có ghi thì chùa toạ lạc trên một vị trí khá đẹp “núi đẹp Phật Tích ứng thế ở phương Nam, núi Phượng Lĩnh bọc vào. Sông Ngưu Giang án đỏ ngưng lại vuông tròn; nước trong leo lẻo huyền hư, núi cao vòi vọi sáng loà. Bên trái mạch nước rồng xanh chảy vòng quanh, bên phải núi hổ trắng chầu vào”.
[4]Chùa Lãm Sơn được triều Lý cho xây dựng vào tháng 8, năm Bính Dần (1086). Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 11 còn ghi chép về sự kiện này một cách ngắn gọn như sau: “Làm chùa ở núi Đại Lãm”.Cũng theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, thì quá trình xây dựng chùa Lãm Sơn rất công phu và kéo dài trong nhiều năm liền. Sau khi khởi công xây dựng hai năm, tức vào năm Mậu Thìn (1088), vua Lý Nhân Tông cho xây tháp ở chùa. Tháng 4, năm Giáp Tuất (1094), tháp ở chùa Lãm Sơn mới được xây xong. Đến mùa thu, tháng 9 năm Ất Dậu (1105), vua Lý Nhân Tông lại tiếp tục cho làm ba ngọn tháp chỏm đá. Như vậy, trải qua gần 20 năm xây dựng, chùa Lãm Sơn mới được hoàn thành. Chùa Lãm Sơn được xem là một trong những đại danh lam, trung tâm phật giáo của Việt Nam lúc bấy giờ.
[5]Chùa Ngô Xá là một ngôi cổ tự nhỏ xinh được khởi dựng từ thời Lý, dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Ban đầu, chùa nằm trên đỉnh núi. Văn bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 (1670) tại chùa Ngô Xá cho biết “đầu triều Lý có ba bà Hoàng hậu xây chùa thờ Phật, xung quanh có 8 tòa nằm ở trên đỉnh núi. Trung tuần tháng 2 năm Đinh Hợi (1107) nhà vua ngự tới thăm chùa này”. Sau khi quân Minh xâm lược, chúng đã phá hủy toàn bộ công trình kiến trúc chùa và tháp Chương Sơn chỉ còn có tượng Phật bằng đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi mà thôi...Đến thời Nguyễn, thiền sư Thiềm Quang (quê Thiêm Lộc, nay là xã Yên Chính) về tu hành, đã “cho tu sửa lại Tiền đường, Hậu điện và mời thợ về tô son thếp vàng lại tượng pháp” và di chuyển ngôi chùa từ trên đỉnh núi xuống phía Nam sườn núi Ngô Xá như hiện nay.
[6]Theo sử sách ghi chép lại, chùa Long Đọi Sơn do vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054. Đến năm 1121, vua Lý Nhân Tông tiếp tục tôn tạo và xây bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh.Đến đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa bị phá hủy nhiều. Đến cuối thế kỷ XVI (khoảng năm 1591), nhân dân địa phương đã tiến hành sửa sang, trùng tu lại ngôi chùa.
[7]Tác giả bài viết: Tư liệu- Thăng Long Librarry, Bộ Môn Tôn Giáo học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội
[8]Thuận Phước (2011), “Phong tục dân gian nghi lễ thờ Phật”, Nxb. Thời đại, tr. 20 - 21.