Hòa thượng Thích Trung Quán với Thiền phái Tào Động in dấu ấn tại chùa Bàng Long - Lào
HÒA THƯỢNG THÍCH TRUNG QUÁN VỚI THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG
IN DẤU ẤN TẠI CHÙA BÀNG LONG – LÀO
NCS. Phạm Văn Phượng
Nghiên cứu sinh Bộ môn Tôn giáo học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Nghiên cứu sinh Bộ môn Tôn giáo học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Tóm tắt
Hòa thượng Thích Trung Quán với chí nguyện xuất gia tu học từ tuổi thiếu thời và đắc pháp với sư tổ Thích Đức Nhuận, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đời thứ 49 dòng thiền Tào Động. Bằng nguyện lực độ sinh hộ trì chính pháp, Ngài sang đất nước Lào để tiếp tăng độ chúng, thắp sáng dòng thiền Tào Động, mở ra con đường hoằng pháp kết hợp diệu dụng giữa Bắc tông Phật giáo Việt Nam và Nam tông Phật giáo Lào.
Gần một thập kỷ trụ trì chùa Bàng Long, công đức đạo hạnh của Ngài đã gắn liền với các Phật sự to lớn tại đây: như xây dựng nhiều chùa tháp và phiên dịch kinh điển, tiếp tăng độ chúng kế vãng khai lai làm rạng danh Phật giáo Việt nam trên đất nước Lào. Là bậc chân tu khả kính bậc danh xứng danh Thích tử Như Lai.
Từ khóa: Hòa Thượng Thích Trung Quán, Thiền Phái Tào Động, chùa Bàng Long ở Lào.
- Đặt vấn đề
Nước Lào nằm sâu trong bán đảo Đông Dương, một quốc gia không có biển đảo, địa hình hết sức đa dạng ấn tượng nổi bật của một đất nước núi đồi, cao nguyên thung lũng và đồng bằng chạy dọc theo dòng sông Mê Kông rộng lớn. Cũng giống như các nước trong khu vực Đông Nam Á, Lào là nước đa dân tộc, đa văn hóa từ xa xưa đã tồn tại các hình thức tôn giáo sơ khai như thờ cúng thần linh, thần gió, thần đất, thần nước, thần sấm, thần sét,… bên cạnh các tôn giáo có sẵn thì Bà La Môn được xâm nhập vào đây khá sớm, từ khoảng thế kỷ thứ VIII, nhưng do những lý do khách quan và chủ quan khác nhau đạo Bà La Môn đã bị lu mờ dần được thay bằng Phật giáo theo truyền thống Theravada.
Ngay sau khi du nhập, Phật giáo đã có đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội Lào như hôm nay chính là nhờ vào tinh thần từ bi bác ái hòa quyện vào tín ngưỡng truyền thống các bộ tộc Lào. Để từ đó tinh thần đạo Phật đóng góp đáng kể vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào phồn thịnh, Phật giáo được xem là hơi thở thấm sâu vào từng nhịp đập cuộc sống người dân Lào.
- Hòa thượng Thích Trung Quán với chùa Bàng Long ở Lào
Ở Việt Nam đạo Phật được du nhập từ rất sớm, gắn liền với tinh thần hộ quốc an dân và đời sống tâm linh của người dân Việt. Ngôi chùa là biểu tượng là chốn đi về, nơi gửi trọn niềm tin lên bậc giác ngộ trong dịp tết đến xuân về. Tiếng chuông chùa ngân vang trong mỗi sớm bình minh hay buổi chiều về đã ăn sâu trong đời sống thường nhật “quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm…”. Có thể nói, ở đâu có người Việt sinh sống, thì ở đó có ngôi chùa, càng quan trọng hơn đối với những người xa quê hương phải sống nơi xứ người thì niềm tin tâm linh càng mạnh mẽ hơn.
Mặc dù ở Lào cũng có chùa thờ Phật nhưng theo văn hóa Phật giáo Lào, có nhiều điểm không tương đồng với ngôi chùa làng, với hình ảnh đức Phật đi vào tâm thức người dân Việt. Chùa Phật giáo Bắc tông của người Việt du nhập vào Lào muộn hơn nhiều so với lịch sử di cư của người Việt đến xứ sở chùa tháp này. Có thể nói, mãi đến những năm thập niên đầu thế kỷ 20 thì mới có hình bóng của ngôi chùa Việt trên đất nước Lào.
Lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào được thể hiện qua quá trình ra đời và phát triển của các ngôi chùa Việt ở Lào. Trong số các ngôi chùa được xây dựng trải dài từ thượng trung đến hạ Lào, gắn liền với đời sống tâm linh của bà con Việt kiều cũng như người bản địa chính là ngôi chùa Bàng Long được xây dựng vào những năm 1933 - 1945 tại thủ đô Vientiane. Dưới sự chứng minh của cố Hòa thượng Thích Tố Liên, ngôi tổ đình của Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào đã trải qua nhiều bậc danh tăng trụ trì hoằng dương Phật pháp, kế thừa chư tổ tiền hiền và lưu giữ truyền thống văn hóa tâm linh dân tộc. Tên của ngôi chùa Bàng Long mang ý nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc đó là Hồng Bàng và Lạc Long Quân, để nhắc nhở kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Lào phải biết thương yêu đùm bọc nhau hơn để xứng đáng là con cháu Lạc Hồng.
Trong số những bậc danh tăng thạc đức gắn liền với ngôi già lam Bàng Long, không thể không nhắc tới bậc long tượng trưởng lão Hòa thượng Thích Trung Quán, đạo hiệu Thanh Quất sinh năm 1918 tại làng Hạ Kỳ, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngài xuất gia tu học tại tổ đình Kim Liên (chùa Đồng Đắc) xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngài đắc pháp với sư tổ Thích Đức Nhuận, đệ nhất pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đời thứ 49 dòng thiền Tào Động. Từ năm 1969 đến năm 1978, trong gần một thập niên trụ pháp vương gia ngôi chùa Bàng Long, tên tuổi của cố Hòa thượng Thích Trung Quán đã gắn liền với công tác Phật sự nơi đây. Ngài là người tiên phong tùy thuận điều kiện môi trường văn hóa, xã hội để thắp sáng dòng thiền Tào Động từ Việt Nam, tiếp tăng độ chúng cho cả người Việt và người Lào với hai mươi vị Tăng và ba mươi vị Ni, truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho hàng nghìn thiện nam tín nữ từ Việt nam đến Ai Lao, phát triển dòng thiền Tào Động trên mười ngôi chùa tại Lào. Ngài đã khéo kết hợp hài hòa giữa hệ phái Tào Động Việt Nam và Nam tông Lào trong việc hành trì trên bước đường hoằng dương chính pháp.
Có thể nhận thấy cố Hòa thượng không chỉ là một trong những vị khai sơn tạo tự mà còn có công khai mở dòng thiền thiền Tào Động được lan tỏa tại đây. Bên cạnh sự trang nghiêm ngôi tổ đình Bàng Long giữa thủ đô Vientiane, Ngài còn thắp sáng hồn thiêng ngôi nhà Phật pháp bằng chân đức của mình, tạo cho nơi đây có chiều sâu về tâm linh. Lưu dấu chân tu của Hòa thượng chính là đức tính nhã nhặn điềm tĩnh, khinh tài trọng đức, không màng đến chức tước, danh vọng. Với trọng trách của người sứ giả Như Lai truyền thừa đạo mạch tiếp sáng ngọn đèn Tào Động nên mọi Phật sự dù lớn hay nhỏ Ngài đều hoàn thành viên mãn, trong tâm nguyện luôn ý thức: việc làm không có cao hay thấp, vấn đề là cái tâm của người hành đạo, với một ý nguyện duy nhất “vì lòng thương tưởng, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh”. Đó là lời dạy của bậc đạo sư mà người đã nhập tâm ngay từ buổi sơ cơ hành đạo để rồi suốt cuộc đời của mình.
Mặc dù hành đạo nơi xứ người gặp muôn vàn gian khó, nhưng với lòng bi mẫn lúc nào người cũng xác định đã vào nhà Như lai, mặc áo Như lai, lấy niềm vui của chúng sinh làm niềm vui của chính mình, lấy hạnh phúc, an lạc của chúng sinh làm hạnh phúc, an lạc của chính mình. Với nguyện lực hiến dâng trọn đời mình để phụng sự Phật pháp và hóa độ chúng sinh, gần bảy mươi năm nối gót đức Như Lai, Ngài đã kiến tạo rất nhiều chùa cảnh, dù trong nước hay ở ngoài nước, đi tới đâu cũng ra sức kiến tạo cảnh Phật, làm nơi nương tựa tinh thần cho những người tìm về nguồn cội tâm linh, những pho tượng được ngài tự tay đắp vẽ vẫn tồn tại với phong sương tuế nguyệt, là di sản biểu tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Lào.
Ngoài việc kiến tạo chùa tháp, Ngài còn chuyên tâm vào công trình phiên dịch Phật điển để truyền bá những lời dạy cao quý của Phật đà, trong hơn ba mươi dịch phẩm được ngài phiên dịch như Đại Trí Độ Luận, kinh Hiền Ngu, kinh Phật Bản Tập Hạnh, kinh Thiện Ác Nhân Quả, kinh Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, kinh Đại Thông Phương Quảng, kinh Nhân Vương Hộ Quốc, kinh A Hàm, Biện Minh Tu Chứng tập 1, Biện Minh tu Chứng tập 2, kinh Phật Thuyết Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức,… là tư lương không thể thiếu cho người tu học trên bước đường tìm về bến giác.
Với hạnh khiêm cung được huân đúc từ thuở sơ tâm với thày tổ, với những cống hiến to lớn trong việc hoằng dương chính pháp được mọi người tôn kính là bậc thượng thủ Phật giáo Việt Nam tại Lào, nhưng Ngài không bao giờ có thái độ tự đắc, khoe khoang, luôn giữ gìn nếp sống thiền gia, giản dị, ít nói, mộc mạc chất phát. Sự mộc mạc ấy thể hiện được nét thanh cao của bậc thánh, Ngài đã vượt lên trên sự đối đãi của nhị nguyên, đi qua bóng tối của sự phân biệt, chỉ có ánh sáng vô phân biệt đó mới đem lại an lạc chân thật cho chính mình và cho nhân sinh. Nơi Phật điện chùa Bàng Long, Hòa thượng Thích Trung Quán vẫn hằng ngày nhất tâm chuyên trì trọn bộ kinh Pháp Hoa, đó là một hình ảnh đạo phong, là ngọn lửa thiêng để đèn thiền chính pháp được mãi lưu truyền.
- Đôi lời tạm kết
Gần chín mươi năm trần thế, cố Hòa thượng Thích Trung Quán đã cống hiến trọn đời cho Đạo, cho lý tưởng giải thoát, Người đã giữ trọn giới đức như viên minh châu không nhiễm bụi trần, bậc chân tu đã nhận chân được “vô thường thị thường”. Ngài thuận lẽ sinh tử, trả tấm thân ngũ uẩn vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 1 tháng 4 năm 2013 tại tổ đình Hoa Nghiêm Pháp quốc. Lịch sử đã sang trang, cố Hòa thượng đã nê hoàn nhập diệu, ngôi tổ đình Bàng Long được những đệ tử xuất gia của Ngài duy trì đạo mạch, hưng long Tam Bảo.
Đặc biệt vào năm 2014 nhằm xây dựng chốn tổ ngày thêm tố hảo, thiền phái Tào Động ngày một phát triển, Thượng tọa Thích Thọ Lạc là pháp đệ của Ngài được trung ương GHPGVN suy cử đảm nhiệm ngôi vị trụ trì chùa Bàng Long để tiếp tăng độ chúng. Giờ đây tổ đình một thời Ngài dừng gót vẫn là biểu tượng văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt quay về tu học, đạo phong của Ngài mãi hiển hiện cùng mười phương ba cõi, ngọn lửa thiêng của ngài vẫn đang sưởi ấm trần gian băng giá này, hình ảnh của người Thày khả kính thông tuệ tài đức vấn sống mãi trong tâm khảm của những người con Phật, trang sử vàng son mãi lưu dấu bậc chân tu hiền đức.
Quả thật!
Đèn dẫu tắt nhưng một thời tỏa sáng
Người không còn nhưng thuở đạo mãi lưu danh./.
Tài liệu tham khảo
- Thích Nguyên Dực, Thích Tiến Đạt (2015), Tào Động tông nam truyền tổ sư ngữ lục, Nxb Hồng Đức, Hà Nội
- Nguyễn Văn Thoàn (2019) Văn hóa Phật giáo trong đời sống của người Việt ở Lào, Nxb. Văn hóa- Văn nghệ.
- Kỷ yếu tưởng niệm cố đại lão Hòa thượng Thích Trung Quán
- Báo quốc tế online (26/03/2017)