Hạnh lắng nghe
Bồ-tát Quán Thế Âm tại chùa Huê Nghiêm - Ảnh: Bảo Toàn
Riêng tôi, có lúc lắng nghe, có lúc không nghe. Chúng ta tu Một ngày an lạc, có trường hợp cần lắng nghe, có trường hợp không nên nghe. Chúng ta cần suy nghĩ ý này để áp dụng đúng đắn trong cuộc sống.
Vì hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quan Âm chỉ cho những người hành sáu pháp Ba-la-mật, chủ yếu là Bồ-tát sơ địa trở lên. Còn các Bồ-tát tập sự nằm trong tam Hiền là Bồ-tát Thập trụ, Bồ-tát Thập hạnh và Bồ-tát Thập hồi hướng.
Bồ-tát Thập địa mới phát tâm, nhưng phát tâm khác với hàng phàm phu và hàng Nhị thừa phát tâm cũng khác nữa. Hàng Nhị thừa đã đắc La-hán mới phát tâm hành Bồ-tát đạo, đó là con đường tốt đi lên, mới phát tâm, nhưng là sơ phát tâm của hàng La-hán. Còn chúng ta là phàm phu, khi thọ giới, Hòa thượng hỏi quý vị phát tâm chưa. Quý vị trả lời Dạ, đã phát tâm. Nói như vậy, nhưng mình còn nhiều phiền não, nghiệp chướng, trần lao, chưa dẹp được phiền não của mình, lại muốn dẹp phiền não cho người, thật là nguy hiểm. Nghiệp chướng của mình chưa cởi được, nhưng đòi cởi nghiệp chướng cho người.
Vì vậy, hàng phàm phu có nhiều người phát tâm, nhưng thành tựu được Bồ-tát hạnh, thì thật là hiếm. Thật vậy, Thành hội tổ chức giới đàn, thường có trên một ngàn cư sĩ thọ Bồ-tát giới, nhưng hành Bồ-tát đạo thì ít người đạt kết quả và phát tâm rồi lại thoái tâm.
Hàng Nhị thừa phát tâm, nhưng gặp khó khăn, không chịu nổi, thì thụt lùi lại, tu hạnh Thanh văn. Điển hình như Xá Lợi Phất đắc La-hán và phát tâm Đại thừa, tu Bồ-tát pháp, thực hành sáu pháp Ba-la-mật, trong đó có hạnh bố thí làm đầu. Từ bố thí ngoại tài, những vật mà mình không cần thì mình tặng cho người dùng. Hoặc là vật mình cần, nhưng người cần hơn, mình vẫn cho họ, vì họ làm lợi ích nhiều hơn. Thí dụ Bồ-tát Vô Tận Ý có xâu chuỗi ngọc quý, nghe Bồ-tát Quan Âm có hạnh cao tột, ngài mới cúng Quan Âm xâu chuỗi để vị này làm được lợi ích cho nhiều người.
Qua giai đoạn hai, bố thí nội tài là những vật bên trong thân này. Tài sản là ngoại tài. Người ta thường coi thân tứ đại này là vật sở hữu chính yếu, nhưng đối với người hiểu đạo, những gì khi chết không đem theo được, nên coi thân mạng này là ngoại tài.
Phổ Hiền Bồ-tát bảo chúng ta rằng nếu là người trí thì nên suy nghĩ những gì đem theo được khi chết là nội tài; cái gì không mang theo được, chúng ta xả, coi như là ngoại tài.
Về nội tài, cái quý nhất của chúng ta là mắt, tai, vì không có nó, chúng ta không thể nghe, không thể thấy được, bị trở ngại nhiều trong mọi sinh hoạt của đời sống. Còn bốn giác quan khác cũng quý, nhưng xả được, như thân chúng ta cũng xả, lưỡi hay xúc giác cũng bỏ được.
Có hai tai để chúng ta nghe, nhưng chúng ta nghe gì. Đương nhiên hàng phàm phu muốn lên Thánh vị, phải lắng nghe pháp âm Phật. Còn nghe chuyện phiền não của chúng sanh, chúng ta đã phiền não rồi, mà còn nhận thêm phiền não nữa, thì không chịu nổi.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, khi tu Thanh văn, đầu tiên, không thấy, không nghe việc thế tục, nhưng lắng nghe pháp âm Phật, chỉ nhìn thấy hảo tướng Phật. Khi bế quan, người ta thường bịt mắt, bịt tai lại để không thấy không nghe, nhưng tôi bế quan bằng cách kiết thất ở trong phòng, không tiếp xúc với người, không tiếp xúc với phiền não, trần lao bên ngoài, nhưng dành thì giờ thọ trì kinh điển và tiếp xúc với Phật qua tượng Phật.
Như vậy, muốn được thanh tịnh, chúng ta nhìn Phật và lắng nghe pháp âm Phật. Nhiều người sai lầm, cứ thích lắng nghe chuyện thiên hạ và đem nó vào tâm mình, rồi tới đạo tràng này tuyên truyền chuyện phiền não của chúng sanh, tới đạo tràng khác, phổ biến chuyện thiên hạ, cuối cùng, họ nghe nhiều, biết nhiều thì phiền não nhiều và tự biến mình thành ác ma. Và từ lắng nghe thế sự, nên mặt họ hiện tướng phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Ai thấy họ cũng sợ, cũng ghét, không dám gần gũi; tu như vậy, thật là nguy hiểm. Hàng phàm phu lắng nghe coi chừng rơi vô tình trạng này.
Bồ-tát lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh để cứu giúp họ. Còn chúng ta nghe, nhưng không cứu được, vì chưa cứu mình nổi, mà đòi cứu người là sai lầm.
Tu hạnh Thanh văn, mới vô chùa, được dạy ba pháp: Không, vô tác, vô nguyện và quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Nói cách khác, không nghe, không biết trần gian, vì tất cả những gì của trần gian chỉ là ảo giác, là phù vân, nên chúng ta không bận tâm.
Vì vậy, hàng Thanh văn không nghe, không biết, không thấy. Nếu Thanh văn nghe nhiều, không giải quyết được và đưa vào tâm mình, làm phiền não nổi dậy, cho nên phải xả bỏ, không nghe, không thấy, gọi đó là thoái chuyển Thanh văn. Điển hình như Xá Lợi Phất tu hành, chứng đắc La-hán và ngài phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo. Trời Đế Thích biết Xá Lợi Phất phát tâm, mới hiện ra là người Bà-la-môn để thử ngài. Ông chặn đường Xá Lợi Phất, rồi khóc than.
Quý vị lắng nghe, coi chừng gặp tình huống này. Người đến khóc than, ta coi họ thiệt, hay giả. Nếu biết đó là Đế Thích thử thì khác. Nếu ta biết họ là chúng sanh đau khổ thiệt thì cũng khác. Hoặc là họ giả vờ khổ. Đó là ba trường hợp khác nhau, Bồ-tát hiện ra, hay chúng sanh đau khổ cần cứu giúp, hay là ác ma.
Quý vị phát tâm Bồ-đề, nhưng không có trí tuệ, thường bị lầm ác ma là Bồ-tát. Họ muốn xin, nên tạo ra cảnh khổ giả cho chúng ta động lòng. Họ thấy chúng ta là Phật tử phát tâm bố thí, cúng dường, nên họ giả làm sư ôm bát khất thực. Nếu là Bồ-tát thật hiện ra, chúng ta cúng cũng tốt.
Đức Phật nói chuyện đời trước của A Na Luật là nông dân nghèo khổ. Lúc đó, có một vị A-la-hán thấy A Na Luật có duyên với ngài, nên xuống độ. Vị La-hán nói ngài tu hành thật thì không phải vì đói mà đi xin. Ngài là Thánh La-hán, vì độ đời, mà đi khất thực, nhưng bảy ngày mới đi khất thực một lần và đi đúng bảy nhà thôi. Và bảy nhà này đều có duyên với ngài, ngài đến để họ trông thấy hình dáng của Thánh Tăng mà phát tâm Bồ-đề. Nếu không ai cúng dường, ngài về, vì ngài đi khất thực để gieo duyên.
Ngài đi ngang A Na Luật. Ông đang làm ruộng, thấy Thánh Tăng khất thực mà ông chỉ có lon cơm, mới nghĩ rằng mình có duyên lớn được gặp vị này, liền cúng dường lon cơm, dù phải nhịn đói. Nhờ phước cúng dường vị Thánh Tăng, mà ông được phước lớn, đời đời sanh ra làm vương tử, sanh trong nhà giàu có, nhiều của báu.
Hoặc trường hợp Kiết Tường cúng Phật một bó cỏ để Ngài trải làm tọa cụ ngồi thiền định dưới cây bồ-đề. Nhờ công đức cúng dường Phật, ông sanh làm Thiên tử, không bao giờ bị đọa. Vì cúng dường Ngài thành Phật giáo hóa vô số chúng sanh, nên phước đức giáo hóa của Phật cũng chia phần cho ông. Ngày nay, chúng ta tu được cũng chia công đức cho ông Kiết Tường Thiên, dù ông chỉ cúng một bó cỏ, nhưng được công đức lớn lao như vậy.
Còn Phật tử phát tâm cúng hết tiền của cho các thầy, nhưng lại trở thành nghèo khổ, rồi than trời trách đất. Một bà thí chủ cúng dường cho một thầy, rồi người này hoàn tục, khiến bà khổ tâm. Tôi nói tại bà cúng mà hại ông này không tu. Có người cúng dường sanh phước, nhưng cũng có người cúng dường sai lầm bị đọa.
Trở lại câu chuyện Xá Lợi Phất không vượt qua được thử thách của Bà la môn, ngài không tu hạnh Bồ-tát, mà lùi xuống làm Thanh văn, không phải ngài bị đọa. Khi nghe Bà-la-môn than khóc rằng mẹ của anh ta bị bệnh, cần con mắt của người sống, mới cứu được. Anh xin Xá Lợi Phất cho con mắt của ngài. Xá Lợi Phất liền bố thí, cho con mắt bên trái, nhưng anh Bà-la-môn lại nói con mắt bên phải mới trị bệnh được. Ngài nghĩ nếu không cho thì trái với hạnh nguyện, nhưng cho thì bị mù, rất đau khổ. Nói đến đây, tôi nhắc quý vị nếu tu hạnh bố thí, cẩn thận đừng để mình rơi vào hoàn cảnh đau khổ.
Xá Lợi Phất gắng gượng cho luôn mắt bên phải, nhưng anh Bà-la-môn lại liệng luôn con mắt này. Đó là bị ác ma phá rồi. Nếu là mình, thì chúng ta sẽ xử trí cách nào. Người tới xin, chúng ta phải coi họ là ác ma, hay là Đế Thích hiện ra thử thách, hay là người có duyên tìm đến để ta độ. Còn chúng ta phạm sai lầm, nhận lầm ác ma là người cần giúp thì sẽ bị khổ này chồng chất lên khổ khác.
Hạnh lắng nghe để cứu giúp người hoạn nạn chủ yếu là hạnh của Quan Âm, hay của Bồ-tát sơ địa trở lên. Đức Phật dạy rằng Bồ-tát sơ địa ở nhân gian thường làm người lãnh đạo.
Hạnh của Quan Âm dạy các vị Bồ-tát phải tập lắng nghe, trên lắng nghe pháp âm Phật, dưới nghe quần chúng. Học theo hạnh Quan Âm, đầu tiên chúng ta lắng nghe pháp âm Phật để mở mang trí tuệ của chúng ta. Nhưng chúng ta không nghe trực tiếp từ Phật, thì nghe qua kinh sách. Và từ nghe qua kinh điển, sâu sắc hơn, mình nghe được pháp âm Phật.
Phật tử chùa Huê Nghiêm trong khóa lễ nhân ngày
Vía Đức Quán Thế Âm (19-6-Bính Thân, 2016) - Ảnh: Bảo Toàn
Đối với tôi, khi lắng nghe, tôi thường nói ngay bây giờ và ở đây, Phật sẽ xử trí thế nào. Lắng nghe Phật dạy mình nên làm gì và nghe được Phật dạy làm gì, không bao giờ phạm sai lầm. Nghe Phật bằng tâm thanh tịnh của mình thì huệ mình sanh, sẽ thấy được người trước mặt của mình là chân thật, hay giả vờ. Có huệ Phật, chắc chắn biết rõ điều này.
Phải lắng nghe Phật trước, nghe Phật xong, chúng ta mới lắng nghe chúng sanh. Phật dạy như vầy, chúng sanh như vầy, coi hai điều này có ăn khớp với nhau hay không, chúng ta mới hành Bồ-tát đạo. Vì Phật dạy quả Bồ-đề thuộc chúng sanh, không có chúng sanh, Bồ-tát không thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Phật ví chúng sanh như đất, cây bồ-đề phải trồng trên đất. Chúng sanh không phiền não ví như đất khô cằn, có trồng cây cũng chết. Và chúng sanh không phiền não thì đâu cần Bồ-tát. Vì vậy, mình cho người không cần, làm sao sanh phước. Và cho để họ tạo tội, thì mình phải chia sẻ tội với họ, đó là sai lầm nên thọ quả báo.
Chúng sanh có phiền não và mình lắng nghe, tiếp thu phiền não của họ và làm cho phiền não của họ vơi đi, đó là tu. Thực tế có người đau khổ không tự giải quyết được, chúng ta chịu cực nghe họ, khiến họ vơi khổ. Có khả năng lắng nghe, cảm thông và làm cho người hết khổ là hạnh của Bồ-tát.
Nhưng mình còn nghiệp, còn phiền não, nên nghe xong phiền não của người làm cho phiền não của mình phát sinh thêm. Thí dụ nghe bà này kể nỗi khổ là bị bà khác cướp chồng. Mình nghe cũng đồng tâm trạng này, liền nổi điên, rủ nhau đi đánh ghen. Trước kia có bà vợ của sĩ quan chế độ cũ, vì ghen, đến khóc với bà vợ ông tướng. Bà này nghe xong, bảo anh lái xe đến xử, tai họa ập tới. Nghiệp nặng, không nghe được Phật, nhưng nghe phiền não và lại có quyền thế, tìm cách xử người, là chuốc lấy tai ương.
Trên bước đường tu, tai bên phải nghe pháp âm Phật, tai bên trái nghe chúng sanh và nhờ pháp âm Phật rửa sạch phiền não. Vì vậy, quý vị nghe chuyện thế gian mà lòng không khởi tham sân, phiền não và được pháp Phật hóa giải, mới nghe.
Tượng Quan Âm lúc nào cũng có hình Phật trên đầu, tiêu biểu cho lúc nào cũng nghe Phật, mới nghe chúng sanh. Bao nhiêu khổ đau của chúng sanh đưa vô tâm Bồ-tát, nhờ pháp Phật rửa sạch.
Chúng ta nghe phiền não của chúng sanh mà không khổ và giải quyết được, mới nghe. Nếu không được như vậy, nên tu hạnh Thanh văn, không thấy, không nghe, không biết, đó là bậc thấp của hàng Tiểu thừa phải tu như vậy. Vì nghe mà không cứu giúp được người, lại khổ thêm, tốt hơn là đừng nghe.
Quan Âm cho biết trước kia ngài là nhà lãnh đạo được nhiều người theo, nhưng ngài không chịu nghe ai, chỉ ra lệnh, phán xuống, bắt người làm. Người ta theo ngài vì ngài có phước, giàu có, nhưng phạm sai lầm này, bị phá sản, tất cả mọi người bỏ ngài, mà ra đi. Phật mới hiện ra, khuyên Quan Âm nên lắng nghe người, coi họ muốn gì, làm được gì, mới giao việc và đáp ứng được yêu cầu của người mới thành công.
Quan Âm nhớ lời Phật dạy, không làm theo ý riêng, cho nên tượng Quan Âm có hình Phật trên đầu là vậy. Dù hiện làm ông Tiêu hung dữ để trị cô hồn, nhưng Tiêu Diện Đại sĩ cũng là Quan Âm, nên trên đầu cũng có Phật. Không phải Quan Âm chỉ là cô gái áo trắng hiền lành, dễ thương để người ăn hiếp. Vì vậy, khi Quan Âm hiện ra cô gái hiền lành, xinh đẹp mới bị ông Thiên tướng kiếm chuyện.
Vi Đà Thiên tướng nói rằng bà trẻ đẹp mà không lập gia đình thì uổng. Quan Âm nói bà ở đây để trấn át cô hồn. Thiên tướng mới nói để ông bắt nhốt hết cô hồn. Quan Âm nói nếu ông nhốt hết được cô hồn thì tôi lập gia đình. Vi Đà Thiên tướng liền bủa lưới bắt hết cô hồn. Bấy giờ, Quan Âm mới hiện làm Tiêu Diện phất cờ, làm Thiên tướng không bắt được cô hồn. Vi Đà mang giày sắt bước lên lưng con rùa ở trước thất Quan Âm thì chân bị dính chặt luôn, không bước đi được. Quan Âm mới hiện ra và thuyết pháp cho Thiên tướng. Ông mới nguyện từ đây về sau ông làm Hộ pháp các chùa.
Các thầy thực tu, nhịn đói, không nghĩ đến ăn, thì Hộ pháp kêu người đến cúng dường. Thật vậy, Hòa thượng Huê Nghiêm kể rằng ở chùa Cô Hồn (Long Thành) tu, không ai cúng. Hòa thượng nhịn đói mấy ngày. Tự nhiên cả xóm đều chiêm bao thấy Hộ pháp Vi Đà đến kêu, nói chùa Cô Hồn có ông thầy mấy ngày không ăn cơm, hãy lên cúng dường Hòa thượng. Sáng hôm sau, cả xóm kéo lên chùa, thấy Hòa thượng không có gì ăn đúng như Hộ pháp nói. Cũng nhờ vậy mà cả xóm phát tâm quy y với Hòa thượng. Hộ pháp có nhiều điểm đặc biệt, các chùa thường thờ một bên là ông Tiêu, một bên là Thiên tướng Hộ pháp.
Tóm lại, tu hạnh lắng nghe, chúng ta phải để tai phải nghe Phật dạy và mới nhìn thực tế, lắng nghe đối tác, xem hai điều này có khớp, thì ta tùy duyên giáo hóa, để hóa giải nghiệp cho người và ta cũng sạch nghiệp. Đừng lắng nghe để giữ phiền não của người thành phiền não của mình.